Friday, September 5, 2014

Minh sư

Hồi mới ra trường đi làm ở một cơ quan phải nghiên cứu đủ các thứ kỳ lạ, trong đó có bộ môn của một bà rất đẹp: “Thanh Hải vô thượng sư” (ảnh bên). Bà ta đưa ra những lời hứa hẹn "tức khắc khai ngộ một đời giải thoát" bằng một lối tu đơn giản học được từ Ấn Độ. Về sau khi học Phật mới biết, dạng này là một dạng tà đạo.

Những bài bùa phép kiểu truyền tâm ấn hay truyền “lực lượng âm thanh ánh sáng” để người theo có thể giải thoát ngay trong đời này một cách chắc chắn, hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà Chánh pháp của Đức Phật đã dạy.

Gần đây, có nhiều bạn trên Facebook chia sẻ những bài giảng của một vị sư phụ khác cũng tự xưng là Minh sư, trong bài này mình tạm gọi là “Sư Phụ T.”, tìm hiểu xem “ngài” là ai thì tìm thấy đoạn hỏi đáp này:

“HỎI:Tôi là người sơ cơ mới quy y Tam bảo và đang tìm hiểu Phật pháp. Tôi được một số người giới thiệu pháp môn Diệu Âm, một khi được “thiền sư” T. truyền tâm ấn thì có thể khai ngộ và thành tựu giải thoát ngay trong đời này. Qua tìm hiểu sơ lược về pháp môn này, tôi thấy không hợp với Chánh pháp của Phật Thích Ca. Mong quý Báo chỉ dẫn thêm để tôi vững tin vào Chánh pháp.(NGUYỄN HUY KHÔI, nguyenhuykhoi2005@yahoo.com) 
ĐÁP:Bạn Nguyễn Huy Khôi thân mến!Mặc dù bạn mới quy y và chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu Phật pháp nhưng nhận thức của bạn thật sâu sắc khi phát hiện ra pháp môn Diệu Âm của “thiền sư” (còn được gọi là minh sư) T. không hợp với tinh thần Chánh pháp của Phật Thích Ca. Thông qua website chanthienmy.net (trang thông tin của “thiền sư” T. hoằng truyền pháp môn Diệu Âm) chúng tôi được biết “thiền sư” T. là người Việt Nam (hiện sống tại Mỹ) được các vị đạo sĩ ở Hymalaya (Ấn Độ) trao truyền pháp môn Diệu Âm, một trong những pháp tu của các đạo sĩ Ấn giáo. Tôn chỉ của pháp môn Diệu Âm là “Trực diện với Thượng đế qua thiền định Âm thanh và Ánh sáng nội tại”. Người tu tập pháp môn Diệu Âm phải được thọ tâm ấn, tức được “minh sư” T. truyền trao Lực lượng, nương tựa Lực lượng của “minh sư” để phát triển tình thương, trau dồi trí tuệ, thể nhập với Thượng đế. Mặc dù giáo phái này chủ trương ăn chay, thọ trì 5 giới cấm và sử dụng rất nhiều thuật ngữ Phật giáo như Phật, Bồ tát, Phật tính, từ bi, trí tuệ, vô ngã, thiền định v.v… nhưng rõ ràng pháp môn này không phải Chánh pháp của Đức Phật. Đạo Phật luôn tôn trọng các tôn giáo, tín ngưỡng cùng các giáo phái khác. Nhung điều đáng nói ở đây là “thiền sư” T. được đệ tử xưng là minh sư, thiền sư cùng với tướng đầu tròn, cách ăn mặc quấn y (giống với các sư hệ phái Khất sĩ) hoặc mặc áo vàng giống các thầy ở thiền viện, thuyết giảng vay mượn nhiều thuật ngữ Phật giáo, cho nên nếu không tìm hiểu kỹ sẽ nhầm tưởng “thiền sư” T. là tu sĩ Phật giáo.
Do vậy, các Phật tử khi được giới thiệu tu tập các pháp môn thiền Âm thanh và Ánh sáng của “thượng sư” Thanh Hải hay “thiền sư” T. phải hết sức tỉnh táo, phát huy tuệ giác biết rõ không phải Chánh pháp, kiên quyết không thực tập theo, đồng thời sách tấn, nhắc nhở các đạo hữu khác cảnh giác với những pháp môn phi Chánh pháp này. *Tổ Tư Vấn ( nguồn: Báo Giác Ngộ)”

Về những trường hợp như thế này, mình xin trích một đoạn hỏi đáp của Hòa thượng Tuyên Hóa như sau:

Hỏi: Lư Thắng Nhan có hơn vạn đệ tử ở Mã Lai (năm 1988). Vậy pháp mà ông đã nói đó, là chánh hay là tà? Xin Sư Phụ nói rõ đạo lý để giải nghi cho đại chúng.

Hòa thượng Tuyên Hóa đáp: Trong thời mạt pháp, chánh tà khó phân biệt. Chú xem ông ta có tâm tham, tâm tranh, tâm ngu si, tâm cầu, tâm ích kỷ, tâm tư lợi hay không. Hoặc có phải toàn là nói dóc để gạt người. Tôi không biết Lư Thắng Nhan là ai nhưng tôi gọi hắn là đồ quỷ con. Chú thấy trên thế giới này, ai ai cũng đều biết xì ke, ma túy là không có lợi ích gì cho con người, nhưng vẫn có nhiều người buôn bán các thứ độc hại này, lại còn có nhiều người hút sách nó nữa. Chú nói đó là đạo lý gì? Là đạo lý của Lư Thắng Nhan chăng?


Trên diễn đàn “tamlinhviet.org” có một loạt bài post của vị nào đó còn giảng giải: “Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người tu theo pháp môn Diệu Âm. Đây là một pháp môn tối thượng dẫn dắt chúng ta bước đi trên con đường giải thoát, tìm về với Bản Lai Diện Mục của mình, nhưng phải thông qua sự chỉ dẫn của một vị Minh Sư tại thế. Đây cũng là pháp môn mà tất cả những vị Minh Sư ngày xưa tu hành đắc đạo.”

Về “bổn lai diện mục”, lại xin trích lời Hòa thượng Tuyên Hóa:

Hỏi: Tứ đại giai không, chư pháp vô thường, vậy cái gì là “bổn lai diện mục”?

Đáp: Quỷ!

Vậy thì những vị “Minh sư” này đang đắc đạo kiểu gì? Đắc đạo như thế nào? Và Đắc đạo là cái gì đã?

Chỉ riêng đọc đoạn này “Trong lúc thọ tâm ấn, vị Minh Sư sẽ truyền Lực Lượng cho vị đệ tử. Vị đệ tử sẽ thấy được Ánh Sáng trong khi quán quang. Trong cuộc hành trình tìm về cội nguồn tâm linh của mình, đến một lúc nào đó linh hồn của quý vị trở nên sáng suốt hơn, lúc đó Ánh Sáng và hào quang của Thượng Đế sẽ đến với quý vị. Chỉ có Âm Thanh mới có thể dẫn dắt quý vị và Ánh Sáng mới có thể soi đường, mở mang Trí Huệ bên trong quý vị mà thôi. Ngoài ra còn có những vùng tâm linh rất cao, chúng ta cần phải có Âm Thanh mới có thể dẫn dắt linh hồn của mình đến được những nơi đó. Lực Lượng Âm Thanh này sẽ rửa đi tất cả những nghiệp chướng mà chúng ta đã tạo ra đời đời kiếp kiếp và Ánh Sáng này sẽ xua đi những sự đen tối trong tâm hồn của chúng ta.” đã thấy đậm màu sắc của sự dị đoan rồi.

Vậy thiển ý của mình là gì? Đã theo Phật, một lòng dù pháp môn nào, thiền hay tịnh độ thay theo Mật tông… kiên quyết nhất tâm, chỉ tin, học và làm theo Chánh Pháp; không ngả nghiêng, nghe theo bất cứ ý tưởng nào không đúng với Chánh Pháp, chứ chưa nói là đi ngược lại với Chánh Pháp.

Còn đã theo các vị Minh sư kiểu này (quyền của mỗi người thôi), thì có nghĩa là không theo Phật. Vậy thôi.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment