Wednesday, January 18, 2012

Ngộ

Khi tiếp xúc với Phật pháp một thời gian, đọc chỗ này, chỗ khác, sách này, sách khác, hay gặp chữ Ngộ. Ngộ ( – Wù) là một từ Hán Việt, trong từ điển nghĩa là thức tỉnh, hiểu, hiểu ra.

Chính cái chữ Ngộ này trong tiếng Việt, bản thân nó nếu không nghiên cứu chữ Hán thì cũng khó hình dung ra được ý nghĩa đầy đủ của nó. Tôi mới mò mẫm đọc vài sách Phật sơ cấp, không phải dân chuyên tiếng Hán, nhưng cũng phải mò mẫm để tìm ra ý nghĩa của nó, hiểu thế nào, xin viết ra như thế.
Chữ Ngộ () gồm có một chữ Khẩu, nằm dưới chữ Ngũ, bên Trái là bộ Tâm. Chữ Khẩu ngoài biểu thị cho cái miệng, nghĩa là ăn, là nói… không ăn vào sao có gì mà sống, không thu nạp kiến thức, sao có gì mà hiểu. Không nói cho người khác nghe, sao người khác hiểu được… Chữ Khẩu còn biểu thị cho cái bên ngoài, không chỉ là bên ngoài cơ thể, mà còn biểu thị cái bên ngoài của nhận thức. Thế mới thấy Tây họ có cái khái niệm “reader’s digest” là như thế, cái sự hiểu nó như một quá trình tiêu hóa, không chỉ là cứ đọc đơn thuần và ghi nhớ, nhắc lại như một con vẹt.

Ở trên chữ Khẩu là chữ Ngũ. Chữ này mới có nhiều điều cần suy nghĩ. Nểu chỉ là tiếng Hán thôi, sẽ thắc mắc ngay, Ngũ là gì nhỉ. Ngũ, là ngũ hành, là vạn vật. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ năm thành tố tạo nên thế giới, nên vũ trụ. Vạn vật ở trên cái miệng, là sự nhận thức của con người với tự nhiên vậy.

Vạn vật tự nhiên có ngũ hành. Màu sắc biểu thị ra bên ngoài người ta hay dùng từ Ngũ sắc – năm màu. Hương vị, người ta dùng Ngũ vị hương. Năm thày trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh (kể cả cái xe máy, à quên, con ngựa của Thày Tam Tạng)… ái chà, nhắc đến Tây Du Ký, nhớ đến Phật Pháp – mới là nhiều chuyện đấy. Năm thày trò, như năm tâm tính của con người. Cụ Ngô Thừa Ân hư cấu hay lắm.

Ngũ trong Phật pháp chao ơi là nhiều: Ngũ căn, ngũ lực, ngũ giới… Tôn Ngộ Không cũng phải bị hãm dưới năm ngón tay của Phật Tổ, là Ngũ Hành Sơn vậy.

Theo Luận Trí Ðộ 10 giải thì, “Năm căn này là nền tảng căn bản để phát sanh ra tất cả các thiện pháp, nên gọi là ngũ căn”; ngũ lực tức là năm lực này có được nhờ vào năm căn tăng trưởng sinh ra trong lúc hành giả tu hành, chúng chính là sức mạnh duy trì sự liên tục đưa đến giải thóat cho hành giả. Đó chính là thần lực của năm căn, chúng có khả năng đối trị thế lực của năm chướng. Nói một cách dễ hiểu: Ngũ căn như năm cánh tay của chúng ta, còn ngũ lực như là sức mạnh của năm cánh tay ấy… (Quảng Đức.com)

Con số Năm từ xưa đến nay vẫn tượng trưng cho sự đầy đủ, viên mãn. Nó chính là sự Giác hạnh viên mãn của Đức Phật vậy.

Quay lại với chữ Ngộ, khi đã tiêu hóa được những kiến thức về vạn vật, về con người và quan hệ của con người với vũ trụ, thì phải nhận thức bằng cái Tâm, nên chữ Tâm mới được đứng bên cạnh hoàn tất chữ Ngộ. Chữ Tâm được đứng bên cạnh như là một sự bao trùm cho cái quá trình nhận thức – tiêu hóa, thật đầy đủ ý nghĩa.


Bàn thêm về chữ Khẩu. Chữ Khẩu ở dưới, vạn vật ở trên, được Tâm bao trùm. Không tịnh được Khẩu, làm chủ được cái mồm, làm sao mà hiểu được người khác nói gì, hiểu được huyền diệu của Phật pháp.

Năm 2011, Trung Quốc họ dựng phim Tân Thiếu Lâm Tự (Lưu Đức Hoa đóng vai chính chính diện, Tạ Đình Phong vai chính phản diện, đạo diễn Trần Mộc Thắng (陈木胜)), khi Lưu Đức Hoa ngộ ra những điều rất quan trọng trong cuộc đời, thì anh ta sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để cứu Tạ Đình Phong, sâu xa hơn là cứu Tạ Đình Phong khỏi cái kiếp sống đang làm điều ác, giết hại chúng sinh và đang lấy giết chóc làm lẽ sống cuộc đời. Mới chỉ tiếp cận được một chút ít về triết lý Phật giáo, nhưng với một bộ phim võ thuật, cũng là một điều đáng khen.




Sorry vì tôi không tài nào nhớ ra được tên nhân vật, chỉ nhớ được tên diễn viên...

1 comment:

  1. Cảm ơn bạn rất nhiều vì bài viết vô cùng ý nghĩa :)

    ReplyDelete