Monday, October 12, 2015

Liệu Trung Quốc có tham gia không kích tại Syria với Nga?

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 66 năm ngày lập quốc rồi đến 70 năm họ “một mình” chiến thắng phát xít với xung quanh những sự kiện đầy cảm xúc. Hai cuộc gặp của Tổng thống Hoa Kỳ Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin mà từ món ăn của yến tiệc lẫn cử động nâng ly chạm cốc… đều có thể làm đề tài bàn luận của giới truyền thông.

Ngày đầu tháng Mười Quốc khánh Trung Quốc, nhưng tháng này cũng được mở đầu bằng chiến dịch không kích của Lực lượng Không gian Liên Bang Nga vào vùng được họ cho rằng là của Nhà nước Hồi giáo (IS) trên đất Syria. Trước động thái này, Hoa Kỳ mới chỉ có những ý kiến có thể nói là khá dè dặt, chủ yếu tập trung quanh việc xác định mục tiêu không kích của phi cơ Nga có đúng là lực lượng IS hay không, hay chỉ nhằm ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria. Hiện nay Chính phủ của ông Assad chỉ kiểm soát được 20% lãnh thổ đất nước nên những nghi ngờ này là có căn cứ. Ngược lại, chúng ta sẽ không nghi ngờ hiệu quả về đối nội trong chiến dịch này đối với uy tín của Putin – nằm trong chiến lược phục hồi lòng tự hào dân tộc, trước một Phương Tây làm mưa làm gió suốt mấy chục năm từ sau khi Liên Xô tan rã và biên giới phòng thủ chiến lược của nước Nga đã gần trung tâm đất nước hơn bao giờ hết. Một nền kinh tế bị nhiều lao đao sau một năm giá dầu thấp và lệnh trừng phạt, rất cần một hành động dứt khoát để củng cố lòng dân. Hình ảnh những “tráng sỹ Nga” trên bầu trời Syria chẳng nhiều thì ít, đem lại cho dân Nga một niềm tự hào – nước Nga không chỉ có những phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, mà còn có những hành động thực sự và quyết đoán.

Liệu hành động của Nga ở Syria lần này, có ảnh hưởng đến giá dầu thế giới hay không – có thể lắm chứ, được biết ngay trong phiên giao dịch ngày 30/9 (ngày không kích đầu tiên của không quân Nga) giá dầu đã nhích lên. Chưa có chứng cứ nào cho thấy việc không kích này sẽ tác động đến sản lượng dầu của Saudi Arabia sẽ bị cắt giảm, nên mọi chuyện sẽ còn phải cần thời gian để đánh giá. Tuy nhiên nếu Saudi Arabia giảm sản lượng thì lại là câu chuyện bấy lâu nay chúng ta vẫn quan tâm: OPEC “ghì giá” được bao lâu – vì giảm sản lượng đồng nghĩa với mất thị phần và dầu đá phiến Hoa Kỳ lại càng chiếm thế thượng phong. Do đó chỉ mới thể khẳng định rằng, hành động của Nga rất có ý nghĩa về địa chính trị (kể cả đối nội), còn hiệu quả kinh tế thì còn phải chờ thêm nữa mới có thể khẳng định được.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ trong chính bối cảnh đó, nền kinh tế đang trải qua những khó khăn trên thị trường tài chính, chứng khoán; dòng chảy các nhà đầu tư nước ngoài kéo ra khỏi đất nước không có chiều hướng giảm; tình hình nội bộ đất nước tiềm tàng bất ổn với những vụ tấn công ở Tân Cương hay những vụ cháy nổ nhà máy liên tục xảy ra; về kinh tế quốc tế Trung Quốc sau khi từ chối đàm phán TPP, đã gần như tự mình gạt mình ra khỏi cuộc chơi. Năm nay Trung Quốc làm đầu tầu xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank -- AIIB) với cam kết góp đến cả trăm tỉ đô-la, trong điều kiện kinh tế như vậy không biết cố gắng được đến đâu… Không ngoài dự kiến của giới quan sát, khi mà Tổng thống Obama chỉ còn ít thời gian tại vị, nước Mỹ sẽ không dành cho Trung Quốc một chính sách ưu ái hơn, nếu không nói là xiết chặt hơn. Chính Tổng thống Obama khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nói về khả năng tăng cường quan hệ hai nước, nhưng gắn liền với một loạt điều kiện, trong đó có cả những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và tình hình nhân quyền ở Tây Tạng.

Với vị thế đó, liệu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình có cần một hành động đối ngoại mạnh mẽ để cải thiện tình hình? Hãy cũng nhìn lại, Syria đối với Trung Quốc vẫn là một đất nước có mối quan tâm đầy tính lịch sử, vì nó gắn với “Con đường tơ lụa” lừng lẫy một thời trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, và phải chăng nó sẽ gắn với “Con đường tơ lụa thế kỷ 21” của nước Trung Hoa hiện đại? Trong thời gian vừa qua, chính sách của Trung Quốc đối với chính quyền của ông Assad được coi là ủng hộ. Là một thành viên của Hội đồng Bảo an, Trung Quốc nhiều lần cùng Nga phủ quyết những nghị quyết chống lại chính quyền của ông Assad ở Syria. Với Trung Quốc, một “kịch bản Lybia” ở Syria là không mong muốn, ngược lại vì chính họ cũng thường xuyên bị cáo buộc về những vi phạm nhân quyền liên quan đến Tây Tạng và Tân Cương, do đó không dễ mà tỏ thái độ ủng hộ rõ ràng chính quyền cũng bị coi là độc tài của Tổng thống Assad. Có lẽ, họ sẽ chọn phương án “đặt cửa cho cả hai” – cả ông Assad lẫn phe đối lập. Chính vì thế mà Trung Quốc đồng thời cũng chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria (Phương Tây đang cáo buộc chính quyền của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học tàn sát dân chúng) và sẵn sàng hỗ trợ Liên Hiệp quốc trong các hoạt động thanh sát. Trước đây ông Vương Nghị, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã noi: “Một giải pháp chính trị luôn là lựa chọn tốt cho tình hình của Syria.”

Từ năm 1979 đến nay, Trung Quốc không có một cuộc xung đột vũ trang nào đáng kể, đặc biệt không có cơ hội tham chiến bằng không – hải quân; đồng thời khả năng tác chiến điện tử của PLA còn đang là một dấu hỏi lớn. Ước vọng bấy lâu của Hải quân PLA là “sắm” được một cái tầu sân bay phần nào được thỏa mãn bằng hàng không mẫu hạm “Liêu Ninh – CV-16” (“độ” lại từ xác tàu Varyag mua của Ukraine) với những chiếc J-15 trên boong vẫn chưa có cơ hội tham chiến thực sự. Nước Trung Hoa của ông Tập Cận Bình, vẫn chỉ “hung hăng” ở vùng biển giữa họ với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Biển Đông, với Việt Nam; chưa bao giờ có được hành động của một nước “cường quốc hải quân.”


Tham chiến cùng nước Nga ở Syria, Trung Quốc được nhiều thứ. Được cơ hội “cọ xát” cho lực lượng vũ trang, được vị thế trong nước, được sự đảm bảo cho kế hoạch “Con đường tơ lụa” Trung Quốc sẽ có chỗ đứng chân ở Trung Đông… Vì thế mà ngay từ ngày 28/9/2015 trang web của “Nước Nga ngày nay” (Russia Today) dẫn một số trang tin quân sự Israel hay Lebanon, rằng “Liêu Ninh – CV-16” đã vượt qua kênh đào Suez vào Địa Trung Hải, tới bờ biển ngoài khơi thành phố Tartus của Syria và những chiếc J-15 sẵn sàng tham gia cùng không quân Nga không kích. Ngoài những trang tin này, hiện nay chưa có sự xác nhận chính thức bởi các hãng thông tấn lớn – một cái tầu sân bay cỡ đó đi qua kênh đào Suez mà không ai biết thì kể cũng là chuyện kỳ lạ.

Quay lại với Putin và nước Nga – có thể lúc khó khăn về kinh tế và lệnh trừng phạt, tăng cường quan hệ thương mại với nước láng giềng Trung Quốc là tốt và cần thiết, nhưng đó là người láng giềng có lịch sử quan hệ không mấy hay ho, câu chuyện về xung đột biên giới Hắc Long Giang – Amur từ những năm 1960 vẫn còn đó; Lưỡng viện Liên bang Nga thỉnh thoảng lại dấy lên câu hỏi về người nhập cư Trung Quốc đang xâm nhập vùng Viễn Đông… Phên dậu truyền thống của nước Nga vùng Trung Á ngày càng bị Trung Quốc tăng cường hoạt động lôi kéo, gây ảnh hưởng… cũng như những hợp đồng kinh tế “béo bở” được ký giữa hai nước về dầu khí, về xây dựng hạ tầng đến nay cũng chưa đi đến đâu. Hành động quyết đoán của Nga ở Syria, vừa được về địa chính trị, nhưng không chỉ đi trước Phương Tây, mà còn đi trước cả Trung Quốc. Một bước chân chặn vào cái “đầu dây” của “Con đường tơ lụa” mà đầu kia của dây, ông Tập Cận Bình còn chưa nắm được chắc.

Với bối cảnh đó, việc những chiếc J-15 từ “Liêu Ninh – CV-16” có tham chiến hay không, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment