Wednesday, October 22, 2014

"Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông..."

"Thăng Long Tứ Trấn"
Trước cũng có nghe, nhưng không mấy để ý, đến năm 2006 đi lên Sơn Tây tự dưng thấy rõ là nhiều cờ phướn: “thành phố xứ Đoài” rồi “xứ Đoài mây trắng”… chẳng là hồi đó thị xã Sơn Tây sau nhiều nỗ lực sày vẩy, được đề bạt lên thành thành phố. Tỉnh Hà Tây như thế là có hai thành phố.

Chẳng được mấy nả, Hà Tây bị xóa sổ, và tự dưng Hà Nội có thêm hai “thành phố thuộc thành phố” (cứ như Trung Quốc ấy nhỉ, hi hi) và đương nhiên, đã có thăng cấp thì phải có giáng cấp. Thành phố Hà Đông, giáng thành quận. Còn “người đẹp xứ Đoài”, quay lại với “cái máng lợn.”

Cách gọi phía Tây là “Đoài”, là theo phương vị tám quẻ kinh dịch trong Hậu thiên Bát quái của Văn Vương: Càn ứng với Thiên hành Kim, hướng Tây Bắc; Khảm ứng với Thủy, hướng chính Bắc; Cấn ứng với Sơn hành Thổ, hướng Đông Bắc; Chấn ứng với Lôi hành Mộc, hướng chính Đông; Tốn ứng với Phong hành Mộc, hướng Đông Nam; Ly ứng với Hỏa, hướng chính Nam; Khôn ứng với Địa hành Thổ, hướng Tây Nam; Đoài ứng với Trạch hành Kim, hướng chính Tây. Theo Tiên thiên Bát quái của Phục Hy thì quẻ “Đoài” là ở hướng Nam cơ. Đương nhiên là các quẻ này có trong tiếng Hán, nhưng hồi học tiếng Hán bên đó trình quá lùn nên chưa phát hiện được bên Trung Quốc họ có gọi phía Tây là “Đoài” không hay chỉ có Việt Nam ta gọi thôi, nhưng rõ ràng “Đoài” đi với “Đông”; hai chữ “đ” nghe khá vần điệu, cũng là một cách gọi hay.

Chúa Trịnh Tạc (1657-1682) được phong tước Tây Vương, nên địa danh có chữ Tây bị ông ra lệnh đổi thành Đoài, như Sơn Tây gọi thành Xứ Đoài, bởi vậy nên Tây Hồ còn được gọi là Đoài Hồ. Nhưng cái tên Đoài Hồ không được dùng lâu, đến hết đời Chúa Trịnh Tạc dân ta gọi lại như cũ là hồ Tây… như vậy phải chăng cách gọi “Tây” thành “Đoài” ngoài sự chơi chữ nghĩa, còn có cả nguyên nhân “húy kỵ” chăng?

Thành Thăng Long xưa có bốn trấn xung quanh theo bốn hướng, được gọi là “tứ trấn Thăng Long”. Phía Bắc, có Trấn Kinh Bắc gồm tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Phúc Yên sau này; phía nam là Trấn Sơn Nam, gồm các tỉnh  Hà Đông, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hưng Yên sau này; phía đông là Trấn Hải Dương, gồm các đất  Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An sau này; còn phía Tây là Trấn Sơn Tây gồm các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Yên và Sơn Tây sau này.

Mình quan tâm nhất là Trấn Sơn Nam, vì có quê ngoại ở đó: tỉnh Hà Đông, gồm các huyện: Thanh Đàm, Thượng Phúc, Phú Xuyên (3 huyện - thuộc phủ Thường Tín) Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An (4 huyện - thuộc phủ Ứng Thiên). Theo một số “truyền thuyết” kể lại thì Chương Đức chính là khu vực chủ yếu sau này được chia thành hai huyện là huyện Chương Mỹ và huyện Mỹ Đức (viết thêm chữ “chủ yếu” vì sự biến động của địa giới hành chính qua hàng trăm năm là rất phức tạp, ngoài chuyện tách nhập huyện còn có sự thay đổi của các cấp thấp hơn.) Có thuyết còn kể rằng những vùng người Mường sinh sống còn được cắt về cho tỉnh Hòa Bình nữa kia…

Luận bàn về cách chia tỉnh của người Pháp sau này. Đến thời kỳ miền Bắc nước ta trở thành xứ “Bắc Kỳ” (“Tonkin”) thì người Pháp tiến hành chia địa giới hành chính đúng ba cấp như ta bây giờ: tỉnh, huyện, xã. Có lẽ cái tay thực dân ấy hắn cũng thuộc loại “Tây mắm tôm” nên hắn phát hiện ra tính làng xã cực kỳ cao của dân tộc Việt Nam, cái xứ mà chỉ cách nhau một cánh đồng, một con sông… là đã khác nhau cả tiếng nói lẫn phong tục tập quán. Và hắn chia tỉnh của ta trên cơ sở đó, có thể nói khá là khoa học.

Khi ở Mátxcơva mình thân với một anh bạn học nghiên cứu sinh, nói giọng đúng Hải Dương luôn, trong khi hắn khai, hắn người Hải Phòng. Mình thật không thể tin được, mới théc méc, hắn cười: “Thật ra, nhà em đất Hải Phòng nhưng cách Hải Phòng cả một con sông, còn cách đất Tứ Kỳ Hải Dương chỉ một cánh đồng.” – nghĩa là liền lạc với nhau, do đó, giọng anh chàng này không hề Hải Phòng một tí nào. (xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng liền tịt vào xã Quang Trung của huyện Tứ Kỳ; muốn đi lên thành phố Hải Phòng phải qua cả một con sông là sông Văn Úc.)

Lại gốc nữa thành gộc, khu vực Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức… vốn là Hà Nội. Lúc đầu những chỗ đó thuộc về Cầu Đơ, về sau vì Hà Nội cắt cho Pháp thế nào đó, mà bị rời ra thành tỉnh… Cầu Đơ, rồi từ 1902 mới gọi là tỉnh Hà Đông, cũng không rõ là phía đông của cái gì. Xem trên wiki tiếng Việt thì “Ngày 1 tháng 7 năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình, để rồi đến năm 1991 lại tách ra thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.”

Như vậy nếu có là Hà Tây, để mà gọi toàn bộ khu vực Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… là “xứ Đoài”, thì căn nguyên của nó, cũng mới chỉ có 10 năm (1965 đến 1975) cộng với 17 năm (1991 - 2008) là 27 năm tất cả, hơi ít để những cư dân khu vực trên tự gọi mình là “dân xứ Đoài”…

Sau một thời gian dài bao nhiêu tỉnh gộp vào với nhau, rồi lại tách ra, Hà Bắc lại Bắc Ninh và Bắc Giang; Bắc Thái lại Thái Nguyên và Bắc Kạn; chỉ có Sơn Tây và Hà Đông vẫn ngồi chung một nhà để rồi biến mất vào năm 2008. Có người nhận xét, bây giờ hầu như cách ranh giới hành chính, đã quay lại gần giống hệt như người Pháp người ta chia hộ cho mình (hì hì, không khéo kể cả việc Cầu Đơ vốn là Hà Nội, nay lại về… Hà Nội.)

Đi trên đường quốc lộ 18 đoạn huyện Đông Anh, có cái cầu gọi là cầu Đoài. Cầu ngắn tí, nhưng nó đánh dấu một thôn của xã nào đó, thôn Đoài. Các thôn Đông, thôn Đoài… hầu như đều có tên chữ của nó cả, nhưng dân dã, người ta vẫn gọi Đông, gọi Đoài… mà không gọi Đông, gọi Tây.


Nghĩ ba lăng nhăng tiếp đến chuyện các cụ ngày xưa gọi dân dã các tỉnh. “Tỉnh Đông” là Hải Dương, tỉnh Đoài là Sơn Tây… thành Nam là Nam Định. Có lần mình viết trên một diễn đàn, “về dưới Phòng”, có chú thanh niên vốn dĩ dễ tự ái về vụ phân biệt vùng miền, nổi xúc động ngay tưởng bị xách mé, gọi lại quê mình là “lên Nội.” Phải giải thích ngay, chú mà đọc “Bỉ Vỏ” sẽ thấy trong đó cụ Nguyên Hồng kể, các cụ vẫn gọi “chuyến tàu Phòng” là tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng. Còn Hà Nội thì đất Kẻ Chợ, Kinh Kỳ… có nhiều tên lắm, không ai gọi là “Nội” đâu. Nghe giải thích xong, hết tự ái. Nếu như tên gọi Hải Phòng là từ gốc “Hải tần phòng thủ,” của nữ tướng Lê Chân đầu thế kỉ thứ nhất thì tên gọi Hải Phòng còn lâu đời oách xà loách hơn Hà Nội nhiều.

Sau này còn nghe “Trên Thái, Trên Tuyên” nữa.

Nhưng rõ ràng cái “Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông” của Nguyễn Bính vẫn thật giản dị mà hết sức lãng mạn. Đấy là còn chưa kể đến “Xuân Dục Đoài”, “Xuân Dục Đông” trong bài “Núi Cao” của nhà thơ Vũ Đôi, í lộn, bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao, đến mệt với mấy cái tên này…

Nhân chùm ảnh Suối Yến rất đẹp của một bác "bạn Phây", gọi gộp Mỹ Đức vào “xứ Đoài” mà “chém” được một bài, xin chân thành cảm tạ! He he... À mà suýt thì quên, chiều nay đi cắt tóc, hỏi chú thợ quê Ứng Hòa là quê chú có ai tự coi mình là dân xứ Đoài không, cậu cười lăn ra... Em Ứng Hòa là Ứng Hòa, có ông em nói "là người Hà Đông tỉnh" thôi...

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment