Monday, October 6, 2014

Mối đe dọa của Trung Quốc không phải là bất ổn xã hội, mà là sự phân rã của nó

Bài viết này được giáo sư Tôn Lập Bình post lên blog của ông, nhưng vì là blog nên đó là một nguồn không được kiểm chứng, nên bài này “Người lang thang cuối cùng” có cố gắng trích, lược dịch lại, cũng không dùng để đăng báo được. Đồng thời, vì vốn tiếng Anh của “Người lang thang cuối cùng” quá “lởm”, tiếng Trung còn tệ hơn, khả năng tìm được các khái niệm tướng đương là khó khăn nên bài này, cũng chỉ để tham khảo, xin giới thiệu như một bài để đọc thêm. Hơn thế nữa, nó rất dài, nếu dịch lại sang tiếng Việt “word by word” dễ thường đến gần hai chục trang A4, không ai đọc được. Do đó, “Người lang thang cuối cùng” chọn cách lược đi nhiều đoạn, cố đọc hiểu và viết lại…

Những hoạt động được mô tả như “thanh trừng nội bộ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gầy đây, mà như những thông báo chính thức từ phía Nhà nước Trung Quốc là những chiến dịch chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và bên ngoài Trung Quốc.

Các thông tin thời sự tưởng chừng cho thấy, Trung Quốc đang đối mặt với một xã hội bất ổn với những cuộc biểu tình phản đối chống lại các chính sách đất đai, nạn tham nhũng, hối lộ, suy thoái môi trường hàng năm tăng lên nhanh chóng. Theo con số thống kê của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì năm 2006 số vụ biểu tình là 90.000 cuộc. Còn sang năm 2010, theo Giáo sư xã hội học Trung Quốc Tôn Lập Bình (Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh) thì con số các cuộc biểu tình trong năm này đã đạt mốc 180.000 vụ. (theo Wiki tiếng Anh)

Đáng chú ý, là giáo sư Tôn Lập Bình là người hướng dẫn luận án Tiến sỹ của ông Tập Cận Bình từ khi ông Tập còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Từ năm 2009, giáo sư Tôn đã nhìn thấy những vấn đề đe dọa Trung Quốc từ góc độ những nguyên nhân: những bất ổn xã hội này, chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Ý kiến của ông là “Mối đe dọa của Trung Quốc không phải là bất ổn xã hội, mà là sự phân rã của nó”. Vậy chúng ta hãy nên đọc lại những ý kiến của giáo sư Tôn, may ra có thể hiểu được một chút về “chiến dịch chống tham nhũng” mà người học trò họ Tập của ông đang khởi xướng và tiến hành trong thời gian này.

Theo quan điểm của giáo sư Tôn, ông cho rằng những bất ổn xã hội hiện nay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ thống chính trị và các thiết chế khác của đất nước. Như những tế bào ung thư, sự “phân rã xã hội” dần dần làm suy yếu đất nước từ một cơ thể khỏe mạnh. Phân vân trước hai khái niệm – “Xói mòn xã hội” được đưa ra bởi giáo sư Phí Hiếu Thông (*) và khái niệm “suy yếu chính trị” được đưa ra bởi giáo sư Samuel Huntington(**), giáo sư Tôn nghiêng về khái niệm của Samuel Huntington hơn.

Một xã hội ổn định sẽ có tình trạng đối nghịch là một xã hội bất ổn. Còn một xã hội mạnh khỏe, thì tình trạng đối nghịch của nó là sự phân rã xã hội. Hai điều này, tưởng chừng như là một, nhưng thực ra không phải và cần phải có sự phân biệt giữa chúng. Cũng giống như một người bị ung thư cần phải được phẫu thuật để cắt bỏ khối u, nhưng các bác sỹ lại chẩn đoán người đó bị bệnh tim và không thể mổ được – có thể người đó có những cơn đau mà tưởng chừng như đau tim, nhưng không phải. Đây chỉ là một ví von, sự phân rã xã hội nếu như không được thường xuyên khắc phục, thì tất yếu nó sẽ dẫn đến những bất ổn xã hội, và xu hướng là ngày càng gia tăng, chứ không có dấu hiệu giảm đi.

Ngay từ cuối những năm 1990, giáo sư Tôn đã nêu ý kiến, rằng khả năng Trung Quốc rơi vào bất ổn quy mô lớn là thấp, mặc dù ngày càng xuất hiện nhiều mối xung đột xã hội. Theo ông thì “chúng ta đã đánh giá quá cao mối nguy cơ bất ổn xã hội và do đó, đã hình thành một tư duy trọng sự ổn định. Khi mà chúng ta cố gắng làm tất cả cho sự ổn định, mọi thứ dường như trở nên tiêu cực.” Theo giáo sư Tôn, với một đất nước 1,3 tỷ dân trong suốt 365 ngày một năm, không thể tránh khỏi chuyện này, chuyện khác. Tình trạng không kiểm soát được quyền lực Nhà nước trong hành xử của chính quyền, sẽ càng ngày càng làm xuất hiện nhiều các “sự cố xã hội”. Ông đưa ra một ví dụ về vụ chính quyền hạt Đức Giang, Quý Châu ngăn cấm các hoạt động vui chơi giải trí như một nguyên nhân tiềm tàng của nổi loạn. Chỉ có ở Trung Quốc mới có khẩu hiệu “Ổn định là trên hết” và có cả một cơ quan chuyên trách “Ban ổn định” để lo việc này.

Giáo sư Tôn nhấn mạnh các yếu tố của sự phân rã xã hội đã bắt đầu xuất hiện ngày càng rõ rệt: sự lộng quyền của các cấp chính quyền và cán bộ trong các cơ quan Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương; và ông chỉ ra, chính tham nhũng là một trong những biểu hiện ra bên ngoài của tình trạng này. Sau ba thập kỷ cải cách kinh tế theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường, sức mạnh quyền lực càng ngày càng tập trung vào tay một số nhóm – tức là sự hình thành của các “nhóm quyền lực”. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, bắt đầu xuất hiện hiện tượng các quyết sách của Trung ương, không vượt ra được khỏi những bức tường của Trung Nam Hải (***).

Tình trạng này lây lan ra toàn xã hội Trung Quốc và trở thành chuẩn mực hành xử của tất cả những người dân. Đạo đức xã hội  trở nên sa đọa khi các nhóm lợi ích càng ngày càng lộng hành, bạo lực hoành hành, mất công bằng xã hội gây ra xói mòn nghiêm trọng các giá trị xã hội khác, tình trạng mất đạo đức nghề nghiệp đã là một hiện tượng khá phổ biến. Toàn bộ hệ thống thông tin báo cáo bị bóp méo gian dối: “Làng lừa thành phố, thành phố lừa huyện, huyện lừa tiếp lên Trung ương.”(****) Gần như không thể có được số liệu, báo cáo đáng tin cậy trong các báo cáo chính thức.

Thái độ tình cảm của người dân nói chung đối với các giá trị và sự gắn kết xã hội giảm nhanh chóng. Ông dẫn chứng một vụ cháy trong Lễ hội đèn lồng do Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) tổ chức đã làm thiệt hại hàng tỉ (nhân dân tệ), nhưng căn cứ vào các thông tin trên mạng internet, người dân thậm trí khoái trá trước điều đó. Họ nói rằng, “tài sản của CCTV, tức là của Nhà nước”. Tôi nhớ hồi những năm 1980 của thế kỷ trước, khi chứng kiến một vụ cháy ở Thẩm Dương, người dân đã khóc. Hồi đó, tài sản là “của chúng ta”; còn bây giờ, là “của họ” hay “của người ta”.

Toàn xã hội mất khả năng tư duy dài hạn. Nó xuất phát từ các nhóm lợi ích gắn kết bằng quyền lực và tiền bạc, chỉ tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn. Họ không có được thái độ của các vị vua trước đây là cần phải có trách nhiệm với các thế hệ tương lai. Xã hội Trung Quốc mắc một bệnh là bệnh quá chú trọng các mục tiêu ngắn hạn và phớt lờ mục tiêu dài hạn. Hàm Đan, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hà Bắc, đã thay 7 thị trưởng trong vòng 10 năm, tính ra trung bình mỗi người chỉ tại vị được có 17 tháng. Một người lãnh đạo cần có thời gian để kế thừa những gì người đi trước để lại và tiếp tục phát triển, nhưng tình trạng muốn chia chác quyền lực và chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt, đã làm cho không có ai có đủ thời gian để làm việc cả.

Đến vấn đề chống tham nhũng. Tại sao những biện pháp chống tham nhũng càng ngày càng tỏ ra kém hiệu quả? Khi một người được giao trọng trách, lập tức anh ta sẽ đứng trước sự cân nhắc quyết định: trở nên quyền lực hơn, tham nhũng hơn, hay chấp nhận những biện pháp xã hội phải thỏa hiệp với tham nhũng? Trong thập kỷ vừa qua, các biện pháp chống tham nhũng là rất hời hợt, “giết gà để dọa khỉ” – và trong khi tất cả mọi người đều biết quyền của mình trong công cuộc chống tham nhũng, thì đều im lặng…

Theo giáo sư Tôn, Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua (trước 2009) đã có những chính sách chưa phù hợp. Một mặt, khó khăn trong chống tham nhũng của các nhóm lợi ích, mặt khác, để duy trì ổn định phải hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Nguồn lực tài nguyên của đất nước đã phải dùng nhiều vào việc này. Ông chỉ ra, nguyên nhân của tình trạng chính là “cuộc hôn nhân giữa quyền lực và chủ nghĩa tư bản”. Nhân dân Trung Quốc quen nhìn thấy quyền lực Nhà nước và thị trường là hai yếu tố riêng rẽ, nhưng nay, chúng đã “tay trong tay”. Giống như hai người, được coi như là “môn đăng hộ đối”, nay khăng khít đi cùng nhau. Chúng ta cho rằng, vai trò của quyền lực Nhà nước trong quản lý kinh tế là quan trọng và cần thiết. Nhưng nay thì, thị trường đã là một thị trường bị quyền lực thao túng, ngược lại quyền lực Nhà nước thì bị “thị trường hóa”. Đó chính là vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt. Sự ra đời của các “nhóm lợi ích” vốn có nguyên nhân từ sự kết hợp của kinh tế thị trường và quyền lực Nhà nước, nay đã làm cho nền kinh tế ngày càng trở nên xa lạ hơn với số đông dân chúng. Từ năm 2002, giáo sư Tôn đã chỉ ra vấn đề này như là một nguyên nhân làm tan vỡ xã hội Trung Quốc.

Phản kháng ở Ô Khảm, 12/2011
Vậy thì giải pháp là gì? Giáo sư Tôn khẳng định cần điều chỉnh cả hai, quyền lực và kinh tế, và điều quan trọng cần phải chặt đứt mối quan hệ giữa chúng. Ông dẫn lời nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc, ông Mao Vu Thức (sinh ngày 14/1/1929, ngay đang là giảng viên Đại học Queensland, Australia), thì cần phải cấm những người giàu nắm quyền lực và ngược lại, không cho những người cầm quyền làm kinh doanh. Giáo sư Tôn còn ví von, sự kết hợp giữa quyền lực (Nhà nước) và tiền (thị trường, kinh tế) như một mối quan hệ hôn nhân và hiện nay đã bộc lộ những vấn đề, người thì cho rằng lỗi tại người chồng, người thì cho rằng, người vợ mới có lỗi. Nhưng rõ ràng cuộc hôn nhân đó là không hạnh phúc. Ông cho rằng, nguyên nhân vì chính Trung Quốc đã cố gắng duy trì một sự “ổn định” (không muốn xáo trộn quá lớn trong xã hội), do đó không thể tiến hành được những biện pháp tái cấu trúc lại xã hội để chống lại những “bệnh tật” này. Ông đưa một ví dụ, khi Joseph Estrada (Cựu Tổng thống Philippines từ 1992 đến 1998) tham nhũng và mất chức, một tờ báo của Hoa Kỳ đã đánh giá, hậu quả để lại cho nhân dân nước này phải mất 100 năm mới có thể khắc phục được. Khi tham nhũng trở thành một lối sống, không còn cảm thấy đáng xấu hổ, sỉ nhục; vừa bị lên án nhưng lại vừa được thèm khát; thì sư phát triển của xã hội đã trở nên bệnh hoạn. Nếu sự “ổn định” được đưa lên vị trí cao hơn hết thảy, thì nó cũng sẽ có thể là nguyên nhân của thảm họa.

Như vậy, theo giáo sư Tôn, sự kết hợp giữa quyền lực và tiền, đã làm cho cuộc cải cách của Trung Quốc đi lệch hướng một cách cơ bản. Cuộc cải cách này, bắt đầu năm 1978, đến nay đã gần 40 năm. Đáng lẽ ra, các mốc cơ bản 30 năm, 35 năm… đều là những mốc thời gian quan trọng để điều chỉnh cho cuộc đổi mới; nhưng các cơ hội đều đã bị bỏ lỡ...

Đánh giá về chung về tình hình kinh tế xã hội Trung Quốc, giáo sư Tôn cho rằng cuộc đổi mới không tốt như nó được ca ngợi và cũng không xấu như rất nhiều người đang chê bai, bài xích nó. Ông luôn luôn không đồng ý với những ý kiến cho rằng thành quả của cuộc đổi mới chính là sự cải thiện cuộc sống người dân. Nền kinh tế vẫn có thể phát triển mà không có cuộc đổi mới, miễn là không có những tác động “nhân tai” (thảm họa do con người tạo ra), ngoài ra hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao mức sống còn do việc giảm tỷ lệ sinh đẻ và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Ông không phủ nhận thành quả và vai trò của cải cách, nhưng ông muốn mọi người nhìn nhận nó đúng với vị trí của mình. Trước cải cách, cả kinh tế xã hội Trung Quốc bị méo mó, đè nén, không bình thường… và cuộc cải cách đã đưa mọi thứ vào đúng vị trí của nó. Tuy nhiên ông lo ngại, rằng những năm gần đây, lại xuất hiện nhiều trở ngại cho cuộc cải cách này – các khiếm khuyết vốn có cũng đã được bộc lộ. Tuy nhiên, vẫn chưa có được một cái nhìn nghiêm túc trước nguy cơ “nền kinh tế đất nước đang trên bờ vực của sự sụp đổ” để tìm giải pháp, mà lại đang có những thế lực nào đó, can dự vào tình hình. 
______________ 
(*) 2/11/1910 – 24/4/2005, Giáo sư Đại học Bắc Kinh, giáo sư hàng đầu của Trung Quốc về xã hội học.
(**) Samuel Phillips Huntington (18/4/1927 – 24/12/2008), giáo sư xã hội học Hoa Kỳ, Đại học Havard và Columbia.
(***) Nơi có trụ sở của trụ sở của Đảng cộng sản Trung Quốc và chính phủ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
(****) Tổ chức đơn vị hành chính theo lãnh thổ của Trung Quốc hiện nay có cấp làng, cấp thành phố (thuộc tỉnh, ở ta đơn vị này nếu tính tương đương do thấp hơn cấp huyện nên nó chỉ như thị trấn), cấp huyện, cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp Trung ương. 

Nguồn blog tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment