Wednesday, December 24, 2014

Ly cà phê sáng Giáng Sinh

Sáng nào cũng pha cà phê uống, không cứ gì Giáng Sinh. Sáng nay Giáng Sinh, vẫn pha cà phê uống. Mở bài xong.

Sáng Giáng Sinh chào nhau bằng tin thú vị: Bộ thương mại Hoa Kỳ thông báo chính thức tăng trưởng kinh tế nước này trong Quý 4 năm 2014 là 5%, Dow Jones đạt mức lịch sử 18.000. Mình phấn chấn không phải vì “phò Mỹ” như một số bạn vẫn hay gọi, mà thấy thú vị vì những dự đoán của bản thân từ cách đây 2, 3 tháng đã đúng. Giá dầu giảm, thì những nền kinh tế có sản xuất mạnh, cũng như tiêu thụ mạnh như Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng. Điều này có thể không đúng với những nền kinh tế “tới ngưỡng” như Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng với Hoa Kỳ thì khả năng đúng là cao, vì còn yếu tố đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu. Và dự đoán đã đúng.

Ở nhà có một cô chẳng bao giờ quan tâm đến kinh tế, thắc mắc ngay là tại sao giá dầu giảm, lại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Này nhé trên bàn có cái bánh nướng, hàm lượng tinh bột, đường, protein, chất béo… của nó theo tiêu chuẩn là không thay đổi. Nó được chở từ nhà máy đến nhà mình qua bao nhiêu khâu trung gian đó, xăng dầu hạ thì mỗi khâu trung gian chi phí giảm đi một chút, giá thành hạ, có thể giá bán cũng hạ và lợi nhuận của nhà sản xuất lại tăng lên. Đồng thời thay vì trước đây chỉ có 10 người mua được cái bánh đó, nay là 11 người, thêm một người có khả năng mua được nó vì giá của nó hạ đi một tí. Nhu cầu tăng làm cho nhà sản xuất phải tăng sản lượng, và tạo ra nhiều công ăn việc làm. Thêm người có việc làm, lại tăng số người có khả năng mua được cái bánh… cứ thế, cứ thế mà kinh tế tăng trưởng.

Do đó tại sao mà Hoa Kỳ dám chơi kiểu lấy chỗ dài bù chỗ ngắn, tiếp tục ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất dầu mỏ đá phiến trong nước, bù lỗ để duy trì giá dầu thấp. Đây mới là cú thắng lợi quyết định vào cuối năm của Obama.

Cô kia hỏi tiếp, vậy tại sao như nước mình giá cả thực phẩm lại không giảm? Là vì trước đây xăng dầu cao chỉ là cái cớ để tăng giá bù cho những khâu trung gian phi thị trường. Càng khó hiểu. Này nhé, như ở một tỉnh trong Đồng bằng Sông Cửu Long, có cái cầu đi vào tỉnh, nó được nâng cấp lâu rồi, nhưng cái biển hạn chế tải trọng ở đầu cầu vẫn là của cái cầu cũ cách đây 40 năm. Thế là cảnh sát giao thông ra phạt xe tải, đúng luật luôn – vì biển báo như vậy. Đến mức các doanh nghiệp trong tỉnh định giải thể vì làm ăn thua lỗ, (trong Nam tư duy thị trường tốt hơn miền Bắc, người ta tôn trọng giá bán đến người dùng hơn là áp đặt tư duy tăng chi phí thì tăng giá bán để giữ nguyên lợi nhuận). Chính quyền tỉnh đã phải yêu cầu Sở Giao thông thay cái biển mới và yêu cầu Sở công an chỉ thị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao thông thông thương vào tỉnh.

Đó là biện pháp phi thị trường. Từ trước đến nay các “biện pháp đen” (không chính thức, thậm chí phi pháp) ở ta là nhiều, người ta chẳng chia sẻ sổ chi phí của lái xe tải đường dài mãi trên internet rồi: “làm luật” (nộp tiền mãi lộ) trạm này bao nhiêu, trạm kia bao nhiêu…

Sang chuyện thế giới, việc chở quá tải cũng không riêng gì nước ta, nước ngoài đầy. Điển hình ở Trung Quốc, họ cho chở kinh dị luôn, tất nhiên cũng một phần do đường sá họ tốt hơn ta. Nhưng có những tư duy họ khác ta, ví dụ như việc “mua phí quá tải”; trạm cân đặt ngay ở cảng, ở đầu thành phố, đầu đường… chỗ nào cũng có. Xe chất hàng xong qua cân, quá bao nhiêu mua từng đó, tiền thu được là công khai cho vào quỹ sửa đường… Xe nào chở thường xuyên thì mua theo tháng, theo quý, theo năm… đại khái thế. Ở ta thì vướng tứ tung, ví dụ như lý luận là đường xấu, đèo dốc nhiều… cho chở quá tải không an toàn. Nhiều nước thì an toàn hay không kệ mày, tự chịu trách nhiệm, nếu cảm thấy không an toàn thì thôi, đừng chở nữa, chia ra mà chở nhiều chuyến… không có ai đi lo hộ cho thằng khác mãi được, nhất là Nhà nước, không có lo hộ dân chúng những chuyện kiểu như thế mà chỉ cần tăng cường hiệu lực quản lý là đủ.

Lại sang chuyện Chính phủ Nga ra lệnh cho các doanh nghiệp Nhà nước như Rosneft, Gazprom và cái doanh nghiệp gì kinh doanh kim cương… phải giảm dự trữ ngoại tệ, mỗi ngày phải bơm ra thị trường 1 tỷ đôla để bình ổn giá đôla so với rub. Đó là biện pháp phi thị trường.

Ly cà phê sáng ngày Giáng Sinh vẫn đắng như mọi khi, nhưng là ngọt ngào với sự thắng lợi của thế giới văn minh…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây    

No comments:

Post a Comment