Wednesday, January 7, 2015

Mệnh đề mở cho nghệ thuật chung sống - Phần 1

Bài viết tiêu đề gốc "Nhìn lại thế giới năm 2014" viết xong từ cuối tháng 11/2014 theo yêu cầu tiến độ và được Biên tập viên báo Nhân Dân đặt lại tên.

Năm 2014 chuẩn bị chia tay chúng ta với đầy ắp những sự kiện, có lẽ từ năm 2001 đến nay, năm của vụ khủng bố 11/9 đánh vào trong lòng nước Mỹ, năm nay là năm nhiều sự kiện quốc tế nhất. Chúng ta hãy điểm lại những sự kiện đó theo dòng thời gian, và chắc cũng sẽ không quên xét xem, những sự kiện đó ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến sự kiện Maidan ở Ukraine, mặc dù nó bắt đầu từ tháng 11/2013 (Kiev mới kỷ niệm một năm sự kiện này), nhưng hầu như tất cả những diễn biến chính của nó là nằm trong năm 2014 và kéo dài đến tận ngày hôm nay. Tổng thống Viktor Yanukovych rời bỏ đất nước khỏi cái ghế tổng thống, sang Nga và gần như ngay lập tức… biến mất trên trường quốc tế. Đơn giản, người ta không nói đến ông ta nữa, và dư luận quốc tế cũng rời mắt khỏi vị tổng thống này để tập trung vào một vị tổng thống khác, tổng thống Putin của nước Nga.

Sự kiện Maidan xứng đáng được tính vào năm nay, vì nó liên quan mật thiết và trực tiếp đến sự kiện Liên bang Nga sáp nhập bán đảo Krym, một sự kiện kéo theo nhiều ý kiến đa chiều nhất trong năm 2014. Dường như, tổng thống V. Putin của nước Nga đã chuẩn bị ứng phó với sự kiện này từ lâu nên nước Nga đã hành động rất chủ động và kịp thời. Về chiến lược, nếu nước Nga không hành động như vậy, tình hình Ukraine trở nên mất kiểm soát hơn nữa đến mức các lực lượng của NATO can thiệp vào, tình thế trên bàn cờ sẽ hoàn toàn trở nên không có lợi cho Nga. Người ta cho rằng lực lượng quân sự không rõ phù hiệu thuộc về quân đội nước nào trong những ngày này, là lực lượng đặc nhiệm Nga. Đây chính là điểm gây tranh cãi trong quan điểm quốc tế về tính hợp pháp trong những hành động của Nga ở Krym, mặc dù sau đó, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức một cách phù hợp với pháp luật quốc tế, nhất là về nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết. Bất chấp lý lẽ cho rằng “không có dân tộc Krym” nhưng nguyên tắc này có thể mở rộng ra áp dụng cho trường hợp “cộng đồng dân cư chiếm đa số trên vùng lãnh thổ”. Và cũng chính việc mở rộng nguyên tắc như thế này, kéo theo sự nghi kỵ của các nước Phương Tây về chính sách của Nga đối với các vùng ly khai khác ở miền đông Ukraine, liệu kịch bản có xảy ra tương tự ở Krym hay không.

Năm 2013 là năm của những cuộc bạo loạn liên tiếp liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Sau những hành động được nhìn nhận là rất quyết đoán của Nga ở Krym, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào hoạt động trái phép trong vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Với Trung Quốc, cộng đồng quốc tế vốn đã quen với việc đưa những vấn đề đối ngoại ra để giải quyết những vấn đề đối nội và ở Biển Đông, họ luôn luôn là người “tạo ra vấn đề” để rồi, “cùng nhau tháo gỡ.” Với những người dân Việt Nam chúng ta, đó thực sự là những ngày tháng nhiều cảm xúc. Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XIII diễn ra vào tháng 11 dịp cuối năm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu “Việt Nam chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, nhưng những gì Việt Nam đã làm trong năm 2014 từ những sự kiện kỷ niệm 35 năm xung đột biên giới Việt – Trung, sự kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981… Với truyền thống cư xử mềm dẻo từ thời Lý, Trần, Lê… vốn phải sống cạnh một nước láng giềng to lớn và quen hành xử như Thiên Triều, với Việt Nam thật là không dễ dàng. Tránh xung đột đến chừng nào còn có thể, nhưng nếu cần, chắc vẫn không thể không có một Hội nghị Diên Hồng.

Cũng chính thời gian này, lường trước những khó khăn sẽ đến, Nga ký với Trung Quốc một hợp đồng cung cấp khí đốt  được cho là trị giá 400 tỷ đôla trong vòng 30 năm (tháng 5/2014). Sang đến năm 2014 “bệnh tình Tân Cương” của Trung Quốc mới chỉ thuyên giảm, lại bùng trở lại vào thời gian hai tháng 9 và 10  (tin mới nhất là vụ tấn công khủng bố ngày 30 tháng 11 năm 2014 ở Tân Cương, 15 người chết, 14 người khác bị thương), rồi những sự kiện ở Hồng Kông, đều cho thấy, chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại. Và đúng vậy, họ vẫn đang tiếp tục xây dựng trái phép sân bay ở Trường Sa (đảo Gạc Ma, chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ 1988). Đồng thời, sau sự kiện tổ chức APEC, Trung Quốc hoàn toàn không giấu diếm tham vọng thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”, trở thành siêu cường của mình. Vậy nước Nga, Châu Âu và Hoa Kỳ thì sao?

Tình thế của nước Nga gắn bó với những diễn biến ở Đông Ukraine trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết, khi lực lượng li khai liên tiếp gây khó khăn cho quân đội Ukraine. Chiến sự không ngừng gia tăng, các điểm dân cư trở thành mục tiêu giành đi, giật lại của cả hai bên. Quan hệ giữa Nga và phương Tây thực sự xấu đi sau sự kiện chiếc máy bay hành khách biến vụ máy bay Malaysia MH17 được cho là bị bắn rơi ở Ukraine, giết chết 298 người. Các cáo buộc của Phương Tây nhắm vào lực lượng ly khai được Nga ủng hộ cung cấp vũ khí phòng không và cả hỗ trợ kỹ thuật tác xạ. Lệnh trừng phạt được đưa ra từ Phương Tây và Hoa Kỳ, và Nga cũng không ngần ngại áp dụng các biện pháp trả đũa, cả hai bên đều nhằm vào hàng hóa của nhau. Trên thực tế, đây chưa phải là đòn chủ yếu của Phương Tây nhằm vào nước Nga.

Không ai ngờ trong vài năm vừa qua, Hoa Kỳ đã “lặng lẽ” phát triển một công nghệ được nghiên cứu từ lâu: lấy dầu mỏ và khí đốt từ đá phiến sét. (Nga là nước đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu đá phiến, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về trữ lượng khí đốt đá phiến sét, nhưng cả hai nước này đều chưa có công nghệ khai thác). Tài chính nước Nga vốn vùng dậy mạnh mẽ trong thời gian các năm 2009 – 2010 với giá dầu thô lên tới xấp xỉ 100 đôla Mỹ một thùng, cũng không ai ngờ được có ngày chính vũ khí dầu mỏ của nước Nga, nay quay lại chống lại chính nước Nga. Nga và Mexico là hai nước không ở trong OPEC (Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ), nên Nga hoàn toàn bất lực trước quyết định (được cho rằng có Hoa Kỳ thúc đẩy) của OPEC không giảm sản lượng để tăng giá dầu (quyết định vừa đưa ra trong những ngày cuối tháng 11 này.) Chúng ta cũng quen với việc Nga thường xuyên “dọa” cắt khí đốt “làm cho Châu Âu chết rét trong mùa đông”, nhưng mặt trái của vấn đề, là đã có khí đốt thì phải bán, nếu không thì phải hóa lỏng nó hoặc các biện pháp tàng trữ khác và chi phí cho việc này là rất tốn kém, do đó nhiều lần chỉ thấy Nga dọa, mà chưa bao giờ cắt khí đốt cung cấp bán cho Châu Âu. Giá dầu mỏ giảm, đồng nghĩa với giá khí đốt giảm theo, Châu Âu và Hoa Kỳ là hai thị trường tiêu thụ lớn, chỉ có lợi. Để dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, Châu Âu vốn lâu nay không ủng hộ các dự án liên quan đến khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch – đã bật đèn xanh ủng hộ cho dự án đường ống dẫn khí từ Azerbaijan qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Hungary sang Châu Âu từ cuối năm 2011 (dự án đường ống Nabucco, sẽ đi vào vận hành chính thức năm 2017). Song song với nó là dự án đường ống dẫn khí của Nga qua Biển Đen cũng cung cấp vào Châu Âu qua ngả phía Nam trị giá 20 tỉ euro đi vào vận hành năm 2015 (đường ống “Dòng chảy phương Nam”.) Thế giới ngày càng phẳng hơn, và không ai có thể sống đơn độc thiếu người khác được.

Đọc tiếp phần 2 tại đây

Bài trên Nhân Dân cuối tuần số 1/2015 tại đây
_________________
Nguồn:
Russia Insider.com
imf.org

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment