Monday, May 5, 2014

Người loại ngũ

Một cựu chiến binh Hoa Kỳ vô gia cư ở Houston.
Ảnh lấy ở trên internet, chỉ có tính chất minh họa
Cứ đến cuối tháng Tư, là toàn thể người dân Việt Nam đều có những cảm xúc có thể nói là đủ các chiều về những ngày lịch sử - về một cuộc chiến tranh tưởng đã lùi xa mà không hề nguôi ngoai. Như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Triệu người vui thì có triệu người buồn”. Đi ra đường chúng ta thấy cờ hoa rợp trời, từ mấy hôm trước các ông tổ trưởng dân phố đã đi nhắc các nhà treo cờ… “hòa với không khí háo hức chung của những ngày vui của toàn dân tộc”…

… và cái gì cũng có hai mặt của nó, chiến thắng có thể vinh quang, huy hoàng đấy, nhưng luôn luôn có những góc khuất. Tuần trước một người bạn vong niên, mình gọi bằng chú, có viết về việc bài phát biểu “đầu hàng” của Dương Văn Minh ngày 30 tháng Tư 1975 được Trung tướng Phạm Xuân Thệ (lúc đó còn là đại úy), viết – nhưng từ ngày đó đã có một phóng viên người Đức viết lại về sự kiện này, là người viết chính thức là Đại tá Bùi Lâm (tờ giấy không được giữ lại). Đó là một trong những góc khuất của cuộc chiến. Nhiều “ông anh, ông chú” cứ tháng Tư lại đi thăm chiến trường xưa, gặp lại đồng đội cũ mà mừng tủi, nhưng chính họ cũng phải thừa nhận rằng đồng đội nhiều người nghèo, khổ quá, đến mức cơ cực. Đó cũng lại là góc khuất của cuộc chiến. Đảng và Nhà nước ta có phải lo được cho tất cả mọi người đâu, có phải ai bước ra khỏi cuộc chiến tranh cũng ở lại tiếp quản miền Nam, sau này có chức vụ, có nhà cửa… đâu. Phần lớn những người nông dân chân đất vào lính, lại quay trở lại làm nông dân và chân đất vẫn hoàn chân đất.

Ngay cả Mỹ cũng thế thôi, chẳng đầy cựu chiến binh không được đãi ngộ một cách thỏa đáng – đâu cũng thế cả, ta nghèo hơn, ít chu đáo hơn, cũng là bình thường.

Hôm nay xin kể một câu chuyện nghe được, từ một người đúng trong hoàn cảnh đó. Chuyện tương tự như thế này có thể nhiều người lớn tuổi biết, nhưng sẽ có nhiều bạn trẻ không được biết, ngay cả mình, trung trung tuổi rồi, còn không biết. Do đó, xin kể lại trung thực, không thêm bớt, và do đó, sẽ không chịu trách nhiệm về tính xác thực của câu chuyện.

Chiều nào đi đón con ở đầu đường, nơi xe bus trường đưa về, cũng đứng tán chuyện với mấy bác xe ôm. Trong số đó, có một bác tầm ngoài 60 tuổi, dáng dấp khá thanh niên, có nét gì đó ngang tàng và phong trần. Mình nghi, bác này bộ đội cũ, và ở tầm tuổi đó thì phần nhiều là bộ đội thời chiến tranh 1954 – 1975. Hỏi ra đúng thật, ông bác tuổi Sửu sinh năm 1949, được gọi nhập ngũ đúng 18 tuổi năm 1967. Bác này là dân Yên Phụ, khu Ba Đình, Hà Nội. Nhà đông chị em gái, mỗi mình bác này là con trai. “Bị” gọi nhập ngũ thì phải đi thôi, chứ ông bác này không có thích đi, vì ông ấy xác định đã đi, là chết.

Nghe không rõ ba tháng hay sáu tháng huấn luyện ở mạn Hà Tây, toàn bộ lính Hà Nội được phát quân trang mới, thay cho quần áo ga-ba-đin là đồ nilông mới cứng để chuẩn bị “đi Bê” – và một phần ba số lính Hà Nội đó, từ chối không “đi Bê”. Không nhận quân trang, không nhận nhiệm vụ, cũng không trốn… giáo dục thuyết phục chán, họ vẫn từ chối.

Lý do đưa ra thì nhiều: người thì nói thẳng thắn là tôi sợ chết, nhà chỉ có một mình con trai, đáng nhẽ ra không bị gọi vẫn cứ gọi… người thì nói, tôi không sợ, nhưng không đi đánh nhau, tôi không có cái lý tưởng đó; người thì bảo, tôi mà đi, tôi trốn luôn, trong Nam dân sống sướng hơn… nhưng như thế ở nhà gia đình bị o ép, khổ lắm, nên tôi sợ, không dám…

Đầu tiên, họ được đưa vào diện “thu dung” – nghĩa là đơn vị đi sạch cả rồi, thì tất cả diện được giữ lại để “giáo dục thuyết phục” đó, sẽ được tập trung lại từ nhiều đơn vị khác nhau, tiếp tục cho học tập và huấn luyện. Họ được đưa đi xem xử án, đủ các trường hợp. Có người lái xe, trên đường vào chiến trường, bán sạch cả xe hàng, đi một đoạn rồi đốt xe về báo bị bom. Có người đào ngũ bị bắt. Có người bắn chết đồng đội chỉ vì ghét. Thậm chí có ông gài mìn chết cấp trên do bị o ép hành hạ nhiều quá…

Học tập đến thế, mà họ vẫn không “sợ”, đến đợt đi “Bê”, lại tiếp tục từ chối lĩnh quân trang, và từ chối vào chiến trường. Phải có đến hai, ba lần “thu dung” như thế. Về sau số lượng còn tăng lên, vì số người “từ chối” của các đợt tiếp theo, lại được bổ sung, và những người đã từ chối được một lần, sẽ từ chối mãi.

Cái gì cũng đến giới hạn, quân đội cũng không phải là cái chỗ để thử thách nhau lòng kiên nhẫn. Quân đội ra một cái quyết định gọi là “Quyết định loại ngũ” – nội dung nôm na là “Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định không tiếp nhận hạng người này phục vụ trong quân đội”, rồi cho mặc bộ quần áo đen, hai người lính dẫn đi khơi khơi về tận địa phương mà giả lại – từ đó việc giáo dục quản lý ông thanh niên ngỗ ngược này, thuộc về trách nhiệm của địa phương.

“Trả về địa phương” cũng là như thế đấy.

Ảnh một bác xe ôm khác, rất "tương tự"
nhân vật trong chuyện này
Trả về địa phương, nghĩa là cả gia đình mất sạch các loại quyền lợi, nhất là thời chiến, cái gì cũng phải phân phối bằng tem phiếu. “Mất sổ gạo, mất tem phiếu” cũng là đây – khổ thôi rồi là khổ, không thể đi làm được ở đâu, chẳng ai nhận cả, cả gia đình ai cũng như thế. Nhưng cuộc sống mà, ai mà chẳng phải sống. Ông xe ôm sống sót đến tận bây giờ, không nghề nghiệp, không chế độ, “không gì cả”. Nhưng ông ấy sống sót, dù người đời đã có lúc sỉ nhục ông ấy và gia đình. Bây giờ, xã hội đã trở nên thờ ơ hơn với những chuyện như vậy – kinh tế thị trường cũng có mặt tích cực của nó, nó làm cho con người trở nên không cần quan tâm nhiều đến những chuyện riêng tư của người khác, cũng như những chuẩn mực xã hội trước đây coi là tốt đẹp. Đồng thời, càng ngày, người ta lại càng nhìn nhận khác đi về cái gọi là quyền lựa chọn của con người, kể cả việc có hay không đi đánh nhau cho một lý tưởng không phải của mình.

Hóa ra, bước vào cuộc chiến, không phải lúc nào cũng có những người anh hùng, mà còn có cả những người dám từ chối khả năng trở thành anh hùng. Cũng là một cách thể hiện cái tôi, cái cá nhân của mình mà không phải ai cũng dám làm.

P.S. Mình có chụp của ông bác xe ôm một số ảnh, nhưng sẽ không post lên mạng, cũng là một sự tôn trọng cá nhân vậy.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây   

No comments:

Post a Comment