Tuesday, January 31, 2012

Người bạn chỉ gặp một lần

Cảnh đẹp như tranh như khúc cua này của Sông Đà sẽ không còn nữa 

Cuối năm 2009, tôi có một chuyến đi phượt Tây Bắc, dọc theo sông Hồng rồi sông Chảy lên Lào Cai, rồi sang Lai Châu, vòng sang Điện Biên, xuống Sơn La để về Hà Nội qua đường Hòa Bình… một chuyến đi dài nhiều ấn tượng.

… chiều tà, nắng hanh vàng rực rỡ làm bóng núi đổ thẫm màu lên mặt sông…
Có lẽ ấn tượng mạnh nhất của cả chuyến đi, là một người bạn chỉ gặp một lần, vì sau lần chia tay ấy, người anh em sẽ biến mất, mãi mãi.
Cầu Hang Tôm, cây cầu lịch sử
Người bạn mới quen đó là cầu Hang Tôm. Cây cầu nối giữa hai tỉnh: Điện Biên và Lai Châu. Cây cầu treo đã nhiều năm phục vụ sự đi lại của nhân dân vùng Tây Bắc, mấy chục năm dây treo vẫn còn rất chắc chắn.

Dây treo còn rất chắc chắn

Và hai đầu nó được neo chặt vào
vách núi, có xây kè bên ngoài
Đến thăm cầu Hang Tôm vào một buổi chiều tà, nắng hanh vàng rực rỡ làm bóng núi đổ thẫm màu lên mặt sông. Một con thuyền lắp máy diesel Bông Sen phành phạch chạy chở trên lưng một đám thanh niên đi ngược dòng, để lại một chút khói đen.

Thuyền chạy ngược dòng để lại chút khói đen của dầu diesel…
Ở đầu cầu vẫn còn dòng chữ “Cấm quay phim chụp ảnh” rất… xã hội chủ nghĩa.

Cấm quay phim, chụp ảnh
Đứng trong lòng cầu, nhìn ngược lại phía đầu Lai Châu, có hai cây khá ấn tượng. Rồi chúng cũng sẽ biến mất cùng cái cầu được chúng canh giữ suốt mấy chục năm qua.

Lòng cầu, nhìn từ đầu Điện Biên
Chỉ nửa năm nữa thôi, cây cầu mới đang được hoàn thành sẽ thay thế cây cầu cũ. Cũng thật lạ, con người ta gặp nhau là cái duyên. Gặp cây cầu trong một chuyến đi đáng nhớ như thế, cũng là cái duyên rất lớn. Và cũng thật bồi hồi khi nghĩ, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng được gặp người anh em ấy.

Vĩnh biệt người bạn chỉ gặp một lần.

Cây cầu mới đang được xây dựng...

...nó sẽ rất cao so với cầu cũ (chú ý so với mặt đường cũ trong ảnh)
Cuối năm 2011, một người bạn từ Lai Châu về nói cầu mới đã thông, và cầu cũ người ta đã đánh sập. Anh bạn kể lại, có vẻ không mấy xúc động, dù đã sinh ra và lớn lên ở thị xã Lai Châu (cũ) – cũng sẽ chìm trong nước – rất gần cây cầu lịch sử này.

Chi tiết về Cầu Hang Tôm trong bài Vĩnh biệt “Đông Dương đệ nhất cầu”:

Chỉ vài ngày nữa nước sông Đà sẽ dâng cao nuốt chửng cây cầu Hang Tôm huyền thoại, kết thúc sứ mạng cây cầu treo đầu tiên trên dòng Đà Giang suốt 40 năm qua. Cầu Hang Tôm từng là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Dương mang niềm kiêu hãnh Tây Bắc.

“Đông Dương đệ nhất cầu”
Trước khi cầu Mỹ Thuận ra đời, cầu Hang Tôm là cây cầu cáp treo lớn nhất VN bắc qua sông Đà, nối liền Điện Biên với Lai Châu. Đến Tây Bắc, bất kể ai cũng muốn một lần ngược Đà Giang để được chiêm ngưỡng cây cầu này. Đứng giữa cầu, con người chỉ là một chấm nhỏ bé giữa bức tranh sơn thủy với núi non cao vút, sông sâu thác dữ, mây trắng vờn bay trên đầu...
Ông Khoàng Văn Phanh, 60 tuổi, dân tộc Thái, nguyên chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, là người sinh ra ở đất này, từng bao năm ăn tôm ở mó nước mát lạnh dưới trụ cầu. Trong ngôi nhà mới ở bản tái định cư Na Lát (Mường Lay), bên mâm cơm có cá nướng, xôi nếp, gà nấu măng chua, vừa nhâm nhi ly rượu nếp nương ông vừa lần hồi ra quá khứ cầu Hang Tôm.
Trước năm 1967, muốn từ Mường Lay (Điện Biên) qua sông Đà sang Mường So, Phong Thổ, Sìn Hồ (nay thuộc Lai Châu) đi bằng đò và phà. “Mùa cạn còn đỡ, chứ mùa lũ có việc vẫn phải đi, nguy hiểm vô cùng. Năm nào cũng có chuyện phà trôi, đò lật, thậm chí chết người”.
Thời ấy cuộc chiến ở miền Nam đang ác liệt, miền Bắc cũng tích cực xây dựng, củng cố. Để thuần phục cung đường Tây Bắc từ cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) về Điện Biên, cần một cây cầu nối đôi bờ sông Đà tại Mường Lay.
“Năm 1973 đưa cầu vào sử dụng, lúc đó tôi đang là bí thư Đoàn thanh niên thị xã đã phải huy động hàng trăm thanh thiếu niên tham gia đứng vẫy cờ, bảo vệ cầu. Nhiều người dân từ Điện Biên lên, từ Sìn Hồ lặn lội cả ngày đường xuống để được nhìn thấy cây cầu lịch sử. Hồi đó tình hình cũng phức tạp, thám báo biệt kích rất nhiều. Khánh thành cầu xong vẫn phải luôn có một trung đội công an (khoảng 30 người) bảo vệ cầu...” - ông Phanh bồi hồi kể lại.
Ông Lò Văn Xư (82 tuổi), một trong những người cao tuổi nhất ở Mường Lay, cũng tiếc nuối cây cầu đã gắn liền với cuộc đời ông. Ông bảo: “Cái tên Hang Tôm do khúc sông này có quá nhiều tôm, người dân quanh vùng cứ thay nhau xuống bắt tôm về ăn. Chỉ bắt đủ ăn thôi rồi nhường người khác xuống bắt...”.
Chỉ cho chúng tôi mấy viên đá cuội ngay dưới chân bàn, ông Xư bảo: “Đá ở sông Đà ngay dưới cầu Hang Tôm đấy. Cầu sắp ngập rồi, mỗi lần ra cầu lại nhặt vài viên về. Những viên đá này thấm mồ hồi cha ông tôi đấy, giờ mang theo cho đỡ nhớ quê cha đất tổ...”.
Pá Uôn - cầu bắc trên mây
Cầu Hang Tôm cũ chìm thì một cây cầu Hang Tôm mới bắc qua thượng nguồn sông Đà cũng đã được khởi công và đang gấp rút xây dựng cách cầu Hang Tôm cũ chừng 600m về phía thượng lưu.
Vì tiến độ, suốt từ khi khởi công đến nay, gần 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân xây dựng của Công ty cầu 11 và 12 Thăng Long đã miệt mài làm việc ba ca liên tục mỗi ngày để hợp long cầu đúng tiến độ 30-6-2010. Công trường nơi núi rừng Tây Bắc tất cả như không có ngày đêm...
Kỹ sư Nguyễn Danh Ngọc, phó tổng giám đốc Công ty cầu 11 Thăng Long, cho biết theo thiết kế cầu dài 362,4m, rộng 9m, gồm bốn nhịp dầm bêtông cốt thép dự ứng lực đặt trên bốn trụ và hai mố, trong đó có hai nhịp dầm thông thuyền giữa sông dài 120m... tất cả đều được thi công theo công nghệ đúc hẫng dầm hộp bêtông liên tục khẩu độ lớn.
Đặc biệt để xây dựng cây cầu này, các đơn vị thi công đã phải làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Địa bàn núi dốc, sông sâu, phạm vi thi công hẹp mà khối lượng công trình lại vô cùng lớn.
Ông Nguyễn Văn Hợp, chủ nhiệm điều hành dự án cầu Hang Tôm (thuộc PMU1 - Bộ Giao thông vận tải), vừa thông báo cây cầu sẽ hợp long sớm hơn dự tính khoảng 20 ngày. Rằng cả chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang phấn đấu đến 10-6-2010 sẽ đổ bêtông hợp long, nối hai đầu cầu - nối Điện Biên với Lai Châu...
Cầu Hang Tôm mới đã kỳ vĩ nhưng nếu đi đò xuôi sông Đà về Quỳnh Nhai, ngước lên ngắm mây trời ngay tại đoạn phà Pá Uôn còn được bắt gặp một con rồng bêtông cốt thép lừng lững giữa hai triền núi cao chót vót. Đó là cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà nằm trên quốc lộ 279, thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, dài hơn 1,2km, trong đó cầu chính dài 918m, mặt cầu rộng 9m, với tổng mức đầu tư (đã điều chỉnh) khoảng 745 tỉ đồng... cũng đang được khẩn trương hoàn tất những công việc cuối cùng.
Với cao độ tự nhiên từ mặt đất lên mặt cầu xe chạy 105m, Pá Uôn đang giữ kỷ lục ở VN về chiều cao, trụ chính được thiết kế cao 98m. Cầu Pá Uôn có vị trí quan trọng trong tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc gồm Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái.
Vậy là phà Pá Uôn, con phà lịch sử nửa thế kỷ qua, đã chở hàng triệu lượt người xe từ Quỳnh Nhai qua sông Đà hướng sang Thuận Châu, Tuần Giáo... cũng sắp kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.
Cô gái Thái tên Hoàng Thị Thanh bán nước bên bến phà mắt buồn hiu vì sắp phải chuyển đi nhưng vẫn mỉm cười: “Các anh ơi, cả đời em chưa bao giờ được đi trên cây cầu cao như thế”...
Dòng Nặm Tee (sông Đà) như dải lụa uốn lượn quanh co qua những núi cao, thung lũng sâu miền Tây Bắc hùng vĩ. Mường Tè, Mường Xo (Phong Thổ), Mường Lay, Mường Cây (Quỳnh Nhai), Mường La bên đôi bờ Nặm Tee không chỉ đơn thuần là những địa danh mà nó là những vùng đất mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Nhà cửa có thể chuyển đi, nhưng cả một miền văn hóa - tâm linh như phù sa lắng đọng trên dưới 1.000 năm qua bên bờ bãi sông Đà của người Thái sẽ ít nhiều chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện...

Theo ĐỨC BÌNH - LÊ KIÊN (TTO) - Bài gốc ở đây



No comments:

Post a Comment