Monday, December 8, 2014

Sự trả giá của nền kinh tế khai thác (phần 2)

Hình 6
Chúng ta vốn quen với những cách nói “nếu Nga cắt khí đốt, châu Âu sẽ chết rét”, “Nga dọa cắt khí đốt cung cấp cho châu Âu vào thời điểm mùa đông đang đến gần…” Điều đó thông thường là đúng: Châu Âu năm 2012 mua của Nga 24% tổng lượng khí đốt tiêu thụ (, xem hình 6, nguồn Eurogas) “Vũ khí dầu mỏ và khí đốt” như thế đã trở thành vũ khí đối ngoại quen thuộc thường được Nga sử dụng khi có những bất đồng với Châu Âu, nhất là trong một số sự kiện liên quan đến an ninh khu vực như cuộc xung đột Nga – Gruzia (2008), với tình hình chính trị và khả năng gia nhập EU và NATO của nước láng giềng Ukraine…

Năm 2014, tưởng chừng sau khi sáp nhập bán đảo Crimée, “vũ khí dầu mỏ và khí đốt” cũng sẽ được Nga vận dụng hữu hiệu, nhưng lần này không chỉ bất ngờ với Nga mà với toàn thế giới, chính vũ khí ấy lại quay lại chống lại nước Nga. Nước Nga vốn xây dựng ngân sách cho giai đoạn ba năm tiếp theo: 2015 – 2017 với cơ sở giá dầu 100 đôla Mỹ một thùng. Nhưng giá dầu liên tiếp giảm trong thời gian nửa cuối năm 2014, nhất là sau Hội nghị của Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cuối tháng 11/2014 thống nhất duy trì sản lượng và do đó, tiếp tục “ghìm” giá dầu, làm cho giá dầu thô đã giảm tới mức dưới 70 đôla Mỹ một thùng. Người ta tin rằng, chiến tranh đã thực sự nổ ra, một bên là Hoa Kỳ cùng Arab Saudi, và bên kia là Nga và Iran. Cuộc chiến tranh thực, chính là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, một “cuộc chiến ủy nhiệm” được Hoa Kỳ tiến hành chống Iran; còn cuộc chiến giá dầu, là chống cả hai. Lịch sử dường như đang lặp lại – cuối thập niên 1980 theo yêu cầu của tổng thống George W. Bush (Bush “cha”), Arab Saudi cũng cùng với Hoa Kỳ “ghim” giá dầu xuống mức thấp. Ngân sách Liên Xô thâm hụt, tổng thống (đầu tiên và cuối cùng) của Liên Xô Mikhail X. Gorbachev đang tiến hành hàng loạt các đàm phán quan trọng với phương Tây còn phải chấp nhận việc đi tìm các khoản vay và viện trợ, đưa tới sự suy yếu rõ rệt về vị thế chính trị trên trường quốc tế.

Tình hình sản xuất dầu ở Libi dần đi vào ổn định trở lại cũng góp phần làm giảm giá dầu thế giới. Nhưng người ta còn nói nhiều đến việc ngay trong năm 2014 này, Hoa Kỳ vươn lên trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vốn dĩ Hoa Kỳ đã là nước có trữ lượng dầu và khí tự nhiên thuộc loại “có máu mặt”, nhưng theo quan điểm phát triển không khai thác tài nguyên thiên nhiên, nên Hoa Kỳ tập trung vào nhập khẩu các nhiên liệu hóa thạch này. Nhưng năm nay cũng là năm người ta nói  nhiều đến việc Hoa Kỳ trong 5 năm vừa qua, âm thầm phát triển thành công công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến sét – vốn được coi là một hoạt động sản xuất không hiệu quả, giá thành cao, đòi hỏi công nghệ phức tạp và tốn kém về xử lý môi trường… Hoa Kỳ trong vòng sáu năm vừa qua, đã tăng sản lượng dầu mỏ của mình lên tới 70%. Về phía Arab Saudi, họ nhìn thấy ở một giá dầu thấp trong khoảng 70 – 80 đôla, là sự bất lợi lớn cho các kẻ thù của mình: Iran, Syria, Sudan.

Dân gian Việt Nam có câu “phi thương bất phú, phi công thì bất hoạt…” không đi buôn thì khó giàu, không có sản xuất thì khó mà linh hoạt. Chữ “công” ở đây giờ đây cần được hiểu là “công nghệ”. Hoa Kỳ do làm chủ được công nghệ sản xuất dầu từ đá phiến sét, đã tung ra một “vũ khí bí mật” hoàn toàn có khả năng đẩy hai nền kinh tế Nga và Iran tới bờ vực của sự sụp đổ. Các biên tập viên của tờ báo mạng Nga “Nezavisimaya Gazeta” ngày 16/10/2014 đã viết: “Sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên năng lượng, đặc biệt là dầu khí, như một con nghiện ma túy, và người ta gọi nó là “con nghiện dầu”.” [1] Tình hình khó khăn thực sự, nên dư luận Nga cũng rất thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật: “… đất nước của chúng ta rất dễ lại rơi vào kịch bản khủng hoảng 2008 – 2009 thậm chí còn tệ hơn. Chỉ hy vọng rằng các “ông vua dầu mỏ” tỉnh ra điều chỉnh sản lượng dầu và đưa giá lên khoảng 90 đôla một thùng. Và còn tốt hơn nữa nếu giá là 100 đôla…” (Nikolay Makeyev và Konstantin Smirnov viết trên tờ “Moskovskiy Komsomolets” – Những người thanh niên cộng sản Mátxcơva.) [2]

Cuộc “Chiến tranh lạnh mới” đang diễn ra và hoàn toàn không có biểu hiện gì của một cuộc chiến ngắn hạn, mà là một cuộc chiến dài hơi. Vào thời gian ngồi ở ghế tổng thống Liên bang Nga, D. Medvedev đã ban hành nhiều sắc lệnh, chính sách chống “đô la Mỹ hóa nền kinh tế Nga”, nhưng đến nay, đồng rub Nga vẫn là một đồng tiền yếu, cùng với việc cả Hoa Kỳ lẫn Châu Âu nắm trong tay hai tổ chức tài chính lớn, “hai tay nắm dạ dày của thế giới” là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF); cho thấy Nga cũng yếu thế nốt trên mặt trận tài chính.

Phục hồi và phát triển một nền công nghiệp, và cả phát triển công nghệ, không phải chuyện một sớm một chiều. Đồng thời rõ ràng thời gian giá dầu lên cao đem lại một ngân sách dồi dào cho nước Nga là quá ngắn, chưa đủ để tổng thống Putin và các cộng sự của ông làm nên những kỳ tích của nền kinh tế sản xuất Nga. Cuộc chiến giá dầu mới chỉ bắt đầu, và sẽ còn gây là nhiều ảnh hưởng tiêu cực với cả hai bên, Phương Tây và Nga, không ai có thể đoán định trước được điều gì, nhưng nhiều khả năng trong năm 2015 hai bên sẽ tìm được những biện pháp thích hợp để giảm đi căng thẳng của tình hình hiện nay.  
_________________ 
Chú thích
[1] Nguyên văn: Зависимость российской экономики от энергоресурсов, прежде всего нефти и газа, часто сравнивают с наркозависимостью, говорят, что она «на нефтяной игле». – “trên cái kim dầu”, cũng có thể dịch “trứng để đầu đẳng.”

[2] Nguyên văn: нашу страну ожидает повторение кризиса 2008–2009 годов, только в гораздо худших вариантах. Остается надеяться, что нефтяные шейхи одумаются, сократят свою добычу и стабилизируют цены хотя бы в пределах $90 за баррель. А лучше вернут до $100…


Đọc lại phần đầu tại đây

Bài trên Tuần Việt Nam (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 


No comments:

Post a Comment