Wednesday, April 22, 2015

Thư gửi Mẹ

Lang thang trên mạng thấy bức thư một người đàn ông cùng tuổi gửi cho người Mẹ bị chia lìa. Được đưa khỏi đất nước trong những ngày bom đạn cách đây 40 năm, suốt 40 năm người bạn ấy không được sống với Mẹ của mình, nhưng vẫn khắc khoải nghĩ về việc ở đâu đó, mình có một người Mẹ.

Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng Tư, dân tộc lại giằng xé giữa một bên cứ ca ngợi ngày đất nước rợp một màu cờ đỏ còn bên kia, là những vết thương rỉ máu vẫn chưa lành. Vừa lúc nãy tham gia một topic trên Facebook nói về “nghiệp của dân tộc.” Có những dân tộc “nghiệp” rất nặng như dân Do Thái bao đời bị săn đuổi, tàn sát; dân tộc Đức có ngày bị một người Áo dẫn dắt theo chủ nghĩa phát-xít; dân tộc Nga hết thảm họa Stalin đến họa phát-xít… người Trung Quốc ngàn đời bị chính những vị hoàng đế của họ tàn sát và người Nhật Bản là dân tộc duy nhất trên thế giới đến thời điểm này biết đến thảm họa hạt nhân[1]…

… và nghĩ đến cái “nghiệp” của người Việt – 20 năm huynh đệ tương tàn, máu chảy thành sông, thây chất thành núi đâu có khác gì những dân tộc khác trên đây đâu. Tuần trước đọc “Đèn ông sư” thấy số phận người vợ của tác giả, một người con gái của dân tộc Hoa sao mà đau đớn…

Bỗng thấy cái gọi là dân tộc, hóa ra nó dẫn con người đến cái bi thương nhiều hơn. Khi cái oai hùng của dân tộc qua đi, nỗi đau còn lại, mấy chục năm vẫn chưa mờ.

Có những thử nghiệm làm mờ đi cái tính dân tộc, như ước mơ xây dựng một thế giới đại đồng, “giải phóng loài người” nhưng quá đau thương.

Có thử nghiệm khác của đất nước hơn 200 năm “Hợp chúng quốc” cố gắng xây dựng thế giới tự do với mãnh lực phồn vinh vật chất.

Mỗi năm cứ đến Vu Lan lại thấy trên internet người ta chia sẻ bài thơ “Viết cho ai vẫn còn Mẹ” nên chắc chẳng cần thiết viết về điều đó nữa. Người không còn Mẹ như mình hay hy vọng còn tìm thấy Mẹ như anh bạn ở Hoa Kỳ, đều cũng sẽ hướng về phía trước. Không có gì là vĩnh cửu, kể cả đau thương và chia cắt, sung sướng cũng như đau khổ đều cùng sẽ có ngày kết thúc.

Đọc bức thư của người Bạn không quen, thấy mắt cay cay – dù thế nào thì con vẫn là con, vẫn đau đáu rằng mình có một người Mẹ. Mong người bạn không quen sẽ một ngày tìm thấy Mẹ của mình, còn nếu không thì trên cái dải đất hình chữ S đau thương này, có biết bao người Mẹ để báo đáp.

Viết cho những người con và những người Mẹ đã đi qua chiến tranh.

P.S. Người đàn ông viết thư gửi Mẹ là anh Nguyễn Trọng Dũng, được đưa ra khỏi Việt Nam theo chương trình “Baby lift” năm 1975, nay sống ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ. Sau đây là bức thư cảm động anh viết cho Mẹ.

“Mẹ ơi! (Cho phép con được gọi "mẹ" nhé),

Chúng ta lạc nhau đã lâu, có lẽ mẹ đã quên con trai của mẹ. Con hi vọng mẹ sẽ đọc được lá thư này khi mẹ vẫn còn minh mẫn và khoẻ mạnh. Mẹ đã đặt tên con là Nguyễn Trọng Dũng, nhưng ngày nay, hầu hết mọi người gọi con là Dave hay David.

Đã từ lâu rồi từ khi mẹ con mình gặp nhau lần cuối và có nhiều sự kiện xảy ra với con kể từ lần đó. Lúc đó con chỉ là một đứa trẻ, có thể chỉ là đứa bé chập chững. Bây giờ con đã trưởng thành và đang viết thư cho mẹ. Con xin lỗi vì không viết cho mẹ sớm hơn, nhưng khi chúng ta nói về gốc gác của con thì muộn còn hơn không.

Con viết thư này để mong mẹ có thể biết nhiều hơn về con trong trường hợp mẹ đọc thư này trước khi con thực sự tìm thấy mẹ vào một ngày nào đó.

Vào khoảng tháng 4/1975 tại Sài Gòn, những người tốt bụng tại Holt Adoption agency - nơi con đang ở lúc đó - đã quyết định đưa con ra khỏi đất nước trong một sự kiện được gọi là "Chiến dịch không vận trẻ em". Con là một trong 2.200 đứa trẻ may mắn được đưa ra khỏi Việt Nam vào đầu tháng 4/1975. Và khi con nói "may mắn", con chắc chắn đó là may mắn. Chuyến bay đầu tiên của chiến dịch này, máy bay quân sự Galaxy C-5, mang theo 314 người, gồm trẻ mồ côi và những cô chú tình nguyện viên, đã gặp tai nạn. 138 người đã mất đi, và mỗi ngày con đã cảm ơn rằng mình đã không ở trên chuyến bay đó.

Con cũng may mắn vì cuối cùng con đã có một gia đình riêng yêu thương tại Mỹ, Boston, Massachusetts. Nếu mẹ không biết nơi này, hy vọng khi chúng ta gặp nhau, con có thể được đưa mẹ đi thăm thành phố xinh đẹp này.

Lớn lên trong một thị trấn nơi mà con trông khác những người trong gia đình thật không dễ dàng gì. Con thường nhận lấy những cái nhìn tọc mạch khôi hài của mọi người khi con gọi ba mẹ (nuôi) của con là “Mẹ” hay “Ba”. Mọi người nhìn con. Rồi nhìn ba mẹ nuôi của con. Rồi họ nhìn ngược lại con. Đó chỉ là một chút khó xử thôi mẹ ạ. Phải luôn nhớ trong một thời gian từ "Việt Nam" đã được gắn liền với cuộc chiến tranh không được mọi người ủng hộ. Trong phần lớn thời niên thiếu của mình, con chỉ muốn có mái tóc vàng và một chiếc mũi to để giống những người khác! Cho dù con không cho rằng mình đẹp trai hơn với mái tóc vàng. Con luôn biết con là con nuôi. Không quá khó để nhận ra điều này, mọi người nhắc nhở con mỗi ngày qua những cái nhìn và bình phẩm hiếu kỳ. Con luôn ghen tị với những đứa trẻ khác trong ngày học “mang những bức ảnh lúc bé tới trường”, và tất cả những gì con có là tấm ảnh buồn bã của con tại trung tâm trẻ mồ côi với bảng tên trước mặt. Con giống như một tù nhân nhí, mặc những bộ đồ ngủ ngớ ngẩn. Nếu mẹ có bất kỳ tấm ảnh nào của con lúc bé, con rất muốn được nhìn thấy nó.

Có một khởi đầu cho con! Trong khi con lớn lên giữa một gia đình tuyệt vời, con phải thừa nhận rằng con không thích cái thực tế mình là con nuôi. Con không thích khi con không biết cha mẹ ruột của mình là ai, con từ đâu đến và tại sao con lại được nhận nuôi. Mãi cho đến một vài năm sau đó, có lẽ lúc con học đại học, con bắt đầu có những tự hào đầu tiên về những di sản Phương Đông (Đông Nam Á) trong con, và cuối cùng con chấp nhận mình là người Việt Nam. Thực tế, mẹ có thể nhận thấy điều này qua cách con quyết định thay đổi tên của con trên giấy tờ pháp lý từ 20 năm trước. Nó được thay đổi thì rất dễ, nhưng siêu khó để mọi người phát âm. Con chỉ nói với họ:“Rất dễ, nó đánh vần như thế nào thì phát âm như vậy!”

Con mất một thời gian dài để chấp nhận mình là con nuôi và là người Việt Nam. Một phần của sự chấp nhận này khiến con muốn đi tìm gốc gác của mình, đặt biệt là cha mẹ đã sinh ra con. Và con bắt đầu đi tìm mẹ.

Có lẽ con đã tìm mẹ từ lâu, ngay trong tim con đây, lâu hơn nhiều so với việc con thừa nhận sự tìm kiếm này. Mẹ là một người rất khó tìm! Và hoàn toàn thành thật, con thực sự không biết chắc con sẽ làm gì khi tìm thấy mẹ. Ý con là con không tìm kiếm để được sống lại những khoảng thời gian đã mất giữa mẹ con mình, hay để có mối quan hệ "bình thường" của mẹ và con trai. Con đoán những gì con hi vọng như là một "tình bạn". Con cũng hy vọng sẽ không quá khó xử khi con gặp mẹ với hàng triệu câu hỏi.

Trong khi con biết con sẽ có nhiều câu hỏi và rất thích nghe câu chuyện của mẹ. Dù vậy, điều quan trọng nhất con muốn chuyển đến mẹ: cuộc đời con đã được xoay chuyển tốt. Mẹ đã làm rất tốt. Dù tình trạng của mẹ lúc đó như thế nào, thì mẹ cũng đã làm những gì mà mẹ thấy tốt nhất cho cả con và mẹ. Con không oán hận mẹ. Không có giận mẹ đâu, mẹ ạ. Con xem việc làm con nuôi như là cơ hội thứ hai để sống một cuộc đời mà mẹ đã muốn con được sống từ khi sinh con ra. Ở đây, con muốn nói với mẹ là con sống tốt và hi vọng 40 năm qua mẹ cũng được bình yên và không phải lo lắng cho con.

Con đã khóc khi con trai của con chào đời. Con khóc không phải chỉ vì niềm vui đón chào đứa con đầu tiên, mà đó còn là niềm vui, lần đầu tiên trong đời con, nhìn thấy một người khác có cùng chung huyết thống với mình. Ngày hôm đó, con đã ngắm con trai con và có thể thấy thằng bé có đôi mắt, đôi môi và cái mũi của con. Và đó là một cảm giác tuyệt diệu. Con nhận ra rằng mối quan hệ ràng buộc giữa cha mẹ và con cái là một tình yêu thuần khiết.

Con không biết cuộc đời của con sẽ như thế nào nếu con ở lại Việt Nam. Tất cả những gì con biết là cuộc sống mà con có ngày hôm nay, và con muốn cảm ơn mẹ đã tham dự vào đó, vì sự tham gia của mẹ đã khởi đầu cho hành trình tuyệt vời đến với cuộc đời này của con. Con hi vọng một ngày nào đó mẹ có thể nhìn thấy con và cũng có những xúc cảm tương tự.

Con trai của mẹ,
David”

[1] Không tính dân Ucraina trong thảm họa Trécnôbưn.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Comment quá hay:

    Ở đâu có chiến tranh thì ở đó có đau khổ chia lìa. Cái giá phải trả cho sự gọi là "thống nhất", nước non liền một giải quá đắt. Đành rằng đó là cộng nghiệp của dân tộc, gieo nhân ác thì gặt quả ác thôi, nhưng muốn từ nhân thành quả phải có duyên hội đủ. Thế thì hoàn toàn vẫn có thể tránh được một cuộc chiến tranh phi nghĩa, huynh đệ tương tàn nếu như chẳng có những kẻ làm "tăng thượng duyên" cho cuộc chiến xảy ra. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương chưa hề lành lặn bởi cái cách mà hàng năm người ta vẫn cào xé cho vết thương thêm rỉ máu. Sức mòn lực mỏng, chẳng thể tự mình "chuyển nghiệp" của cả xã hội, thôi thì mỗi người tự mình tu để chuyển cái nghiệp của bản thân mình trước đã. Thêm một người tu, bớt một phần cộng nghiệp của dân tộc. A Di Đà Phật _()_

    ReplyDelete