Wednesday, February 12, 2014

“Không nói chuyện chếnh t’rệ!”


“Không nói chuyện chếnh t’rệ!” – nếu không nhớ nhầm thì đó là câu thường xuyên được nhân vật Trần Sùng, trung tá công an chế độ Việt Nam Cộng hòa sử dụng khi tranh cãi, đấu khẩu, tranh luận với chị Dịu, nhân vật nữ chính trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Trần Sùng – NSND Lâm Tới đóng, còn chị Dịu là NSND Trà Giang. Các thông tin khác của phim này ai cũng có thể tìm thấy đầy trên mạng, thậm chí cả những chuyện chưa biết, chưa kể… về phim như nguyên mẫu nhân vật chị Dịu sau này để không phải lấy binh lính sỹ quan “ngụy” đã phải chung sống với một người đàn ông bị câm. Chuyện thú vị chính ở cái câu nói của Trần Sùng kia: “Không nói chuyện chếnh t’rệ!” với chất giọng Quảng Trị rất đặc trưng. Trần Sùng tưởng chừng một nhân vật sỹ quan có học, vừa to khỏe đầy sức mạnh thể chất lại khôn ngoan xảo quyệt, nhưng lại né tránh câu chuyện chính trị mang tính “huyên truyền” của chị Dịu một cách dường như thiếu học và ngu ngốc…

Xong chuyện phim ta nói chuyện ngoài đời. Bây giờ cuộc sống thật là cơm áo gạo tiền, người ta còn có cuộc sống ảo diễn đàn forum… và trừ những diễn đàn được lập nên có một mục đích rõ ràng là “đấu tranh chính trị” còn những diễn đàn khác mang tính xã hội như về bà mẹ trẻ em, ô tô xe máy, công nghệ, điện tử tin học, nhiếp ảnh… đều xác định chung một tiêu chí: “Không nói chuyện chếnh t’rệ!”. Cái thú vị bắt đầu ở chỗ này: có nhiều diễn đàn không phân biệt nổi ranh giới cái gì là chính trị và cái gì không phải là chính trị. Một số diễn đàn, người ta sợ sệt bất cứ chuyện gì có hơi hướng “chếnh t’rệ”, là xóa nghiến luôn, và luôn luôn gây bức xúc, xích mích. Cũng phải thôi, chuyện lập ra diễn đàn trực tuyến, hầu hết là chuyện chơi, nhưng “quyền rơm vạ đá” rầy rà có thể đến từ bất cứ lúc nào. Vì thế nhiều diễn đàn, cứ viết chữ “Đảng” là ôtômatích có công cụ biến chữ đó thành… “xxx”, he he, khiếp sợ đến thế thì đúng là tột đỉnh rồi.

Trong “Từ điển tiếng Việt” của Nhà xuất bản KHXH Hà Nội 1977, thì định nghĩa chính trị rất sơ lược và nghe chừng không chính xác: “Quan hệ của một giai cấp này với một giai cấp khác trong cuộc đấu tranh giành địa vị thống trị và chính quyền trong nước”. Ngoài ra với các khái niệm khác, “chính trị” trong từ điển là những gì thuộc về lĩnh vực tư tưởng: nhà chính trị làm công tác tư tưởng, Tổng cục chính trị trong Quân đội làm công tác tư tưởng trong quân đội… đến đây thì bắt đầu sinh chuyện. Nếu lên Wiki mà tìm thì định nghĩa chính trị là “Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.” - Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về chính trị: (1) nghệ thuật của phép cai trị; (2) những công việc của chung; (3) sự thỏa hiệp và đồng thuận; (4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích (xem Andrew Heywood, Politics (third edition), Palgrave Macmillan, New York, 2007).

Như vậy theo nghĩa hẹp, thì chính trị là việc áp đặt quyền lực cai trị lên một xã hội nào đó của một tập hợp người nào đó, có thể chỉ là một người như ông vua ngày xưa. Còn theo nghĩa rộng thì nó to lắm, vì chính cái quyền lực đó nó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chính những con người trong cơ quan công quyền cũng là người cả thôi, người thế này, người thế khác… những hành xử bình thường của một con người nhưng với những biểu hiện của người làm trong cơ quan công quyền lại là không bình thường. Đã là “thằng dân” thì nói thoải mái, nhưng đã là ông quan thì không phải muốn gì mà cũng dễ phát ngôn được – ông thì “Dân là gian mà!” còn đỉnh cao “Tự do con củ cặc!” – hết thảy đều lan truyền trên mạng internet một tốc độ chóng mặt. “Con dại thì cái mang” – từng con người trong cơ quan công quyền như thế thì người xấu mặt là Nhà nước, là người tổ chức, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ. “Nhân vô thập toàn” – đến mặt trời còn có vết nữa là một chính thể như của chúng ta, mới có Luật đầu tiên từ năm 1985, còn thì một xã hội loạn xạ và vô tổ chức – quan chính là dân được làm việc trong cơ quan công quyền nên ai cũng sẵn sàng xông vào “hôi của” nếu có cơ hội.

Vì thế, nên dân có quyền phàn nàn về những khiếm khuyết của cơ quan công quyền, nhưng rất nhiều người bao giờ cũng nhân tiện chua thêm “cái chế độ này thế lọ thế chai…” – mình cũng vậy, cũng chẳng hơn gì. Ngược lại, chính quyền thì nên chấp nhận những ý kiến nghịch nhĩ, thì mới khá hơn được. Hệ thống tốt dần thì dần dần những chuyện đó sẽ bớt đi…

Riêng mình thì xác định “chém” trên mạng sẽ “Không nói chuyện chếnh t’rệ!” – điều đó có nghĩa là mình hoàn toàn không có ý định lật đổ chính quyền. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phải hoàn toàn xa rời cuộc sống, hàng ngày có đầy chuyện để mà bàn mà luận… và cũng chính vì thế, thiển nghĩ, chính quyền cũng không nên vì những ý kiến này khác về những “đứa con dại” của mình mà quá hoảng sợ. Không phải tất cả đều có mong muốn lật đổ chính quyền đâu.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment