Sunday, April 20, 2014

Giở võ 2: người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh

Cảm xúc của cộng đồng đúng là rất trái chiều sau sự việc “người Tân Cương ở Bắc Phong Sinh” hôm kia. Phần lớn tâm lý số đông của mọi người là căm phẫn trước mất mát của lực lượng biên phòng cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Vậy từ khía cạnh pháp luật quốc tế, chúng ta nên nhìn sự việc trên như thế nào? Trước mắt chúng ta cần xác định họ là ai, những người nước ngoài xâm nhập lãnh thổ quốc gia Việt Nam với mục đích xấu nào đó, hay đó là những người tị nạn thông thường. Có ý kiến cho rằng nhóm người này là “thám báo” được cử sang ta, và khi bị trả về, đã gây đổ máu. Sâu xa hơn, cũng xuất phát từ tư tưởng này, người ta cho rằng đây phải chăng là phép thử của nhà cầm quyền Trung Quốc thăm dò chính sách đối ngoại của ta đối với “vấn đề Tân Cương” của Trung Quốc…

Phải cảm ơn một người bạn trên Facebook về một câu chuyện sau:

Nhà văn Nguyên Hồng kể:... Nhưng trong bữa ăn khoái khẩu hôm ấy anh chỉ lẳng lặng uống. Sau mỗi miếng nhắm anh chống đũa, tư lự. Có vẻ anh buồn.- Bên Tàu loạn to. Nhiều người chạy sang ta, chạy loạn hay là chạy chính phủ không biết, trông tội lắm. - anh nói, giọng rầu rầu - Mình ở Hải Phòng lâu, các cậu biết đấy, cả thời trẻ mình sống lẫn với người Hoa, mình có cảm tình đặc biệt với người Hoa. Họ chăm làm, tử tế... Trông những người chạy loạn gày còm, đen đủi, nhếch nhác, mình thương quá. Họ tưởng mình cũng là công an, quỳ xuống mà lạy, nước mắt lã chã. Họ xin đừng đem họ trả Trung Quốc, đem trả họ sẽ bị giết hết, họ nói thế. Mình can mấy cậu công an, bảo từ từ để xem thế nào đã, nhưng luật biên giới là thế, không trả không được. Những người Hoa kia lăn lộn, kêu khóc ầm ĩ, phải lôi xềnh xệch sang bên kia... Thảm lắm!- Rồi sao? - chúng tôi hỏi.- Đồn biên phòng ta cách đồn bên kia có một quãng. Lát sau, mình vẫn ngồi đấy, nghe phía bên kia có tiếng súng nổ. Hôm sau, những người khác chạy sang nói mấy người bị trả về bị bắn chết hết, bắn tại trận...
Chắc Trung Quốc chẳng cần phải “thử” ta làm gì, chúng ta vốn cũng có truyền thống trả lại người tị nạn chạy từ Trung Quốc sang từ mấy chục năm nay rồi. Nếu không trả lại, bị quy kết là “can thiệp công việc nội bộ” ngay lập tức.

Vậy thì trước mắt chúng ta hãy nhìn từ giả thuyết họ là những người tị nạn. Trong hệ thống văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia có “Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế” bao gồm “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”, “Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, và “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” – trong đó hai Công ước sau đòi hỏi các quốc gia tham gia chúng phải thông qua và gia nhập. Ở đây chúng ta cần quan tâm đến “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” – theo thống kê các nước tham gia, thì Trung Quốc là nước tham gia ký, nhưng chưa thông qua, và cũng chưa biết đến bao giờ thì thông qua (nghĩa là ngoài đặc khu Hồng Kông, còn thì Trung Quốc chưa chịu ràng buộc của Công ước này), còn Việt Nam thì không có trong danh sách chưa thông qua, nghĩa là đã tham gia rồi.

Các nước thành viên “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”
Trung Quốc chưa tham gia được thể hiện màu xanh nhạt

Công ước là sự thể hiện cụ thể hơn của “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” trong đó có một nguyên tắc cơ bản là “Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở” (điều 13) và “Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.” (điều 14).

Như vậy dù thế nào chăng nữa, thì những người Tân Cương vừa xâm nhập lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp thì đã vi phạm pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và thuộc quyền tài phán theo pháp luật của Việt Nam. Nếu như kết quả điều tra cho thấy đó đúng là những người tị nạn chính trị người Tân Cương bị đàn áp (không thuộc trường hợp “Quyền này không được kể đến, trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc” cũng của điều 14 trên đây) thì chúng ta cần tuân thủ nghĩa vụ quốc tế - tức là với “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” mà Việt Nam là thành viên – đối xử với họ đúng theo những nguyên tắc mà cộng đồng quốc tế vẫn hằng tuân theo đối với những người tị nạn chính trị từ trước đến nay: tạo cho họ điều kiện tạm sinh sống và đệ đơn lên Liên Hiệp quốc để tìm nơi tị nạn tại một nước thứ ba…

Còn nếu họ đúng là “thám báo”, càng không thể được trao trả về nhanh chóng ngay trong ngày như thế - mà cần phải điều tra ngọn ngành xem người của “Hoa Nam tình báo cục” hay của ai, cử đi đâu, làm gì, nhiệm vụ thế nào, liên lạc với ai…

Điều đó cũng nói lên một điều, bất luận họ là những người tị nạn hay “thám báo”, việc trả về ngay lập tức đã chỉ rõ: hành xử của phía Việt Nam ta đã gián tiếp tuyên bố việc từ bỏ chủ quyền quốc gia trong thi hành quyền tài phán đối với nhóm người trên.

Bằng vài nhận xét như vậy, mình cũng muốn nhắn gửi tới những người đang hô hét “Đánh bỏ mẹ bọn Tàu đi!” rằng, chúng ta yêu Tổ quốc của chúng ta, cũng có nghĩa là chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Các bạn đang mờ mắt về lòng căm thù với “Tàu” mà quên đi rằng, chủ quyền quốc gia mới là cao nhất, và trong trường hợp “vụ Bắc Phong Sinh” này, hành xử của phía ta, chính là vi phạm chủ quyền quốc gia đấy. Việc vi phạm không chỉ từ phía nước ngoài, mà cũng có khi từ cả phía ta nữa.

Xin không bàn sâu về giả thuyết đó là những người buôn ma túy đi vào nước ta. Xin lỗi, buôn ma túy mà mặc kiểu người Hồi giáo đi khơi khơi như thế ấy à… Công an ta chưa bắt thì mấy ông buôn ma túy Việt Nam hàng xịn họ cũng chẳng để yên…

P.S. Đoạn này lúc trước cân nhắc nhưng lại thôi không viết (để bà con Facebook bình luận), nhưng nay lại thấy cần, không thì không hết được ý. Tất nhiên việc các bên hành xử còn theo các hiệp ước song phương được Việt Nam ta ký kết với các nước khác về hỗ trợ tư pháp… trong trường hợp này, nhất là khi Trung Quốc chưa tham gia Công ước quốc tế, thì ưu tiên giải quyết theo Hiệp ước song phương (mà ở đây chúng ta chưa rõ nội dung của nó ra sao).

Theo phương án này, Trung Quốc có quyền đưa ra yêu cầu trao trả, và trong trường hợp đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu: những người Tân Cương này là công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, những người này không thuộc diện tị nạn chính trị mà là các tội phạm hình sự… là thuộc về phía Trung Quốc. Khi đó Việt Nam ta có quyền xác minh lại tính xác thực của những thông tin trên và chỉ trả người về khi những thông tin đó là chính xác và đúng pháp luật quốc tế. Bản thân việc trao trả về cũng phải có thủ tục, nghi thức của nó chứ không phải hành xử lúi xùi. Hôm qua “một ông anh” kể hôm lễ đổ bê tông hai cột mốc biên giới 1116 ở cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn có đại diện hai Bộ ngoại giao, cũng có diễn ra một sự kiện phía Trung Quốc trao trả lại người, một cô gái cho phía ta. Họ đi một đoàn có đại diện nhiều cơ quan, ngoại giao có, quân sự có, cả y tế cũng có… và tiến hành rất nghiêm cẩn. Ta thì cứ luộm thà luộm thuộm…

Tìm hiểu về “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

Đọc bài "Giở võ" ở đây

Đọc thêm bài "Almira"

3 comments:

  1. Sau khi "Người lang thang cuối cùng" post bài này lên Facebook, có một bác share lại và nhận được một phản hồi rất giá trị - mặc dù chưa nhận được sự đồng ý nhưng xin post lên đây:

    >>>Bài này lại là một bài ngụy biện nữa. Ngụy biện ở chỗ trốn tránh vấn đề to lớn nhất bằng cách lôi những thứ rác rưởi ra để che lấp. Vấn đề to lớn nhất là hầu hết những người chạy qua biên giới không có giấy tờ hợp pháp chỉ là người thường thôi. Họ qua để làm ăn bình thường, như buôn bán, đi kiếm việc làm, hay di cư. Kể từ thời bao cấp đóng cửa biên giới Việt Trung đến nay, hàng triệu người qua biên giới trái phép, nay mới có một lần xảy ra chuyện lớn. Những người thám báo, tỵ nạn chính trị chỉ là một số rất hiếm hoi, thì lại được người viết bỏ công ra bàn rất nhiều. Mục đích để che đi chuyện lớn, đánh lạc hướng người đọc, một thủ đoạn quen thuộc của ngụy biện.

    Bàn về người trốn chui trốn lủi qua biên giới không có giấy tờ hợp lệ, thì nước chủ nhà nên mau chóng trả họ trờ về nước cành nhanh càng tốt. Đối với nước chủ nhà, nó đỡ tốn kém (cho ăn, ở, chăm sóc y tế, cử người canh gác, làm giấy tờ, vân vân). Đối với người bị trả về, cũng rút ngắn thời gian chờ đợi mệt mỏi trong trại tạm giam.

    Thực tế, ở biên giới Việt Trung, việc trao trả người trốn qua biên giới thường chỉ trong vài ngày, và đôi khi chỉ đẩy qua biên giới chứ không có giấy tờ gì. Ở biên giới Mỹ và Mễ, Mỹ và Canada, việc này cũng vài ngày. Ngày xưa tôi đi thuyền đến Hương Cảng, bị nhốt chung với bọn Trung Quốc đang chờ đợi trả về, riêng tôi, thì mất 2 năm mới đi Mỹ, vài đứa gần 1 năm mới về Quảng Châu, còn hầu hết chỉ trong vòng 2 ngày là xong cả thủ tục lẫn người. Tôi là người bị giữ lâu nhất, vì bọn chúng cứ nói tôi là người Trung Quốc mà tôi nói dối là người Việt Nam. Nó không tài nào trả tôi về Trung Quốc được, vì không có làn xóm, xã nào mà trả về. Tuy thế, muốn đẩy tôi đi Mỹ cũng không dễ. Thường ra thì phải 4 năm. Vậy tôi chỉ hơn 3năm đã đi Mỹ rồi (ví sau khi ra tù, tôi còn ở trong trại tỵ nạn 1 năm nữa), thì lại là may mắn hơn người, mặc dàu bị nhốt vào tù khổ sở hơn nhốt trong trại tỵ nạn.

    Nói về chuyện nhân đạo, thì mênh mông lắm. Chỉ gói gọn một điều: Nhân đạo chừng nào túi tiền mình cho phép. Dân Việt Nam thiếu gì người màn trời chiếu đất, không bà con chăm nom, sống giữa láng giềng chòm xóm mà đói khổ. Thế thì còn lòng nào đón hàng trăm nghìn người đên Việt Nam trái phép? Cưỡng chế đất của bà con để chỗ cho họ làm làng Trung Quốc, làng Tân Cương mà ở chắc?

    Chê trách cán bộ chiến sỹ biên phòng chỉ là để thỏa mãn cái nói xấu chính quyền của mình thôi, chứ chẳng đẹp đẽ nhân đạo với dân ta đâu. Chính phủ ta thì không thiếu điều xấu để nói. Hãy tập trung sức để nói xấu những chuyện đó thôi. Đừng nói xấu lung tung, mất cả giá trị lời nói xấu của mình đi.<<<

    From bác AnhMy Tran, (Hartford, Connecticut).

    ReplyDelete
  2. Bác AnhMy Tran, (Hartford, Connecticut) trả lời:

    Trích bài viết của tôi ở chỗ khác:

    Hãy coi các nước xử trí việc người nước ngoài phạm pháp trong nước họ thế nào để tham khảo:

    Mỹ lập một trại tù giam giữ người Trung Đông theo đạo Hồi mà bị coi là nguy hiểm với nước Mỹ. Họ bị bắt từ Iraq, Iran, Thổ, Do Thái, Châu Phi, vân vân mang về đây, đủ các lứa tuổi, kể cả trẻ con dưới 18 tuổi. Cả thế giới lên án việc này là vô nhân đạo. Tuy thế, chính phủ Mỹ vẫn khăng khăng không chịu thả họ, mà sẽ giam giữ suốt đời cho đến khi họ chết.

    Singapore bắt được người Việt gốc Úc và gốc Canada buôn thuốc ma túy. Người Úc và Canda gốc Việt bị xử tử, măc dàu chính phủ Úc và Canada xin tha cho họ vì lòng nhân đạo. Singapore nói, họ phải giết để phòng chống ma túy trong nước họ.

    Những người TQ nổ súng bắn lính biên phòng của ta ai chết ai sống thì tôi không rõ, nhưng nếu trả họ về TQ, thì TQ xử, ta không cần biết. Cái tội này, nếu ở Mỹ, cũng vào tội tử hình. Nếu ta xử tử hình, thì ta cũng chẳng hơn Mỹ và Singapore trong thí dụ tôi kể trên. Ta không tử hình, mà trả cho TQ, thì ta đỡ phải mang tiếng ác. Ngoài ra. trao trả thì không tốn kém gì, ngoài lương vẫn trả như thường cho cán bộ, nhưng tử hình thì tốn kém lắm, khỏi nghĩ nhiều cũng biết.

    ReplyDelete
  3. "Người lang thang cuối cùng" trả lời bác ấy:

    Trong comment của bác nhà cháu xin phép lấy về trên đây, có một đoạn rất đáng chú ý:

    "Thực tế, ở biên giới Việt Trung, việc trao trả người trốn qua biên giới thường chỉ trong vài ngày, và đôi khi chỉ đẩy qua biên giới chứ không có giấy tờ gì. Ở biên giới Mỹ và Mễ, Mỹ và Canada, việc này cũng vài ngày. Ngày xưa tôi đi thuyền đến Hương Cảng, bị nhốt chung với bọn Trung Quốc đang chờ đợi trả về, riêng tôi, thì mất 2 năm mới đi Mỹ, vài đứa gần 1 năm mới về Quảng Châu, còn hầu hết chỉ trong vòng 2 ngày là xong cả thủ tục lẫn người. Tôi là người bị giữ lâu nhất, vì bọn chúng cứ nói tôi là người Trung Quốc mà tôi nói dối là người Việt Nam. Nó không tài nào trả tôi về Trung Quốc được, vì không có làn xóm, xã nào mà trả về. Tuy thế, muốn đẩy tôi đi Mỹ cũng không dễ. Thường ra thì phải 4 năm. Vậy tôi chỉ hơn 3năm đã đi Mỹ rồi (ví sau khi ra tù, tôi còn ở trong trại tỵ nạn 1 năm nữa), thì lại là may mắn hơn người, mặc dàu bị nhốt vào tù khổ sở hơn nhốt trong trại tỵ nạn."

    Những điều bác viết đang chứng minh bác và nhà cháu... không có gì mâu thuẫn cả, thế mới hay!
    1. Bác bị nhốt đến mấy năm, nhỡ mấy năm ấy để điều tra lên, điều tra xuống những điều bác khai thì sao?
    2. Việc 1, 2 ngày chỉ là thủ tục.
    3. "Thực tế, ở biên giới Việt Trung, việc trao trả người trốn qua biên giới thường chỉ trong vài ngày, và đôi khi chỉ đẩy qua biên giới chứ không có giấy tờ gì..." => Chuẩn quá rồi còn gì!

    Một lần nữa nhà cháu cảm ơn những thông tin quý giá của bác và xin hoan hỉ chào đón bác cùng bàn luận.

    ReplyDelete