Monday, November 10, 2014

Phát chán lên với chất lượng An Viên (AVG) và kinh nghiệm xử lý

Khoảng một tháng gần đây, song song với số kênh của AVG tăng (hầu như chẳng xem đến những kênh đó bao giờ) là chất lượng xuống thê thảm. Họ có một cái số điện thoại hỗ trợ 19001900, gọi đến đó 1000 đồng / phút alô.

Lần đầu được hướng dẫn, và cả đọc sách hướng dẫn sử dụng đi theo cái đầu, thấy vào menu đo tín hiệu để chính cái antenna trong nhà của họ, cũng không quá phức tạp nên lại mò mẫm chỉnh lại. Chịu chết, không chỉnh được, hình vỡ tan hoang, giật tưng tưng còn là khá, còn dừng đứng lại.

Chiều thứ bảy, 18 giờ 40 phút bắt đầu gọi, kết thúc lúc 18 giờ 49 phút, nhân viên số 6247 tiếp nhận cuộc đầu. Trình bày, và lại hướng dẫn làm đúng những điều vừa làm cách đó 15 phút. Không được là đương nhiên. Đáng chú ý là “cái thái độ”. “Anh xin phép lưu ý em một chút trước khi trao đổi này: anh gọi đến mất 1000 đồng/phút, và anh dùng dịch vụ của AVG cũng phải trả tiền, cũng biết một ngày các em tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi, đến giờ này thì mệt mỏi, nên anh nói chuyện rất mềm mỏng và dễ chịu, vậy sao em nói chuyện với anh chưa chi đã dùng giọng nói khó chịu và chỏng lỏn làm vậy?” “Vâng, em xin lỗi…” Từ đó trở đi mới nói giọng tử tế được chút. Không xử lý được qua điện thoại, mấy phút sau alô lại gặp cậu thanh niên khác, thông báo là chất lượng không thể xem được như thế này thì chắc anh cắt không dùng của bọn em nữa… “Anh cho bọn em cử kỹ thuật viên đến nhà hỗ trợ được không ạ?” “Được, tùy bọn em, lúc nào đến thì gọi trước cho anh xem có thuận tiện không nhé.”

Trưa Chủ nhật, lúc 13 giờ 12 phút 09431348xx alô đến đúng lúc vừa nằm xuống chợp mắt. “Bây giờ em qua hỗ trợ kỹ thuật được không ạ?” “Em ơi thông cảm, cả nhà vừa nghỉ trưa, khoảng tầm một giờ nữa em quay lại được không?” “Bọn em đi theo lộ trình, phải qua nhà anh trước. Chỉ mất một tí thôi!” “Ừ nhưng đầu máy của bọn em trong phòng của ông bà nhà anh, người già cần nghỉ một chút em ạ.” Cậu ta dập máy, không chào hỏi, không hẹn lại.

Lên mạng tìm thông tin các diễn đàn về chất lượng AVG thấy bà con kêu ca thảm thiết luôn. Buồn cười nhất là có bác cho ý kiến: “An Viên hô hào giương cao ngọn cờ Phật pháp mà gọi điện đến toàn bị nhân viên của họ chửi.”

Vấn đề là thuê bao đã đóng đến hết ngày 15 tháng Chín 2015, nghĩa là còn 10 tháng nữa lận, không nhẽ bỏ? Bình tĩnh nhé… AVG thì cũng là truyền hình kỹ thuật số kiểu “mặt đất” như VTC thôi, không là cái gì ghê gớm cả. Cái antenna trong nhà của họ trông chỉ được cái đẹp, có miếng sắt phẳng nghiêng nghiêng, với đường cấp nguồn 5Volts, chưa biết như thế nào nhưng dự là một cái mạch bé tí khuếch đại tín hiệu thôi, kiểu antenna râu để bàn của Trung Quốc có mạch khuếch đại ấy mà. Vậy thì về nguyên tắc, ta hoàn toàn có thể thay thế nó bằng một antenna trời. Antenna trong nhà làm sao tốt bằng được, riêng cái “hiệu ứng lồng Faraday” [1] nó đã ngăn bao nhiêu là sóng rồi. Được, đã thế ta xử lý theo hướng của ta.

Vật tư: (1) Một cái que tre, lấy tạm cán cờ. Bây giờ không phải là lúc của lòng yêu nước đầu môi chót lưỡi, đảm bảo quyền lợi cái đã! (2) Một khung kim loại sáng bóng, bằng nhôm là tốt nhất. Thời của truyền hình analogue, phải có giàn antenna cẩn thận, nhóm các thanh chấn tử hướng xạ, nhóm các thanh chấn tử phản xạ, thanh chấn tử thu sóng… thời của kỹ thuật số, không cần. Mắt lia quanh nhà và bắt gặp cái mắc áo, ô kê rồi. Nhôm to đường kính đến 5 li, vừa đủ cứng để không cong và vừa phải không quá cứng khó gia công. Duỗi thẳng móc ra hai đầu, đập bẹp đục lỗ để buộc dây antenna. (3) Dây antenna đồng trục loại trở kháng 75 Ohm, tầm chục mét, jack antenna loại đồng trục 1 chiếc. (4) Lạt nhựa, dưới 10 cái (5) Chai La Vie đã uống, 1 chiếc (6) Băng dính bản to và băng dính điện.

Mắc áo dùng lạt nhựa buộc lên đầu que như ảnh. Xoắn hai đầu dây antenna đồng trục vào hai đầu nhôm của mắc áo, lại dùng lạt nhựa bó vào que cho chắc. Rạch đôi chai La Vie ôm vào thân que tre như trong ảnh, dùng băng dính bó kín. Kinh nghiệm vụ này là nên làm kín không cho nước mưa ảnh hưởng, chỉ một thời gian lên xử lý rất mệt. Nhìn chung là đã xong, buộc lên trần nhà là được rồi. Xem đẹp long lanh luôn, tín hiệu mạnh ầm ầm. Chú ý: vào menu của đầu AVG => Thiết lập hệ thống => Thiết lập ăngten => Nguồn 5V cho ănten chọn TẮT cho chắc ăn, nhỡ nó vẫn “xông” cái nguồn 5V đó ra cái mắc áo rồi chập cháy, hỏng cái đầu lại dở hơi với cái nhà đài này (các hình 2, 3).

Thành quả ở hình 4, đã buộc lên trần nhà.

Bây giờ mới phát hiện ra AVG phát HD, bỏ dây AV jack RCA, thay bằng cáp HDMI đúng là có khá hơn, nhưng là HD 576p, đã quen xem 1080p rồi thì thấy cái món HD này nó nhòe nhòe nhoẹt nhoẹt, thảm hại; nhưng mà thôi, với các cụ và những ai quen xem tivi CRT và DVD rồi thì nó còn đẹp chán.  

Sáng nay alô lại cho chú kỹ thuật viên trưa hôm qua. (Màn chào hỏi bỏ qua không viết vào đây) “Sao hôm qua anh đang nói chuyện em lại dập máy?” “Thì anh bảo là không tiếp em được.” “Anh nói với em giờ đó không nên, sau một giờ nữa thì được, nhưng đây là em dập máy, không chào hỏi, không hẹn lại là lúc nào đến. Anh có quát mắng nói nặng gì em đâu mà lại cư xử lạ thế? Anh đang định viết email cho hãng em đây.” Cậu ta xin lỗi, thôi được, này thì “giương cao lá cờ Phật pháp”, đánh khẽ thế thôi.

Vừa cách đây tầm 30 phút, trước khi ngồi viết bài này, có cô bé gọi đến từ AVG hiện số 0462812343, hỏi là hôm qua kỹ thuật viên bên em gọi cho anh nhưng anh không nghe máy… anh có cuộc gọi nhỡ nào không ạ? Ô hay, lại nói dối nó trá rồi. Đành phải trình bày lại từ đầu vậy, lại nói thêm hay anh lên “Phây” kể luôn cho anh TĐT “cơm có xịt” nhể, he he... “Anh ơi thế bây giờ các bạn ấy qua hỗ trợ kỹ thuật được không ạ?”

“Thôi cảm ơn em, cái mắc áo của anh đã giải quyết được vấn đề rồi!”
________________

[1] Michael Faraday, (1791 – 1867) là một nhà hóa học và vật lý học người Anh đã có công đóng góp cho lĩnh vực Điện từ học và Điện hóa học. Về thuật ngữ “lồng Faraday”, ông đã phát hiện ra một vấn đề rằng thì là mà, với một lồng thép (kim loại nói chung), khi có sóng điện từ gây cảm ứng trên lòng thép một dòng điện, dòng điện này chỉ phân bố bên ngoài lồng. Và bên trong không có điện tích. Chính vì thế mà lồng kim loại có khả năng ngăn cản được các sóng điện từ. Điều này được áp dụng cho các dây tín hiệu, để chống nhiễu người ta bọc kim loại. Các thiết bị điện tử sợ nhiễu người ta làm một lồng kim loại bọc lại. Đặc biệt các thiết bị nhạy cảm, càng cần bọc kín. Tuy nhiên với trường hợp dùng antenna thu sóng trong nhà, do nhà là bê tông cốt thép, thép xây dựng trong trường hợp này đóng vai trò của một cái “lồng Faraday” có tác dụng ngăn không cho sóng điện từ đi vào trong nhà.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment