Thursday, April 25, 2013

Mẹ con anh Trần

Anh Trần bốc điện thoại hỏi hộ địa chỉ

Đường phố Chennai nóng và bụi bặm. Vơ vẩn đứng hỏi đường thì có chiếc xe con chạy vụt qua, hai khuôn mặt một già một trẻ, trông quen quen, như đồng hương. Đứng một lúc, thì lại thấy chiếc xe quay lại. Họ cũng vậy, tưởng gặp đồng hương.
 
Anh Trần năm nay đã gần 50, còn mẹ anh, cũng đã bảy mấy tuổi. Họ bỏ quê hương Quảng Đông của họ đã được 25 năm. Anh Trần hầu như không còn nói được tiếng Trung Quốc, nhưng hiểu rất tốt tiếng Quảng Đông, hiểu tiếng phổ thông Trung Quốc tàm tạm và nói với mẹ bằng tiếng Anh. Ngược lại, mẹ anh ấy, bác hiểu tiếng Anh rất tốt nhưng lại nói với con bằng tiếng Quảng Đông. Họ bất ngờ, vì thằng cha trông có vẻ cầu bơ cầu bất đeo cái máy ảnh ở cổ kia, hóa ra không phải người Trung Quốc, mà là người Việt Nam. Nhưng hắn chuyển nói chuyện với họ bằng tiếng phổ thông Trung Quốc, vì bác ấy thích thế - bác đã mười mấy năm không nói chuyện với ai bằng thứ tiếng ấy, lần cuối là sang Singapore.

Mình kể cho bác, hôm qua cháu gặp ở nhà ga Chennai Egmore một thằng sinh viên đi bụi, nó người Quảng Châu. Bác ấy bảo mấy khi ra khỏi nhà đâu mà gặp – mấy năm nay có vẻ sinh viên chúng nó đi “phượt” lung tung, chứ trước đây chẳng mấy khi gặp người Trung Quốc đâu. Cũng lạ, Chennai là thành phố có nhiều đá xây dựng vân rất đẹp, người Việt Nam sang làm thương mại nhập khẩu về khá nhiều, mà lại không có người Trung Quốc – người Trung Quốc đâu người ta chẳng mò? Anh Trần cũng bảo, anh ấy toàn làm ăn với người Ấn, người Âu… và ngại làm ăn với người Trung Quốc từ đại lục sang. À, chắc có uẩn khúc gì đó không tiện nói ra.

Họ lấy xe ra chở mình đến chỗ mình cần, trên xe trò chuyện tiếp. Xa quê đã lâu, cũng muốn về thăm lại quê nhà, mồ mả ông bà tổ tiên… nhưng lại sợ sự o ép họ đã từng chịu và phải vì nó mà bỏ đi. Một nỗi lo sợ vẫn còn lẩn quất đâu đó, chắc hẳn trước đây họ đã chịu đựng ghê gớm. Ngẫm lại, thời đó Việt Nam mình bà con mình bỏ đi còn nhiều hơn và bây giờ nhiều người vẫn chưa dám về.

Họ chẳng biết gì đến những chuyện Hoàng Sa, Trường Sa… nên cũng chẳng cần thiết phải nói với họ về những chuyện đó làm gì, vì câu chuyện vốn dĩ cũng đã u ám lắm rồi.

Sướng nhất là được sống trên quê hương mình – rõ rồi, nhưng sống, phải ra sống…

No comments:

Post a Comment