Tuesday, July 31, 2012

Suy ngẫm


Trọng Tấn - Anh Thơ
1. Vụ hai ca sỹ Trọng Tấn – Anh Thơ đang ở Lào “té” về nước làm dư luận trong nước cãi nhau kịch liệt. Đương nhiên từ phía Nhà nước người ta sẽ phải xử lý hai nghệ sỹ đó, nếu không xử lý thì đương nhiên công nhận “mình sai người ta đúng”. Từ khía cạnh xây dựng một xã hội dân sự mà nói, theo thông tin phong thanh thì buổi biểu diễn đó là không có trong kế hoạch, chương trình; còn vụ về diễn ở Ninh Bình thì có hợp đồng. Để bảo vệ cho cái sự làm ăn luộm thuộm và thiếu chuyên nghiệp của ngành văn hóa mà viện dẫn đến lợi ích quốc gia, e rằng hơi “khủng bố” quá.

2. Cứ mở ti-vi lên là thấy phim Tàu rồi Hàn Quốc. Khổ cái, phim Tàu xem hấp dẫn lắm chớ bộ! Gần đây họ làm liên tục những bộ phim lịch sử, khai thác những thế mạnh từ truyền thống Hồng Kông như kỹ xảo điện ảnh, những màn võ thuật đặc sắc… làm cho phim hấp dẫn ghê gớm. Bộ phim “Hồng môn yến” (White Vengeance 2011) là một ví dụ. Nói tiếp về lịch sử, lịch sử Trung Quốc là cả một bề dày nội chiến, xâm lược chiếm đất của các dân tộc nhỏ xung quanh đất của người Hoa Hạ và đồng hóa họ. Trong lịch sử Trung Quốc có hai lần phải oánh nhau chống quân xâm lược và hai lần họ đều thua về quân sự - quân Mông Cổ và bọn rợ Kim. Trung Quốc mất nước, nhưng họ là người thắng về văn hóa vì hai dân tộc kia đều thấp hơn về văn minh, nên bị đồng hóa lại. Bây giờ chỉ biết đến Nhà Nguyên và Nhà Thanh – hai triều đại của lịch sử Trung Quốc chứ có ai bảo là họ bị xâm lược mất nước đâu.

Phim “Hồng Môn Yến” - 2011

Phim của ta trừ mỗi bố con ông Lý Huỳnh say mê với hình tượng Quang Trung, còn thì bao nhiêu nhân vật lịch sử chẳng được đoái hoài. Mình mà là nhà sản xuất và có nhiều tiền sẽ khai thác một huyện các anh hùng nhà ta: Thân Cảnh Phúc, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Địa Lô…

Sực nhớ ra những cái trò Trung Quốc đang làm ở Biển Đông không mới. Quá trình xâm lược về văn hóa đã diễn ra từ “Tây Du Ký” (bản 1986 Đạo diễn Dương Khiết, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Từ Thiếu Hoa, Dương Hoài Lễ...) kia.

Nhạc phim “Tây Du Ký” - 1986

3. Cứ đến trưa là các bà nội trợ ngồi nghiền phim Hàn Quốc. Hầu như phim nào cũng quay những cảnh xã hội Hàn Quốc là một xã hội phát triển – chẳng phát triển sao khi họ là “con rồng Châu Á” từ tám mươi đời, còn ta thì được dự báo cũng từ tám mươi đời nay kiếp chép mè vẫn hoàn mè chép.

Nói ra chuyện này, thể nào cũng có người bảo là không phải, xúc phạm vong linh của liệt sỹ… nhưng không nói ra thì nó thế nào ấy. Mỗi năm cứ đến độ 27 tháng Bảy, ngày thương binh liệt sỹ các hoạt động kỷ niệm diễn ra khắp nơi. Cả nước rưng rưng, cả mình cũng rưng rưng. Một lúc nào đó chợt nhớ “phía bên kia” cũng hàng triệu tử sỹ đã ngã xuống, dù là vì một ý thức hệ khác, nhưng đều là con dân nước Việt. Trong số họ có những người đã ngã xuống khi bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.

Tại sao nước Đức chia đôi nửa phồn vinh đã và đang phải cưu mang nửa còn lại? Tại sao nước Hàn chia đôi, nửa tăm tối, nửa hóa rồng? Nhẽ ra nước ta cũng phải hóa rồng từ lâu rồi chứ?

Mọi mưu đồ tuyên truyền chính trị đều đen tối và bẩn thỉu, dù từ phía bên nào. Mong rằng có một ngày tất cả những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc sẽ được tưởng niệm chung không phân biệt họ ở phía nào. Họ chỉ có một lý tưởng chung duy nhất: Tổ quốc Việt Nam.

4. Ngày hôm qua có một chuyện đau lòng – vụ hiếp chị 8 tuổi và giết em 4 tuổi ở Sơn Tây. Có một thông tin nghe được trên mạng là chính cái thằng thủ ác đó nó phát biểu, rằng những cái gì nó làm, nhẽ ra không nên đưa lên báo – nó cũng tự thấy được sự quá tàn ác trong hành động của nó. Nhưng cái TÂM của những “thằng” nhà báo đang khai thác chuyện đó như một sự kiện giật gân thì không như thế.

Quản lý văn hóa đối với báo chí ở đâu trong những trường hợp như thế này? Tưởng một mình vụ thằng Luyện đã đủ rồi chứ?

P.S. (1) Cho phép tôi gọi là những “thằng” nhà báo – không tìm thấy từ nào khác hơn như thế và (2) đây là một bài viết phi chính trị, chính xác là “phản chính trị” – không canh cánh bất cứ một quan điểm ý thức hệ nào hết, chỉ viết khi toàn tâm, toàn ý nghĩ về đất nước, về nhân dân.

No comments:

Post a Comment