Thursday, May 22, 2014

Giở võ 5: Nga Trung bắt tay và hành động của chúng ta

Lễ đón tiếp Tổng thống Nga V. Putin ở Trung Quốc, 5/2014
Ảnh: RIA Novosti
Hai ngày 20 – 21/5 tổng thống Nga V.Putin tới Thượng Hải tham dự Hội nghị về hợp tác và xây dựng lòng tin Châu Á (CICA) tại Thượng Hải và sau đó sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các hoạt động đối ngoại này thu hút được sự chú ý đặc biệt của người Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế nhất là với những người quan tâm đến tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, liên quan đến giàn khoan “Hải Dương 981” của Trung Quốc hạ đặt trái phép thời gian qua.

Quan hệ Nga – Trung trong thời gian qua đã xích lại gần nhau, nhưng thực sự đã là rất nhanh chóng từ đầu năm nay, từ việc Trung Quốc cố tình vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc phản đối những hành động của Nga tại Crưm đầu năm nay, rồi đến việc gia tăng những hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, việc hai nước này lên kế hoạch cùng tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Chủ nghĩa Phát xít vào năm sau (2015)…

Nhìn lại lịch sử thế giới trong thế kỷ 20, cũng có một giai đoạn rất giống giai đoạn hiện nay, đó là thời kỳ thế giới trải qua Đại khủng hoảng những năm 1930, rồi những nước bại trận sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất phục hồi, tái vũ trang và dần dần liên kết lại với nhau thành một phe… ham muốn phân chia lại quyền lợi trên thế giới chưa thực hiện được bằng cuộc Thế chiến, lại thúc đẩy họ đi đến gây nên một cuộc chiến mới.

Thế giới của thế kỷ 21 lại bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế mà người ta ghi nhận là nó bắt đầu khoảng năm 2008. Cái sự o ép của các nước lớn, mạnh của thế kỷ trước với các nước mong muốn phát triển, lại diễn ra – quá trình đó rõ ràng là đang được thực hiện đúng với trường hợp của hai nước Nga và Trung Quốc. Chúng ta không đánh đồng Nga và Trung Quốc đang vùng dậy với sự vùng dậy của Chủ nghĩa Phát xít đáng ghê sợ của thế kỷ 20 – vì chính nước Nga với những chiến công vĩ đại của mình trong cuộc chiến tranh đó, vẫn được toàn nhân loại biết ơn.

Nhưng chúng ta vẫn không thể giấu đi nước nỗi lo lắng trước tình thế của thế giới trong thời gian này. Những sự kiện Đông Ucraina là sự thật. Sự kiện giàn khoan “Hải Dương 981” là hiện hữu. Có thể chiến tranh quy ước bằng súng đạn sẽ không diễn ra đâu, mà cũng có thể coi như bây giờ, chiến tranh đã diễn ra rồi. Và những gì mà phương Tây đang thể hiện trong thời gian qua, giống hệt những gì họ thể hiện vào thời điểm sát trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thái độ không thể hiện rõ, và có lẽ, cũng hoàn toàn chưa có hành động nào rõ rệt để ủng hộ hòa bình.

Nga và Trung Quốc muốn gì lúc này? Không gì có thể thoát ra khỏi các lợi ích kinh tế. Ngày 19/5, trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, ông V.Putin đã nói: “Trước bối cảnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, hợp tác sẽ có ý nghĩa rất quan trọng cho cả hai nước trên cơ sở cùng có lợi về kinh tế, quan hệ thương mại và tăng trưởng các hoạt động đầu tư song phương. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 90 tỷ đô la Mỹ vào năm 2013. Hai quốc gia đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại đến 100 tỷ đô la vào năm 2015 và 200 tỷ đô la vào năm 2020.” – Trung Quốc với gần tỉ rưỡi dân cả quốc nội lẫn di dân cơ học ra khắp toàn cầu, càng ngày càng thiếu năng lượng là một thị trường tiềm năng, đầy hấp dẫn của khí đốt Nga. Hơn thế nữa, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất Trung Quốc, do đó sự dịch chuyển định hướng đối tác kinh tế thương mại lần này của cả hai nước cũng sẽ là một giải pháp không hề tồi với cố gắng tìm ra nhân tố mới cho sự phát triển. Chúng ta chỉ cần nhớ, một nền kinh tế của một nước có dân số khổng lồ và cái hố ngăn cách giàu – nghèo ngày càng sâu như Trung Quốc, thì chỉ cần tăng trưởng dưới 8%/năm đã là nguy rồi. Động lực mới cho phát triển, điều đó cần hơn với Trung Quốc, rất cần. Nhưng với Nga, cả thế giới trong thập kỷ qua đã quen với việc thường xuyên đe dọa tăng giá dầu, giá khí đốt… mỗi khi bị o ép, chưa chắc đã tranh thủ được mối quan hệ “nồng ấm” lần này. Lâu nay nước Nga không mấy quan tâm đến phục hồi nền sản xuất công nghiệp hùng mạnh của Liên Xô (cũ), ngay cả thế mạnh về sản xuất vũ khí, công nghệ vũ trụ… cũng không được quan tâm đúng mức – chắc lần này mục tiêu phục hồi những thế mạnh này cũng không nằm ngoài tính toán của Nga với đối tác “vàng” Trung Quốc.

Hai ông Putin và Tập Cận Bình
trong lễ ký hợp đồng giữa
Gazprom và CNPC.
Ảnh: vdmsti.ru
Sang Trung Quốc lần này, ông Putin đã đạt được điều quan trọng đầu tiên cần phải kể đến là: trước sự chứng kiến của ông ta và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai tập đoàn dầu khí hàng đầu của hai nước Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một hợp đồng khung thuộc hàng “khủng” chưa từng thấy trong lịch sử: Nga sẽ cung cấp một lượng khí đốt cho Trung Quốc hàng năm là 38 tỷ mét khối, hợp đồng kéo dài tới 30 năm và tổng giá trị của hợp đồng là 400 tỷ đôla Mỹ - theo Chủ tịch Gazprom Alexei Miller cho biết.

Cái cảm giác rằng Nga – Trung đang muốn sắp xếp lại trật tự thế giới càng hiện rõ khi ông Putin trả lời phỏng vấn có nói: “Liên bang Nga và Trung Quốc cũng tích cực ủng hộ việc thành lập một khung mới về an ninh và phát triển bền vững trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.” – thông điệp đã rất rõ ràng: việc một “ai đó” lâu nay “một mình một chợ” áp đặt luật chơi về an ninh toàn cầu, đã dần phải thay đổi với các tiêu chuẩn mới, với sự tham gia của các đối tác mới. Và ông Putin cũng đã xác định rõ ràng phạm vi giới hạn của cuộc chơi an ninh lần này: khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Phải chăng với câu nói này, cũng chính Putin ngầm nói lên một ý: “Địa bàn Nga dành cho Trung Quốc chơi chung lần này chỉ là Châu Á – Thái Bình Dương thôi!”. Một vị tổng thống khôn ngoan, lọc lõi và đầy quyền lực như Putin, hoàn toàn không dễ bị dắt mũi bởi bất kỳ ai.

Bình luận về những nội dung bàn thảo này, chuyên gia phân tích chính trị của hãng thông tấn Nga “Russia Today”, ông Dmitri Kosyrev cũng cho biết chủ yếu hai ông Putin và Tập Cận Bình sẽ quan tâm nhiều đến tình hình Ucraina, cũng như cơ hội của hai nước Liên Bang Nga và Trung Quốc trước vị thế của Hoa Kỳ và đồng minh trên bàn cờ thế giới trong tình hình hiện nay. Nguồn thông tin phân tích của ông Kosyrev đã dẫn lời từ Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov.

Trước sự kiện hai nước Nga – Trung Quốc sẽ cùng tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Chủ nghĩa Phát xít vào năm sau, ông Putin đưa ra một thông điệp về việc chống mưu đồ “viết lại lịch sử” hòng làm giảm vai trò của nước Nga và nhân dân các dân tộc thuộc Liên Xô cũ trong Chiến thắng vĩ đại của nhân loại – cũng là thông điệp cho Phương Tây và là một cách tái khẳng định mong muốn của nước muốn phục hồi vị thế của mình trên trường quốc tế. Còn với Trung Quốc khi tham gia vào hoạt động này, điểm gần gũi là, Trung Quốc cũng là một trong những nước chịu nhiều đau khổ nhất (Liên Xô từ 23 đến 29 triệu chưa thống kê hết, Trung Quốc xấp xỉ 10 triệu người chết) – thì đây cũng là một hoạt động rất có ý nghĩa mang tính nhân văn khi cảnh tỉnh loài người trước những hiểm họa, nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Phát xít mới.

Chúng ta cũng cần nhớ là quan hệ Nga – Trung chỉ thực sự tốt được như bây giờ (theo ông Putin đánh giá là “hợp tác của Liên Bang Nga với Trung Quốc đã đạt đến mức tốt nhất mọi thời đại”) còn là thành quả của quá trình giải quyết những khúc mắc và tranh chấp về biên giới còn tồn tại từ 1969, thông qua các thỏa thuận 17/10/1995 và 14/10/2004. Trung Quốc đương nhiên sẽ gác lại những yêu sách về lãnh thổ với Nga đã có từ rất lâu, để cùng “làm ấm” mối quan hệ song phương đến mức như đồng minh, rất có lợi lần này.

Nhưng Trung Quốc với lịch sử nổi tiếng của mình – chắc chắn sẽ không quên những yêu sách lãnh thổ của mình với bất kỳ người hàng xóm nào, đến lúc thuận lợi, người Trung Quốc lại moi nó ra. Chính vì thế mà với Trung Quốc, chắc là chẳng có mối quan hệ liên minh nào là dài hạn cả.

Nga – Trung đã bắt tay rồi, vậy chúng ta, nước đang “kẹt” với cái giàn khoan “Hải Dương 981” của Trung Quốc, sẽ hành động như thế nào đây? Tiếp tục nuôi hy vọng vào sự bênh vực của một ông lớn nào đó chăng?

Bài trên “Tuần Việt Nam” với bút danh “Phúc Lai” tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây    

No comments:

Post a Comment