Friday, April 26, 2013

Đập muỗi



Con muỗi đậu vào cánh tay… tay nọ đập tay kia đánh đét một cái, rõ là đau, đỏ cả tay lên. Con muỗi nếu không may mắn thoát thân thì sẽ bẹp gí, nát bét.

Mấy ai nhìn lại, rằng để đập chết con muỗi đó, đâu cần dùng một lực lớn đến như thế. Đơn giản là không muốn nó thoát, nhưng nó có cánh, lại bé tí, vốn khá nhanh nhẹn, nên ta phải nhanh hơn nó. Nhiều khi, ta phải rình rình, chờ nó cắm sâu cái vòi nhọn hoắt của nó vào da của ta, chờ nó bắt đầu hưởng thụ cái vị ngon ngọt của máu ta, đê mê đi rồi, ta mới phang cho nó một phát – lúc đã đê mê rồi, nó không thể thoát.

Chúng ta cũng chẳng để ý, rằng để đánh nó, chúng ta đã khởi nên một cái TÂM ÁC, muốn hạ sát nó đến cùng. “À, mày dám hút máu tao, tao đập cho mày chết!”.

Cách đây đến gần hai chục năm, có lần bắt gặp con chuột trong nhà, mình dùng chiếc dép ném, ai dè trúng đầu nó. Nó lăn quay ra, nằm thở. Mình thấy mắt nó đen, long lanh, nhìn mình. Mình cho nó vào bệ xí, giật nước. Lạnh lùng và vô cảm. “Cho mày chết, ai bảo mày phá nhà tao”. Hả hê, sung sướng. Kể lại đến mấy năm sau vẫn sướng. Mấy năm gần đây, nhiều khi, ánh mắt của nó lại hiện lên trong tâm trí. Cái liều thuốc độc hả hê uống năm đó, bây giờ nó mới ngấm và vẫn còn tác dụng.

Hôm qua xem trên mạng thấy có cuộc tranh cãi – một bức ảnh ai đó đăng lên chụp một cô gái gày gò, bị trói vào gốc cây – bị bắt quả tang do ăn cắp xe máy ở cổng trường Đại học dưới Hải Phòng. Họ chia hai phe, một phe hả hê, chì chiết “cho đáng đời con ăn cắp”. Đúng, của đau con xót, tiền liền với ruột – mất của ai chẳng tiếc – căm cái bọn lười lao động thích đi ăn cắp lắm chứ! Phe kia, mình cảm thấy gần gũi với họ hơn, thương xót cô gái bị trói. Chúng ta không bàn sâu tới khía cạnh pháp lý – ranh giới giữa “bắt người phạm tội quả tang” sang quá đà “hành hạ người khác” – cái đó để cho cơ quan thi hành pháp luật giải quyết.

Hình ảnh cô gái bị trói vào gốc cây, ám ảnh mình suốt cả buổi tối hôm qua, cả đến khi đi ngủ và trong giấc ngủ. Sự hả hê độc ác đó còn xuất phát từ một xã hội – khi mà sự vi phạm pháp luật, cái ác rất ít khi bị trừng trị từ phía Nhà nước, người ta muốn tự thi hành công lý. Không biết có ai đặt câu hỏi, nếu không phải là một cô gái gầy yếu, mà là hai thằng ăn cắp nhưng lại sẵn sàng biến thành ăn cướp, với hung khí thủ sẵn trong người… liệu họ có dũng cảm để bắt chúng lại, hành hạ chúng như thế hay không?

Đức Phật dạy “Hồi đầu thị ngạn” (“quay đầu lại thấy bờ”) khi tên giết người sám hối nó trở thành Đức Phật. Từ cách nhìn của con nhà Phật, thì cái tâm của những người bắt trói, hành hạ cô gái kia, không chắc đã tốt đẹp hơn cô gái vừa định ăn cắp đó. Ai cũng phải chịu NGHIỆP – chịu trách nhiệm về hành vi mình đã thực hiện, cho dù pháp luật có phát hiện ra hay không.

Ở Thường Tín (Hà Tây cũ) có một chùa, trụ trì trong đó có một Cụ Hòa thượng mà mình không muốn nói tên ra ở đây – năm nay đã ngoài 90 tuổi. Từ khi xuất gia, mấy chục năm qua, Cụ không bao giờ nằm màn, không bao giờ đuổi muỗi. Để “bố thí” cho muỗi. Chúng ta người thường, chưa làm được như thế, thì cũng đừng khởi tâm ác đánh nó, đụng đậy bắp thịt đuổi chúng đi như trâu bò vẫn làm, tốt hơn.

Xin kết thúc bằng một câu chuyện hay và ý nghĩa…

Thiền sư và tên trộm


Tác giả Văn Đan, Như Nguyện dịch
Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.
Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói: “Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.
Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: “Rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi”.
Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói: “Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment