Monday, April 13, 2015

Hy sinh

Con trai hôm nay học Tiếng Việt có từ “Hy sinh.” “Hy sinh” là gì hả ba? “Hy sinh là cho đi điều mình quý, thậm chí quý giá nhất, để đổi lấy một điều có ích khác con ạ.” “Thế ví dụ như thế nào hả ba?” Ông này ghê đây – bình thường thì ba ông ấy giải thích luôn bằng ví dụ, kể các câu chuyện, nay biết thế, đòi ngay ví dụ.

“Có những hy sinh và cái lợi cùng là của một người, như hy sinh cái nhỏ để được cái lớn hơn. Hy sinh thường được coi là cao cả, được mọi người ca ngợi khi cái điều cho đi là của mình, và lợi ích mang lại cho người khác. Để ba kể cho con nghe một câu chuyện nhé…” “Vâng ạ…”

Có một người bạn ba không quen… sao lại không quen hả ba? Vì chú ấy chỉ bằng tuổi và học bằng năm, cùng quận và khác trường. Ngày đi xem điểm thi tốt nghiệp lớp Tám, chú ấy đến trường và được biết được những 36 điểm trên 40, rất cao. Trường chú ấy là trường Tây Sơn trên phố Trần Nhân Tông, rất gần hồ Thiền Quang. Xem điểm xong đi ra hồ chơi, thấy hai em bé đùa rồi ngã xuống hồ, chú ấy nhảy xuống cứu, nhưng do kỹ thuật bơi chưa tốt, chú ấy bị hai em ôm chặt, và chết đuối cả ba người… Sao ba biết chuyện hả ba? Ba đọc trên báo Thiếu niên Tiền phong con ạ. Ảnh chú ấy đẹp trai lắm…

Con trai lặng người đi. Một câu chuyện như thế, ai có chút lương tâm cũng đều xúc động, chẳng riêng gì ai cả. Cậu nghĩ một lúc rồi hỏi: “Chú ấy biết bơi không ba?” “Chắc là có con ạ, nhưng không tốt lắm, và càng không có kỹ năng cứu người, nên mới thế. Ba sẽ dạy cho con kỹ năng cứu người đuối nước nữa, để gặp những trường hợp như vậy con có thể xử lý được mà không nguy hiểm tính mạng.” “Thế như vậy có phải hy sinh không ba?” “Hy sinh quá đi chứ con. Mặc dù lúc nhảy xuông chắc chú ấy chẳng nghĩ là sẽ chết, nhưng vì hai em kia chắc chắn sẽ chết đuối nếu không có ai cứu, nên chú ấy nhảy xuống cứu. Thân người là quý giá nhất, mà dám hy sinh thân mình đi để cứu người khác, đó là hành động cao cả.”

Có một câu chuyện nữa ba đọc từ hồi còn bé trên báo, một chú vận động viên bơi lội người Phần Lan, có lần gặp chiếc xe bus chở học sinh rơi xuống sông, chú ấy nhảy xuống cứu được mấy chục em bé trước khi có người khác đến hỗ trợ. Đó là vì chú ấy có kỹ năng bơi tốt, là vận động viên cơ mà. Nhưng nếu chú ấy lẩn tránh không cứu người, thì không chỉ người khác sẽ trách móc chú ấy, mà chính chú ấy sau này sẽ rất ân hận rằng đã có cơ hội mà không làm việc cứu người. Không bao giờ nên băn khoăn trước việc cứu giúp người khác khi mình có điều kiện con ạ. Chúng ta học tập, chơi thể thao… để cho những lúc như vậy.

“Thế cứ hy sinh thân mình và chết như thế là cao cả hả ba?” “Ấy, không phải cái chết là cao cả đâu con, làm mà không chết mới là giỏi, còn chết thì là rủi ro thôi, ai cũng có thể gặp cái chết mà. Không nhất quyết cứ phải khăng khăng chết mới là cao cả. Quyết định làm một việc giúp người khác đã là dũng cảm lắm rồi, chứ không phải là phải chết mới là dũng cảm. Thậm chí có những cái chết còn bị chê trách ghê gớm…” “Là sao hả ba?”

Lại một người bạn khác của ba… năm 17 tuổi, lớp 12, chú ấy tự kết thúc cuộc sống bằng cách buộc dây lên quạt trần và cho đầu vào, thắt cổ chết. Có thể có nhiều lý do, cả gia đình bố mẹ chú ấy, cả ở trường và cả ngoài đường xung quanh nữa… nhưng không có điều gì có thể biện minh cho hành động ấy được. Vừa năm ngoái, có một chị con chú bạn của ba, chỉ vì mẹ mắng, ra ngoài ban-công và nhảy xuống từ tầng hai mấy của nhà chúng cư…

“Có chết không ba?” “Thế con nghĩ sao? Lại chẳng chết ngay khi chạm đất ấy chứ…” Đến đây mẹ cũng tham gia: “Thường thì ngay lúc chị ấy bước chân ra khỏi lan can và rơi xuống, đã thấy hối hận rồi, nhưng lúc đó đã quá muộn.” Cô em gái thì lanh chanh: “Ngã chết sợ nhỉ ba nhỉ…” mắt “xanh lè” vì sợ hãi.

Con thử tưởng tượng xem, lúc bế con đi cấp cứu, tưởng như đã mất con đến nơi, ai cũng có thể bị cái chết cướp đi được, nhất là các em bé càng dễ chết vì bệnh tật. Ba mẹ mất con, đau khổ nhường nào, lúc đó thì giá nào cũng có thể trả, điều khó khăn gì cũng có thể làm để khỏi mất con. Lúc con đã qua cơn nguy kịch, mẹ nằm với con trong giường bệnh viện, ba ngồi ngoài hành lang và khóc, vì sung sướng do con không còn nguy hiểm nữa. Nhà ai cũng có những lúc như vậy, đều vất vả vì các con, ấy thế mà nuôi con lớn đến như thế, lại tự giết mình đi như vậy, có phải là tội lỗi lớn không… với cha mẹ, đó cũng là hành động vô ơn đấy con ạ…

………..

Trong cuộc sống, một ngày nếu có người gặp nạn mà xin cứu giúp, hầu như ai trong số chúng ta, đều có đôi chút đắn đo, mình cũng thế, không tránh khỏi cái đắn đo đó. Sự e ngại đó có sẵn trong mỗi chúng ta, nhất là việc càng khó khăn, thì càng đắn đo nhiều hơn. Dễ mà chạy vào cái nhà đang cháy hay nhảy xuống nước mà cứu người được đâu. Thấy nhà đang cháy, không ai khiến chúng ta chạy vào cả, vì chúng ta không có kỹ năng xử lý trong đám cháy, chạy vào lại phải tốn vài người cứu chúng ta ra – đó cũng là bình thường. Do đó ranh giới giữa làm hay không làm, mong manh lắm, và chỉ một đắn đo thôi, thì cơ hội cứu người đã qua và nếu tai nạn đến, có khi ánh mắt của người cầu khẩn, sẽ ám ảnh chúng ta hết cả cuộc đời.

Để làm được, trước hết phải có kỹ năng, không ai đòi hỏi người không biết bơi nhảy xuống nước để cứu người cả. Và để khỏi đắn đo, thì phải tập cho quen với suy nghĩ và hành động, giúp người vô điều kiện. Đã làm được là làm.

Đọc đến đây sẽ có người nói, như ở xã hội ta hiện nay nhiều nguy cơ, cứu người bị tai nạn giao thông thì có khi bị đổ lỗi cho là gây tai nạn… Nhưng đó là lỗi của xã hội đã bị mất đi nhiều giá trị cao đẹp. Nghĩa vụ của một người muốn sống làm người tử tế, là phải ra tay, không đắn đo suy nghĩ gì hết. Giúp người mà còn sợ tai vạ, thì sao gọi là tử tế được nữa. Lại càng không thể là người dũng cảm.

Mình vẫn sẽ dạy con trở thành người tử tế và dũng cảm.

P.S. Bài viết đã mấy tuần, nhưng cứ muốn nghĩ thêm cho thấu đáo, chưa chia sẻ được cho bà con “cư dân mạng.” Hôm kia đọc “Đèn cù” của Trần Đĩnh, tập 2 ở trang 487 có đoạn viết về nhà văn Nguyễn Khải.

“Tôi nguôi lòng hơn khi thấy nhiều “tép chanh” cháu Huỳnh[1] lưu lại: chiếc quần bộ đội bố thải và chiếc thắt lưng cũng bộ đội của Trung Quốc mà mẹ Bắc nằm như thiếp lịm đi ôm chặt vào lòng, cái đầu thắt lưng chổng lên nâu bóng như một cán lưỡi lê đâm vào người mẹ, chiếc quần đứa con cởi ra để ở trên bờ đê rồi thôi, không còn mặc lại nữa thì mẹ không buông… Bài văn cháu ốm không làm được nhờ bố giúp bị cô giáo phê “Lần này em viết ẩu…” Và tín hiệu cháu vẫn nhoi nhói gửi về ở lòng đỏ quả trứng luộc trên bát cơm cúng trên bàn thờ… Dưới bức ảnh thờ to bằng ngón tay cái. “Cháu không có ảnh chân dung, tôi phải nhờ phóng to riêng mặt cháu ở bức ảnh chụp chung với lớp”. Rồi tờ giấy bố bắt viết trước tai nạn một tuần: “Con từ nay không bơi sông nữa, Con từ nay không bơi sông nữa…” Đưa tôi xem bản cam kết của con, Khải nói: Nhưng tôi biết nó sẽ chết… Vì người ta đều dạy nó như thế mà…

Tôi hiểu ý Khải. Người ta chỉ cốt dạy con cái chúng ta hy sinh. Còn người ta bất cần kỹ thuật cứu mạng. Miễn sao mày nêu tấm gương hy sinh anh dũng. Lũ lượt nhảy cẫng lên mà “hy sinh!” Tao cần món đó…”

[1] Con cả nhà văn Nguyễn Khải, đang là học sinh, đi bơi sông cứu bạn mà chết đuối.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment