Monday, November 3, 2014

Nói ích nói nghĩa nhưng chưa đủ

Phật dạy nói với nhau là phải nói lời “ái ngữ”, đem lòng yêu thương của mình vào lời nói thì người nghe mới tiếp thu được, chỉ nói lời lợi ích, nhưng phải đúng đối tượng. Lời lợi ích nhưng không đúng người, không nói. Lại lời lợi ích, đúng đối tượng nhưng không đúng lúc “nói lợi lạc đúng người nhưng phi thời, cũng không nói.”

Phàm là người xuất gia làm tỳ kheo hay người tu tại gia là Phật tử, chỉ biết từ bi nói lời lợi lạc là chưa đủ, dù là nói tốt cho người khác. Khi nói điều dễ gây thị phi tranh cãi, là phi thời, cũng không nên nói. Ca ngợi vị lãnh đạo là tốt, nhưng ca ngợi đến mức là “Cụ Bồ Tát” không phải dễ gây tranh cãi, lại đâm có hại cho người được ca ngợi hay sao?

Kinh Pháp Cú, kệ số 100, ghi lời Phật khuyên nhắc người xuất gia về ý nghĩa lợi ích của lời nói: Dầu nói ngàn ngàn lời, Nhưng không gì lợi ích, Tốt hơn một câu nghĩa, Nghe xong, được tịnh lạc. 
Kinh Tăng Chi Bộ thuật câu chuyện Phật khuyên nhắc người xuất gia nên chú tâm nói những gì và không nói những gì: 
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, rất nhiều Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại hội trường. Các vị này đang chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác sau đây: Câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về quân đội, câu chuyện về sợ hãi, câu chuyện về chiến trận, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về đồ nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng, câu chuyện về thị trấn, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về ma quỷ, các câu chuyện sai khác về thế giới, về biển lớn, các câu chuyện về hữu và phi hữu. 
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền định đứng dậy, đi đến hội trường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy nay ngồi hội họp ở đây nói chuyện về vấn đề gì? Câu chuyện gì đang được bàn đến giữa các Thầy? 
- Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại hội trường, và chúng con đang chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác sau đây: Câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm... các câu chuyện về hữu và phi hữu. 
- Này các Tỷ-kheo, thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại có thể sống chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác, như câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về quân đội, câu chuyện về sợ hãi, câu chuyện về chiến trận, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về đồ nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng, câu chuyện về thị trấn, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về ma quỷ, các câu chuyện sai khác về thế giới, về biển lớn, các câu chuyện về hữu và phi hữu.
Này các Tỷ- kheo, có mười đề tài nói chuyện này. Thế nào là mười? Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. 
Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy tiếp tục nói những câu chuyện liên hệ đến mười đề tài để nói chuyện này, thời các Thầy có thể với ánh sáng của mình đánh bạt ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực, có uy lực, còn nói gì của các du sĩ ngoại đạo”.



Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment