Monday, November 2, 2015

Bộ trưởng hiến tạng, Bộ trưởng đu dây…

Khi Bộ trưởng hiến tạng

Không ai có thể nghi ngờ về nghĩa cử cao đẹp của một người dù chỉ là “bình thường” thôi, nhưng tình nguyện hiến tạng của mình để “thay thế” bộ phận cơ thể bị hỏng, cứu sống của một người khác. Việt Nam với truyền thống phương Đông “chết phải toàn thây” nên việc hiến tạng còn quá xa lạ. Chính vì thế mà mới có con số 26 người đăng ký hiến tạng trong 5 năm qua – quá ít ỏi so với dân số gần 90 triệu của đất nước.

Một vị Bộ trưởng đầu ngành y tế - sát sườn và hiểu quá rõ nhu cầu của việc hiến mô tạng cũng đăng ký hiến tạng của mình, đương nhiên là sẽ gây ra những dư luận nhiều chiều. Thực sự đây là một việc khó, rất khó. Vị Bộ trưởng còn cho hay đã hỏi ý kiến của một vị Hòa thượng cũng là Đại biểu quốc hội về việc này – điều này là đúng đắn vì nước ta vốn có truyền thống Phật giáo từ lâu đời. Nếu xét từ góc độ như vị Bộ trưởng nói, là người theo “duy vật biện chứng” thì việc hiến tạng hay không không còn nhiều ý nghĩa với người đã chết, và có cực nhiều ý nghĩa với người được cứu sống. Điều này cũng đúng với tinh thần của Đạo Phật, là cứu được mạng người phước to như núi. Tuy nhiên với tinh thần của Tịnh độ trong Phật giáo thì thân xác sau khi tắt thở vẫn cần phải được yên tĩnh trong ít nhất 48 giờ, thì không phù hợp với việc hiến tạng cần lấy nội tạng càng sớm càng tốt. Chúng ta sẽ không đi quá sâu vào góc độ này, nhưng rõ ràng điều đó cho chúng ta thấy rào cản xã hội là rất lớn.

Trên thực tế, việc này không chỉ nằm trong quyết định của người có tạng hiến, mà còn nằm trong tay gia quyến của họ nữa – vì rào cản tâm lý còn nằm trong đầu của con cái người vừa nhắm mắt xuôi tay, chắc gì họ đã đồng ý để bệnh viện đưa thân xác cha mẹ đi mà mổ mà xẻ. Chính vì thế mà vị Bộ trưởng tình nguyện hiến tạng, đã như một tấm gương góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội về vấn đề này. Xét từ góc độ nhân bản, xã hội thì đây là một việc làm tốt, một nghĩa cử cao đẹp. Điều mà dư luận sẽ quan tâm chính là việc tình nguyện hiến tạng của một người “bình thường” và của một Bộ trưởng, nhưng nếu bình tĩnh nhìn vào chuyện đó, thì sẽ thấy đó là một tâm lý khá kỳ lạ. Các bộ phận cơ thể của Bộ trưởng thì nào có khác gì của người thường, và tại sao Bộ trưởng lại không có quyền đăng ký hiến tạng như một người bình thường? Chúng ta cần ghi nhận đây là một việc làm tốt, có tác dụng động viên mọi người cùng tham gia, ngõ hầu cứu được nhiều người sống lâu thêm được nhiều năm nữa… và vì họ được sống thêm bởi một nghĩa cử cao đẹp, thì chúng ta hãy cứ tin là họ sẽ sống những ngày tháng tiếp theo thực sự có ý nghĩa, đem lại nhiều ích lợi cho xã hội. Và cũng xin hãy tin rằng vị Bộ trưởng sẽ thiết tha đề xuất tâm nguyện của mình với gia đình, thân quyến để nghĩa cử đó của mình, được thực hiện, chứ không chỉ là lời hứa suông.

Đến chuyện những tấm gương

Cách đây một số năm, tôi có đọc một bài báo về một vị Bộ trưởng, khi làm Bí thư tỉnh ủy đi xe đạp, ăn cơm hộp. Đây cũng là một tấm gương mà tôi tin ông làm như vậy là thật lòng, không màu mè, làm hàng. Về tỉnh lẻ, chỗ làm với chỗ ở không quá xa, xe cộ ít… đi xe đạp vừa tiết kiệm cho ngân sách, vừa lợi về sức khỏe. Nhưng nếu ông đi công tác xuống huyện cách vài chục cây số mà đi xe đạp lại là việc khác, ông sẽ cần thời gian để giải quyết công việc của Đảng bộ chính quyền tỉnh, lại đạp xe nắng mưa, chắc gì đã đảm bảo sức khỏe để công tác. Sự giản dị, phong cách tiết kiệm phải đi đôi với tính phù hợp điều kiện thực tế, chứ nếu để nó thái quá đi, sẽ thành giả tạo.

Lại cách đây vài năm các mạng xã hội người ta bàn ra tán vào về một vị Bộ trưởng đích thân bám dây, leo xuống vực tới hiện trường một vụ tai nạn lật xe khách. Đương nhiên ý kiến cũng lại nhiều chiều, mà lượng ý kiến cho rằng vị Bộ trưởng “biểu diễn, làm hàng” không hề ít. Nếu đọc lại những truyện, ký… về thời con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại thì Bộ trưởng giao thông đu dây, trèo đèo lội suối thời chiến tranh là bình thường, nhưng mấy chục năm gần đây sau đổi mới, rõ ràng chính khách của ta đã được “sa-lông hóa” nhiều lắm. Việc vị Bộ trưởng lần này đích thân xuống tận hiện trường dưới vực từ góc độ tích cực, nó có tác động không nhỏ với bộ máy chính quyền của chúng ta hiện nay vốn đang nổi tiếng về sức ì. Không chỉ một lần mà nhiều hơn một lần, chính vị Bộ trưởng này xuất hiện ở “điểm nóng” với phương châm “quyết tại chỗ” – tôi tin là có tác dụng rất tích cực. Nếu bạn đọc nào tiếp xúc với bộ máy công quyền của chúng ta rồi, đặc biệt ở địa phương thì mới thấy tính trông chờ ỷ lại của bộ máy nó lớn đến cỡ như thế nào. Việc một vị Bộ trưởng dám đến hiện trường, dám quyết, dám chỉ đạo… chắc chắn đem lại cho bộ máy đó một sức sống mới, một cái nhìn mới về cách lãnh đạo cũng rất mới. Cũng tương tự vậy, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cách làm mới của lãnh đạo một tỉnh phía bắc khi xuất hiện trên trang thông tin điện tử của tỉnh với phong cách rất trẻ trung, thân thiện “marketing cho tỉnh.”


Cũng chính vị Bộ trưởng “đu dây” này quyết định sẽ đi xe bus hàng tuần để tới nơi làm việc. Từ đó đến nay, chúng ta không rõ là quyết định này được thực hiện đến đâu, hay là vì trăm công nghìn việc mà kế hoạch đó đã bị gián đoạn đi rồi. Nhắc đến xe bus thì chúng ta lại nhớ đến chuyện một vị Bí thư thành ủy cũng đi xe bus để có thể cảm nhận được “hương vị của giao thông công cộng” thành phố. Báo chí, truyền thông khi đưa tin về sự kiện này thì giật tít “Bí thư thành ủy vi hành…” – ông không vi hành, mà ông đi xe bus với diện mạo của mình, vị Bí thư thành ủy. Không nên chỉ vì số lượng phát hành mà “giật tít” như vậy, làm cho chính việc làm của vị Bí thư mất đi ý nghĩa và làm đề tài cho thị phi. Hay nói đến “vi hành” thì chính vị Bộ trưởng “hiến tạng” cũng đã bất ngờ xuất hiện ở một chợ đầu mối vào sáng sớm tinh mơ để kiểm tra công tác kiếm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Vi hành” gì mà nhà báo còn biết để mà đưa tin – vị Bộ trưởng đang làm đúng chức phận của mình, nó chỉ khác đi so với những biểu hiện “sa-lông hóa” trước đây thôi, xin hãy nhìn nhận đó như những việc làm bình thường, không có gì to tát.

Tuy bình thường, nhưng từ góc độ họ là những lãnh đạo, khi họ đang làm khác đi với những gì cũ kỹ, ì ạch, quan liêu, đem lại cách nhìn mới, cách làm mới, thì là tích cực, và xã hội sẽ cần những hành động làm gương như vậy. Nhưng để những tấm gương nó luôn luôn sáng, thì những hành động đó cần phải được thực hiện thường xuyên. Nói là một chuyện, làm lại là một chuyện khác. Làm lần đầu là một chuyện, và làm được đến cùng lại là một chuyện khác. Làm đến cùng là một chuyện, nhưng đã làm thì phải có hiệu quả, lại là một chuyện khác nữa. Chuyện hiến tạng còn quá xa vời, chưa biết lúc nào thì nó được thực hiện, nhưng từ đó đến nay, vị Bộ trưởng quá bộ đến chợ đầu mối, thăm lò giết mổ được bao nhiêu lần hay vẫn thỉnh thoảng lại có vụ ngộ độc thực phẩm nhập viện vài chục cả trăm người? Từ khi quyết định đến nay, có thống kê, báo cáo nào cho thấy vị Bộ trưởng kia đi xe bus được mấy lần một tuần và thực hiện được bao nhiêu tuần như thế rồi? Vị bộ trưởng “tư lệnh” ngành giao thông, đi xe bus thì trên đường chỉ bớt được một cái ô tô chở ông ấy đi làm – nhưng tác dụng của nó phải nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở chỗ hàng ngày ông nhìn thấy những khiếm khuyết của giao thông đô thị, những khiếm khuyết của phương tiện giao thông công cộng của thành phố, tình trạng kẹt xe, các công trình giao thông dang dở chưa biết bao giờ kịp tiến độ… Hiệu quả nó phải ở chỗ đó, chứ không phải thêm một khách đi xe bus và bớt đi một cái ô tô.

Tất cả chúng ta đều mong những lời nói của các vị Bộ trưởng, sẽ đi đôi với việc làm, những việc đã bắt đầu, sẽ được làm đến cùng và có ý nghĩa thực tiễn. Nhân dân luôn công bằng, những gì họ làm cho dân cho nước dân sẽ không quên, chắc chắn vậy.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment