Tuesday, March 17, 2015

Một năm nhìn lại: Putin mất gì khi sáp nhập Crimea?


Tất nhiên, không có thắng lợi nào là không phải trả giá, hay cái “mất” của nước Nga, tức cái giá phải trả là gì?

Theo chuyên gia trong phỏng vấn của Đài truyền hình kỹ thuật số đề cập trên đây (phần 1 bài này), nước Nga cũng sẽ phải trả một số cái giá nhất định, ví dụ như những tranh cãi về pháp lý xung quanh sự kiện này sẽ dẫn đến khả năng Phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt đối với nước này, hoặc bản thân bán đảo Crimea khi sáp nhập vào Nga cũng cần một khoản ngân sách nhất định từ 3 đến 5 tỷ USD một năm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó nước Nga vẫn còn một dự trữ ngoại tệ khoảng 600 tỷ USD nên khoản chi phí cho ngân sách vùng Crimea không quá lớn…[1]

Trong khuôn khổ một bài trả lời phỏng vấn trên báo hình, không thể nói kỹ lưỡng, cũng như dẫn nguồn thông tin được, và đó sẽ là nhiệm vụ của tôi lúc này. Bán đảo Crimea khi còn là phần lãnh thổ của Ukraine, vốn đóng góp cho đất nước bằng tiền thuế, ít hơn nhiều so với những cung cấp mà đất nước phải ngày ngày “bơm” cho nó. Bán đảo này vốn được nối với đất liền bằng một dải đất hẹp, phụ thuộc vào đất liền tới 85% về điện năng, 90% về nước uống và tỷ lệ phụ thuộc về lương thực, thực phẩm cũng rất lớn.

Ngay sau khi sáp nhập, Bộ trưởng tài chính Nga đã phát biểu về kế hoạch ngân sách Liên bang chi cho Crimea là 243 tỷ rub (6,82 tỷ USD, vào thời điểm 35,6375 rub đổi 1 USD) ngay trong năm 2014. Khi lượng hóa cái “mất” của nước Nga khi sáp nhập Crimea, chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức “URALSIB Capital LLC” [2] ông Alexei Devaytov, từ góc độ một nhà kinh tế khá thận trọng khi đưa ra nhận định: “Chi phí phải trả trực tiếp là tương đối nhỏ đối với nước Nga, vì Crimea không phải là một vùng đất lớn. Là một nhà kinh tế, tôi lo lắng nhiều về khả năng này từ góc độ các luồng vốn với chính sách tiền tệ thắt chặt và sự suy yếu đồng rub. Các chi phí chỉ có thể chiếm tổng số từ 1,5 phần trăm đến 2 phần trăm GDP của Nga.” Đó là vào thời điểm tháng 3/2014, khi mà giá dầu mỏ thế giới vẫn còn ở mức trên 100 USD một thùng.

Gần như ngay lập tức, nước Nga đã công bố kế hoạch xây cầu nối đất liền với bán đảo qua eo biển Kerch với giá trị ước tính tối thiểu khoảng 3 tỷ USD. Như chúng ta đã biết, mọi cung cấp cho bán đảo là từ đất liền Ukraine, còn khi vùng lãnh thổ này thuộc về Nga, thì nó bị tách rời, ngay cả giao thông không thôi với “đất mẹ” cũng phải bằng hoặc đường biển, hoặc đường hàng không. Đến nay dự án này vẫn nằm nguyên trên giấy, bởi vì chúng ta chỉ bằng tư duy thông thường không thôi, cũng sẽ hiểu rằng nếu xây một cây cầu như vậy mà dễ dàng, thì người ta đã làm từ thời Liên Xô rồi. Nước Nga của V.Putin sẽ không chọn phương án này, hoặc có cũng không phải bây giờ. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng phương án ủng hộ xu hướng ly khai ở hai tỉnh đông Ukraine là Donesk và Luhansk để có đường bộ đến bán đảo Crimea, là hợp lý – “Một mũi tên nhằm hai đích.” Đích thứ nhất, là đường bộ đến Crimea. Đích thứ hai, là một Ukraine bất ổn nếu cứ tiếp tục muốn gia nhập NATO, một biện pháp hữu hiệu của nước Nga để ngăn chặn kế hoạch này. Và rõ ràng với tình hình ngân sách Nga thâm hụt nghiêm trọng vì giá dầu mỏ xuống ghê gớm trong suốt thời gian từ đó đến nay, thì dự án này còn “đứng đường” lâu.

Từ góc độ pháp lý, đáng chú ý là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao trả lời BBC Luân Đôn. Vì là chuyên gia về pháp luật quốc tế, ông cho rằng hành động của Nga khi ủng hộ quá trình ly khai và sau đó sáp nhập Crimea là trái với nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Nếu viện dẫn cái gọi là “quyền dân tộc tự quyết” thì dân tộc gốc của cư dân Crimea không phải là người Nga mà là người Tatar Crimea…

Thật vậy, ngay từ khi V.Putin đưa ra lý lẽ “bảo vệ người nói tiếng Nga ở Crimea” rồi sau đó đến việc sáp nhập bán đảo vào Nga, những hành động này đã vấp phải nhiều sự phản đối, nhất là những tranh cãi chắc chắn sẽ có về pháp lý. Lý lẽ cũng như hành động, sẽ đặt Putin nói riêng và nước Nga nói chung, vào tình thế bị e ngại trên trường quốc tế. Và cái gì đến cũng phải đến: ngày càng nhiều lệnh trừng phạt được áp đặt lên nước Nga và cả vùng lãnh thổ mới trở về Nga, Crimea.

Đánh giá về lực lượng Hải quân Ukraine rơi vào tay Nga, ông Alexander Khramchikhin phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự [3] cho rằng đây là một “hạm đội nhỏ xíu, chỉ toàn là những thiết bị bằng kim loại nổi được chứ chẳng có giá trị gì.” Ông nói thêm: “Nếu một quốc gia có bờ biển, nó cần một hạm đội. Nhưng những gì Ukraine đã làm cho lực lượng quân sự của mình là chưa từng có. Quân đội đã hoàn toàn bị phá hủy bởi các lãnh đạo của đất nước này.” Tôi đồng ý với đánh giá này, Hạm đội của Ukraine có thể được định giá 80 tỷ USD vào thời điểm 1992, nhưng từ đó đến nay đã là 23 năm mà đất nước này hoàn toàn không có một bước tiến nào trong việc hiện đại hóa lực lượng Hải quân và cả quân đội của mình (vài năm gần đây, Ukraine chỉ chi cho quân đội dưới 1% GDP). Vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea, Ukraine có 11 tàu chiến, một tàu ngầm và khoảng vài chục tàu hỗ trợ với tình trạng khá tồi tệ.

Về địa chiến lược, thì các chuyên gia cũng không đánh giá cao vai trò của Crimea nói riêng, Biển Đen nói chung, xuất phát từ đặc điểm của nó là một biển gần kín, thông ra đại dương thế giới qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles, hoàn toàn bị khống chế bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Jonathan Eyal, Giám đốc Quốc tế của Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh [4] ở Luân Đôn thì “một cách thuần túy về mặt quân sự, Nga không được gì cả.” (Trong việc sáp nhập Crimea.)

Chuỗi sự kiện liên quan không thể không nhắc đến vụ máy bay hành khách của Hàng không Malaysia MH17 bị bắn rơi ở vùng li khai Đông Ukraine. Sự kiện này cùng những lời cáo buộc của Phương Tây rằng “Nga đứng sau lực lượng li khai miền Đông Ukraine” đã khiến ngày càng xuất hiện nhiều thêm các lệnh trừng phạt mới dành cho nước Nga. Suốt cả một năm trời báo chí thế giới tốn nhiều giấy mực cho những câu chuyện như “dầu mỏ đá phiến Hoa Kỳ,” “Hoa Kỳ bắt tay với Saudi Arabia ghìm giá dầu ở mức thấp…” như là những mảnh ghép tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về một kế hoạch chống nước Nga từ phía Hoa Kỳ. Chúng ta không thể khẳng định điều gì cả, chỉ có thể nói rằng với V.Putin “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Tất cả những yếu tố đó, cùng với một mùa đông ấm áp, một nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, một EU và Nhật Bản đang dư lượng dầu và khí hóa lỏng dự trữ… đồng loạt làm khó nước Nga về kinh tế. Nếu như V.Putin cùng nước Nga vượt qua được những khó khăn này, thì nói ông là thiên tài cũng không sai.

Nếu gọi việc nước Nga sáp nhập Crimea là “chiến thắng” thì nó rất có ý nghĩa với Chủ nghĩa Đại Nga. Tuy nhiên, mặt trái của Chủ nghĩa Đại Nga là Chủ nghĩa cực đoan, nó thể hiện ra qua vụ ám sát chính trị gia đối lập, cựu thủ tướng Nga Boris Nemtsov mới đây. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho V.Putin và bộ máy của ông, nhưng tôi không cho rằng Putin cần cái chết của Nemtsov. Nemtsov có thể là đối thủ chính trị chính, đối lập của Putin; nhưng đến lần tranh cử nhiệm kỳ sau chắc chắn cũng không thể chiến thắng được Putin để trở thành tổng thống. Nếu được đưa ra một giả thuyết, thì ngay khi xảy ra vụ hạ sát này, tôi nghiêng về hướng thủ phạm là Chủ nghĩa cực đoan nhiều hơn.  

Nhưng xin đừng quên cũng suốt cả một năm trời qua, chiến sự vẫn diễn ra ở Đông Ukraine làm hàng nghìn người chết, hàng vạn người mất nhà cửa phải rời nơi mình sinh sống. Hai lần đàm phán cùng ở Minsk vào tháng 9/2014 và tháng 2 năm nay, đều chứng minh nguyện vọng chấm dứt giao tranh quân sự của tất cả mọi người, không chỉ riêng ai.


Trong những ngày này, Hoa Kỳ chuyển một loạt thiết bị quân sự trong đó có xe tăng đến các nước Cộng hòa vùng Baltic của Liên Xô cũ nay đã là thành viên của NATO, đồng thời tổ chức quân sự này cũng đang tập trận với Bulgaria ở Biển Đen. Việc ủng hộ một Ukraine gia nhập NATO còn rất xa vời, còn xa hơn việc Chính phủ nước này cần thay đổi thể chế, nhất là giảm được nạn tham nhũng để gia nhập EU, do đó một nước Ukraine có hiện diện của quân đội NATO, chắc chắn chưa thể xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên chúng ta đang thấy thế gọng kìm từ phía bắc và phía nam hướng sang phía đông, vào nước Nga vẫn tiếp tục được hình thành.

Nếu cho rằng nước Nga không kịp sáp nhập Crimea thì phương Tây sẽ “nhảy” vào, đây là một ý kiến khá mơ hồ - vì thực tiễn không đơn giản như thế, nhất là Nga vẫn còn hợp đồng thuê quân cảng với Ukraine đến tận năm 2042. Tuy nhiên những diễn biến của sự kiện Maidan cũng quá nhanh và khá bất ngờ, buộc Nga bị đặt vào tình thế phải hành động – “để lâu đêm dài lắm mộng” không ai dám chắc chắn điều gì về tương lai.

Thực ra với hợp đồng thuê quân cảng kia, lại với quan hệ đặc thù Nga – Ukraine thì Nga muốn kéo dài hợp đồng đó bao lâu cũng được, do đó về chiến lược quân sự, thì việc Nga “thu hồi” Crimea đâu có nhiều ý nghĩa. Nếu chỉ đơn thuần từ khía cạnh hải quân và vũ khí thông thường, việc sáp nhập có ý nghĩa về chính trị đối nội nhiều hơn đối với Putin và có thể nói đây chủ yếu là một “chiến thắng mang tính biểu tượng” nhiều hơn là những lợi ích trên thực tế; nhưng nếu Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở bán đảo này, điều đó sẽ mang lại những mối lo thực sự về an ninh trong khu vực.    
____________
[1] Chương trình “Góc nhìn thế giới” của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC1, ngày 22/3/2014 do Biên tập viên Mạnh Trường dẫn chương trình.

[2] “URALSIB Capital LLC” chuyên cung cấp các dịch vụ bao gồm nghiên cứu, tư vấn đầu tư tư nhân, môi giới thị trường vốn, và kinh doanh trên internet giữa các cá nhân, tổ chức Nga với khách hàng nước ngoài, có trụ sở tại Mátxcơva.


[4] Royal United Services Institute 

Đọc lại phần 1 tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment