Tuesday, July 14, 2015

“Không phải dạng vừa đâu!”

Anh em nhà Bôn Ba Nhi Bá và Bá Ba Nhi Bôn nghỉ hè – thế nào mà vớ được “mợ giáo Huệ” là mẹ của hai anh em cùng sinh hoạt nhóm Kỹ năng sống cùng Nhi Bá, tổ chức một loại hình vừa “trại hè” vừa “vườn trẻ.” “Mợ giáo” nghỉ hè, rộng rãi thời gian hơn, nên chuyển nghề bảo mẫu. Bọn chúng nó đến “trại” được đi bộ chơi trong vườn hoa, chơi các trò chơi ở vườn hoa rồi chơi xếp hình ở trên nhà, lại còn xem cả phim nữa…

Ba chỉ việc “quẳng” hai bạn đến và “mợ giáo” trông luôn đến tận chiều mới quay lại đón, công nhận “mô hình” quá chuẩn. Chiều ba đến đón, thấy chuyện trò rôm rả, rồi ba hỏi “mợ giáo” xem tình hình các bạn nhỏ thế nào… nhìn chung vui vẻ cả. “Mợ giáo” cười rõ khoái chí, nói trong khi anh Nhi Bá nghe mà ngại, mặt đỏ bừng: “Anh Bôn Ba Nhi Bá cũng gớm lắm nhé – biết nói “không phải dạng vừa đâu…” rồi đấy. Tiếp theo là gì nhỉ, Nhi Bá?” Cậu ta tiếp tục đỏ mặt tía tai, không trả lời. “Mợ giáo” cười nói nốt “Nghĩa là phải dạng rộng ra!” Ba cũng phải phì cười…

Hôm sau lúc ngồi ăn sáng xong, ba thì chờ những giọt cà phê cuối cùng nhỏ nốt xuống ly còn con trai thì nghịch iPad, ba mới nói chuyện với con. “Nhi Bá này, cách đây hai tuần, ba đi họp phụ huynh cho con, cô giáo có nói các con bây giờ mới học lớp 4, nhưng đã có những biểu hiện muốn thành người lớn rồi. Có các bạn gái trong lớp đã biết chú ý các bạn trai, thậm chí các bạn trai lớp khác. Lại có hiện tượng các con nói đùa trong lớp những câu như “tư thế sáu chín”…”

Bôn Ba Nhi Bá ngồi thừ người ra.

Ba cậu ta nói tiếp “Hôm sau đi đón con và được nhờ đón luôn cả Danh Khoa ở chỗ liên hoan về, ba cũng nghe hai bạn nói với nhau chuyện “sáu chín” rồi toàn nhắc những cái ti, ngực gì đó… phải không nào?” Cậu cả lí nhí “Vâng ạ.” “Thế con có hiểu những cái các con nói đó, như “dạng rộng ra” hay “sáu chín” là cái gì không đã?” “Con không hiểu lắm ạ.” “Được, để ba giải thích cho con nghe.”

“Con còn nhớ hồi con còn nhỏ, con có hỏi về sự khác nhau giữa cơ thể của con và của em bé gái không? Nào là con thì có chim, còn em bé thì có cái “bím” ấy? Rồi con còn hỏi làm thế nào có trẻ con?” “Dạ con không nhớ lắm ạ.” “Hồi đó ba ví, cái chim của con như cái chìa khóa, còn cái bím của các bạn gái, là cái ổ khóa. Sau này khi con lấy vợ, thì cũng là lúc cơ thể của con phát triển hoàn chỉnh, và con sẽ biết cách dùng cái chìa khóa mở cái ổ khóa, và từ đó có trẻ con. Trẻ con sẽ nằm trong bụng mẹ và khi nào đủ ngày đủ tháng, mẹ sẽ sinh ra em bé. Bây giờ các con đã bắt đầu quan tâm đến những chuyện đó, theo ba thì là tốt, chứ không có gì xấu và cũng không cần thiết phải xấu hổ khi đề cập những chuyện đó. Ví dụ, “dạng rộng ra” hay “sáu chín” đều là những tư thế của cơ thể khi người ta dùng để “mở ổ khóa,” sau này con sẽ hiểu, nó cũng là bình thường như biết bao hoạt động khác của con người. Đến đây con có hiểu không?”

Cậu cả bắt đầu bình tĩnh sau khi ba động viên, hết sợ - rõ ràng là ba cậu ta hoàn toàn không có gì căng thẳng khi nói chuyện này.

“Có điều là, những chuyện đó con nghe người khác nói, rồi có khi họ cười cợt… vì họ nghĩ đến cái khía cạnh khác của chuyện đó – và việc cười cợt như vậy thực ra là không tốt. Bản chất của chuyện đó là không xấu, nếu như nó được tiến hành có tình yêu và trong quan hệ vợ chồng. Chính vì thế, khi các con chỉ học, và nói đùa một cách thiếu ý thức và không hiểu kỹ, các con sẽ dễ dàng bị đánh giá là thiếu giáo dục. Ở tuổi của con tò mò là đúng, và ba có nhiệm vụ phải giải thích cho con hiểu tốt nhất với lứa tuổi, khi con đã hiểu, con cần dừng không quan tâm nhiều đến việc đó nữa, cũng như có ý thức tránh không đùa những câu như vậy, không nên để người khác đánh giá không tốt về con và cả gia đình của con… được không nào?” “Vâng, được ba ạ…”

Thế là, đã bắt đầu những câu chuyện về giới tính rồi đấy. Chắc chắn ba còn phải tìm cơ hội để nói chuyện thêm với con – quan hệ nam nữ là không xấu, nhưng nó phải xuất phát từ tình yêu, và trong gia đình, con trai ạ…


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment