Tuesday, December 13, 2011

“Nước VINCOM”


Bà xã mình có một cô thư ký, điển hình của hình mẫu “nhà giàu mới nổi”, cô nàng thích “trông lên”, và hay chê bai.

Hồi trung tâm thương mại VINCOM ở Bà Triệu mới khai trương, cô nàng vào lượn, ngắm nghía, mua sắm và về suýt soa: “Đẹp thế, hoành tráng thế, cứ y như Tây!”. Từ đó, trong giới hạn gia đình mình, mấy bố con nhà mình hình thành khái niệm “đi nước VINCOM” chơi.

Vài tuần một lần, bọn trẻ nhà mình hay đòi xuống VINCOM, chủ yếu là đòi đi chơi trò chơi điện tử ở trên tầng 5. Với mình, cũng tiện vì gần nhà nhiều họ hàng, thăm hỏi luôn cũng tiện. Vì thế, trong danh sách các điểm vui chơi thường xuyên cũng có cái “quốc gia” mới nổi này.

Vào VINCOM, nếu chọn được một góc và đứng quan sát, cũng có nhiều cái hay ho. Mấy bác cán bộ ở các tỉnh về Hà Nội công tác, tranh thủ “tạt té” vào mua sắm cái này, cái kia, nhìn biết ngay. Hàng đàn các bà, các cô “Hà Lội” còn nguyên quần áo ngủ “bộ đồ”, dép xỏ ngón quèn quẹt, nói cười hô hố…

Đang “quan sát” bỗng giật mình vì “Hắt xì hơi, hắt xì hơi, hắắắắắắắắắắắắt xì hơơơơơơơơơơơơơi!!!…” ba tiếng vang động bên tai, nghe thật sảng khoái. Nhìn ra, một anh chàng móng tay dài quặp lại, một chiếc nhẫn to sụ, một chiếc lắc cổ tay và sợi xích đep cổ, mỗi cái cả vài cây vàng ta, một mặt đá xanh to tướng đeo lủng lẳng nơi cổ chạm hình Đức Di lặc tòng teng tô điểm cho sợi xích. “Bộ sưu tập” được hoàn thiện bằng một cái tăm chàng ngậm lệch, hờ hững nơi mép. Tiếp theo “hắt xì hơi” là một tiếng “ợ” thỏa mãn… chàng dắt theo một em chân dài, 10 cái móng của tứ chi đính đá, nguệnh ngoạng trên đôi cao gót 10 phân làm nàng còn cao hơn chàng đến nửa cái đầu, nói líu lo bằng một chất giọng khó xác định tỉnh thành vào cái iPhone 4 đang cầm trong tay…

Một lần, đưa anh cu vào ăn Pizza trong nhà hàng Pizza Hut, tầng 5. Nhà hàng ngột ngạt và ồn ào quá mức do ai cũng cố nói to, át mấy đôi loa công suất lớn đang hú hét. Bàn bên một thanh niên đi cùng vợ và hai con gái, thoải mái phì phèo điếu thuốc. Dẹp nỗi ngần ngại, mình lại gần: “Bạn cũng có trẻ con, mình cũng có trẻ con, có thể làm ơn tắt thuốc được không?”. Một cái trợn mắt không vừa ý có ý đe dọa, gầm gừ trong cổ họng. Một tia nhìn thách thức, muốn gây sự. “Ở đây không cấm hút thuốc!” – “Vâng, không cấm nhưng phòng nó bí quá, vì thế tôi mới đề nghị anh: làm ơn” “thế nếu tôi không tắt thuốc, thì anh định làm gì? Anh biết tôi có thể đánh anh một trận không?” “Tôi không làm gì được anh cả, và hút tiếp hay tắt thuốc là quyền của anh. Câu chuyện này diễn ra trước mắt 4 đứa trẻ của chúng ta, tôi nghĩ rằng, dù anh có đánh tôi một trận, thì con tôi chúng nó sẽ tự hào về tôi, còn con anh, chúng nó sẽ xấu hổ vì anh”. Anh chàng đành hậm hực tắt thuốc lá đi.

Ba ơi, nếu chú ấy đánh ba thì sao? Ba có đánh lại chú ấy không?” – “Nếu chú ấy cho rằng, chú ấy hút thuốc là đúng thì chú ấy có thể đánh ba lắm chứ. Và ba cũng sẽ không đánh lại chú ấy, vì mai, ngày kia, về nhà, chú ấy sẽ nghĩ lại, và có khi sẽ rất ân hận về điều đó”. Cậu cả tròn xoe mắt, nghĩ ngợi,nghĩ ngợi… “Nếu con là ba, con có đề nghị chú ấy tắt thuốc lá không?” “Con không biết ba ạ. Có ai ra nói với chú ấy đâu ba!” – “Ấy thế mà ba phải nói đấy, dù không ai nói chú ấy cả, chỉ dám nhìn chú ấy một cách khó chịu thôi. Nhưng nếu ba không nói, các con sẽ phải hít khói thuốc của chú ấy, rất hại sức khỏe!” “Nếu thế, khi nào lớn như ba, con sẽ nói!” “Đồng ý! Và nếu con có thể tập bạo dạn như vậy được từ bây giờ, thì cũng đừng ngại nhé!” – “Vâng ba ạ!” “Con trai của ba rất giỏi đấy” – cậu cả nghe và cười.

Hôm qua, một ông Tây và cô vợ Việt, con nhỏ ngủ khì trong cái nôi, ngồi ở bàn phía sau một gia đình 4 người Việt Nam trong Nhà hàng Ý Lemone. Ông chủ gia đình Việt Nam ăn mặc giống y anh “hắt xì hơi”, cũng cái xích to tướng bằng vàng tây, cũng một lô xích xông nhẫn, lắc, cũng bộ móng tay xám xỉn cong vút… điềm nhiên nhả khói. Nhà hàng cực kỳ ngột ngạt, cũng không hề hấn gì với “bộ móng tay”. Ông tây nhìn vào gáy ông ta, ngán ngẩm. Mình đành phải lại gần và đề nghị, có kèm theo cám ơn cẩn thận. Bất ngờ, anh ấy vội dụi ngay điếu thuốc. Ông tây chỉ nhìn thấy mình chỉ về cháu bé trong nôi của ổng, nói gì đó nhưng hiểu ngay lập tức, tặng mình một ngón tay cái giơ lên, và gật gật…

Nửa tiếng sau, ông ấy về trước, đi ngang qua bàn gia đình mình đang ngồi… “I appreciate that… thank you very much…” – “Never mind, you’re welcome!”… một niềm vui nho nhỏ đến cuối ngày đi chơi “nước VINCOM”, ít ra mình cũng làm được một cái gì đó không để ông tây nghĩ người Việt Nam ta vô ý đến thế…

Mỗi ngày, cần phải làm được một việc dù nhỏ, để con cái có quyền tự hào vì cha mẹ của mình.

Bài nhặt của Robert De Niro trên Webtretho ngày 12 tháng Mười hai năm 2011

No comments:

Post a Comment