Friday, May 30, 2014

Danh hiệu luận


Vào khoảng những năm 1980 của thế kỷ trước, Việt Nam ta “đẻ” ra danh hiệu “nhân dân” và “ưu tú”. Rõ ràng, hai cái khái niệm này là có-pi từ hệ thống danh hiệu của Liên Xô: “nhân dân” và “công huân” – nhưng chắc thấy thế nào đó, nên sửa bớt một bác sang “ưu tú”. Cho nên không phải đến bây giờ Việt Nam ta mới có phong trào chôm chỉa những thành tựu của nhân loại về “chế chọt” lại thành của ta, mà điều này đã là thành… truyền thống.

Lên Google mà tìm với cụm từ khóa “loạn danh hiệu” thì sẽ thu được khoảng 1.810.000 kết quả (0,27 giây). Đáng chú ý là ngay trang đầu tiên, 10 kết quả đầu của Google đã toàn là các bài về “loạn danh hiệu, giải thưởng người mẫu, hoa hậu”. Đến đây, nhiều học giả, học thật, nhiều đạo diễn tài năng có, danh tiếng có, mà “tai tiếng” cũng có, cả những người nổi tiếng có “thương hiệu” về độ chua ngoa, đanh đá… có ngay một mảnh đất màu mỡ để “chém”. Giáo dục, văn hóa xuống cấp. Mỗi nổi danh cấp tốc, bước chưn vào giới “sâu bít”, một cú đổi đời, có cả tiền lẫn danh vọng…

Ấy ấy từ từ… đã từ lâu cái chuyện “nhân dân” với “ưu tú” này đã tồn tại vô số tin đồn rằng việc đến hẹn lại lên, Nhà nước xét phong tặng những cái danh hiệu này đang có một thế lực hay một quy luật gì đó, rất không rõ ràng, chi phối – nên những người được phong, người xứng đáng, người không. Rồi là những chuyện kiểu như có một số cụ rất xứng đáng, nhưng sẽ chẳng bao giờ được phong tặng cả.

Chuyện một bác nhạc sỹ rất nhiều bài hát hay ca ngợi chế độ ưu việt của chúng ta gần đây, bị đánh trượt xét phong tặng danh hiệu làm báo chí, làm giới “chém Phây” tốn khối nước bọt hay công gõ bàn phím thì biết… có lẽ chưa tìm được một nhạc sỹ nào thoát ra được những ràng buộc về chủ nghĩa lí lịch, rồi tận tụy đến thế với chế độ, và có lẽ cũng chưa có một sự đối xử nghiệt ngã đến cỡ đó với một tấm lòng tận tụy.

Vì thế mà ngay cả những người được “phong tặng” rồi, nhiều khi còn chua chát cười nhạo, “Ôi dào, cái danh hiệu “nờ-sứt” (NSƯT – nghệ sỹ ưu tú) ấy mà…”   

Nghĩa là ngay trong giới với nhau, tài năng, đức độ của nhau như thế nào, người ta hiểu cả. Người đáng kính trọng, thì chẳng cần cái danh hiệu kia, vẫn được kính trọng.

Mình học cùng con trai của bác “trưởng thôn” – từ hồi bé tí, chắc đã gần 40 năm, rồi mất liên lạc. Bây giờ vẫn nhớ những tiết mục kịch câm, kịch nói của nó, nó diễn ở trường từ khi chỉ 7, 8 tuổi – rất khá, nhưn không hiểu sao, hình như không phát triển được tiếp. Anh càhg đó còn có một cô em gái nữa – nếu muốn biết cô bé như thế nào chỉ cần lên Youtube, gõ “Thôi anh hãy về Lam Trường Thu Phương”, sẽ ra một video clip bài hát “Thôi anh hãy về” dựng khá tốt, trong đó có một cô bé nhân vật chính (tất nhiên không phải ca sĩ Thu Phương) – chính là con của bác “trưởng thôn”. Rồi bác “trưởng thôn” mất trong nghèo khó, lại xuất hiện vài bài báo về quan hệ của bác ấy với con trai trưởng, Q.Th học cùng với mình. Bài thì chê Q.Th, bài thì lại cố cố khen…

… rồi có phong trào đề nghị xét truy phong cho bác “trưởng thôn” danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Hình như bác ấy cũng đã được truy phong rồi. Thôi thì cũng được, chẳng sao, cũng là một việc tốt. Cá nhân mình thì thấy buồn buồn – bản thân bác “trưởng thôn” chuyên diễn hài cũng đã là khó để người ta công nhận, tài năng thì cũng không biết đánh giá thế nào, rồi cuộc đời thiếu thốn, khốn khó… lúc chết đi rồi, liệu danh hiệu có cần nữa chăng?

Chục năm trước, có một ông thày giúp mình thêm về môn tiếng Nga, người của phân viện Pushkin Hà Nội. Ngoài giờ làm việc, hai thày trò còn nói chuyện nhiều. Thày kể, “hồi sang Liên Xô học, cũng tham gia buôn bán cải thiện: mang áo NATO, áo phông, quần bò, đồng hồ… ra chợ bán. Đó là hồi đầu, về sau có “đội” thầu hết thì việc bán trực tiếp cho bà con Liên Xô mới ít dần. Mình thì là người trí thức, sang để học hành, bà con ở “nhà” có bao giờ nghĩ mình cũng có thể ra đứng đầu đường xó chợ để mà bán cái nọ cái kia như mấy tay phe phẩy đâu… nhưng sang đó tất cả những ranh giới đó, biến mất hết. Ai cũng có thể làm được những việc như thế cả, nên không còn sĩ diện nữa. Như thày còn dứt ra được chuyện làm ăn, quay lại học tập và ngoài kiếm được ít tiền, còn mang về được mấy thùng sách. Còn nhiều người khác mấy chục năm lăn lộn, trước khi “dứt điểm” thì bỏ tiền mua mấy cái bằng, tùy mức giá, phó tiến sĩ có, tiến sĩ có, thậm chí danh hiệu viện sĩ cũng mua được, thời của nước Nga mà… thế là về nước, có danh hiệu, bằng cấp như ai…”

Tất nhiên không phải ai cũng thế, nhưng nhiều người có nguồn gốc học hành Đông Âu, là như thế - cũng là bình thường thôi, ai cũng phải có cuộc sống và lựa chọn riêng, lại “ở bầu thì tròn”, chẳng ai sống thay cho ai được, nên ai biết việc người ấy, chẳng soi nhau chuyện “bán áo mua bằng” làm gì.

Thậm chí nếu bán áo để mà có tiền học tập nghiên cứu, thì cần phải được ca ngợi.

Nhưng cũng có những biểu hiện đáng sợ của việc sa vào những giá trị, những sự tung hô “ảo” và chính những điều đó làm bản thân chúng ta sa vào “ảo tưởng”. Giống như việc Nhà nước ta tự dưng “tố” hai cái Viện khoa học lên mức “hàn lâm” ấy mà. Hôm nọ chú em trên Facebook viết: “Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. (dẫn Vietnamnet) – nhưng đến nay Việt Nam ta vẫn đang phải nhập giống lúa” (từ Trung Quốc, tất nhiên!). Vậy thì “tố” lên “hàn lâm” để làm cái gì?

Lại chuyện nữa – trường Đại học Luật Hà Nội có một số sinh viên cách đây cả ba chục năm, ra trường không đủ tiêu chuẩn ở lại trường làm giảng viên, nhưng vẫn cố xin ở lại. Thế là ở trường xuất hiện một số nhân viên ghi vé xe, nhưng có bằng cử nhân luật. Bẵng đi một thời gian, tự dưng có một cái trường được “đẻ” ra từ trường luật, lúc đầu thì gọi là “Trường đào tạo các chức danh tư pháp” – con đẻ của Đại học Luật Hà Nội. Lại bẵng đi một thời gian nữa, trường đó đã biến thành “Học viện tư pháp”, nhưng không còn của Đại học Luật Hà Nội nữa, mà đã là của Bộ Tư pháp. Con đẻ của Đại học luật Hà Nội đã biến thành con hoang của Bộ Tư pháp. Hơn thế nữa, nếu đến “con hoang” sẽ choáng toàn tập vì ông ghi vé xe ngày xưa, nay đã là tiến sĩ, cũng giảng dạy như ai…

Ai cũng có quyền học tập và tiến bộ, nhiều khi chỉ vì nhỡ nhàng ở thời sinh viên, không đủ tiêu chuẩn điểm số, mà chặn con đường thăng tiến trong sự nghiệp giảng dạy thì thật là có lỗi. Nhưng với một số trường hợp, nghe họ giảng bài cho học viên những điều chính họ còn không nắm được cơ bản, truyền thụ những kiến thức lệch chuẩn, thì thật là tai họa. Đáng tiếc cái “một số” này, nay đã trở thành phổ biến trong xã hội ta.

Lại nữa, nếu như bạn đi làm việc ở các cơ quan Nhà nước sở nọ ban ngành kia… thì sẽ thấy sự ganh đua nhau về học hàm học vị song song với ganh đua về chức vụ nó ghê gớm như thế nào. Trưởng phòng, phó giám đốc sở là thạc sĩ, thì giám đốc sở phải là tiến sĩ… hình như người ta không tự tin bằng kiến thức, bằng kinh nghiệm, bằng khả năng xử lý tình huống… mà người ta cần cái mảnh giấy lộn có ghi chữ “bằng tiến sĩ” kia để trọe trước “phủ đầu, dằn mặt” cho chắc ăn. Thế nên mới có cái chuyện “Hà Nội phấn đấu có bao nhiêu đó tiến sĩ” – và cái con số 24.000 tiến sĩ kia có đến 15.000 ông đang đi làm quan. Thật ra, làm quan cần một cái bằng, là cái bằng “thợ”, nhưng ở đây là “thợ áp dụng chính sách”, nhưng ta không có môn học đó, hoặc có nhưng không đâu vào đâu.

Thôi nói chán vĩ mô, ta chuyển sang chuyện tầm cỡ cá nhân. Có người hỏi mình, sao viết nhiều thế, không in thành sách? In thế nào? Bỏ tiền ra thuê người ta xuất bản… xong thế nào nữa? Ai mua? Bán cho ai? Chém ba lăng nhăng như tôi có mà ma nó mua, ma nó đọc… thôi, xin bố, bố để em yên ổn chém gió trên mạng như bây giờ là em vui rồi…

Lại nhớ nhiều bác, công tác chán chê mấy chục năm, nay nhà cửa ruộng vườn, con cái đề huề, sực nhớ ra, hồi học sinh mình tài năng văn thơ ra phết. Thế là làm thơ, viết văn… rồi tự bỏ tiền đem in. Rồi đem phát cho bạn bè (có ký tặng), “bắt đọc”, rồi vào hội Nhà văn chỗ nọ, chỗ kia… xem ra, một thú vui tao nhã, cũng là chính đáng.


Còn một mảng nữa cũng kinh – nhiếp ảnh. Đến với môn nghệ thuật không kém phần tao nhã này, thật nhanh hơn rất nhiều – mua cái máy ảnh kỹ thuật số là xong. Ông viết văn, có khi “nó” còn chê văn ông “thum thủm”, ông làm thơ, có khi nó còn chê được thơ ông “con cóc”, nhưng bình ảnh là đã bắt đầu khó rồi. “À, máy dám chê ảnh ông mày à? Ông mày chụp máy ảnh đắt tiền, ống kính cũng đắt tiền, mày chụp máy cùi mà dám chê à?”. Cứ dạo vài diễn đàn ảnh ọt mà xem các bác có tuổi rồi nhưng nhiều khi chưa học được khiêm tốn, dại dột đương đầu rồi chính là giơ đầu cho thanh niên họ “chém”.

Nhiều cụ khôn hơn, ta không hơn người ta về “ảnh ọt” thì ta hơn về “nắm bắt kỹ thuật, thiết bị”, nên đầu tư nghiên cứu, bài thuộc làu làu… và đem giảng cho người khác cứ như thày. Lại “cũng tốt thôi”, đọc sách nghiên cứu hộ người khác, đem phổ biến… tốt quá còn gì. Ấy nhưng, lại nhưng – bị gọi bằng thày nhiều quá trở nên cao đạo, nhiều khi cũng biết tự trang bị cho mình câu “cái áo không làm nên ông thày tu” nhưng nhiều khi xem ảnh của các cụ ấy, mình cũng cực băn khoăn, rằng không biết các cụ có nắm được nốt cái câu rằng thì là mà, “thiết bị có thể mua được, kinh nghiệm có thể có được, nhưng tài năng và năng khiếu thì với nhiều người là rất xa xỉ”… thiết bị chịu rồi, kỹ thuật chịu rồi, vậy thì ảnh đẹp cụ đâu?

Bây giờ có cái Facebook cũng nguy hiểm, con người nhiều khi trở nên hời hợt, “quăng” lên mạng vài cái ba lăng nhăng, thế là bà con vào “like” túi bụi, mà chẳng biết người ta có đọc, có xem thật hay không, nhưng cứ thấy thế là sướng. Chưa hết, nếu mà dụ được một số “fan hâm mộ” chưa thực sự hiểu vấn đề, họ tung hô, lấy thế làm sướng, làm vui, biết đâu chính cái đó lại là nguồn gốc của cái khổ não.

Nguyễn Công Trứ ngày xưa viết: “Làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông…” cái chữ “danh” ở đây nó sâu sắc và cao cả hơn cái chữ “danh” thời nay nhiều. Chữ “danh” thời đó không phải là mong được khắc tên vào sử xanh, mà là trang nam nhi phải biết “Phá cường địch báo hoàng ân” mà dám hi sinh lúc chỉ đôi chín như Trần Quốc Toản… lúc đó rồi chẳng cần mua bán, chẳng cần phong bì phong bao… dân tộc vẫn ghi ơn.

Suy cho cùng, danh hiệu gì thì cũng chỉ là mảnh giấy viết vài chữ tặng phong, có khi được kèm theo món tiền con con… đến tiền tài vật chất còn hư ảo nữa là ba cái “danh viển vông”, đúng nghĩa là “danh hão” – còn có thêm tác dụng nữa là để đến lúc đọc điếu văn, người ta xướng được lên cho cái thằng ta đang nằm trong quan tài thêm được một chữ, mà với ta, đã là vô tích sự.

Bác “trưởng thôn” chẳng cần cái danh hão ấy, nhưng những khán giả đã thích bác ấy rồi vẫn ra tìm anh chàng bán đĩa rong, “này, bán anh cái gặp nhau cuối tuần có ông “trưởng thôn” ấy!” thế là được rồi…

Cuộc sống vẫn tiếp tục dòng chảy của nó, điếu văn đọc xong, gió thổi bay vèo, ai về nhà nấy, sống tiếp...

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment