Thursday, November 20, 2014

Búng tai kẻ trộm (phần 2 và nốt)

Và con chó, con mèo các nhà nuôi, cứ sểnh ra cái là mất. Nhà mình mất không biết bao nhiêu con mèo từ hai chục năm nay, đôi lần thấy chủ nhà mấy nhà hàng xóm thì thào, là tốp thợ xây đang xây nhà cho nhà họ, “câu” mất con mèo giết thịt ăn. “Câu” với đúng nghĩa của nó, tức là giúi cái lưỡi câu vào trong một con cá chết bé bé, con mèo ăn phải, là bị lôi xềnh xệch về, giết thịt. 

Chúng ta hãy nghĩ kỹ một chút, chẳng phải chính những người thợ xây đó, khi về quê, lại là những những người rất có khả năng, ngày mai, ngày kia… tham gia đánh chết những người trộm chó vừa bắt được con chó của làng? Vì thế mà mình viết “người dân “bình thường”” với chữ “bình thường” trong ngoặc kép. Sẽ không có ai đi bắt chó của làng mình cả, họ sang làng khác, huyện khác, tỉnh khác… và hoàn toàn có khả năng bị đánh chết, trong khi họ ở nhà, họ cũng bình thường thôi, và cũng hoàn toàn có khả năng tham gia đánh chết một người trộm chó nào đó đến làng mình.

Vậy ở đây có yếu tố rất rõ nổi lên, đó là tính làng xã của hành động đánh chết người trộm chó. Một tập thể những người sinh sống gần gũi với nhau, gắn kết bởi tình làng nghĩa xóm, thông thường thì “tối lửa tắt đèn” là điều tốt, nhưng lúc tranh đồng tranh ruộng, lúc chống chủ trương chính sách hay gây tội ác đánh chết người, đều là những việc nghiêm trọng cả. Đã có nhiều ý kiến bàn về việc lâu nay, chúng ta sống trong một xã hội mà pháp luật được thi hành không nghiêm minh, ngay cả chủ trương chính sách của chính quyền các cấp không phải lúc nào cũng đúng đắn… gây bức xúc trong dư luận dễ làm cho người dân phản kháng. Những điều đó đều đúng cả, mình cũng cảm thấy không cần thiết phải nói lại nữa. Chỉ băn khoăn một điều, rằng chuyện đánh hội đồng những tên trộm cắp “không may” bị bắt, không phải đến bây giờ, ở thời kỳ xã hội chủ nghĩa của chúng ta mới có. Hãy hỏi ông hỏi bà chúng ta, những người sống từ hồi chế độ cũ, hoặc trước Cách mạng… chuyện này đã có rồi. Tâm lý căm ghét những kẻ ăn bám, lười lao động, sống trên mồ hôi, nước mắt của người khác cũng rất chính đáng và đáng được tôn trọng.

Chỉ năm ngoái năm kia thôi, người ta đã tranh cãi trước một bức ảnh chụp ở Hải Phòng – lan truyền trên mạng rất nhanh. Một cô gái bị bắt sau khi ăn cắp xe đạp, người ta bắt trói gô vào gốc cây, rất thảm thương. Rồi lại chuyện cô bé ăn cắp sách, một cuốn sách trị giá chỉ 20 nghìn đồng thôi, nhưng nhân viên nhà sách thì bắt cô bé đó cầm một cái biển “Mình là con ăn cắp” và ra đứng ở chỗ đông người. Bạn và mình, chúng ta đã bao giờ thử đập một con muỗi đốt mình chưa? Con muỗi đậu vào cánh tay… tay nọ đập tay kia đánh đét một cái, rõ là đau, đỏ cả tay lên. Con muỗi nếu không may mắn thoát thân thì sẽ bẹp gí, nát bét. Mấy ai nhìn lại, rằng để đập chết con muỗi đó, đâu cần dùng một lực lớn đến như thế. Đơn giản là không muốn nó thoát, nhưng nó có cánh, lại bé tí, vốn khá nhanh nhẹn, nên ta phải nhanh hơn nó. Nhiều khi, ta phải rình rình, chờ nó cắm sâu cái vòi nhọn hoắt của nó vào da của ta, chờ nó bắt đầu hưởng thụ cái vị ngon ngọt của máu ta, đê mê đi rồi, ta mới phang cho nó một phát – lúc đã đê mê rồi, nó không thể thoát. Chúng ta cũng chẳng để ý, rằng để đánh nó, chúng ta đã khởi nên một cái tâm Ác, muốn hạ sát nó đến cùng. “À, mày dám hút máu tao, tao đập cho mày chết!”. Trên thực tế, thì dù có đập chết con muỗi này, thì lại có con khác đến sẵn sàng tấn công ta, không bao giờ hết được.

Có nhiều yếu tố để cho cái Ác lên ngôi, từ tính làng xã truyền thống đến mấy chục năm chiến tranh, xã hội lại chỉ mới “tập” sống theo pháp luật chưa lâu (Bộ luật Hình sự ra đời năm 1985, 10 năm sau ngày thống nhất đất nước), việc thực thi pháp luật chưa bao giờ tốt, nhưng lại nhanh chóng mất đi những hiệu lực nhỏ nhoi có được. Chưa bao giờ chúng ta thấy cái Ác hoành hành trong xã hội ngày hôm nay khủng khiếp đến thế, bất cứ ai cũng có thể hành xử với người khác như kẻ thù, ngay từ những chuyện nhỏ nhất? Tại sao chỉ cách đây 30 năm thôi, học sinh đi học đánh nhau, dùng gạch đá là chuyện lớn, nhưng bây giờ dùng dao đâm nhau, đã là chuyện bình thường?

Cần xem lại tất cả những chuẩn mực, cũng như điều chỉnh lại thái độ xã hội đối với các chuẩn mực đó. Thời “ra ngõ gặp anh hùng” có thể tốt trong chiến tranh, nhưng hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển của một xã hội văn minh. Dẫn đến tình trạng ngày hôm nay, truyền thông phải chịu phần nhiều trách nhiệm, nhưng để sửa chữa, thì chính truyền thông lại cần phải đóng vai trò quan trọng và làm tròn trách nhiệm.

Rõ ràng là cái Ác nó đã có sẵn, ngự trị bên trong chúng ta, và chỉ chờ gặp dịp, là nó vùng dậy. Với những trường hợp như của những người “bình thường”, lương thiện, có số đông, bắt được tên ăn cắp, trong đó có cả những người trộm chó, thì cái Ác được sự hỗ trợ của yếu tố số đông, càng nhân lên gấp bội. Đó là cái Ác nhân danh sự lương thiện. Sau khi tham gia hành hạ cái tên ăn trộm, ăn cắp “xấu số” bị bắt kia, thì tâm lý đám đông chắc hẳn sẽ khác nhiều với việc đi đánh người trong những trường hợp thông thường khác: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi, mặt vàng như nghệ” – các cụ đã nói thế rồi. Nhưng đám đông đinh đánh tên trộm xong, thì không hề “vàng như nghệ”, mà hả hê một cách độc ác. Sự hả hê độc ác đó còn xuất phát từ một xã hội – khi mà sự vi phạm pháp luật, cái ác rất ít khi bị trừng trị từ phía Nhà nước, người ta muốn tự thi hành công lý.

Không biết có ai đặt câu hỏi, nếu không phải là một cô gái gầy yếu, hay một cô bé học sinh, mà là hai thằng ăn cắp nhưng lại sẵn sàng biến thành ăn cướp, với hung khí thủ sẵn trong người… thì tình hình sẽ ra sao? Các cụ nhà ta lại tỏ ra là đúng: “Ác giả thì ác báo”, kẻ trộm chó bị đánh nhiều, thậm chí đánh chết, đâm ra chúng cũng trang bị sẵn một tâm lý liều chết, sẵn sàng ăn thua đủ. Và chỉ cần có người đuổi theo ngăn chặn, chúng đã ra tay trước, giết chết người đuổi theo… cuộc chiến cứ thế tiếp tục, không có hy vọng đạt được hồi kết.

Lênin đã từng viết: “Vấn đề quan trọng của hình phạt không phải là ở chỗ nó nặng hay nhẹ, mà là ở chỗ không có tội phạm nào là không bị phát hiện, không có tội phạm nào, là không bị trừng phạt.” Xã hội chúng ta có quá nhiều những điều xấu, gây phương hại cho xã hội từ nhẹ đến nặng, thậm chí rất nặng… nhưng hiệu quả thực thi pháp luật để xử lý những kẻ làm các điều xấu đó, rất thiếu hiệu quả, nhu nhơ, không đến nơi đến chốn… và không thiếu những kẻ như thế ngày ngà vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì một lý do “tế nhị” nào đó. Con người không chỉ mất lòng tin vào pháp luật, vào chính quyền Nhà nước, mà còn mất lòng tin vào lẫn nhau và coi nhau như kẻ thù.


Một xã hội được quản trị không tốt, từ việc duy trì quá lâu chế độ hộ khẩu, nhưng không quản lý được cá nhân con người… đến việc chính những người trong cơ quan pháp luật nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi ngang ngược coi thường kỷ cương phép nước, đến những vụ án tham nhũng ăn cắp của nhân dân ở mức độ “khủng”… Cần lắm rồi, một tư duy mới, dũng cảm, dám đập đi, xây lại nhiều thứ ở xã hội của chúng ta. Mỗi người trong số chúng ta cần phải tham gia vào quá trình tái thiết này, bắt đầu từ chính trong suy nghĩ của chúng ta. Pháp luật không cấm thịt chó, nhưng vì sự bình yên của xã hội, liệu điều cần đầu tiên cần làm một phong trào “nói không với thịt chó” có hiệu quả chăng?


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment