Monday, January 23, 2012

Cỗ chay

Ngày Tết người ta hay nói chuyện cỗ bàn. Ăn mãi bánh chưng, thịt thà, hẳn cũng đến lúc chán, đến thời của bún riêu, bún ốc, miến lươn… lên ngôi.

Cũng lạ, cái thứ ngày thường có khi rẻ rúng, chẳng nhớ ra nó bao giờ, thì ngày Tết các bà, các cô thèm thuồng – cũng vì chúng nó ít mỡ, không gây ngấy. Đi lễ Phủ Tây Hồ, các hàng bún ốc bún riêu là cứ đông chật. Nhưng thôi, không bàn những món đó nữa, vì nay Phật tử đã quy y được mấy năm, cũng chẳng thấy thèm gì – mà muốn bàn đôi chút về cỗ chay.

Có lần vào thăm thày Thích Phương Quảng, một hòa thượng rất hiền lành, nhẹ nhàng học cùng tôi ở Trung Quốc, thày xuất gia từ 12 tuổi tại một chùa ở Đà Nẵng. Hôm đó nhằm ngày rằm tháng Năm âm lịch, thày mới làm lễ 49 ngày cho một Phật tử vừa quy tiên, nên chúng tôi trúng bữa cỗ chay, thọ trai cùng thày ở trong chùa. Một bữa cỗ chay ngon tuyệt, nem chay rán, nem chay cuốn, bánh cuốn chay… thảy được làm rất khéo, khéo từ cách chế biến, cách trình bày, pha nước chấm thanh thanh, nhã, rất dịu dàng. Một bữa cỗ chay vừa từ từ ăn, vừa nghe thày nhẹ nhàng nói chuyện Phật pháp… thậm chí nhai còn không dám nhai mạnh mẽ như hàng ngày ăn như rồng cuốn. Cái tật nói như rồng leo cũng biến mất hẳn, thay vào đó là cái tâm thành kính muốn nghe, lại cũng muốn thưởng thức mâm cỗ chay được gia chủ chuẩn bị từ chiều.

Nhớ đôi lần ở ngoài Hà Nội theo một số gia đình có người mới mất, rước vong lên chùa, làm lễ xong, được thọ trai cỗ chay ở chùa. Cỗ chay ngoài Bắc hay dùng những thức ăn chay được chế biến sẵn. Những thức này trước đây thường được nhập khẩu về ta, hồi đầu từ Đài Loan là nhiều nhất, sau có cả Trung Quốc, rồi cả trong nước sản xuất. Cũng đủ cả: giò, chả, đùi gà, gà tây, thịt bò, cá kho… tất cả đều là chay hết. Người ta làm thế nào cũng đến khéo, trông giống và ăn cũng giống. Một số nhà chùa, có được mấy Phật tử ở vài đạo tràng đây, đó, khéo tay lắm, hay tự làm, không mấy khi mua, ăn ngon hơn hẳn.

Đến đây hẳn có nhiều bạn sẽ nảy ý kiến ngay, về cái ý kiến này tôi đã từng trao đổi với vài bạn – nay sẽ xin trình bày lại ở đây. Các bạn ấy thường không thích lắm về cái sự đã là chay, thì cần gì phải giả vờ, nào là giò chay, chả chay, nào là đùi gà chay, cá  kho chay… có bạn không ngần ngại phát cái ngôn rằng đó là điều lố bịch.

Tôi liền giơ cổ tay và hỏi: thế theo bạn, đây là cái gì?cái đồng hồ chứ cái gì. Đúng thế, ở Việt Nam ta, người ta gọi nó là đồng hồ. Thế trước khi có từ đồng hồ, đã ai biết nó là cái gì chưa? Ví dụ tiếng Hán, người ta gọi nó là cái Thủ biểu. Nếu chưa ai gọi nó là gì, tôi hoàn toàn có thể gọi nó là cái chỉ giờ, hai bất kỳ một cái gì khác, như là cái cây, ngọn cỏ… hay bất kỳ cái gì. Đơn giản, nó chỉ là khái niệm.

Cũng vậy, gà chay hay nem công chả phượng chay… cũng chỉ là khái niệm mà thôi. Nếu chúng ta không gọi nó, mà gọi thành một cái tên gì khác, như cái quán kem nào đó, đặt tên các món kem của họ toàn là Diễm xưa hay Nắng thủy tinh cả…

Nếu tôi yêu quý bạn, tôi mời bạn đến nhà ăn bữa cỗ chay, do gia đình chúng tôi chuẩn bị và chúng tôi không thể mời bạn các món Đậu phụ 1, Đậu phụ 2… được. Chúng tôi sẽ mời bạn nem công, chả phượng, gân hổ non, vây cá mập… tất cả đều chay, hay thế này đi, chúng tôi lại đặt tên là Cát bụi, Đêm thấy ta là thác đổ… nếu bạn không thích nghe những cái tên dính đến… mặn và gợi nhớ đến cuộc sống phàm tục ngày ngày. Đơn giản, xin hãy hiểu đó là tình cảm của chúng tôi đã đặt hết vào những món ăn đó, mời bạn - đạo hữu của tôi.

Vì thế, đừng thành kiến bạn nhé. Dù nó có tên là gì, hãy nhớ đến tình cảm của những người đã đặt hết vào những món đó dọn cho chúng ta ăn. Nào, mời bạn, chúng ta cùng dùng bữa cỗ chay mọn này mừng năm mới.

Bài liên quan: "Tùy"

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment