Thursday, July 30, 2015

Giàu hay nghèo?

Ngày cuối của chuyến đi xa, mẹ bị ốm – chóng mặt, đau đầu, cứ ăn vào là muốn nôn ra. Ba ba con cứ nhìn mẹ là ái ngại, vì mẹ còn phải vượt vài nghìn cây số nữa mới về đến nhà. Lử lả sau chuyến bay, Hà Nội đón mẹ bằng bầu không khí hầm hập gần 40 độ C, như một cái chảo lửa nóng như rang, khô không khốc. Ai cũng như ai, một đàn cá bị vớt lên cạn, thở còn khó nhọc.

Mẹ chỉ kịp tắm qua, thay quần áo rồi nằm luôn từ tối hôm trước đến hôm sau chưa tỉnh. Hai thùng quần áo to, lại thêm một chậu những quần áo của mẹ loại bắt buộc phải giặt bằng tay nữa…

… còn con trai thì mải mê với bộ Lego mua được ở sân bay, sáng sớm đã loay hoay lắp. Áng chừng lúc mẻ quần áo thứ nhất máy giặt đã xử lý xong, ba gọi anh Bôn Ba Nhi Bá: “Con bỏ đồ chơi đó tí lắp tiếp, lên phơi quần áo cùng ba nào…”

“Đây, ba tháo cho con cái giá phơi đồ nhỏ xuống treo thấp hơn, con lựa những đồ nhỏ nhỏ như quần lót, bít tất, khăn tay… con phơi vào đó, mở cặp ra cặp vào là được. Trước khi phơi con giũ và kéo cho đồ thẳng ra nhé…” “Vâng, lần trước ba hướng dẫn con rồi…” “Những đồ to phơi bằng mắc, con chưa đủ cao để phơi, ba sẽ kiếm cho con cái gậy phơi quần áo để lần sau con sẽ tự phơi được. Bây giờ thì con cứ giúp ba lồng vào mắc và ba sẽ treo lên, như thế sẽ nhanh hơn. Có con giúp, trước mất nửa tiếng phơi một mẻ quần áo, thì nay chỉ mất mười lăm phút thôi con ạ.”

Công nhận đứng phơi quần áo cũng oải ra trò – Hà Nội mới sáng ra đã nóng hầm hập. Chỉ một giờ nữa thôi mà đứng trên này thì là cực hình.

“Con chú ý, những áo T-shirt cổ tròn, thì con đừng lồng cái mắc vào cổ, mà con luồn áo vào dưới, ta phơi kiểu vắt ngang áo qua dây như trước đây vẫn phơi không có mắc áo. Làm như vậy sẽ lâu khô hơn một chút, nhưng nó không bị bai cái cổ áo ra. Áo ướt, nó sẽ nặng hơn và chảy thượt xuống, sợi vải ướt thì liên kết với nhau kém, nên rất dễ bai cổ áo con ạ.” “Bai cổ áo là sao hả ba?” “Là cái cổ áo hình tròn kia, nó sẽ rộng dần ra, mất độ đàn hồi… và thay vì là một hình tròn đẹp đẽ bó lấy cái cổ của con, nay nó biến thành một cái đĩa, khổ cái cái đĩa ấy lại cong queo như những lá bèo… Tất cả quần áo chúng ta nên lộn trái ra, để những đồ bằng sợi bông nó lâu bạc màu, phơi nắng như thế này bạc màu nhanh lắm. Đồng thời lộn trái ra thì những cái túi ở trong mới khô được con ạ, và đều phải giũ thẳng trước khi phơi con nhé.”

Vừa làm vừa nói chuyện, thùng quần áo tí đã phơi xong. “Bây giờ con cho mẻ quần áo mới vào thùng máy giặt, cho nước giặt, nước xả và bấm nút cho nó chạy nhé. Ba sẽ xuống giặt cho mẹ những quần áo phải giặt bằng tay.” (Chuyện này Bôn Ba Nhi Bá biết làm lâu rồi.) “Ơ thế tại sao những quần áo đó không cho vào máy giặt được hả ba?” “Ừ, là vì máy giặt kiểu gì thì nó cũng sẽ giằng xé quần áo rất ghê, mẹ có một số đồ nếu cho vào máy giặt thì rách tan ra ngay, nên phải giặt bằng tay. Hôm nay mẹ ốm, thì đương nhiên ba sẽ giặt giúp mẹ, bình thường mẹ khỏe, ba nhìn thấy mẹ treo riêng một chỗ mà ba tiện thì ba vẫn giặt cho mẹ, con biết sao không?” “Không ba ạ.” “Vì ba là người mồ hôi dầu, nên da rất nhờn, còn ngược lại, mẹ con da rất khô. Nếu mẹ con phải giặt quần áo bằng tay, da sẽ nứt nẻ hết cả ra, thậm chí chảy máu đau lắm, còn tay ba thì chẳng hề hấn gì. Vì thế nên trừ phi ba rất bận, còn thì ba sẽ cố gắng giặt thay cho mẹ con ạ. Tí nữa khi giặt cho mẹ, nhân tiện có chậu nước xà phòng ba sẽ dùng để giặt các ba-lô và va-li nhà mình vừa đi xa về luôn. Làm như vậy vừa tiết kiệm được cả xà-phòng lẫn nước sạch. Hôm nay con có đồ chơi mới, ba để con lắp nốt, lần sau ba sẽ hướng dẫn con giặt ba-lô của con nhé.” “Vâng, thế thì mình phải làm lấy cả ba nhỉ?” “Đúng vậy con ạ, gia đình mình là gia đình lao động, không có người giúp việc nên phải làm lấy cả. Như ba hồi còn trẻ, nhà nghèo không có máy giặt ba cũng toàn giặt quần áo bằng tay đấy.” “Thế bây giờ nhà mình giàu hay nghèo hả ba?...”

Bồi hồi quá… Nhớ hồi còn thanh niên, nhà nghèo, không có máy giặt. Những hôm giá lạnh khoảng 10 độ, đụng vào nước là buốt như dao cắt, không giặt thì không có đồ mặc. May có cái chậu nhôm Liên Xô to, kê lên mấy hòn gạch làm cái kiềng, rồi đun bằng ít giấy vụn ở dưới, nguội lại đun tiếp. Bánh xà-phòng 72% của Liên Xô cứng như gỗ, lạnh là đông lại, mài mãi không ra… Giặt xong chậu quần áo đem ra vòi nước giũ, nước vòi ấm áp chảy ra mà sướng. Thanh niên chơi thể thao, rét đại hàn vẫn tắm được cái nước vòi đó, không phải đun nước nóng chứa vào phích…

“Nhà mình bây giờ không gọi là nghèo, nhưng không giàu con ạ, đại khái là có mức thu nhập trung bình. Thu nhập cao, một năm có thể đi du lịch nước ngoài hai lần, nhưng như nhà mình thì cố gắng lắm, đến bây giờ cả nhà mới được đi lần thứ nhất. Nhưng nhìn ra xung quanh, con thấy có biết bao nhiêu nhà, nhiều bạn trạc tuổi như con, ăn còn không đủ, đi học còn khó khăn không đủ tiền mua sách vở… còn nhiều người nghèo lắm con ạ. Con nhớ ông già ở bến xe bên Singapore không?”

Một buổi tối bên Singapore, lúc đi qua bến xe cả nhà thấy một ông già người Hoa, ngồi cạnh đường và kéo một cái đàn gì, trông như đàn nhị của ta. Ông cụ người gày còm, ăn mặc tươm tất sạch sẽ, mái tóc bạc trắng, lặng lẽ, tiếng đàn của ông ấy cũng buồn buồn, như có điều gì ai oán. Ba móc túi lấy mấy đồng xu Singapore, đưa cho Bôn Ba Nhi Bá: “Con đem biếu cụ.” Bôn Ba Nhi Bá lại gần, để vào trong túi trước mặt cho ông cụ, ông cụ cúi người trong khi tiếp tục kéo đàn…

“Con nhớ chứ ba… ông cụ là người nghèo ba nhỉ…” “Đúng rồi con. Đấy con thấy không, mình sang một đất nước phồn vinh đến như thế, mức sống cao, ăn uống đắt đỏ như vậy, mà vẫn có người nghèo. Người nghèo thì ở đâu cũng có con ạ.”

Câu chuyện với con kết thúc, nhưng với ba, nó còn vương trong đầu ba nhiều suy nghĩ. Ngồi giặt cho mẹ con chậu quần áo, ba vẫn tiếp tục với những điều chưa nói hết được với con. Hồi các con còn bé xíu, mỗi lần giặt cho các con cái tã, rồi cái quần, cái áo nhỏ xíu; sau đó đem phơi… ông bố bà mẹ nào chắc chắn cũng sẽ thấy trào lên trong tim mình, tình yêu thương vô hạn với con cái. Vò từng cái áo của mẹ con cũng vậy… “vợ chồng gắn bó với nhau chỉ đời này thôi, gọi là ăn đời ở kiếp, rồi ai cũng phải sớm muộn chia lìa. Chỉ đời này thôi… nên giành cho nhau sự yêu thương hết lòng, chắc gì mai, kia đã còn cơ hội để mà làm điều đó?”

Đọc thêm bài "Những Ánh Mắt"


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment