Wednesday, May 28, 2014

Cuộc đời xem bóng đá của tôi

Chú Cam Naranhitô - '82
Mình bị coi là hạng mê bóng đá “hâm, nhưng không mộ”, nghĩa là mê thì cũng vừa vừa thôi. Thích xem các giải đấu lớn tầm cỡ thế giới hay châu lục, như World Cup, Euro, kể cả African Cup hay Copa America… riêng có cái giải Châu Á là chẳng mấy khi quan tâm. Nôm na, là không thích xem mấy bố Hàn Quốc, và nhất là Trung Quốc đá bóng.

Mình ích kỷ, hay ghen tị - tầm Đông Nam Á, không thích Thái Lan; tầm Châu Á, không thích Hàn Quốc, có nhẽ Nhật Bản thích nhất và dứt điểm cực ghét đội Trung Quốc.

Giải bóng đá quốc tế lớn đầu tiên được xem, theo dõi là World Cup Espana 1982, biểu tượng hay linh vật gì đó, là chú Cam Naranhito (Naranjito). Hồi đó hay mất điện, nên xem buổi đực, buổi cái… được cái là đá ở Châu Âu không chênh giờ bao nhiêu, nên dù bé con nhưng vẫn xem được. Mẹ hay nấu nồi cháo cho cả nhà ăn xem khuya. Cả phố có vài cái tivi, nên bà con tập trung hết vào vài nhà đó thôi. Tivi đen trắng nên hai đội mà mặc áo sáng áo sẫm còn được, chứ hai màu ra xêm xêm nhau về “gray-scale” (sắc độ xám) là chịu. Hồi đó mấy chú mấy bác bình luận viên hay còn phải thông báo đội nọ đội kia áo màu gì, quần màu gì, tất màu gì, bảo vệ cái khung thành phía bên nào của màn ảnh nhỏ…

Có lẽ giải 1982 là giải đầu tiên được xem và ấn tượng nhất của nhiều người, chứ không riêng gì mình. Trên báo Hà Nội Mới có chuyện cười: “Ớ ông nó ơi, hôm qua tôi nghe trên tivi bóng đá người ta bảo cái ông Phan Cao thợ cắt tóc đầu phố mình – tưởng ông ấy nghỉ ốm hóa ra đi đá bóng tận bên Tây Ban Nha ông ạ!” (Paulo Roberto Falcão (16 tháng 10, 1953) – đội tuyển Brasil). Năm đó không ai nghĩ là đội Italia vớ vẩn của anh Paulo Rossi “hom hem” lại lóc cóc lết được đến tận ngôi vô địch. Ấn tượng của nó đến mức mà còn xuất hiện cả phiên bản lời tiếng Việt của bài hát “Vì sao anh ra đi” nhại cô Thanh Hoa: “Khi nghe tin bóng đá Tây Ban Nha tràn sang nước ta, đội Ý thành công, anh phóng Honda sang Tây Ban Nha để xem bóng đá, mà không có tiền, phải đi giết người, để xem thi đấu…” trẻ con suốt ngày nghêu ngao hát ngoài đường.

"Tôi phóng Honda sang Tây Ban Nha..." 

Bây giờ thì cứ đến hẹn lại lên, hai năm một lần có giải to – World Cup rồi Euro. Hồi đó Euro 84 không được nhà đài ta phát, nên bà còn chẳng biết gì, chỉ xem tin thể thao đài Hoa sen Liên Xô phát cho chuyên gia, ta chôm lại tin mà biết đội Pháp của Michel Platini vô địch, được xem vài trích đoạn mấy cú phạt hàng rào thần sầu của Platini mà cứ há hốc cả mồm ra.

Nhưng cuối năm đó bà con Việt Nam được một bữa tiệc to: giải bóng đá các đội bóng Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa - SKDA. (Phong trào bóng đá Công an ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, người ta thường gọi là Đinamô – “Máy phát điện”. Nghe Đinamô, là nghĩ ngay đến Đinamô Kiép, rồi Đinamô Mátxcơva, Đinamô Tbilixi cũng là oách, còn Đinamô Cutaixi thì thường thường thôi… - sau này chính cái lôgô của các đội Đinamô này bị ông bóng Động Lực ông ấy chôm mất) Chẳng nhớ như thế nào nhưng hồi đó hình dư Việt Nam ta dùng đội Thể Công làm nòng cốt. Trận chung kết, hai đội Liên Xô (nóng cốt là Sétxka Rốtxtốp trên sông Đông thêm mấy anh Sétxka Mátxcơva thì phải) Quân đội Hunggari đấu với nhau, qua cả hai hiệp chính, hiệp phụ và cuối cùng Hunggari vô địch. Ngành xổ số của ta ăn theo ngay với đợt vé số đặc biệt “Xổ số SKDA”.

Nhà hiền triết Socratès
World Cup 1986 ở Mexico là giải đầu tiên bà con được xem trọn vẹn từ đầu đến cuối, do đài truyền hình Liên Xô cho xem ké. Từ hồi đó đã có truyền thống cổ vũ cho đội Liên Xô rồi – người Việt Nam ta yêu Liên Xô nhưng hình dư không dám nhận, nên cứ che che đậy đậy: không cổ vũ cho “ông ấy”, “ông ấy” thua “ông ấy” cắt không cho xem… về sau bác bình luận viên nào còn nói giọng khá tình củ: “Việt Nam ta quen yêu quý đội Liên Xô nên mỗi khi đội Liên Xô đi thi đấu, thì được cổ vũ như đội nhà.” Chưa đá bóng thì Mexico có trận động đất khủng khiếp nhiều người chết, nhiều công trình quan trọng bị phá hủy. Có ý kiến hay là Mexico không nên tổ chức… nhưng quan chức FIFA thì bảo là World Cup này rất cần cho nhân dân Mexico… và quả thực nó đã được tổ chức rất thành công.

Ấn tượng của giải đấu này thật khó phai: Đội tuyển Liên Xô thắng Hunggari đến 6-0. Lần đầu tiên được xem một đội bóng Châu Á đi giải thế giới, đội Hàn Quốc. Trận hay nhất giải có lẽ phải là trận tứ kết giữa Brasil và Pháp, hai đội dắt nhau đi đến xử bắn sau 120 phút nghẹt thở… quả penalti của Platini định câu qua đầu thủ môn nhưng lại vọt xà, và anh nào đó của đội Pháp sút trúng cột dọc, nện vào lưng thủ môn vào lưới mà vẫn được tính…

"Siêu phẩm" của Michel Platini trong chiến thắng 3-0 của Pháp trước Hungary tại World Cup 1986. (Ảnh: Perenyi/Augenklick)
Còn nữa, năm 1986 còn “kết” kinh khủng “nhà hiền triết sân cỏ” Socratès vừa là tiến sĩ triết học vừa là bác sĩ, sao mà ông ấy đá hay thế. Chạm bóng đâu là tuyệt vời đấy, đúng là đá bằng cái đầu.

Năm này cũng là năm đầu tiên phong trào bê tivi ra vỉa hè cả phố xem cùng, cạnh cái tivi to là cái dự phòng 14 inches, bộ ắcquy lúc nào cũng sẵn sàng phòng mất điện. 

Euro 88 với sự lên ngôi của đội Hà Lan, cực ấn tượng với bước chân sải dài, chậm rãi nhưng lại rất nhanh của Ruud Gullit, bộ ba người Hà Lan bay (Marco van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard). Giải này là đỉnh cao nhất của đội tuyển Liên Xô khi được huy chương bạc (không tính thời vô địch châu Âu năm một nghìn chín trăm lâu lắm của Lev Yashin) – Liên Xô hai lần gặp Hà Lan, vong ngoài thắng, và thua lại ở trận chung kết.

Xen giữa các giải đấu lớn, người yêu bóng đá Việt Nam thường được theo dõi qua bản tin thể thao và một tuần một lần tivi Việt Nam có hẳn một chương trình thể thao – và được theo dõi nhiều nhất là Giải vô địch quốc gia Liên Xô. Vì thế những cái tên như  Đinamô Kiép, Đinamô Mátxcơva, Denhít Lêningrát, Toócpêđô Mátxcơva,, Sétxka Rôstốp trên sông Đông, Sétxka Mátxcơva, Sácchio Đônhét… Đinamô Tbilixi, Đinamô Cutaixi. Mình thích nhất đội Xpáctác Mátxcơva có anh thủ môn Đaxaép, hồi đó dân ta thuộc nằm lòng những O. Blôkhin, I. Bêlanốp, Khiđiatulin, V. Bétxônốp, O. Prôtaxốp và O. Mikhailítchenkô...

"Mùa hè nước Ý" - Gianna Nannini & Edoardo Bennato - Notti Magiche (italia 90)

Chẳng có giải World Cup nào có bài hát hay nhất bằng Italia 90, “Mùa hè nước Ý”, bây giờ nghe lại vẫn hay. Ông em trai hồi đó bé tí, chỉ thích mở tivi để “nghe bài hát”. Giải này Liên Xô xếp bét, không qua được vòng đấu bảng. Đội vô địch Cộng hòa liên bang Đức, với ông huấn luyện viên đeo kính trắng đẹp như một vị giáo sư, Franz Beckenbauer – giải của anh Maradona hết thời, già khú đế nhưng “rùa” vào đến tận chung kết – mà bà con mong mỏi đội của ông Beckenbauer “đập cho nó chết đáng đời đi”. Anh Maradona còn khóc sụt sịt, “gớm, vào được đến đó là phúc tổ 70 đời rồi, bố ạ!”.

Nhưng chỉ hai năm sau chính đội tuyển Cộng hòa liên bang Đức này thua đội bóng “vớ vẩn” Đan Mạch trong trận chung kết Euro 92. Đây cũng là giải đầu tiên và duy nhất của đội tuyển SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập).

Giải World Cup đầu tiên xem thấy mệt nhất và ấn tượng nhất là USA-94. Xem lệch múi giờ quá nhiều, bà con lờ phờ hết cả người, đến hết vòng bảng là ông nào ông đó mắt đỏ kè, ấn tượng với đội bóng lần đầu tiên dự World Cup là đội tuyển Mỹ đá hay luôn – “được của ló”. Đúng là có tiền có khác, ông mày không thích thì thôi, thích đầu tư một phát là oách luôn nhé!


Thời gian những năm 1992, 1993 gì đó bắt đầu được xem giải ngoại hạng Anh, lúc mới xem ấn tượng kinh khủng bởi lối đá nhanh, thoáng đạt. Mê Manchester United vì Eric Cantona với cái áo đấu dựng cổ... hồi đó học tiếng Pháp nên quan tâm mấy anh Pháp lắm... đến sau này thích thêm Arsenal với mấy anh chàng Thiery Henry và Robert Pires, nhất là cú sút từ sát biên ngang của Pires chạm cả hai cột dọc mà vẫn vào (không nhớ giải 1999 hay 2000 nữa).

Lại nghẹt thở với trận cầu kinh điển C1 Manchester United của mùa “ăn ba”, nhưng không quên được trận đội tuyển Việt Nam đá với Indonesia bị dẫn 1 quả, đuổi một người mà vẫn thủ hòa, rồi sau đó Lào giúp ông anh vào vòng trong... cũng không quên được lần đầu Việt Nam hạ Thái Lan 3-1, ông Riedl giơ nắm đấm lên trời còn chú Hồng Sơn chào bà con trên khán đài không đúng điều lệnh, tay cong lắm và chỉ mấy ngày sau bà con ta khóc tức tưởi vì cái lưng của ông “cửu vạn” Singapore nào đó cùng cái vũng nước tự dưng mọc lên ở khung thành ngăn cú đánh gót của Lê Huỳnh Đức... đang hi vọng vì lứa U-16 của mấy chú Văn Quyến đá quá hay năm 2000 nhưng lại tàn quá nhanh chỉ vì hư hỏng.

Giải Euro 96 cũng là giải hay tham gia đá bóng với thanh niên ở phố bên cạnh nhất. Cứ xem đá bóng xong là đá luôn từ đêm đến sáng rồi về tắm, thằng làm gì thì làm, thằng ngủ bù. Phố bên đó có thằng Bích, đá rất hay, nhờ có giải này Cộng hòa liên bang Đức vô địch mà anh cu Bích vốn hâm hâm, có cái tên ghép “Ôlivơ Bích Hấp” từ gốc anh cầu thủ Oliver Bierhoff.

Wolrd Cup 98 và Euro 2000 là hai giải xem hay nhất vì xem cùng lũ bạn Pháp, toàn xem ở L’Alliace Francaise de Hanoi (Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Pháp). Nếu như trận chung kết Pháp – Brasil không ai dám tin là Pháp thắng được Brasil, thậm chí có những đoán định là “Pháp sẽ bị dìm trong biển máu” ai dè ăn ba trái, xem mất hứng thì trận chung kết Pháp – Ý của Euro 2000 đúng là đỉnh cao của căng thẳng, xem xong mấy chú Pháp đập hết cả cốc tách của trung tâm mà hò hét, mình cũng khản hết cả giọng. Hình ảnh thích nhất là anh Laurent Blanc hôn cái đầu trọc của thủ môn Barthez đầu gấu... nhưng cũng chính hình ảnh của anh chàng Zidane ở World Cup 2002 ngã cắm đầu xuống đất làm thất vọng bao fan hâm mộ chú gà trống Gôloa.

World Cup 2002 là World Cup xem thoải mái nhất về giờ giấc trên phương diện... sức khỏe nhưng xâm phạm nhiều nhất vào giờ làm việc. Toàn đá buổi chiều và chiều muộn.

Euro 2004 là giải xem chán nhất vì mấy ông Hy Lạp đã “rùa” thì chớ, chưa thấy đội bóng nào xấu trai đến thế, mặt mũi thì hom hem, mắt thì cứ trố thồ lố. Câu ví von “Đẹp trai như người Hy Lạp” đúng là bố láo, cần phải sửa thành “Xấu trai như cầu thủ Hy Lạp.”   

Lâu nay không xem đá bóng Việt Nam, cả ASEAN Cub lẫn Seagames. Giải trong nước thì đương nhiên là không rồi.

Manchester United hồi đầu thích vì Cantona, về sang bà con Việt Nam thích theo mình nhiều quá, mình giảm dần độ thích, và cũng giảm dần ham muốn xem bóng đá.

Trận chung kết Cúp C1 2008, màn "xử bắn"

Trận chung kết Cúp C1 gần đây nhất là năm 2008, xem ở Mátxcơva. Thấy cảnh sát thành phố Mátxcơva một phen căng hết cả lên để chống bạo động. Ga metro sân Lugiơnhiki đóng cửa, hành khách phải xuống hai ga kế bên và đi bộ vào sân.

Gần đây được biết hình như Manchester United có một hai mùa cả đội không có một ngôi sao nào hết ngoài Sir Alex Ferguson, mà vẫn vô địch.

Sáng sớm 25 tháng Năm 2014, lên Facebook đọc một số status: “Thế mới biết sự điềm tĩnh của Carlo đáng sợ thế nào kể cả phút 92 vẫn đang bị dẫn trước”, “Decima gọi tên Bale”, “Sự Nghiệt Ngã và Bất Ngờ, Bóng đá luôn hấp dẫn bởi như vậy.”...  mà đoán hình như đêm qua đã có một trận bóng đá nào đó quan trọng lắm chăng. Đọc một lúc mới biết chung kết Champions League.

Bây giờ cho xem bóng đá cứ thấy người ta đá vào là sướng, chẳng cần biết ai thắng ai thua. Với tình trạng như thế này, không biết sẽ xem World Cup Brasil 2014 như thế nào đây?

Đúng là vẫn “hâm” nhưng không “mộ”.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment