Tuesday, November 29, 2011

Những vết thương khó lành

Đi khắp các metro Mát-xcơ-va, ta có thể thấy rất nhiều người tàn tật. Với dự đoán quãng tuổi của họ, khoảng 40 đến 45 tuổi, rất nhiều, thì có thể hiểu, đó là các thương binh Liên Xô về từ Afganistan. Cũng có những thanh niên tàn tật, khoảng ngoài 30, thì có thể họ là những thương binh Chécchen của thời Enxin. Cũng có thể, họ bị tai nạn lao động. Nhưng tai nạn lao động gì mà nhiều thế? Chỉ có thể là thương binh mà thôi.

Có lần, có một người thương binh mặc đồ lính khoảng gần 50, ngoài hai chân cụt tận bẹn, mặt thì chằng chịt những sẹo là sẹo, như bị bỏng vậy. Ông ta đi trên một chiếc xe bốn bánh nhỏ, hai tay chống xuống đất bằng hai cái “ghế” con con. Vào toa, ông ta chỉ đi dọc theo toa tàu mà không nói một câu, ai cho gì thì cho. Khi nhét tiền vào túi cho ông, tôi hỏi nhỏ: ở đâu thế? – Afganistan! Quả không cần nhiều lời để hiểu nhau, để biết về một nỗi đau.

Cũng có người khi vào toa nói một câu ngắn gọn: hãy giúp đỡ, tôi là thương binh. Có điều, hầu hết họ đi rất nhanh, như ngượng, như không muốn người khác có thời gian để kịp cho, và nếu ta không có sẵn tiền lẻ sẽ không kịp vì họ đi mất.

Lại có nhiều người, cũng tàn tật, mù có, thiếu chi có, một vài người làm thành hội đứng hát, hát những bài về người lính Nga, về chiến tranh và về sự mất mát trong chiến tranh. Họ hát mà không cần nhìn người xung quanh, còn nếu họ mù thì đương nhiên, không thể nhìn thấy ai. Một điều lạ, là người Nga cho họ khá nhiều tiền, không hề ky bo. Lòng độ lượng của người Nga là đáng nể. Thùng tiền trước mặt những nghệ sỹ thương binh thường lúc nào cũng đầy ắp.

Một lần, tôi phải đuổi theo một người thương binh cụt hai tay, mặt đồ rằn ri khoảng 45 – 50 tuổi. Ông ta đi nhanh quá, nên phải đi từ đầu toa đến giữa toa mới kịp nhét tiền vào túi cho ông. Khi quay lại vì cái vali vẫn để ở đầu toa, một cậu sinh viên nhất quyết nhường chỗ cho tôi ngồi, dù tôi từ chối đến đâu cũng không chịu. Theo cậu ta, nước Nga đáng nhẽ ra phải chịu trách nhiệm về những mất mát đó, nhưng lòng tốt thì lúc nào cũng nên và đáng được trân trọng.

Không phải ở đâu người thương binh cũng có thể có xe ba bánh để đi chở hàng như ở Việt Nam, hoặc tự chở, hoặc đứng tên để cho người khác chở. Cuộc sống của thương binh Nga hẳn cũng rất khó khăn, như bất kỳ đâu trên thế giới, (trên thế giới có lẽ chỉ có thương binh Mỹ là còn dễ thở).

Ta mới hiểu, bất kỳ cuộc chiến tranh nào, dù bên nào thắng thì nhân dân cũng là người bại trận. Những vết thương chiến tranh để lại trên thân thể xã hội đó là không thể lành, không bao giờ lành được…

(Ảnh trên chỉ có tính chất minh họa)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment