Remo Girone
trong vai
“Tano Cariddi”
trứ danh của “Bạch Tuộc”.
Hình ảnh chỉ có tính chất
minh họa
|
Bài "chôm chỉa" của Facebooker Nam Nguyen
Sau khi viết "status" về Kiên “bạc” nhiều người quen cũ của tôi từ thời trước có đánh giá là tôi
hơi đề cao Kiên quá, thời nào cũng có nhiều người tài lắm, tất nhiên họ nói thế
là đúng và tôi đã có idea viết về những nhân vật “kiệt xuất” của thời 1995 - 2000
trong kinh doanh.
Tôi chọn thời
gian đó và có ý định đặt tên stt là “Những người mở đường hay Oligarkhi đầu
tiên của Việt Nam” bởi vì thời điểm đó VN mới bỏ cấm vận, kinh tế bắt đầu khởi
sắc, khối tư nhân trỗi dậy và có rất nhiều điểm tương đồng với xã hội Nga sau sụp
đổ của Liên Xô, nhưng sau lại thay, tôi thích cái tên mới này hơn! Xin lưu ý là
tiêu chí lựa chọn hoàn toàn của riêng cá nhân tôi, muốn chọn ra các nhân vật
chưa hẳn là giàu nhất, nhưng thực sự tài ba, cá tính, và để lại dấu ấn “những
người mở đường” cho thế hệ doanh nhân cùng thời và đi sau. Đa số các vị trong
danh sách tôi đã được tiếp xúc trực tiếp (cũng lạ, một thằng “lìu tìu” như tôi
trong đời gặp rất lắm cao nhân!), một số thông tin tôi cố gắng chắt lọc từ nguồn
tin tưởng được nhất, và vì tôi ở Hà Nội là chính nên ít đưa đại diện phía Nam
vào (hồi đó Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Phước Tamexco bắt đầu bi đát rồi,
chưa nổi “Lý Đức” –“bầu Đức”, Tâm “Tân Tạo”, Trầm Bê... nên nếu đưa vào danh
sách này tôi mạn phép chỉ đưa 2 nhân vậy phía Nam là bác Trần Mộng “Hùng ACB”
và Huỳnh Phi Dũng “lò vôi” lúc đó chưa đổi tên). Và cũng xin lỗi các anh chị em
có thể biết rõ người này, người khác hơn tôi nhiều, đã là cảm nhận cá nhân thì
không ai giống ai... và nhất là dành cho các bạn trẻ, có thể chưa nghe đến những
cái tên này (hãy nhớ thời đó xã hội chưa dùng từ “đại gia” mà hay gọi theo kiểu
Đông Âu là “soái”). Không thể ngắn gọn mà phác thảo chân dung một doanh nhân,
nhưng xin anh chị em đọc và so sánh chính họ với nhau, sẽ thấy rõ hơn khá nhiều!
Đa số họ quen nhau, nhiều người là bạn bè của nhau, vẫn cạnh tranh "vô
tư" và chúng ta rất nên biết về họ! Xin bắt đầu danh sách 9 người, theo thứ
tự tầm ảnh hưởng giảm dần, cũng do tự tôi chủ quan chọn lựa:
Người đầu
tiên: Vinh “đen”: Hoàng Quang Vinh “đen”, Vinh “xoăn” hay Vinh “Cotec” – 1956.
Anh là thiên tài kinh doanh bẩm sinh, là “người khởi xướng” cũng như “linh hồn”
của mọi “cuộc chơi”. Nhiều người nghĩ đến, nhưng chính anh là người tập hợp được
một loạt các gương mặt “sáng giá” của người Việt ở Liên Xô và Đông Âu để lập
nên Cotec, một tập đoàn tư nhân đầu tiên của VN sau đổi mới hoạt động trên diện
rộng trong và ngoài nước, mũi nhọn chính là áp dụng công nghệ mới và xuất nhập
khẩu! Các thành viên Cotec cho đến ngày nay vẫn giữ được “phong độ”, ai cũng
giàu và thành đạt trong ngành nghề của mình, từ làm xi măng, bán thiết bị, làm
bia... và đầu tư tài chính. Có thể nói Masan sau này chính là mẫu hình thu nhỏ
hơn và thành công hơn của Cotec, vì Quang “Masan” cũng là thành viên Cotec, và
Quang cũng học được rất nhiều từ bác Vinh! Vinh “đen”, Trần Mộng Hùng, Kiên “bạc”
là những người đi đầu trong việc thành lập ngân hàng tư nhân ở Việt Nam, anh là
người khởi xướng ra Techcombank từ 1992 và lèo lái nó trong những năm đầu “ra đời
trong cách mạng” như anh hay đùa.
Tiếp xúc với
Vinh “đen” tự nhiên tôi hình dung ra nhà thơ Xuân Diệu (tuy Xuân Diệu không
"đen" như anh). Đen lắm, hơi béo, thấp, tóc xoăn tít, đeo kính, có
dáng dấp nhà thơ hơn là một “Tanô” (từ chỉ banker vào thời đó, theo phim “Bạch
Tuộc” của Ý) và khi anh nói thì ngay lập tức người ta phải hiểu anh là một
thiên tài. Bất cứ đề tài gì trong kinh doanh được nêu ra anh cũng có thể kể
vanh vách như người trong ngành lâu năm, vạch ngay ra hướng tiến hành và mục
tiêu cần đạt được! Anh nói nhanh, chẳng hiểu các suy nghĩ trong đầu của anh có
nhanh hơn thế nữa không, ý tưởng của anh tuôn trào không dứt, nhưng tất cả các
điều anh nói ra đều HAY và ĐÚNG! Trong các cuộc họp cũng chủ yếu anh nói, mọi
người nghe, thư ký có nhiệm vụ chính ghi lại các ý tưởng của anh cho kịp, chứ
không kịp là quên, vì chúng nhiều quá... Chắc là có rất nhiều cộng sự, kể cả đối
thủ kinh doanh, cũng đã nghe được ý tưởng hay mà anh chia sẻ vô tư và đem về áp
dụng cho mình! Nhiều người hoàn toàn không liên quan đến kinh doanh cũng muốn gặp
được anh và nghe anh nói chuyện... Thời đó đi đâu anh cũng có hai, ba nữ thư ký
tháp tùng, mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng như anh đều uống rượu như thuồng luồng
(anh khoe cả nước anh có 9 nữ thư ký), càng uống càng “xuất thần”. Thêm nữa anh
cũng thích giao lưu với các thày bói, phóng viên... nên chỗ nào có anh là chỗ
đó rất xôm tụ. Một loạt câu nói quen quen bây giờ ta hay nghe, chẳng biết của
ai, kiểu như “để cho đứa khác làm đường, mình cứ xây cái cầu qua sông rồi thu
phí qua lại sướng hơn” hay “thằng lắm tiền ra hẳn chỗ đồng không mông quạnh xây
lên một dãy phố thì người ta vẫn lao vào mua ầm ầm, cần gì chen nhau vào nội
thành, mua mặt tiền...” tôi vẫn nhớ đến giờ, đều là ý tưởng của Vinh “đen” (xin
nhớ hồi đó đến Phú Mỹ Hưng cũng chưa có, Hà Nội thì có đường đôi Trần Khát Chân
cũng là ý tưởng tiến bộ lắm rồi).
Anh là “kiến
trúc sư đại tài” nhưng không phải “thợ xây” giỏi, lại “tinh hoa phát tiết ra
ngoài” nên hóa ra người khác lại “đọc” được anh, vả lại có quá nhiều ý tưởng,
nhiều mối quan tâm nên cũng không thể quản lý chuẩn hết được, dần dần anh mất vị
thế ở chính những tổ chức mà anh sáng lập nên, mặc dù cho đến bây giờ anh vẫn
được mọi người rất quý mến và khâm phục. Sau này sức khỏe yếu, anh lui về chữa
bệnh. Tôi chỉ được nghe kể, anh nghiên cứu về việc chữa bệnh cũng rất giỏi, rất
khác người, và bây giờ anh đầu tư một resort ven biển để chữa bệnh cho bệnh
nhân một cách thực sự, kết hợp với nghỉ dưỡng, hình như cả trong việc này ở nước
ta anh cũng là người đi đầu...
Tham gia thảo
luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment