Tuesday, July 21, 2015

Y đức và đạo đức xã hội

Gần đây nhất là câu chuyện của một vị bác sỹ từ chối mổ cho nữ bệnh nhân, chỉ vì cô ấy “trót” tiết lộ mình là người thuộc giới báo chí. Ngay lập tức, truyền thông “vào cuộc” và không thiếu những ý kiến xoay xung quanh vấn đề “y đức.” Người “đánh,” kẻ “bênh” nhưng rõ ràng, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực sát sườn với hầu hết tất cả mọi người trong xã hội, thì sự quan tâm của cộng đồng đối với một sự kiện như thế là rất đáng kể.

Đáng tiếc, mỗi lần như vậy thì ý kiến chỉ trích ngành y tế là chủ yếu, chứ những ý kiến công bằng, khách quan… không có nhiều, có thể nói là rất ít. Thậm chí có những sự việc chỉ liên quan đến những tiêu cực nội bộ thuần túy (như tham ô vật tư chẳng hạn) hoàn toàn không liên quan gì đến bệnh nhân, nhưng truyền thông vẫn đặt vấn đề về… y đức. Thực ra với những trường hợp như vậy, không liên quan gì đến y đức cả, mà nó liên quan đến việc vi phạm chuẩn mực đạo đức chung của xã hội, không riêng gì ngành nào.

Việc phân tích nguyên nhân của những vấn đề của ngành y tế, không phải là mục tiêu của bài viết này, vì nó quá nhiều, và việc đó cũng đã có quá nhiều bài báo và cả trên các mạng xã hội người ta bàn luận. Ở đây, tôi chỉ xin trình bày một đôi điều vẫn còn băn khoăn mỗi khi chứng kiến “bão truyền thông” khi có sự việc tương tự. Có đi đến bệnh viện khám chữa bệnh, thì mới có thông cảm với người bệnh và người nhà bệnh nhân khi mà bệnh viện công nào cũng quá tải, hàng ngàn người xếp hàng lũ lượt, vòng trong, vòng ngoài… Một người lên “tuyến trên” kéo theo ít nhất một người hỗ trợ hoặc đông hơn – và vài người đó thì tay xách nách mang đồ đạc lỉnh kỉnh… vừa thương vừa phát ngốt. Bệnh viện nào cũng đông nghẹt người, từ cổng đến sân, vào sảnh lên hành lang… và cũng kéo theo biết bao những người của giới “cò, kè” hay thậm chí, những người hành nghề lừa đảo, móc túi… Từng ấy con người, từng ấy vấn đề đổ lên đầu ngành y tế. Đó mới chỉ là về hình thức bề ngoài, còn về chuyên môn bên trong, thì tình trạng quá tải ấy gây sức ép lên từng nhân viên y tế, không ai dám nói là họ luôn làm việc với tâm lý thoải mái được.

Và bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân, không phải ai cũng thông thạo ngay tất cả những quy định khám chữa bệnh, chuyện vào bệnh viện có những hành động bối rối, quýnh quáng cũng là bình thường. Thế mới hiểu, “tại sao bác sỹ không cười.” Có muốn cười cũng khó. Và thế là cái tâm lý chuẩn bị đến đối mặt với “bác sỹ cau có” đã được bệnh nhân trang bị sẵn từ ở nhà, lại thêm việc cứ đụng đến bệnh tật người ta cũng đã tính toán xem có “con đường quen biết” nào không để mà còn thuận tiện “phong bì bồi dưỡng…” Ngành y tế vốn dĩ đã có sẵn những vấn đề của mình, càng không thể thoát ra với tâm lý chung của xã hội như vậy.

Quay lại với cô phóng viên bị từ chối mổ - thẳng thắn mà nói thì cái vòng luẩn quẩn đầy mâu thuẫn càng trở nên luẩn quẩn và mâu thuẫn hơn chính là nhờ công lớn của… truyền thông. Cứ có sự việc thì truyền thông không bao giờ tha, như người ta thường gọi là “ném đá” hết sức say mê, có thể nói là độc địa. Nếu chúng ta đặt câu hỏi rằng khi ném những hòn đá độc địa đến mức như thế, có bao giờ người ta nghĩ đến việc, chính mình hay người thân của mình, một ngày sẽ ốm đi viện không?

Vợ tôi là bác sỹ, trước những chuyện như vậy, cô ấy thường nói, vấn đề của ngành y tế thì sẵn có thế rồi, và không chỉ một ngành y tế mà nhiều ngành khác đều có vấn đề, nhưng riêng với y tế giáo dục thì quá sát sườn với xã hội. Tiếc là phần lớn các ý kiến, là người ta “ném đá” với một sự vô ơn.

Có lần nằm viện trong một bệnh viện liên doanh ở Hà Nội, với mức viện phí và giá dịch vụ khám chữa bệnh thuộc loại đắt, có một ông cụ được con trai từ tỉnh khác đến nằm cùng phòng. Anh thanh niên nhất quyết muốn ngủ lại với bố mình trong phòng bệnh, bất chấp giải thích của phía bệnh viện là “ở đây không ủng hộ người nhà bệnh nhân ở lại vì tất cả đã có dịch vụ của bệnh viện cung cấp; bác cần gì chỉ việc bấm chuông sẽ có nhân viên vào ngay lập tức. Nếu anh ở lại thì sẽ tính tiền và anh được mượn ghế để ngồi chứ quy định của bệnh viện không được nằm trên giường bệnh.” Tôi cũng có lên tiếng giải thích thêm, nhưng anh thanh niên không yên tâm, nhất quyết ở lại. Sau một đêm nửa nằm nửa ngồi không ra sao trên cái ghế bệnh viện cho mượn, sáng hôm sau khi nhận được giấy tính tiền của bệnh viện hơn một triệu đồng cho cái ghế và cả việc được ngủ lại trong viện, anh ta chửi ngay trong phòng bệnh và cả hành lang, không tiếc lời “Biết thế ra ngủ ngoài khách sạn cho ngon, còn rẻ bằng mấy… Cái bọn bệnh viện này dã man…” cùng nhiều lời lẽ không tiện kể ra đây. Đó mới là một việc cực đơn giản, còn đã ốm đau đến bệnh viện, thì không biết bao nhiêu việc phức tạp hơn mà kể.

Tôi thấy cô vợ tôi có lý về cái sự “vô ơn” – nhưng còn thiếu. Trước ngành y tế và cả nhiều ngành khác nữa, chúng ta đang có thái độ “vơ đũa cả nắm,” đâu mà chẳng có người thế này, người thế khác. Và có lẽ vấn đề mấu chốt nằm ở sự xuống cấp của cả một nền đạo đức xã hội chứ không phải là chỉ của ngành y tế. Người ta thích nhìn sự việc theo cách của mình, chứ không thích nhìn theo con mắt của người trong cuộc, lại càng không thích nhìn theo cách của người mà mình không thích. Và ngành y tế cùng với giáo dục, đang là hai nạn nhân trực tiếp của hiện tượng tâm lý xã hội đó.

Ai cũng có lúc ốm đau, “sinh lão bệnh tử” là cái lẽ tự nhiên; và cũng không hiếm trường hợp tử vong với những bệnh hết sức bình thường, tưởng như không thể chết được. Chúng tay hãy hiểu rằng, đến với bệnh viện với tâm trạng thoải mái, thông cảm… thì có khi bệnh nặng cũng hóa nhẹ, đáng tử vong có khi chỉ ốm nặng nằm viện lâu lâu. Ngược lại trang bị sẵn tâm lý tiêu cực đến với bệnh viện, riêng tâm lý đó mà bác sỹ quên băng gạc trong bụng, bệnh nhẹ thành tai họa… Tiêu cực của xã hội hiện sẵn có rồi, và trước sau với vận động của mình, xã hội cũng sẽ phải tự giải quyết. Từ phía cá nhân mỗi chúng ta, làm tiêu cực thêm tâm lý của mình không giải quyết được vấn đề gì cả, chỉ làm cho mọi chuyện nghiêm trọng hơn mà thôi.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment