Friday, March 1, 2013

Bạn Tít


Bạn Tít học cùng trường với bạn Bôn Ba Nhi Bá, lại gần nhà. Thỉnh thoảng sang mượn sách mượn vở của nhau – chả là ngày xưa hai bạn học cùng trường Mầm Non ở trong khu đô thị.

Bà nội của bạn Tít nguyên là phó chủ tịch cái huyện, mà bây giờ nó đã thành quận, đúng chỗ nhà ở bây giờ. Bà cụ chẳng chịu ai cái gì bao giờ, cái gì cũng phải “hơn người”. Cái “hay” ở chỗ, Tít cũng thế. Gia đình Tít, theo như bà của Nhi Bá kể lại vì thường tiếp xúc với bà của Tít – thích dạy con cháu phải giành phần hơn, giành vị trí hàng đầu.

Buổi sáng sớm xe bus của trường đến đón các bạn tại một điểm nằm trên mặt đường lớn. Các bạn nhỏ thường xếp hàng lục tục lên xe, rất trật tự. Nhi Bá cứ đến, là tự động đứng vào cuối hàng. Còn Tít, nếu đã đứng trước thì không sao, nhưng cứ đến sau, là chen vào đứng trước bạn Nhi Bá. Ông con nhà mình thì hiền, không bao giờ có ý kiến, lặng lẽ nhường bạn. Vì Nhi Bá hiền, nên Tít chỉ chen Nhi Bá, không chen ai khác.

Có lần ông con hỏi: “Cô giáo bảo đi đâu, làm gì cũng phải xếp hàng cho trật tự và công bằng. Nhưng sao bạn Tít hay chen lên trước con thế hả ba?” “À, chắc tại bạn ấy muốn lên ô tô trước con ạ” “Thế tại sao bạn ấy lại muốn lên ô tô trước? Có đủ chỗ cơ mà? Ô tô có chạy mất đâu?” “Đấy là do bạn ấy lo lắng con ạ, lo không có chỗ này, lo không chiếm được chỗ ngồi bạn ấy thích này, lo ô tô chạy mất này. Còn con thì trước con cũng lo, nhưng sau khi được ông bà ba mẹ giải thích, con đã rõ rồi, nên không lo lắng nữa đấy thôi!”. Cậu chàng yên tâm hẳn. Mình nói thêm: “Nếu con không thấy lo lắng gì, thì cứ vui vẻ nhường bạn lên trước cũng được, bạn với con tuy bằng tuổi, nhưng bạn ấy người vẫn bé hơn con, thấp hơn con… mà mình lớn hơn, mình nhường cũng được”.

Sáng nay, chở ông con ra sớm đầu tiên, chưa ai đến. Cậu một mình xếp một hàng. Tình cờ, Tít được bố chở đến tiếp theo, và cũng ra xếp hàng. Thật bất ngờ, Tít không chen lên đằng trước Nhi Bá, cũng không đứng sau. Tít đứng cách một mét, thành một hàng riêng. Mặt cậu ta lườm lườm, lừ lừ… và không nói gì. Nhi Bá hơi bối rối, rồi cũng không nói gì, đứng ra đằng sau bạn Tít. Mình đứng cạnh, tranh thủ cơ hội phải nói ngay:

Con thấy không, nếu có người khác đứng xếp hàng rồi, mình phải đứng đằng sau người ta, chứ không phải đứng thành hàng khác, rồi biết hàng nào trước, hàng nào sau? Còn nếu Tít đứng như thế rồi, thì con nhường, và đứng đằng sau Tít cũng được, đằng nào Tít cũng lên đầu tiên và con lên thứ hai, trước tất cả mọi người đúng không nào?”. Tít nghe chăm chú, nhưng mắt vẫn lườm lườm và không nói gì.

Với gia đình mình, điều quan trọng nhất là con cái học được tính nhường nhịn một cách vui vẻ - như Đức Phật dạy “từ bi” đi liền với “hỉ xả” vậy.

Hôm nay xem TV có phóng sự về Phật tử Lào và Thái Lan đi lễ chùa nhân dịp năm mới. Không dâng lễ “mặn” – chỉ hương hoa, không chen chúc, không lễ bằng tiền, không đưa đồ lễ vào gian để tượng Phật mà chỉ để ngoài sân… và quan trọng là nụ cười luôn thường trực trên môi người Phật tử đi lễ chùa - lại nghĩ đến dân ta. Cái gì cũng sợ mất phần, muốn phần hơn, kể cả cái sự “vòi vĩnh” nơi cửa thần thánh, Trời Phật.

Chen nhau về thời gian, cứ ra Tết là phải đi lễ bằng được, càng sớm càng tốt, nếu không thì Trời Phật không phù hộ cho cả năm.

Chen nhau về không gian, cứ là phải chen vào tận trong, đưa lễ lên tận bàn thờ trên, cả cái thủ lợn to, bao nhiêu giò chả…

Chen nhau cả về tư tưởng, hơi tí là gây gổ, sửng cồ với nhau.

Với Phật ấy mà, thế nào cũng được, ngày nào cũng được… “Phật tại tâm”, đừng nghĩ lúc lễ bái “xuýt xoa” thì Phật nghe thấy, lúc chửi trong tâm trí, chửi ra mồm, lúc chen nhau bẹp ruột thì phật không nghe thấy đâu… vị Phật vẫn còn ngồi trong TÂM ta đó!

No comments:

Post a Comment