Tuesday, June 17, 2014

Bà còng đi chợ trời mưa

Bảy giờ ba mươi phút sáng, trời đã nắng nóng tương đối, hứa hẹn một ngày mệt mỏi… nhưng mùa hè lại là mùa hoạt động cho trẻ con, nên chương trình thể thao, vẫn được tiến hành. Xe máy lại bon bon chở hai ba con đến trung tâm cho ông con luyện tập.

Đang đi bỗng thấy một bà cụ chống gậy đi ngang qua đường, một bà cụ đã rất già, có khi phải đến cả trăm tuổi rồi ấy. Cái lưng của cụ đúng là đã song song với mặt đất, cụ phải dùng gậy chống thì mới đi được. Chỉ cho ông con nhìn thấy bà cụ, ông con mắt tròn xoe nhìn… “Con kìa, bà cụ lưng còng chưa?” “Vâng, lưng cụ còng ghê nhỉ ba nhỉ.” “Ừ, người dần dần có tuổi, già đi, rồi ai lưng cũng còng cả, ông bà con ở nhà, rồi đến ba mẹ…” “Vâng, rồi cả đến con nữa, cũng già ba nhỉ!” “Đúng rồi con!”

Sinh, lão, bệnh, tử… không ai trong số chúng ta tránh được những điều đó cả. Để ý mà xem, “sinh” là ra đời và sống, xong cái là đến “lão” ngay. Nhưng chính cái quá trình già đi, hay lão hóa, nó đang diễn ra hàng ngày đối với cơ thể của chúng ta, dù cố gắng đến thế nào chăng nữa, cũng chỉ có thể làm chậm quá trình đó đi mà thôi.

Để khỏe mạnh, chúng ta tập thể dục, chơi thể thao. Để che giấu đi những nếp nhăn của tuổi tác, chúng ta tô son điểm phấn, hay đến thẩm mỹ viện cắt bớt da chùng, là lượt cho phẳng phiu. Nhìn chung thì đó là những mong muốn chính đáng, lành mạnh, miễn là đừng quá sợ hãi trước sự già, sự chết mà dẫn đến tâm bệnh là được rồi, như vua chúa ngày xưa nào là “ngủ với 1000 cô gái đồng trinh” nào là “gan rồng mật phượng” để trường sinh bất lão.

Con người biết rất rõ, chuyện già chết là không tránh được, nên những người ý thức được chuyện đó, thường cố gắng sống lành mạnh, luyện tập để cơ thể được khỏe mạnh, để bỏ qua được “công đoạn ba”; là cái khâu “bệnh” mà mong muốn “tử” vẫn khỏe mạnh. Nhưng nếu quá tham sống, sợ chết, sợ thân bệnh, mà sinh tâm bệnh, thì còn tệ hại hơn. Khỏe mạnh cần cả khỏe mạnh cả thân thể lẫn tâm thần, không chỉ một mặt mà khỏe được.

Đến trưa, con trai về nhà, mình nhắc lại chuyện đâm ra cậu chàng nhớ ra, đem nói với bà. – “Con nhìn thấy bà còng đi qua đường bà ạ, còng lắm, lưng bà cụ ngang ra như thế này…” (cậu ta dùng bàn tay diễn tả) Bà nói: – “Chắc là do cụ thời trẻ vất vả, nhưng gánh nặng nhiều chẳng hạn, thì lúc già sẽ bị còng. Thời trẻ bà cũng hay phải gánh, nên bây giờ lưng bà cũng yếu lắm con ạ, nay bà phải tập thể dục để lưng khỏe hơn, đỡ còng. Con có thương bà cụ còng không?” – “Có bà ạ!” – “Thế thì con nhìn thấy những người như bà cụ, con đừng cười giễu nhé…” – “Vâng ạ!”

Đâu có cứ gì bà cụ còng, mà ngay cả ông bố bà mẹ của chúng ta thôi, dù làm cho con được nhiều, được ít, nhưng công dưỡng dục, sinh thành… đều đổ lên lưng cha mẹ cả. Để có được những cái đầu ngửng cao của chúng ta ngày hôm nay, là cái lưng còng gập của cha mẹ, ông bà.

Nhưng rõ ràng xã hội không hẳn đã sẵn sàng cho sự chung sống giữa các thế hệ - cha mẹ thì hết lòng vì con cái, nhưng đến khi trong nhà có một hai người già, lại là gánh nặng của con cái. Nước ngoài đã thế, nhưng còn đỡ vì hệ thống phúc lợi xã hội và quan niệm của mọi người đối với việc đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Việt Nam ta còn kém sẵn sàng hơn rất nhiều. Ở đâu cũng thế, đã già, là khổ. Già mà còn chưa vơi gánh nặng, còn khổ hơn gấp bội. Già mà neo đơn cơ nhỡ ở Việt Nam, thì là siêu khổ…


Mình đọc cho con nghe, đoạn thơ được học trong sách “Tập đọc lớp Một” (bây giờ là lớp Hai) ngày xưa học: “Bà còng đi chợ trời mưa…” bị ông con thích thú cướp lời: “À con biết rồi:
Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng
Đưa bà hết chỗ đường cong
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà…

“Sách của con cũng có bài này à?” “Có ba ạ, trong sách Âm nhạc lớp Hai.” “Cái tôm cái tép chính là các con đấy, các cháu bé, giúp đỡ người già, con hiểu không?” “Vâng con hiểu ba ạ.”

(Luyên thuyên chút, trong sách “Tập đọc lớp Một” ngày xưa vẽ cái tôm cái tép là hai con tôm to tướng, cao hơn cả bà còng, cứ như là hai thủy quái trong Tây du ký đang lôi xềnh xệch bà còng đi vậy – trông phát khiếp.)

Những bước chân chậm rãi của bà cụ như đã bỏ lại thời gian ở phía sau, và phía trước có điều gì, chắc với cụ, cũng không còn quan trọng nữa. Ngẫm ra, bà cụ dù có vất vả trước đây, nhưng lại vẫn là hạnh phúc, vẫn đi lại, khoan thai, chậm rãi… mong ngày nào đó, “cái không tránh được” nó đến, cụ ra đi thanh thản, mạnh khỏe, là tốt lắm rồi.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment