Thursday, March 1, 2012

Những điểm khiến thế giới sửng sốt về Việt Nam…

L.H.A. (Diendan NuocNga.net)

Trong hàng lối thông tin của một sáng Chúa nhật, trên dantri.com.vn xuất hiện một bài với tít khá “giật giật”: Những điểm khiến thế giới sửng sốt về Việt Nam của Viện Mc. Kinsey toàn cầu.

Đọc bài này một lượt lại khiến phải suy ngẫm nhanh: nước ngoài họ làm việc và đánh giá trên những con số, rồi kết luận đôi khi theo bề ngoài, đôi khi vô tình hay cố ý “ru ngủ” ta chăng? Nhưng đấy là việc của họ, còn ta cứ thấy gì có vẻ ca ngợi mình thì lấy về để “giật tít”. Trong những điểm khiến thế giới sửng sốt về ta, thử xem có gì mà dân ta thường phải sửng sốt về nước khác?

Nhập đề:
Việt Nam đã trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài và nhanh chóng phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị cao và chuyên về dịch vụ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam muốn duy trì sự phát triển đáng kể như hiện nay, nước này cần tăng cường năng suất lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp trong những năm sắp tới”.

Nam châm này có phải nam châm vĩnh cửu không? Khi hai năm rồi lượng đầu tư giảm liên tiếp và năm nay 2012 cũng vậy. Sản phẩm giá trị cao ở đây là gì nhỉ? Hay đó là lắp ráp sản phẩm giá trị cao thì chính xác hơn! Chuyện dịch vụ thì đúng, và nếu ai sửng sốt về nó thì phải là sửng sốt ngược. Tăng năng suất lao động trong dịch vụ và công nghiệp ra sao khi số việc làm không tăng, khi hệ quả của nó khiến đông lao động trẻ phải chấp nhận việc làm thu nhập “đáy” và gia tăng tội phạm cùng khoảng cách giàu – nghèo.

Điểm sửng sốt 1: Việt Nam phát triển nhanh hơn bất kỳ một nền kinh tế châu Á nào khác trừ Trung Quốc

Trong thời kỳ này, kinh tế Việt Nam đã mở rộng hơn bất kỳ một nền kinh tế châu Á nào khác ngoại trừ Trung Quốc, với tăng trưởng GDP tính trên đầu người hàng năm là 5,3%. Mức tăng trưởng này vẫn duy trì khi mà khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra vào những năm 1990 và khi kinh tế toàn cầu suy thoái. Kinh tế Việt nam tăng trưởng 7%/năm từ 2005 tới 2010, mạnh hơn nhiều những nền kinh tế châu Á khác.

Con số 5.3 và 7% không thấy so với ai trong hơn 20 năm qua, hay họ vọt xa ta rồi thì dĩ nhiên đủng đỉnh hơn ta, vì mình 7% còn thua xa giá trị gia tăng của họ ở mức 4-5%, bởi tổng GDP của Thái – Phi – Mã – Indo hơn mình nhiều lần cùng thời điểm.

Lẩn thẩn nghĩ: có 11 kẻ chạy đua xuất phát, trừ mấy em quá nhỏ như Lào, Campuchia thì đa số đã xa lắm rồi đang chạy tốc độ đường trường, ta mải hái hoa bắt bướm kiểu cô bé quàng khăn đỏ nên xuất phát sau, thì tốc độ đang bắt đầu phải cao hơn người ta vào cùng thời điểm là đương nhiên, mà chạy không tính sức thì còn chưa rõ qua được bao nhiêu năm sẽ phải đi lững thững để nghỉ, hay nhờ cái xe máy Made in nước Lạ nào đó cho đỡ tốn qũy sức… Kinh tế tăng trưởng cao đã chắc gì Mạnh!

Điểm sửng sốt 2: Việt Nam ra khỏi những cánh đồng lúa

Trên thực tế, phần đóng góp của nông nghiệp vào GDP nước nhà đã bị giảm 1/2, từ 40% xuống còn 20% chỉ trong vòng 15 năm, sự chuyển đổi nhanh hơn nhiều so với những nền kinh tế khác ở châu Á. So với Trung Quốc và Ấn Độ, sự chuyển đổi này lần lượt là 29 năm và 41 năm.

Trong vòng 10 năm qua, phần đóng góp của nông nghiệp với số lượng việc làm của đất nước đã giảm 13% trong khi số lao động làm trong ngành công nghiệp đã tăng thêm 9,6% và dịch vụ tăng thêm 3,4%. Sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã góp phần to lớn vào việc mở rộng kinh tế của Việt Nam do sự khác biệt khá lớn về năng suất giữa các ngành.

So với hai anh đất chật người đông gấp hàng chục lần về việc trồng lúa! Nông nghiệp giảm tỷ suất chẳng nói lên cái gì sửng sốt, từ lâu người ta thấy cái quan trọng của việc trồng lúa là cách đối xử với hạt lúa – đồng lúa trước, trong và sau mùa màng, ta đâu có hơn họ. Chuyển từ đồng lúa sang dịch vụ đâu phải do năng suất, mà do làm lúa không đủ ăn, người tăng đất không đẻ và phải lấp bớt đồng làm sân golf và cao ốc nữa chứ…

Điểm sửng sốt 3: Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tiêu, hạt điều, gạo và cà phê.

Cái này báo ta cảnh tỉnh nhiều rồi, cái gì giá cao thì chặt cái trước để đổ xô trồng cái đó, khi sản lượng tăng thì giá lại giảm, lại chặt xong thì hiếm và giá lên, lại cứ thế… mặc cho tư thương và DN mua bán làm giá, không có chế biến và kho trữ đủ chuẩn… nói nhiều rồi!

Có lẽ cái Viện này họ cho là bỏ đồng lúa khiến thiên hạ sửng sốt, vì sắp có máy bỏ tiêu điều cà vào đầu này cho ra cơm tám thơm lừng đầu kia chắc, hay sau này có máy chế hạt tiêu, hạt cafe thành ngòn ngọt đóng bánh ăn thay cơm?

Điểm sửng sốt 4: Việt Nam không phải là "Trung Quốc + 1"

Việt Nam trở thành địa điểm lớn tiếp theo dành cho sản xuất hàng xuất khẩu, một phiên bản nhỏ hơn của Trung Quốc hoặc Trung Quốc+1. Tuy nhiên, Việt Nam khác xa Trung Quốc ở hai điểm. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam bị tiêu dùng cá nhân ảnh hưởng nhiều hơn Trung Quốc. Việc tiêu thụ của các hộ gia đình chiếm 65% GDP của Việt Nam, chiếm phần lớn – bất thường ở châu Á. Tại Trung Quốc thì ngược lại, tiêu thụ cá nhân chỉ chiếm 36% của GDP.

Thứ hai, trong khi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc xuất phát từ sản xuất để xuất khẩu và mức đầu tư vốn cao đặc biệt thì kinh tế Việt Nam cân bằng giữa sản xuất và dịch vụ hơn, mỗi thứ chiếm xấp xỉ 40% GDP. Sự tăng trưởng của Việt Nam dựa trên nền tảng rộng lớn hơn, với sự cạnh tranh diễn ra khắp nền kinh tế.

Viện này có lẽ nhiều người vui tính, giật cái tít (hay chính ta giật?) nghe như “cá bé nuốt cá lớn” mất rồi hay ngược lại chăng. Rồi tiêu dùng nhiều là điểm sửng sốt chăng, rồi sản xuất là sản xuất gì: TQ làm được thượng vàng hạ cám, VN làm cái xe chất lượng Phượng Hoàng 40 năm trước của họ còn chưa xong, cân bằng không phải luôn đúng hơn cân lệch.

Điểm sửng sốt 5: Việt Nam là nam châm thu hút đầu tư nước ngoài

Chuẩn hết chỉnh, muốn thế giới sửng sốt hơn nữa thì nên làm không công cho họ!

Điểm sửng sốt 6: Việt Nam có cơ sở hạ tầng đường sá hiện đại hơn Philippines và Thái Lan.

Buồn cười! giật tít “hiện đại hơn” mà chỉ nêu được tỷ lệ đường sá nhiều hơn họ một chút. Ai sang Thái thử coi hẳn phải sửng sốt về tốc độ xe chạy và thái độ phục vụ của CSGT bển, dù hiếm khi thấy bóng dáng họ.

Điểm sửng sốt 7: Thế hệ trẻ Việt Nam đang online

Uhm, bài học đau thương mà tôi luôn nhận: online nhiều dĩ nhiên phải coi thông tin nhiều chiều, vì chiều chính tin quá giống nhau khiến đọc cực nhanh. Nhưng đọc cả chiều khác mà tin họ thì dễ bị ghét, bị liệt vào phản động. Tốt nhất online xem xi-tin lột áo nhau hay sát thủ đầu mưng mủ nào đó đủ vui mua vui vài trống canh.

Câu này chuẩn về điểm sửng sốt.

Điểm sửng sốt 8: Việt Nam trở thành điểm hàng đầu cho các dịch vụ gia công.

Đến đây thì chợt hiểu ra: tụi nó đang nhạo báng ta rồi! Chỉ mong rằng, hình như lịch sử Mỹ Nhật Nga Hàn Thái… chắc có thời gian đứng đầu về khả năng gia công!

Bài gốc ở đây

Bài trên Dân Trí ở đây

No comments:

Post a Comment