Friday, March 13, 2015

“Chém gió” thành “bão”

Sáng nay xem “Cà phê sáng VTV3” thấy cô blogger nào đó trong lĩnh vực thời trang trở thành triệu phú (đô-la Mỹ) mới thấy từ cái việc viết blog với ý nghĩa là một cuốn nhật ký cá nhân online, nay blogger đã trở thành một nghề có thể kiếm được ra tiền. Và blogger không còn là một người “nhỏ bé, vô danh” nữa mà đã bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng mạng.

Một nhà báo kiêm blogger mà mình đã có dịp gặp một lần ở ngoài đời, khi chính những điều anh ấy viết lên mạng xã hội Facebook thì hàng nghìn cái “like,” hàng trăm người chia sẻ lại. Những điều anh ấy viết toàn những bức xúc của xã hội, rất ăn khách, và thường kèm theo cả hình ảnh cô người mẫu nội y trắng lóa lòa lòa có những phát ngôn cực ngộ nghĩnh.

Đó chính là “vòng ảnh hưởng” của cá nhân lên cộng đồng ở thời mạng xã hội lên ngôi. Một “ông anh” sau loạt bài kể về bạn anh ấy, “Tóc bạc ơi” đúng đợt anh này vướng vòng lao lý, cái sự nổi tiếng của ông này làm ông anh kia được thơm lây, ăn theo và ngay trong một thời gian ngắn, số lượng “bạn Phây” tăng vọt, từ đó trở đi mỗi lần viết một bài là một lần được tung hô, được “like,” được “share” túi bụi. Thậm chí có những bài hoàn toàn lẫn cẫn về phương pháp tư duy và cả về lý luận lẫn thực tiễn đều không ổn, nhưng cái thằng “cộng đồng mạng” là fan hâm mộ của ông anh ấy, vẫn cứ nhắm mắt khen ngợi. Đó là giai đoạn người ta đọc theo “thương hiệu cá nhân” bất chấp có những bài viết thăng trầm lên xuống về chất lượng của người viết.

Bất cứ ai trở thành “người của công chúng” đều đã có “thương hiệu cá nhân.” Càng nổi tiếng, càng có nhiều danh vọng, thì “thương hiệu” càng mạnh, đồng thời “vòng ảnh hưởng” càng sâu rộng. “Ảnh hưởng” ở đây là cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực, chứ không chỉ một chiều. Anh đạo diễn chua ngoa đanh đá nào đó cãi cọ với chị nhà văn, không phải gây sóng gió mà gây bão trên truyền thông. Chắc chắn với những người trưởng thành lại có danh vọng như thế, làm việc gì, nói cái gì… biết việc ấy cái ấy; làm gì có chuyện người ta phát ngôn hú họa rồi xin lỗi, đổ cho “cậu đánh máy” được.

Tùy thuộc vào mỗi đối tượng thích ăn cái gì thì người ta sẽ dọn cho ăn món đó. Dù là đạo diễn hay nhà văn, nhà thơ… đều có những đối tượng khách hàng (người xem hay độc giả) của riêng mình, người thì làm phim kinh dị hay bạo lực, người thì viết du dương những ngôn tình, thậm chí “dâm thư.” Từ khía cạnh của Đạo Phật, cứ dẫn dụ “khách hàng” theo những hướng tà ma quỷ quái, mê đắm sắc dục… thì cái nghiệp ác tạo ra, không nhỏ.

Công đức tạo ra mỗi ngày nhỏ tí teo so với công đức bị đốt cháy chỉ bằng một hành động tạo nghiệp dữ. Đấy, chỉ một câu “Đàn ông về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ khác gì con lợn” cứ cho là có ý tốt muốn người đàn ông tốt hơn, biết chia sẻ việc nhà với vợ đi chăng nữa, nhưng đã gây “bão” (biết bao nhiêu người nổi sân hận) trong cộng đồng như vậy, cũng là gây hại không nhỏ. Cây càng cao thì gió càng lớn, người càng có ảnh hưởng mạnh thì càng dễ tạo phúc lại càng dễ gây hại nhiều. Biết sử dụng “vòng ảnh hưởng” của mình để tạo nên những điều tốt đẹp trong tâm của người khác, là tốt. Ngược lại chỉ vì những cái danh vọng ảo, những thương hiệu hão huyền… mà gây sân hận trong tâm người khác, tai hại không biết bao nhiêu mà kể. Khi gây “bão dư luận” họ có nhớ, rằng ngoài Gạc Ma người Trung Quốc đang xây thành cái đảo to, và dần dần họ sẽ chiếm cả vùng thềm lục địa của chúng ta hay không?

Ngay trên mạng xã hội cũng không biết bao nhiêu việc làm có ích cho cộng đồng, như chia sẻ những điều hay điều tốt, cùng nhau làm từ thiện giúp người… Biết dùng thì nó có ích, không biết dùng nó gây phiền não. Do mình cả.


Xã hội thì nhiễu nhương, nên những bức xúc của mỗi người trong cuộc sống không chỉ nhiều, mà là rất nhiều. Ngay lúc nãy khi cùng bình luận trong một status mình có nói với một bác rất có tâm và cũng hay bức xúc với những tiêu cực của xã hội như thế này: “Con đường thoát khổ của Phật tử là từ trong TÂM mình, còn Pháp của Phật không tách rời Pháp thế gian, việc thế gian người Phật tử phải BIẾT, thứ nhất để tránh chính mình không phạm phải, thứ hai là giúp người khác không phạm phải. Do đó cùng một vấn đề tiêu cực trong xã hội, sẽ có những cách tiếp cận khác nhau với mục đích khác nhau.”

Mình cũng vậy, viết blog chia sẻ những suy nghĩ cá nhân, cũng có những độc giả không quen biết, chỉ thầm lặng đọc mà còn không có ý định kết bạn trên mạng xã hội để giao tiếp. Theo dõi trong trang quản trị, mỗi ngày chỉ khoảng 100 lượt truy cập, một con số cực kỳ nhỏ bé, nhưng mình tin là với cái sự thành tâm của bản thân là chia sẻ những điều tốt đẹp, những suy nghĩ mà bản thân đang cố gắng theo con đường Trung Đạo… Mình thực sự cảm kích với con số 100 người thầm lặng theo dõi những gì mình chia sẻ, hơn vạn lần những điều “ăn khách” được hàng nghìn “like tung hô” trên mạng xã hội kia.

Nghĩ, nói, viết, làm… gì cũng được, có “lợi lạc” cho mình, cho người thì hẵng làm, còn vô bổ đến gây hại, thì nên tránh. Càng nổi tiếng, càng nên tránh.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment: