Thursday, June 14, 2012

Một chuyện tình Đà Lạt


Hungmgmi (NuocNga.net)

Một góc hồ Tuyền Lâm
Những ngày ở Đà Lạt, bỗng gặp lại một ông anh nhà thơ. Anh bỏ Hà Nội đã mấy năm vào “miền đất lạnh”. Anh xuất xứ gia đình địa chủ gộc Bắc Giang, bố mẹ đã từng được Bảo Đại mời vào dinh làm quản gia. Một buổi trưa, ngồi cùng anh bên bờ hồ Tuyền Lâm thơ mộng, vút ra xa là một khung cảnh lãng mạn tuyệt vời. Hồ thì xanh thẳm, lặng phắc, và xa xa là những đồi thông xanh rì nhấp nhô, nhấp nhô. Những con thuyền sơn trắng đậu sát mép nước, dập dờn theo từng cơn sóng nhỏ. Bỗng mưa sầm sập đến, cả mâm rượu thu lu sát góc quán. Trong những câu chuyện vi vút gió, tình cờ mới biết thêm rằng ông anh là em trai ruột của Vương Thịnh, người đã dịch ra tiếng Việt bài hát Chiều ngoại ô Moskva vẫn quen thuộc với hàng triệu thính giả người Việt suốt mấy chục năm qua. Anh Vương Thịnh đã mất, là một người tài hoa và đã gắn định mệnh đời mình với quê hương bạch dương khi chớm tuổi đôi mươi:

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào

Rừng cây chim muông lắng xuống canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến
Moskva bên chiều vắng thanh bình...

Tôi vớ lấy điện thoại, mở cho anh và bạn bè nghe bản Chiều ngoại ô Moskva. Những giai điệu mượt mà của Solovyov Sedoi chen lẫn tiếng mưa. Vương gia (chúng tôi gọi đùa anh thế) mặt bỗng trắng bệch ra, thổn thức.

Anh chọn Đà Lạt làm chốn nương náu cuối đời cách đây chỉ vài năm. Biết tin người vợ họa sĩ của mình lâm trọng bệnh, anh quyết định chuyển cả nhà vào Đà Lạt cách đây dăm năm. Cách "phố Tây Trương Công Định" không xa, nhà của anh giờ bên một dòng suối róc rách chảy ngày đêm, hoa nở bốn bề.

Chúng tôi lên lầu 2 thăm vợ anh, một họa sĩ Hà Nội đằm thắm giờ đã là một người đàn bà tiều tụy ngồi im một chỗ vì căn bệnh ung thư đã di căn. Không, chúng tôi đã gặp chị ở tầng Một và tầng lửng rồi, qua những bức tranh chị vẽ về Đà Lạt. Những vạt dã quỳ vàng rực, những cơn gió tím của cao nguyên, những hàng rào ắp đầy hoa hồng tỉ muội… Và hơn hết là những cánh rừng vàng rực lá, mà chị và anh đã từng nhìn thấy khi đến Venise, Paris và Geneve… trong một cuộc viễn du vào mùa thu cách đây đã vài năm. Gặp người quen cũ, chị cười thật tươi, nụ cười như bừng sáng cả căn phòng đầy sách và tranh. Ngay trên chồng sách hội họa chị để hờ trên đi-văng, là một cuốn tranh phiên bản của Levitan. Anh hỉ hả cười bảo, tao như con ngựa thồ, khi phải cõng đến mười mấy cân sách hội họa “cho bà ấy” sau chuyến đi châu Âu để đời.

Một anh bạn cùng đi nhận xét, hình như tranh chị ám ảnh bởi những con đường. Những con đường cứ ngút ngắt dẫn chúng ta vào một nơi nào huyễn hoặc. Tôi lại nói là tranh phong cảnh của chị tưởng là tĩnh đấy, nhưng sao vẫn thấy động, vì những vệt cọ đầy gió. Những con gió cao nguyên cứ xao xuyến thổi suốt những rừng cây, những con đường đỏ cao nguyên và cả những bờ rào hoa tỉ muội…Chị mỉm cười, rằng các em thế là biết “ đọc” và hiểu tranh của chị, và rằng, những màu vàng trong tranh sơn dầu của chị, là học của Levitan, người họa sĩ Nga mà chị yêu thích nhất.

Không, Mai Liêng ơi, chị đâu chỉ học I. Levitan. Khi trong cơn đau dài (chữ của Trịnh Công Sơn), chị vẫn dành hàng tuần bền bỉ ngồi chép tỉ mỉ một bức tranh của Shishkin để học cách dùng ánh sáng. Bức tranh rừng sồi loang lổ vệt nắng đó giờ để ở tầng trệt, khiêm nhường dưới bức tranh của ông anh chép một cô gái trên chuyến xe thổ mộ. Vương gia nở nụ cười mãn nguyện, rằng ngoài thơ, anh còn biết hội họa, và hỉ hả khoe đã từng vẽ tới gần 20 bức tranh “siêu tưởng” về nơi chốn mà mỗi chúng ta chào ánh sáng đầu tiên trong đời.

Vương gia bảo, Đà Lạt sẽ là nơi anh sẽ giã cõi đời. Và nơi đây, hàng ngày, hàng tuần, gã trai gần 70 tuổi đời này vẫn lặn lội đi kiếm từng thứ lá, rễ cây để về sắc thuốc nhằm cứu người đàn bà của đời mình khỏi bàn tay tử thần. Trên bàn ở lầu 2, nơi chị ngồi hàng ngày là một bình hoa cúc trắng. Hoa Margarita. Tươi tắn, bình dị, những bông hoa đồng nội mà anh đã đã nhặt về, như hắt một quầng sáng bình dị trong căn phòng nhỏ giữa chiều cao nguyên.

Cái gã nhà thơ đã cặm cụi đi hái hoa về cắm tặng người vợ yêu nguyên là một đại đội trưởng đặc công thời chống Mỹ. Khi tôi mới chào đời, năm 1967, anh đang trải qua những trận chiến máu lửa với quân thù. Khi về nhà, từ một Héc-quyn, anh chỉ còn là một xác ma khi chỉ tòng teng có hơn 40 kg với cơn sốt rét rừng kinh niên. Vương gia bảo:”Giữa mùa hè gần 40 độ, mà hai ông anh tao phải ôm chặt, đè nghiến lấy tao đang trùm chăn bông sù sụ. Phải nuốt đến gần 30 cái mật lợn thời bao cấp, tao mới cắt được cơn. Thế đấy, giờ tao chẳng còn gì để sợ nữa”.

Rồi, nhìn ra khung cửa trắng, ngoài kia là trập trùng phố núi, anh chợt rưng rưng:”Đại đội tao ngày đó có đến hơn 1000 lính, chỉ còn có 14 thằng sống sót, thằng cụt, thằng què. Tao là một trong số đó, giờ vẫn sống khỏe mạnh, cuộc sống thế là đã cho tao quá nhiều!”.

Nhà thơ, anh bạn già thân mến, Vương gia “kinh khủng” của tôi ơi. Cuộc đời, rồi Đà Lạt như anh nói, đã cho anh quá nhiều. Những cây nấm linh chi, những phiến đỏ xích tùng và muôn ngàn cây lá cao nguyên Lâm Viên, Lang Bian mà anh lặn lội hàng ngày trời kiếm tìm để về sắc thuốc cứu chị, đã là một liều thuốc tiên rồi đó. À, không phải, có lẽ tôi nói nhầm. Chỉ có tình yêu của anh, sự tận tụy của anh mới có phép nhiệm mầu níu kéo chị ở lại nhiều hơn với cuộc đời này. Chẳng phải là các bác sĩ đầu ngành ở Hà Nội đã “tiên đoán” về sự ra đi của chị cách đây đã mấy năm rồi đó sao?

Chị là một người con Hà Nội, trở thành máu thịt của Tây Nguyên khi đã làm Lễ nhận làm con nuôi của một bà mẹ Tây Nguyên. Tây Nguyên đang bao bọc, chở che và chữa trị cho chị. Trước khi chia tay về Hà Nội, tôi cầm đôi bàn tay giờ đã mỏng mảnh, yếu mềm của nữ họa sĩ. Hãy khỏe lại thật nhanh, chị nhé, để còn thăm nước Nga, ngắm nguyên bản những bức tranh của Levitan mà chị đã đắm say khi còn tuổi hoa niên.


Bài gốc ở đây

No comments:

Post a Comment