Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, June 5, 2015

“Ba năm võ Tầu không bằng một chầu củ đậu”

“Ba ơi bao giờ con được đi học võ?” – một ngày cậu Bôn Ba Nhi Bá về nhà và hỏi câu đó. Ở trường có Câu lạc bộ võ thuật các bạn nô nức tham gia và phong trào không sớm thì muộn, có ảnh hưởng đến ngay ông con trai nhà mình. Các bạn khoe võ phục, rồi đến ngày đến giờ là đi tập hô vang sân trường. Hấp dẫn ra trò ấy chứ đùa à.

Câu trả lời mình cứ nấn ná mãi, nợ ông con đến mấy tuần, vì hắn đang chuẩn bị thi học kỳ. Đến khi bắt đầu vào nghỉ hè, mình mới thực sự bắt tay vào “xử lý vấn đề.” Hôm nay, chúng ta sẽ xem bộ phim “Diệp Vấn,” phần một và tối mai sẽ xem phần hai. Cả hai phần đều do diễn viên Hongkong Chân Tử Đan đóng vai thiên tài võ học Vịnh Xuân quyền Diệp Vấn (1893 – 1972) thày dạy của tài tử Lý Tiểu Long (Bruce Lee.) Và sau khi xem xong, câu chuyện của hai ba con bắt đầu.

“Thế nào, con muốn học võ để làm gì?” “Dạ để cho khỏe người ba ạ.” “Thế còn lý do gì nữa không con?” “Để tự vệ ạ.” “À, chứ không phải như chú bé Lý Tiểu Long bé tí cuối tập hai, học võ để thấy đứa nào ngứa mắt thì đánh cho nó một trận phải không? Tự vệ, là người nào đánh mình, thì mình tránh được đòn của người ta, và nếu cần thì đánh lại người ta…”

Cậu cả bắt đầu ngẫm nghĩ…

“Thế này con nhé. Học võ nếu chỉ để cho khỏe người, thì có nhiều môn thể thao khác đều đem lại sức khỏe cả: con đi bơi, con đi xe đạp… đều khỏe. Do đó đây chắc chắn chưa phải là lý do chính yếu. Học võ để tự vệ… ừ tốt, nhưng là trong trường hợp phải có người nào đánh mình đã chứ? Hiện nay ông bà, ba mẹ đều dạy con yêu quý mọi người [1], và nếu con thực hiện được điều đó, thì con làm sao có kẻ thù muốn đánh con cho được? Con xem phim rồi, cụ Diệp Vấn cực kỳ giỏi, có thể nói là thiên tài võ học, nhưng cụ ấy rất khiêm tốn. Khi lâm nguy còn được học trò khen có thể địch được vài chục người, cụ ấy chỉ nói: “Chạy được rồi hãy nói!” nghĩa là gốc của vấn đề, phải là tránh xung đột, va chạm. Sau đó cụ dạy anh học trò: “Con là nhân tài về võ học, nhưng con chỉ theo đuổi những chiêu thức chân tay, mà không học được những điều quan trọng hơn của võ thuật, đó là “Đạo.” Ai cũng có lúc về già, và do đó không có ai vô địch thiên hạ cả. Có thể chống được 20 người nhưng đến người thứ 21 đánh ta đã là khó hơn rồi… Và chắc chắn đến một ngày nào đó, sẽ có người giỏi hơn ta. Học võ, không phải đâm đầu đi tìm rắc rối…””

“Ba kể cho con nghe, ba cũng học võ từ hồi trẻ. Học võ đầu tiên là phải học các chiêu thức chân tay, nhưng đó là ở mức độ thấp. Học võ quan trọng là phải học được cách luyện “khí” cơ con ạ.” “”Khí” là gì hả ba?” “Là năng lượng bên trong cơ thể. Chỉ khi luyện được cái đó, con mới có sức mạnh và sức khỏe thực sự. Như cụ Diệp Vấn luyện võ đến mức đó, chủ yếu là luyện khí, luyện công; chứ đòn pháp chân tay cụ đã nhuần nhuyễn cả rồi. Đoạn Hồng Sư Phụ bị dính đòn rồi chết trên sàn đấu, bước đầu là mất khí lực, vẫn có thể ra được đòn nhưng không còn lực nữa. Khi người ta đã luyện được khí, thì người ta đã giỏi lắm, nhưng thường với người đi học võ theo phong trào như phần lớn chúng ta hiện nay, chẳng có ai học được cả đâu. Hầu hết là đi học múa may, đấm đá và tập chịu đòn, cho người khác đánh đến mức dạn đòn thôi. Tiếp theo, người ta hay nói “Học võ là học đạo” nhưng ba để ý tìm, người dạy được võ lại dạy được cả đạo ở Việt Nam ta, hiếm lắm.” “Đạo là gì hả ba?” “Là cách sống, là đạo đức sống con ạ. Tầm như con đi học võ, thày chính làm sao dạy được cho con từng li từng tí, mà là các anh thiếu niên lớn hơn con một chút, làm sao ba mẹ yên tâm để các anh ấy dạy “đạo” cho con được? Có phải ai cũng được thọ giáo trực tiếp cụ Diệp Vấn đâu? Ba lại nói tiếp về vụ tự vệ - ngày xưa ba nhỏ xã hội người ta đã có câu “Ba năm võ Tàu không bằng một chầu củ đậu!”[2] Hồi đó, lúc đầu đánh nhau là quân tử, mặt đối mặt, chỉ dùng chân tay. Càng về sau, người ta thường dùng đòn khác, đầu tiên là thêm gạch thêm đá, và bây giờ là dao, kiếm… người ta lại còn đâm sau lưng nhau, không thiếu võ sư đã bị đâm kiểu đó rồi con ạ. Xã hội mà, con phải hiểu là rất nhiều thứ có thể xảy ra. Như cụ Diệp Vấn lên đài thi đấu, đó là thể thao, môn thể thao chiến đấu, người ta thi đấu quân tử. Để đạt được một điều gì đó trong võ học, cần hàng chục năm và đều là những người có tài năng thiên phú cả, mà cả ba với con, đều không phải là những người như thế. Do đó, ba và con cần phải tìm cách tốt nhất – không nói không với học võ, nhưng ba sẽ hướng dẫn con chọn thày, chọn môn võ, chọn phương pháp học tốt nhất, phù hợp nhất, cả với con và với xã hội nữa.”

“Ba mẹ ông bà hiện nay đã trang bị cho con một bài tự vệ tốt nhất, là lòng yêu quý mọi người, biết chia sẻ, không tham lam… như thế đã giúp con tránh được phần lớn hiểm nguy rồi. Con dần cũng sẽ phải học cách tránh, không đẩy mình vào tình thế có thể nguy hiểm, như dẫn bạn gái đi chơi những chỗ quá vắng vẻ… Tự vệ, là để tránh những tai bay vạ gió như người điên loạn trí đánh lung tung, ô tô điên, trâu bò điên… như thế con sẽ cần chơi thể thao để có sức khỏe và học một số thế võ tự vệ, chủ yếu là để thoát ra khỏi tình thế nguy hiểm và thoát thân. Ngay cả trường hợp cần bảo vệ người yếu hơn, đối đầu với hiểm nguy, ba đã từng vài lần lâm vào tình thế đó và đều thoát được, vì ba không chọn phương án đối đầu, mà ba dần dần học dùng lòng yêu thương của mình dành cho người ta, và người ta được mình thuyết phục. Giúp người ta tránh được có hành động xấu, việc làm ác cũng là tạo phúc con ạ. Để có sức khỏe, con có thể học một môn võ rất tốt, là môn Thái Cực quyền, mà bà ngoại con vẫn tập hàng ngày, còn gọi là “Thái Cực trường sinh.” Môn đó có thể luyện được “khí” mà khi nhuần nhuyễn, con đi bài Thái Cực nhanh lên chính là các đòn thế gạt, đỡ… có thể dùng để tự vệ, tránh đòn được.”

Trước mắt thế đã, nói nhiều ong thủ, không có vào…

Trên thực tế, để luyện “khí,” người ta có nhiều cách, tập thiền, tập yoga… đều có thể luyện được. Cũng như vậy, học “đạo” cũng có rất nhiều phương pháp học… Nhiều ông bố bà mẹ cho con đi học võ, cũng chỉ có hai lý do là “sức khỏe và tự vệ” mà chưa hề nghĩ sâu nghĩ xa. Con thì còn nhỏ, thày chẳng dạy được mấy tí, mà mấy cậu choai choai cư xử cục súc dậy là chính. Các cháu được cái dạn đòn, nhưng cũng được truyền luôn cả ham muốn đấm đá người khác, học không đến nơi đến chốn, “đạo” chẳng học được lại học được cái hung hăng, mua thêm kẻ thù…

Gần đây mình có quen trên mạng xã hội một anh, là phóng viên, nhưng là người dạy karate – anh ấy khuyến khích bố hoặc mẹ đi học cùng con, vừa là bạn tập, vừa là người cùng anh ấy truyền cái “đạo” của võ học cho con. Nếu con thích học karate, ba sẽ cho con đến chỗ thày này con ạ, và ba sẽ tập cùng với con.

Xã hội ta bây giờ, đáng sợ nhất là “củ đậu bay” đã ngày càng trở thành “đòn ưa thích…”

[1] Không phải là lấy lòng tất cả mọi người, mà là sự yêu thương. Tôi dùng từ “yêu quý” là để phù hợp với nhận thức của con trai.

[2] “Củ đậu là gì hả ba?” “Hòn gạch nửa ném đi, người ta có tiếng lóng gọi nó là “củ đậu bay” con ạ.”

Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment