Thursday, July 23, 2015

Chuyện tướng chuyện tá

G.K. Zhukov (trái) Bernard Montgomery (Thống chế Quân đội hoàng gia Anh quốc, giữa) và K.K. Rokossovsky (phải). Cổng Brandenburg, Berlin, 5/1945.
Mấy tuần nay cứ lên mạng là đập vào mắt chuyện Bộ trưởng quốc phòng, không quan tâm cũng thành ra là phải quan tâm. Đã thế, ta buôn dưa lê về chuyện… Bộ trưởng quốc phòng.

Cái Bộ quốc phòng ấy mà, dịch nôm ra thì “quốc phòng” “quốc” là nước, “phòng” là phòng ngừa, tức là chức năng của nó là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước. Nhiều nước trên thế giới gọi cái bộ này như thế, thường tiếng Anh là “Ministry of Defense.” Ông Bộ trưởng quốc phòng do đó gọi là “Minister of Defense.” Nhưng cũng có nhiều nước gọi thẳng cái bộ này là “Bộ chiến tranh,” ý là cái bộ lo việc đánh nhau. Lại nhớ đến nước Nhật Bản bao nhiêu lâu không có Bộ quốc phòng, Bộ chiến tranh mà lại có Cục Phòng vệ Nhật Bản mãi cho đến tận năm 2007 mới thành Bộ quốc phòng. Nguyên nhân của chuyện này là Nhật Bản – nước thất trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, bị cấm đưa quân đội ra nước ngoài và phải giải tán quân đội của mình. Mãi đến năm một chín bao nhiêu đó, họ mới lại dần dần được đưa quân đội ra nước ngoài làm các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Thực tế, Cục phòng vệ Nhật Bản nắm trong tay binh lực còn hơn nhiều nước khác có cả Bộ quốc phòng.

Ở Hoa Kỳ thì có Bộ quốc phòng (United States Department of Defense) và Bộ Hải quân Hoa Kỳ (United States Department of the Navy), riêng rẽ nhau, điều đó đủ cho thấy họ coi trọng hải quân và tác chiến trên biển như thế nào. Tách rời lục quân và hải quân, còn có Liên Xô trước đây – ngày 23 tháng Hai là “Ngày Quân đội và Hải quân Liên Xô” và nay là “Ngày bảo vệ Tổ quốc” của Nga, ngày Lễ đàn ông, cứ chiến tranh, đàn ông là nhiều nhất, lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Có đôi điều cần nói về nguyên thủ quốc gia và cơ cấu tổ chức Nhà nước một chút.

Như nước Anh là Quân chủ lập hiến, người đứng đầu Nhà nước hay Nguyên thủ quốc gia là Nữ hoàng Anh. Có mấy ông ngoan ngoãn thần phục Đế chế, như Gia-nã-đại, Tân Tây Lan hay Úc-đại-lợi, vẫn có cái cờ Anh ở trên quốc kỳ, thì chỉ có thủ tướng là người đứng đầu đất nước; nghĩa là về danh nghĩa dân mấy nước này vẫn là thần dân của Nữ hoàng và Nữ hoàng vẫn là Nguyên thủ quốc gia của họ. Là danh nghĩa thế, chứ nếu Tổng thống Hoa Kỳ sang Úc-đại-lợi thì ông Thủ tướng vẫn tiếp đón chứ không nhẽ cái bà già lụ khụ bên Luân-đôn kia phải bay sang đứng chờ trên thảm đỏ à? Mấy anh này vẫn nằm trong cái gọi là Thịnh vượng chung của các quốc gia (tiếng Anh: Commonwealth of Nations, thường gọi là Thịnh vượng chung (trước đây là Thịnh vượng chung Anh - British Commonwealth), là một tổ chức liên chính phủ của 53 quốc gia thành viên hầu hết từng là lãnh thổ của cựu Đế quốc Anh.

Đầu tiên là cái anh “ba chi khươn” Hoa Kỳ oánh nhau với Đế quốc Anh mà giành độc lập, rồi thì cái “Thịnh vượng chung” này cũng rơi rụng dần, như những anh Oman, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hay Miến Điện… chỉ còn mấy anh vừa kể trên đây còn ở lại thôi. Ở những nước này, Thủ tướng là người đứng đầu Nội các (Chính phủ) và đồng thời là người quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước luôn; do đó ta vẫn thấy ông Thủ tướng Anh là nhân vật quan trọng đi họp hành gặp gỡ lung tung là thế.

Nhắc đến Thủ tướng, thì lại có ông Thủ tướng nữa là quan trọng – ông Thủ tướng nước Đức. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Đức không còn Quốc trưởng của Đế chế thứ Ba nữa, mà người đứng đầu Nội các là Thủ tướng. Nguyên thủ quốc gia của Đức là Tổng thống Đức, nhưng vai trò của Tổng thống Đức đúng là người đại diện cho quốc gia Đức, chứ không có nhiều thực quyền vì không đứng đầu Nội các. Do đó ta cũng thấy ông Helmut Kohn, bà Merkel… tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng chứ mấy khi thấy ông Tổng thống Đức.

Nước Pháp thì lại khác, ông Tổng thống vừa đứng đầu Nhà nước (Nguyên thủ quốc gia) vừa đứng đầu Nội các. Ở nhà nước dạng này, ông Thủ tướng mang đúng vai trò của một ông “bộ trưởng to” hay “bộ trưởng thứ nhất” (Prime Minister) là người đứng đầu các bộ trưởng và trở thành người giúp việc cho Tổng thống về mặt quản lý hành chính đối với đất nước về các lĩnh vực chuyên môn. Về quản lý hành chính theo lãnh thổ, là người đứng đầu các tỉnh hay vùng… thì chịu sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống, chứ không phải Thủ tướng. Mô hình này được áp dụng ở nước Nga sau năm 1991 cho đến tận bây giờ.

Quay lại với anh Hoa Kỳ, tất cả quyền lực tập trung vào tay của Tổng thống (việc Lưỡng viện Hoa Kỳ có một đôi chút quyền lực không thể đề cập vào cái bài chém gió sơ sài này được) ông ta vừa là người đứng đầu Nhà nước vừa là người đứng đầu Nội các luôn, bỏ luôn ông Thủ tướng. Vì thế, không có Thủ tướng Hoa Kỳ, các bộ trưởng đều là “thư ký” của Tổng thống về lĩnh vực chuyên môn liên quan hết; do đó các bộ trưởng Hoa Kỳ được gọi là “Secretary” – Bộ trưởng quốc phòng là “United States Secretary of Defense.”

Nhiều nước theo chế độ quản lý hành chính đối với quốc phòng – do đó Bộ trưởng quốc phòng là bộ trưởng dân sự - mục đích là làm đúng chức năng quản lý hành chính Nhà nước đối với lĩnh vực đó, như quản lý phân bổ ngân sách chẳng hạn… Ông này không phải là tướng tá gì cả, do đó trong lực lượng vũ trang của họ có nhiều ông có khi còn quan trọng hơn như Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Hải quân, Tham mưu trưởng liên quân… Mấy ông này mới là mấy ông đánh nhau, ông dân sự kia không phải. Tuy nhiên, ông dân sự kia lại là người đại diện của Tổng thống Hoa Kỳ về mặt chính sách quốc phòng, do đó ông ta lại đi gặp gỡ các người đồng cấp ở nước khác, oách ra phết đấy.

Cách đây 10 năm, hồi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát-xít, Bộ trưởng quốc phòng Nga lúc đó là Sergei Ivanov (từ 2001 đến 2007) mặc thường phục – thời đó nước Nga quay sang chế độ Bộ trưởng quốc phòng dân sự. Kế nhiệm của ông ta là Anatoliy Serdyukov cũng toàn mặc com lê com táo, không mặc quân phục bao giờ. Gần đây Bộ trưởng quốc phòng Nga là Sergey Shoygu hồi đầu cũng mặc đồ dân sự được ít lâu, rồi bỗng dưng lại thấy mặc quân phục, mà không phải cấp tướng, đeo hẳn quân hàm nguyên soái. Xác minh thì hóa ra Nga bỏ cấp Nguyên soái, nhưng Đại tướng không đeo quân hàm bốn sao nhỏ nữa mà đeo luôn ngôi sao to của quân hàm Nguyên soái trước đây. Thú vị thế.

Nhắc đến mấy ông Bộ trưởng quốc phòng Nga, lại phải nói chuyện cứ duyệt binh, thì ông Bộ trưởng là người duyệt binh, người chỉ huy duyệt binh thường là Tư lệnh Quân khu Matxcơva. Nghe ông chỉ huy duyệt binh báo cáo Bộ trưởng quốc phòng “Thưa đồng chí Bộ trưởng” rồi Bộ trưởng lại đi báo cáo Tổng thống “Thưa đồng chí Tổng thống…” mà thấy thú vị. Rồi đến ông Bộ trưởng quốc phòng Nga sang Việt Nam, lại thấy xưng hô “đồng chí” – các bác trên Phây thắc mắc ngay, chắc các bác ấy tưởng họ sang Việt Nam thì họ xưng hô “đồng chí.”

“Đồng chí” là cùng chí hướng, ngày xưa các Đảng viên Quốc dân Đảng thời Nguyễn Thái Học cũng gọi nhau là “đồng chí.” Gọi nhau “ta-va-rít” đã có truyền thống trong quân đội Nga từ trước Cách mạng tháng Mười, những người đồng đội chung chiến hào, cùng phục vụ và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân – đáng gọi là “đồng chí” quá đi chứ. Nhiều bác không thích này không thích nọ, nghe là khó chịu, chứ bản chất nó là hay mà.

Lễ Duyệt binh mừng Chiến thắng 1945 trên Quảng trường Đỏ, Stalin đứng trên lễ đài Lăng Lênin, người duyệt binh là Nguyên soái Zhukov còn người chỉ huy duyệt binh là Nguyên soái Rokossovsky (Ảnh trên.)

Nhắc “phục vụ Tổ quốc” lại nhớ, đọc truyện xem phim Liên Xô ngày xưa, mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, chỉ huy tuyên dương cấp dưới, bao giờ cũng “Cảm ơn vì sự tận tụy hoan thành nhiệm vụ!” thì người được tuyên dương, cảm ơn trả lời đúng điều lệnh của Quân đội và Hải quân Liên Xô: “Chúng tôi phục vụ Liên bang Xô-viết!” Nghe tự hào chưa? Bây giờ nghe lại vẫn thấy thích.

Nói đến quân hàm, thì cũng nhiều chuyện thú vị. Trung Quốc có mười vị Nguyên soái thời chống Nhật rồi nội chiến Quốc – Cộng, sau đó không bao giờ phong quân hàm này nữa. Hiện nay Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc là Thượng tướng (ba sao.) Việt Nam ta thì có hồi có cả Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị mà đeo quân hàm Đại tướng, một ông lão khá già, lụ khụ… hì hì. Còn tướng nhiều sao thì ta có mà đầy… không khéo Quốc hội phải thông qua quân hàm Nguyên soái đến nơi.

Cái quân hàm Nguyên soái này thì thấy tiếng Tây toàn là Marshal cả, nhưng Hán Việt thì còn có từ Thống Chế nữa, nghe cũng hay. Liên Xô ngày xưa sang tiếng ta thì dịch là Nguyên soái, nhưng họ có Nguyên soái của các nước Cộng hòa (thuộc Liên bang Xô-viết,) Nguyên soái các Binh chủng (ví dụ như ông A. Pokryskin 3 lần Anh hùng Liên bang, là Nguyên soái Không quân,) và Nguyên soái Liên Xô. Có hồi ta cứ nhầm lẫn là có Nguyên soái và Đại Nguyên soái. Thực ra quân hàm Đại Nguyên soái là hồi Chiến tranh Vệ quốc người ta định đề xuất Xô-viết Tối cao Liên Xô phong cho duy nhất ông Joseff Stalin, nhưng việc đó chưa đâu vào đâu và gác lại, dừng ở mức… may được cho ông ta bộ quân phục. Đâm ra trên thế giới bây giờ chỉ còn có ông Sergey Shoygu là đeo quân hàm... trông như Nguyên soái (ông này là Đại tướng, có thời làm Bộ trưởng Bộ các tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga.)  

Chuyện phong Anh hùng – ngôi sao Anh hùng Liên bang Xô-viết sau 1991 thay mỗi miếng dạ đỏ ở trên, thành miếng dạ ba màu cờ của Nga. Việt Nam ta sao Anh hùng giống y xì đúc. Sao của “Mẹ Việt Nam Anh hùng” cũng giống y chang luôn, chẳng khác bao nhiêu.

Có hồi, trên thế giới có một nước cực thú vị là không có quân hàm nào cao hơn… Đại tá – nước Libya trong thời kỳ từ 1969 đến 2011. Tại người đứng đầu đất nước là ông Muammar al-Gaddafi sau khi tiến hành đảo chính, tự phong cho mình quân hàm Đại tá và cứ khăng khăng chỉ đeo quân hàm này bất chấp những phàn nàn rằng quân hàm Đại tá hoàn toàn không phù hợp với người thống lĩnh quân sự, làm cho toàn bộ lực lượng vũ trang trong nước không ai dám đeo quân hàm cao hơn…

Nói chán chuyện tây về nói chuyện ta. Hồi bác Bộ trưởng quốc phòng nhà ta đi họp, bao nhiêu ông lên Phây chê là bác ấy mặc quân phục ngồi với bọn thường phục lịch lãm, trông quê mùa quá đi… nhưng họ không rõ chế độ bộ trưởng quốc phòng dân sự của mấy nước kia… vả lại bộ quân phục của ta bây giờ cũng là đẹp chán ra rồi, chứ bộ trước còn xấu nữa. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, mặc đẹp chưng diện làm gì chứ?


Bộ quân phục bây giờ đáp ứng nhu cầu bang giao quốc tế, quân đội cũng phải hòa nhập, không thể mặc mãi cái bộ thõng thẹo nhàu nát cũ mãi được. Hồi một chín chín mấy, Bộ công an Việt Nam thay quân phục mới, thấy cái mũ giống y thời cảnh sát Việt Nam Cộng hòa và thấy giải thích là cho phù hợp xu thế hòa nhập ASEAN, nghe cũng có lý. Hồi đầu thấy bộ vàng cảnh sát giao thông thật là “tôn da” với nước da đen sạm của anh em, tưởng anh em lạc từ bên Lào sang, he he…

Nói tiếp chuyện quân phục, mãi một thời gian dài bộ đội ta mặc cái áo “chiết yêu” – í lộn, thắt eo, có cái đai lưng gọi là “kiểu 82” hay K-82, sỹ quan thì mặc áo blu-dông kiểu áo bay – tất cả là “nhập khẩu” từ Liên Xô về hết. Hơi khác chút, lính Liên Xô mặc áo va-rơi chui đầu, cổ đứng có mấy cúc, của ta thì mở phanh và cúc cài suốt từ trên xuống dưới. (Ảnh 2)

Lại nói chuyện quân phục cảnh sát, có hồi cảnh sát giao thông Hà Nội đội mũ cối ra đường, gì chứ cái mũ này chắc chắn mát hơn mũ kia… buồn cười nhất là chú phóng viên nào đó của Vnexpress đưa tin, nhưng gọi cái mũ kia là mũ “phớt bẹp đầu” (ha ha ha) – cái mũ kê-pi này trong tiếng Việt không có từ, nên cứ gọi là kê-pi thôi. Còn mũ “phớt” lại là cái khác. Gốc của chữ “phớt” (feutre) nghĩa là “dạ” – nên tiếng Việt mới có các từ khác nữa như “đánh phớt” (đánh bóng vật nào đó dùng dạ để chà) hay “bút phớt” (bút dạ)…

Thật ra bàn về quân phục có mà hết ngày – Việt Nam ta người thì còi, người thì béo gầy lung tung, có mà mặc giời. Bây giờ là đẹp lắm rồi, chẳng mong gì hơn. Cũng chẳng quan tâm tướng tá sao vạch gì, chỉ mong anh em chân cứng đá mềm còn bảo vệ Tổ quốc, vậy thôi.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment