Sunday, March 9, 2014

Xô-nát ánh trăng

Hôm nay hai ba con phải ôn tập môn tiếng Việt để chuẩn bị thi giữa học kỳ hai. Giở sách “Bài tập tiếng Việt cuối tuần” (của trường soạn riêng) ra và đánh vật… có một bài con trai được 8 điểm. Trả lời một câu hỏi mang tính cảm nhận về đoạn văn, cậu chàng trả lời thiếu…

Trong một đêm trăng mờ ảo và quyến rũ, một người đàn ông dạo bước trong đêm khuya và chợt dừng chân trước cửa một ngôi nhà nhỏ cuối con đường. Bên trong vọng ra tiếng đàn dương cầm còn vụng về non nớt của một người đang tập chơi… rồi vang lên tiếng nói thất vọng của một cô bé “Con lại chơi hỏng rồi… giá mà con được nghe Béttôven chơi một lần…” – “Giá mà cha cũng đủ tiền mua vé cho con nghe Béttôven chơi một lần…”.
Người khách gõ cửa, bước vào nhà và xin phép hai cha con được chơi trên chiếc đàn dương cầm đã cũ – lúc này ông đã nhận ra, cô bé bị mù… và dưới những ngón tay điêu luyện của người khách lạ, một giai điệu dịu dàng đến huyền ảo, bất chấp cái cũ kỹ của chiếc dương cầm nhiều năm tuổi, vang lên, đó chính là cái ánh trăng kỳ diệu đang lan tràn khắp thành phố kia, đã cùng người khách lạ luồn vào khắp ngóc ngách của căn phòng nhỏ hẹp và tồi tàn…

Chỉ một quyết định dừng lại vài phút và bước vào căn phòng, người khách lạ đã biến ước mơ của cô bé mù thành sự thật: được nghe Béttôven đàn – vì người khách lạ chính là nhạc sỹ vĩ đại…

Thế đấy con ạ, chỉ một bước chân, chỉ bớt đi của mình vài phút, đã đủ đem lại hạnh phúc vô bờ bến cho một cô bé – thực hiện một ước mơ có lẽ là lớn lao nhất của cuộc đời. Ngày xưa, được nghe một bản nhạc không dễ dàng như bây giờ ba đang cho con nghe đây đâu, mở máy tính lên, vào internet và gõ mấy từ khóa… nhưng đến bây giờ thì vẫn có rất rất nhiều điều không hề thay đổi. Đến bây giờ ngoài đường kia thôi, có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua một cái ví đầm vài ngàn đô la Mỹ, nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ vài trăm đô la Mỹ để đi nghe một buổi hòa nhạc. Điều đó cũng không có nghĩa họ là người xấu xí gì, vì mỗi người có quyền thỏa mãn sở thích của mình (và chắc là cũng sẽ có những “Béttôven” sẵn sàng bỏ tiền mua ví đầm xa xỉ cho người tình như “bác” Dương Chí Dũng mua nhà cho bồ nhí… trộm nghĩ thế) nhưng rõ ràng với những người như chúng ta, như ba chẳng hạn, nếu có tiền ngay bây giờ, thay vì mua một cái ô tô con con, sẽ mua vé bay sang Châu Âu để nghe một buổi hòa nhạc. Xã hội có nhiều lớp người khác nhau, người mê nghe hòa nhạc thường thì sẽ không có bồ nhí, và đương nhiên việc bỏ tiền đi mua ví đầm cho cái cô bồ nhí đó, lại càng không thể.

Đúng thế đấy con ạ, chỉ một bước chân thôi, nhạc sỹ đã biến cả ước mơ của người cha nghèo thành sự thật, và biến thành một ý giảng của ba cho con: tiền là cần cho thậm chí phần lớn các ước mơ, nhưng không phải ước mơ nào cũng đều phải được thực hiện bằng tiền.

"Xônát ánh trăng"
Tranh của "Art of Patience"
Hoa Kỳ
Nhạc sỹ đã biến ước mơ của hai cha con người đàn ông nghèo và cô bé mù thành sự thật, chỉ bằng một cái bước chân… và đằng sau nó, là cảm xúc của người nhạc sỹ được xui khiến bởi lòng trắc ẩn, sự nhân ái.

Cái duyên đã đẩy ba người gặp nhau trong một đêm trăng, và lòng nhân ái của Nhạc sỹ vĩ đại đã ngay lập tức được bù đắp bằng một kiệt tác âm nhạc, mà đến nay, cứ nghĩ đến sự dịu dàng của ánh trăng được thể hiện trong âm nhạc như thế nào, phải là “Xô-nát ánh trăng”.

Con trai chỉ được 8 điểm vì đã trả lời thiếu ý, thiếu mất “lòng nhân ái của Nhạc sỹ”. Không sao con ạ, không hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện ở tuổi con là rất bình thường, mà cả ở tuổi già cũng vẫn là bình thường. Và chính cái “chưa hiểu hết” ấy của con, đã cho ba cơ hội để nói với con một câu chuyện về sức mạnh của lòng nhân ái…

P.S. Đoạn câu chuyện trên đây do "Người lang thang cuối cùng" viết lại sau khi giảng cho con theo cảm xúc của mình chứ không chép nguyên từ sách giáo khoa ra. Một câu chuyện nóng hổi, mới cứng, gõ xong rồi ông con còn chưa làm bài tập xong...



Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

1 comment:

  1. Thơ của thày Thái Bá Tân:

    BÊTHÔVEN VÀ BẢN SONATE “ÁNH TRĂNG”
    1
    Một đêm trăng rất sáng,
    Êm dịu đến ngỡ ngàng.
    Dòng sông Ranh trải rộng,
    Mênh mang càng mênh mang.
    Con đường cây rợp lá
    Từ Nhà Thờ Đức Bà
    Thoai thoải theo sườn dốc
    Ra cánh đồng đầy hoa.
    Hoa đang kỳ nở rộ,
    Nhưng hoa chỉ một màu,
    Dưới ánh trăng trắng sữa,
    Mọi màu thành nâu nâu.
    Xung quanh thật yên tĩnh,
    Dế cũng ngừng tỉ ti.
    Chỉ tiếng cối xay gió
    Xa xa đang rầm rì.
    Có một người thong thả
    Dạo trên con đường này.
    Áo đuôi tôm, mũ đứng,
    Chiếc ba-toong cầm tay.
    Đầu ngẩng cao, ngực ưỡn,
    Vẫn dáng điệu thân quen,
    Ai gặp cũng cúi thấp:
    “Chào Ngài Bêthôven!”
    Beethoven đi dạo,
    Vào một giờ, hàng ngày
    Trên con đường quen thuộc,
    Nhưng hơi khác hôm nay.
    Hôm nay ông đang bực
    Với Napôlêông,
    Vì hắn xưng hoàng đế,
    Hệt như lũ Buốcbông.
    Ông đã viết tặng hắn
    Một bản giao hưởng dài,
    Vì nghĩ hắn dân chủ,
    Vĩ đại và có tài.
    Thế mà con người ấy
    Cũng thuộc loại tầm thường.
    Ông đã xé đề tựa
    Mà không chút xót thương.
    Vì vậy ông dạo muộn,
    Đầu ngẩng cao, càng cao.
    Càng coi thường vua chúa,
    Về mình càng tự hào.
    2
    Trong ngôi nhà gần đấy
    Có một ông già mù.
    Suốt đời mù, tội nghiệp,
    Ông là một thầy tu.
    Giờ sắp về với Chúa,
    Ông mãn nguyện mọi điều,
    Thậm chí mong sớm ngả
    Vào lòng Chúa thân yêu.
    Đêm nay đẹp, nghe nói
    Lại có trăng và sao.
    Ừ, trăng là gì nhỉ?
    Ông chưa thấy lần nào.
    Trước khi về với Chúa,
    Đi vào cõi vĩnh hằng,
    Tự nhiên ông rất muốn
    Được một lần thấy trăng.
    Vâng, muốn thấy trăng sáng,
    Nhưng ông lại bị mù.
    Cha linh mục ngồi cạnh,
    Lặng nhìn ông thầy tu...
    3
    Bêthôven vĩ đại
    Được dẫn vào ngôi nhà.
    Cúi rất thấp, ngả mũ,
    Ông chào hai ông già.
    Rồi đường bệ, lặng lẽ
    Bỏ chiếc gậy đang cầm,
    Ông gạt áo, ngồi xuống
    Trước cây đàn dương cầm.
    Những nốt nhạc êm dịu
    Lơ lửng trong căn phòng.
    Những nốt nhạc thần thánh
    Lúc đùng đục, lúc trong.
    Đều đều và thong thả,
    Lướt nhanh hay dừng lâu,
    Mờ mờ và le lói
    Những nốt nhạc có màu.
    Đó là màu bàng bạc
    Của một đêm trăng hè,
    Của con đường rợp lá
    Khi dế ngừng tỉ tê.
    Con đường ông vừa dạo
    Từ nhà thờ Đức Bà,
    Theo sườn dốc thoai thoải
    Ra cánh đồng đầy hoa.
    Một đêm trăng tuyệt đẹp
    Không thể nói nên lời,
    Không cảm nhận bằng mắt
    Mà bằng trái tim người.
    Ánh trăng vẫn đọng lại
    Trong căn phòng mờ mờ,
    Cả khi tiếng nhạc tắt,
    Ngân mãi như nốt chờ.
    Bêthôven đứng dậy,
    Lại cúi chào chủ nhà.
    Ồng thầy tu hấp hối
    Mở đôi mắt mù lòa.
    “Ông là ai?” ông hỏi.
    “Một công dân thành Bonn.”
    “Trái tim ông nhân hậu,
    Ngón tay ông có hồn.
    Vậy là tôi mãn nguyện,
    Trước khi lên vĩnh hằng,
    Lần đầu và lần cuối,
    Tôi nhìn thấy ánh trăng.
    Cảm ơn, tôi hạnh phúc.
    Lần nữa cảm ơn ông...”
    Đôi mắt mù lại nhắm.
    Trăng vẫn sáng trong phòng.
    Ông thầy tu tắt thở,
    Ánh trăng dính khắp người.
    Nét mặt ông thanh thản,
    Hình như ông mỉm cười.
    Ông chết, không hề biết
    Người ông vừa cầm tay
    Là nhạc sĩ vĩ đại,
    Vĩ đại nhất đời này.
    Ông không biết con cháu,
    Mời nhạc sĩ vào nhà
    Để giúp làm mãn nguyện
    Một người cha mù lòa.
    Ông cũng không hề biết
    Người chơi đàn ông nghe
    Từ lâu đã bị điếc,
    Một số phận nặng nề.
    3
    Nhạc sĩ lại đi dạo,
    Thấy vui vui trong lòng.
    Ông quên bản giao hưởng,
    Quên Napôlêông.
    Ông chỉ thấy trăng đẹp,
    Đẹp cả trong ngôi nhà
    Nơi ông vừa giúp đỡ
    Một thầy tu mù lòa.
    Theo ông, bản nhạc ấy
    Đã lên chốn vĩnh hằng.
    Sau trở thành chương một
    Bản Sonate “Ánh Trăng”.

    ReplyDelete