Monday, January 6, 2014

Bị “nừa dồi!”


Anh em hay trêu nhau khi một bạn nào đó bị mắc lỡm – cười ồ lên “Bị lừa rồi!” – giọng Hà Lội không chuẩn phát âm ra như vậy: “Bị “nừa dồi!””…

Trước đây thỉnh thoảng nghe thấy người ta mắt tròn mắt dẹt kể với nhau là đi ra nơi công cộng, có người ra kể nghèo kể khổ, mất tiền bạc tư trang giấy tờ không về quê được… bờ la bờ la… rồi bà con mủi lòng mà cho tiền. Mắt tròn mắt dẹt kết luận “Nó lừa đấy, hôm nào cũng thấy nó lang thang ở đó…” Đây không phải là lừa đảo, mà là một dạng của ăn xin, nhưng ăn mày ăn xin một cách có nội dung, kể ra một câu chuyện thương tâm để người khác mủi lòng, đánh vào lòng trắc ẩn của người khác. Trên thực tế thì khi người đã có lòng tốt, lòng trắc ẩn thì người ta có thể cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào chứ không nhất thiết phải có một câu chuyện như thế. Suy cho cùng, những người đi xin với một câu chuyện như vậy, không hẳn là xấu.

Rồi, mắt tròn mắt dẹt lại kể gần đây, hay có kiểu nhờ đổi tiền, nhờ nọ nhờ kia… rồi lấy tiền của nạn nhân – kết luận vẫn thế “Nó lừa đấy, bây giờ chúng nó kinh thế!”. Đây cũng không phải là lừa, thực chất đó là một dạng ăn cắp, có sự trợ giúp của… công nghệ.

Trong từ điển tiếng Việt thì “Lừa” là động từ, có nghĩa là “cố tình làm cho người ta mắc sai lầm hoặc có ảo tưởng để nghe theo mình, có lợi cho mình và hại cho họ”. (Từ điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 492, cột 1, mục 13 từ trên xuống) Khi đã dính đến tiền nong, thì không phải là chuyện bạn bè lỡm nhau, đùa nhau nữa, mà đã là chuyện thật. Trong luật hình sự Việt Nam người ta định thành mấy tội danh nghe dài dòng lắm: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…” (của người khác, tài sản xã hội chủ nghĩa, tức là của Nhà nước, hay toàn dân… đại loại thế).

Tự dưng lại nghĩ đến chuyện “Bị nừa dồi”, do đọc cái chuyện một cô nào đó đi lừa hết thým nọ đến mợ kia, mua túi hàng hiệu Pờrađa hay Xìkây gì đó… có đến cả trăm triệu đồng đến tiền tỉ. Rồi cô bé chuẩn bị phải hầu tòa ở Xinhgapua và bà con trên mạng lại ồn ào cả lên. Đọc các diễn đàn thấy có hai dòng tư tưởng chính: (1) Pờrađa hay Xìkây trông như cái làn đi chợ, có cái khỉ gì mà phải mua thứ đắt thế… và (2) Kể ra con bé đó cũng giỏi nhở…

Có lẽ nghề đi lừa người khác để kiếm tiền cũng là một trong những nghề cổ xưa của thế giới – nghề đi buôn có từ khi nào thì nghề lừa đảo cũng có ngay sau đó, chắc tí ti thôi. Vì thế người đi buôn mà không thật thà, người ta gọi là “gian thương”.

Internet làm cho việc buôn bán bước sang một thời kỳ mới, kinh doanh trực tuyến xuất hiện thì lừa đảo trực tuyến cũng phát triển. “Em có người nhà xách tay vác vai được cái này cái kia, qua Hải quan Việt Nam trốn được thuế nên rẻ, em có bạn mua được đồ giảm giá ở bển dùng không hết muốn để lại…”

Bàn chuyện cái làn Pờrađa hay Xìkây giá cả trăm triệu đồng thì có mà sang năm không xong, nhưng rõ ràng là có cái sự thèm khát đối với thứ xa xỉ đó… vì nó là xa xỉ nên thuế đánh vào nó khi khuân về ta cũng cao, đã đắt lại càng đắt. Không có sự thèm khát đó, thì làm sao ông bạn buôn mỹ phẩm kính đeo mắt, đồ thời trang hàng hiệu có BMW mà cưỡi… Dù sao thì làm giàu trên cái sự phù phiếm của người đời, vẫn còn hơn là làm giàu trên sự thèm khát và hơn nữa, trên lòng tham của người khác.

Chúng ta không phủ nhận tất cả những “xách tay, vác vai” ngày ngày vẫn được khuân về và thỏa mãn cái nhu cầu làm đẹp chính đáng của chị em nói riêng và nhu cầu tiêu dùng của mọi người nói chung. Chừng nào còn hàng rào thuế má, thì còn những cố gắng lách qua chuyện đó.


Không những thế, “xách tay vác vai” còn là sự phản kháng đối với mấy ông nhớn Pờrađa, Xìkây đang dùng thương hiệu của mình móc túi bà con đang khát khao cháy bỏng đồ của… chính mấy ông nhớn đó. Rõ ràng ở đây không phải chuyện khi yêu nàng quá mà không lấy được nàng, ta đành họa hình nàng treo đầu giường sáng chiều ra vào ngắm nghía đỡ thèm vậy, mà là “nó bảo em nó mua được nàng cho em làm vợ, nhưng là hàng trốn thuế rẻ hơn…”

Khi người ta đã thèm khát rồi, thì chỉ cần nhử mồi nữa là xong. Một cái giá quá rẻ để thỏa mãn sự thèm khát, đủ làm nổi lên lòng tham và thò đầu vào thòng lọng. Người xưa có câu, hai loại người không bao giờ bị lừa, là người lương thiện và người không tham lam.  

Vì thế, có lẽ buồn cười nhất là sự phẫn nộ của những nạn nhân đã bị nàng lừa bằng những cái làn Pờrađa, Xìkây rởm. Không thèm khát, không tham rẻ… thì sao bị lừa? Kêu ai?

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment