Wednesday, August 15, 2012

Kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh


Mùa xuân năm 1979. Một ngày người lớn đi họp ở tổ dân phố, rồi ông cậu cùng mấy bác ở phố đào một cái hố ngoài vỉa hè ngay trước cửa. Cứ cách năm chục mét lại có một cái như thế. Bọn trẻ con thích lắm, nhảy lên, nhảy xuống suốt.

Rộ lên phong trào làm súng gỗ, bắn nhau. Không bọn nào chịu đóng “giặc Tàu”, chỉ thích đóng quân ta, Việt Nam. Đến trường, lại được học một bài hát mà giai điệu hào hùng nhưng rất tha thiết của nó đã làm say mê tất cả từ học sinh lẫn thày cô giáo…

Bao nhiêu con tim sững sờ chợt nghe quân cướp đất nước Việt nam

Xích xe tăng quân Trung Quốc phá tan biết bao xóm quê bình yên.

Hôm nay năm châu tiếp tục bài ca đoàn kết chiến đấu năm xưa

Cùng Việt Nam đấu tranh giành tự do
 Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!
Là bài ca trái tim tháng năm này.
Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!
Cùng Việt nam đấu tranh giành tự do!
 Tên Goliath coi chừng Việt Nam David chiến đấu hôm nay
Chiến tranh hôm nay David có thêm bao nhiêu anh em kề vai
Theo chân bao quân xâm lược bọn bay phải chết dưới đất thiêng này
Hãy chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam!
 Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!
Là bài ca trái tim tháng năm này
Hãy kết đoàn cùng Việt Nam đấu tranh!

Cùng Việt Nam đấu tranh giành tự do!
Về sau mới biết đó là bài "The Battle Hymn of the Republic" - là một bài hát của phong trào bãi nô ở Hoa Kỳ thế kỷ 19. Lời bài hát do nữ nhạc sĩ Julia Ward Howe viết tháng 11 năm 1861 và được công bố lần đầu tiên trên tạp chí The Atlantic Monthly ngày 1 tháng 2 năm 1862. Bài hát này trở thành phổ biến trong Nội chiến Hoa Kỳ. (Trích Wikipedia tiếng Việt). Mỗi lần xem phim về chiến thắng của Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, lại được nghe lại bài hát này nhưng bằng tiếng Anh.



CÒN ĐÂY LÀ NHỮNG CẢM XÚC VIẾT VÀO NĂM 2009, KỶ NIỆM 30 NĂM

Thế là đã 30 năm. Ngày đó mình 7 tuổi, chỉ thấy người lớn đào mấy cái hố ngoài đường, nhảy lên nhảy xuống chơi thấy sướng. Về sau, học sinh được học bài hát về một cô bé người Nga đã viết thư cho “đồng chí” Đặng Tiểu Bình phản đối cuộc chiến tranh này, cô bé Lêna Bêlicôva. Không biết hiện nay cô bé ở đâu, ra sao?

Lêna Bêlicôva, lời thơ mình viết đến Việt Nam...
Như sóng thiêng xưa Bạch Đằng Giang...

(không nhớ hết bài hát, hình như của nhạc sỹ Phạm Tuyên thì phải). Người Nga thế đấy, hồi đó và bây giờ vẫn có những người rất yêu Việt Nam chứ không phải lúc nào cũng chỉ kỳ thị người nước ngoài. Rồi có bải hát, nhạc là của các chiến sỹ quân đồng minh thời chiến tranh thế giới lần thứ hai, nôm na là "Hôm nay David chiến đấu chống quân ngoại xâm bành trướng Bắc Kinh... Hôm nay năm châu kết đoàn cùng Việt Nam chiến đấu, cùng Việt Nam đấu tranh giành tự do...". Thời thế đã thay đổi, Đại bá Bắc Kinh và Tiểu bá Việt Nam đều cũng đã thay đổi, không còn những người lãnh đạo xưa kia nữa; nhưng cuộc xâm lược về kinh tế vẫn còn tiếp diễn và Đại bá đã trở thành mối lo cho toàn thế giới. Chỉ mong một ngày đất nước ta giàu mạnh "sánh ngang các cường quốc năm châu" để ai cũng muốn làm bạn với mình...

Truyện chống gián điệp "Sau màn sương lạnh" (Trần Hữu Tòng) được dựng thành vở kịch truyền hình cùng tên. Tên gián điệp Trung Quốc "1-10-49" do cố nghệ sỹ Trần Kiếm đóng. Còn có phim "Người bạn ấy", kể về cuộc chiến tranh mấy ngày đó. Về truyện thì có "Người hàng xóm tốt bụng" của Dương Thu Hương.

Ở bên Trung Quốc, bán ê hề ngoài cửa hàng băng đĩa phim tài liệu về sự kiện này. Theo những phim đó, thì người Việt Nam ta được miêu tả khá là, tạm gọi là nguy hiểm. Có những cô gái dân tộc thiểu số, giả đói khát được anh bộ đội Bát Nhất cho ăn uống, lừa lừa cướp súng bắn chết anh ấy luôn (phim dựng lại). Bên phía biên giới Trung Quốc có khá nhiều di tích về thời đó được giữ rất cẩn thận, và tour du lịch Việt Nam nào cũng không thể thiếu chương trình đi thăm những chỗ đó. Quảng cáo in đầy trên những tờ rơi của công ty du lịch. Thái độ của Trung Quốc bây giờ đối với cuộc chiến đó vẫn thế: cần thiết, thành công rực rỡ (dù hình như chết đến 60.000 quân ô hợp). Đúng là, thời nào cũng thế, con sâu cái kiến thì dễ chết bởi một mếch lòng của một vài kẻ cầm quyền các bên. Nhưng nếu Việt Nam ta nhắc lại thì họ chẳng thích đâu, họ đe nẹt ngay. Nghèo, nhỏ yếu sinh ra hèn.

Dấu vết của chiến tranh bên phía Việt Nam còn tồn tại bởi rất nhiều những bãi mìn. Mình nói đơn giản chỉ cần ví dụ cái quả đồi to to đối diện trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), là cả một bãi mìn đến nay không thể rà phá được, dù sơ đồ vẫn còn vì địa hình sau hai mấy năm đã thay đổi quá nhiều. Cách đây mấy năm, dự án mở rộng đường quốc lộ 1A (Đoạn Hữu Nghị - Đồng Đăng) đã có hai chiếc xe ủi lộn cổ xuống vực chết mấy hai người lái xe ủi chỉ cách nhau có mấy ngày - do vướng mìn. Thời kỳ năm 1990 mình là thằng đi làm thuê, lấy hàng biên giới vài lần. Đi sang TQ phải thuê bộ đội biên phòng dẫn sang TQ (bò qua bãi mìn) và đã có lần thoát chết vì có linh cảm không đi nữa, còn cả chú bộ đội lẫn mấy ông Bắc Ninh liều đi sang tim gan phèo phổi treo hết lên cành cây. Hồi đó biên giới loạn lắm, những tay đầu gấu mình quen hồi đó, người thì hoàn lương, người mới ra tù, người dựa cột...


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment