Thursday, October 15, 2015

Cái gì quý hơn vàng?

Buổi chiều chở Bôn Ba Nhi Bá ngoài đường, tự dưng cậu hỏi: “Từ xa xỉ có nghĩa gì hả ba?” Đương nhiên không có từ điển ở ngoài đường, nên ba cậu ta đành tự định nghĩa “xa xỉ là chỉ tính chất của một đồ vật hay một việc phải tốn quá nhiều tiền để có nó mà tác dụng của nó thì không nhiều, thậm chí có cũng không hơn những thứ có giá tiền bình thường khác.”

Buổi tối, con trai thì ngồi học, ba thì ngồi đọc sách bên cạnh. Rất thiếu tập trung, đang làm toán bỗng dưng hỏi: “Vàng có quý không hả ba? Cái gì quý hơn vàng?” “Con học hay là nghĩ linh tinh thế? Con làm nốt cái bài đó đi rồi nói chuyện!” Cậu dẩu mỏ, thở phì phò làm nốt bài tính phân số thập phân.

“Nào, tự dưng sao con lại hỏi ba chuyện đó?” “Là em Chí Cường (Đọc chuyện “Sinh nhật của Chí Cường”) có lần kể cho con nghe, là bố mẹ em đang mua vàng để dành sau này cho em đi du học.” Mình mắt chữ O, mồm chữ Ê ngẩn người ra một lúc. “Ghê nhỉ, tích trữ vàng cơ à? Con biết giá vàng bao nhiêu tiền không?” “Không ạ.” “Đây nhé, một cục bằng từng này” – mình chỉ cái cục tẩy của cậu ta – “nặng khoảng 37 gam gì đó, sẽ có giá ba mươi mấy triệu đồng” “Mua được mấy chục bộ LEGO ba nhỉ!” “Đúng rồi con ạ, mua được mấy chục bộ, như thế là giá của vàng rất đắt và có lẽ, như thế là nó cũng quý đấy. Hai cái nhẫn cưới bé xíu ba mẹ đeo cũng đắt mấy trăm nghìn một cái, là nó được pha với bạc hay bạch kim gì đó ba không biết, cho rẻ bớt đi và cứng hơn, đỡ bị mòn. Vàng nguyên chất thì mềm và dễ mòn lắm.”

Bây giờ thì đến lượt cậu chàng Nhi Bá ngồi ngẩn người ra. Không ngờ cái thứ kim loại màu vàng vàng đó lại đắt đến thế.

“Vậy thì từ chuyện bố mẹ em Chí Cường mua vàng, con thấy tác dụng của vàng là gì nào?” “Để tích trữ ba nhỉ!” “Đúng rồi, để tích trữ con ạ. Giá của nó đắt, nên khi cần bán đi dễ dàng, đổi ra thành tiền tiêu cũng dễ. Vàng là thứ người ta hay tích trữ dành lúc khó khăn, như chiến tranh thì những thứ khác ví dụ nhà cửa… không mang theo được, nhưng vàng là thứ người ta dễ mang theo người nhất. Cũng chính hay mang theo người mà đánh thức lòng tham trong lòng người khác nhất, người ta dễ rình nhau, cướp bóc của nhau, thậm chí giết nhau để lấy vàng. Có những chuyện đi tìm vàng với nhau, chưa tìm được thì đồng cam cộng khổ, tìm được rồi thì giết nhau để chiếm đoạt tất cả. Lòng tham kinh khủng lắm.” “Vâng, xem nhiều phim như thế rồi ba nhỉ!”

“Có một câu chuyện thế này – thời cổ đại có người phụ nữ hành khất bế đứa con nhỏ, đi mãi đến ngày gặp một hang đá có cụ già ngồi ở cửa. Cô ta than vãn vì cuộc sống nghèo đói, cụ già mách: Trong hang có rất nhiều vàng, nhưng cô chỉ có 8 phút để lấy vàng ra mà thôi. Vào hang, người phụ nữ hành khất lóa cả mắt lên, bỏ đứa con xuống và cố vơ cho thật nhiều, rồi chạy ra, định bụng bỏ vàng xuống đất rồi vào bế con ra, nhưng không kịp nữa rồi, cửa hang đóng lại và ông cụ cũng biến mất. Lúc đó cô ta chỉ còn biết gào khóc thảm thiết. Con người sống trong cuộc đời ai cũng vậy, chỉ có khoảng 80 năm thôi, không nên vì những mối lợi mà quên đi mục đích chính của cuộc sống, có nhiều điều quý hơn vàng, hơn của cải nhiều.”

“Xét về công dụng, thì vàng nặng và mềm, bạc thì không quý bằng, nhưng cũng vẫn nặng và mềm nên ít tác dụng. Trong cuộc sống người ta dùng những kim loại khác hữu ích hơn nhiều, như sắt được dùng nhiều nhất, hữu ích nhất. Xe máy, ô tô… dùng rất nhiều sắt.” Mắt mình dừng đúng một câu trong sách đang đọc, cuốn “Dòng đời vô tận” của Hòa thượng Thích Trí Siêu: “Sắt có nhiều trong máu, nhờ sắt mà máu có màu đỏ. Không có sắt, chúng ta sẽ chết, nhưng cơ thể người không cần vàng, vẫn sống bình thường.”

“Hay nhỉ ba nhỉ. Thế vàng ngoài để tích trữ còn để làm gì? Làm nhẫn hả ba?” “Đúng rồi, làm đồ trang sức con ạ. Như cái nhẫn cưới, nó bé xíu. Nhưng có những cái nhẫn to đùng, nhiều người còn đeo cả những cái vòng vàng, dây chuyền… to như cái dây xích ấy. Tất nhiên người thợ vàng họ cũng làm những cái dây đó rỗng cho nhẹ, nhưng nhìn cái dây chuyền vàng to đùng trông cũng rất khiếp. Con ra đường thỉnh thoảng sẽ gặp những cô chú, bác… đeo những đồ trang sức như thế. Người ta có thể gắn lên đó đá quý, kim cương nữa.” “Đeo có đẹp không ba?” “Đẹp hay không thì còn tùy, như ba không thấy đẹp, nhưng những người đeo nó thì họ thấy đẹp. Cái thấy đẹp của họ mang lại từ cảm giác thỏa mãn khi có nhiều tiền, mua được và được đeo lên người một thứ đồ quá đắt tiền, và thường thì được những người cũng thích những thứ đó, cách sống đó, họ khen trầm trồ: “Ôi cái vòng đẹp quá!” – trầm trồ không phải chỉ với cái vòng, mà còn với cái sự giàu có của người đeo vòng nữa…”

“Thế là vàng ít tác dụng thật hả ba?” (Mình định kể những công dụng của vàng trong kỹ thuật, nhưng thôi, vài năm nữa kể chưa muộn) “Nhìn chung là ít con ạ, như chiều nay con hỏi ấy, vàng hay trang sức, cũng là một thứ xa xỉ.” “Vậy thì có cái gì quý hơn vàng hả ba?” “Như trong đám cháy nhà, khi xung quanh đầy khói độc thì cái dây chuyền vàng mấy chục triệu không quý bằng cái mặt nạ phòng độc mấy trăm nghìn. Lúc rơi xuống nước không biết bơi chỉ mong có cái phao, dây chuyền không cứu được người. Đi bộ trên sa mạc chết khát, đeo túi vàng nặng chỉ muốn vứt, thay vào đó là túi nước thì tốt quá. Con người thiếu nước vài ngày là chết, thiếu không khí vài phút là chết, nhưng nước và không khí nó đầy xung quanh nên không quý, cứ quý cái thứ mà cất trong tủ không khác gì hòn sỏi vậy.”

“Thế là vàng không quý ba nhỉ?” “Quý chứ, rất quý chứ con – nó quý trong điều kiện hoàn cảnh nó phát huy được tác dụng. Trên sa mạc không bán được vàng cho ai, nhưng bình thường con có thể bán, lấy tiền tiêu vào việc có ích. Đấy, không khí và nước là rất quý và ngày ngày đang bị hủy hoại, nhưng cũng có những người rất giàu có đã biết nghĩ đến xã hội nên đem tiền của làm từ thiện hoặc những việc rất tốt là giúp ích cho môi trường sống. Lại có những người vẫn đang tham lam, phá hoại môi trường để làm giàu… Cái gì cũng quý, cũng có ích với đúng điều kiện hoàn cảnh con ạ.”

Thôi nghỉ nói chuyện thế đủ rồi, con làm bài tiếp đi!


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment