Tuesday, December 1, 2015

“Vụ SU-24:” Ước mơ của Sa hoàng và cái bẫy NATO giăng sẵn chờ Putin


“Vụ SU-24:” Ước mơ của Sa hoàng và cái bẫy NATO giăng sẵn chờ Putin là đề tựa BBT Soha đặt. Tên ban đầu của bài là “Vụ SU-24:” Khi nào thì Thổ Nhĩ Kỳ khóa eo Bosphorus chặn tàu Nga?

Trong bài “SU-24 là quân mã giúp Nga “chiếu bí” NATO như thế nào?” tôi có nhắc đến việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể khóa eo biển Bosphorus không cho các tàu bè, đặc biệt là tàu chiến của Nga qua lại eo biển này. Những ngày theo dõi quan hệ Nga – Thổ sau khi Thổ bắn hạ máy bay Nga, chúng ta cũng sẽ gặp được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Trong bài viết này tôi sẽ xin trình bày đôi chút từ góc độ lịch sử quan hệ quốc tế và pháp luật quốc tế để chúng ta cùng đi đến một cái nhìn khách quan hơn về tình hình.

Thông thương hàng hải quốc tế phát triển sẽ dẫn tới nhu cầu sử dụng các eo biển – do vị trí địa lý đặc biệt của chúng mà nước nào sở hữu sẽ có những quyền do tự nhiên ban tặng, mà nếu nước đó trở nên lộng quyền thì quyền tự do đi lại trên biển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể kể vào đây là các eo biển Bosphorus và Dardanelles cùng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, eo Malacca thuộc ba nước Malaysia, Indonesia và Singapore, eo Torres giữa một bên là Papua New Guinea và bên kia là Australia… Kênh Suez là kênh đào nhân tạo nhưng có ý nghĩa quan trọng không kém các eo biển chiến lược trên đây. Riêng cặp eo biển Bosphorus và Dardanelles nối giữa Biển Đen với biển Macmara (một biển nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ) và thông ra biển Aegean (trước đây thường gọi là biển Ê-giê theo tiếng Pháp) có vai trò rất quan trọng đối với các nước xung quanh Biển Đen, nhất là các quốc gia chỉ có Biển Đen là biển duy nhất như Rumania, Bulgaria, Ukraine và Georgia.

Lịch sử đã chứng kiến giữa nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có 13 cuộc chiến tranh từ năm 1568 đến 1918, chỉ vì hai nước nằm trên đường tiến của nhau. Đặc biệt nước Nga muốn có đường ra một vùng biển ấm ở phương Nam, buộc phải vượt qua “chốt chặn” Đế chế Ottoman. Những cuộc chiến tranh Hắc hải nổ ra giữa hai nước để giành giật những pháo đài trên bờ biển gần kín này như Sevastopol, Kerch… đều rất dữ dội. Đế chế Nga được đặt nền móng bởi Sa hoàng Pi-e đệ nhất, còn mơ chiếm cả cặp eo biển Bosphorus và Dardanelles nhưng chưa bao giờ thành công. Cuộc xung đột cuối cùng của hai Đế chế chính là Thế chiến thứ nhất, mà sau đó cả hai Đế chế đều sụp đổ. Nước Nga Xô-viết và sau đó là Liên Xô, vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến hai eo biển này; không có nó, nước này chỉ còn có bờ biển phía Bắc dài dằng dặc nhưng đóng băng gần như quanh năm và bờ biển Viễn Đông quá xa xôi.

Eo biển Bosphorus
Đặt nền móng cho Hiệp ước quốc tế đầu tiên về eo biển là một văn kiện bổ sung vào Hiệp ước Lausanne ngày 24/7/1923, mà theo đó trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ là nước trung lập nếu có chiến tranh, quyền đi lại qua hai eo biển trên vẫn đảm bảo tuyệt đối. Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ là tham gia chiến tranh, thì nước này có quyền làm mọi chuyện để ngăn cản địch thủ của mình không đi qua eo biển. Trong thời bình, việc đi lại của các tàu chiến cũng bị giới hạn bởi “trọng tải tối đa” được quy định bởi một “Ủy ban eo biển” và eo biển cần phải được “phi quân sự hóa.” Nội dung rất có lợi cho các quốc gia hàng hải, do đó Liên Xô kịch liệt phản đối hiệp ước. Thổ Nhĩ Kỳ thì đặc biệt không tán thành, chủ yếu do sự lồng ghép vai trò của “Ủy ban eo biển.”

Sau khi tái chiếm được Rhenanie, Thổ Nhĩ Kỳ có một vị thế khác, nên muốn xem xét lại Hiệp ước. Họ đã gửi công hàm cho các nước tham gia ký Hiệp ước cũ, và ngày 22/6/1936 các nước này đã chấp thuận mở hội nghị ở Montreux, bao gồm: Australia, Anh, Bulgaria, Pháp, Nhật, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô và Nam Tư. Italia không tham dự, nhưng sau đó xin gia nhập Công ước. Công ước được ký ngày 20/7/1936, mà sau này sẽ được gọi là “Công ước Montreux” nhằm duy trì nguyên tắc tự do đi lại và giao thông trên biển – không áp dụng với đường hàng không. Trong thời bình, các tàu được tự do đi lại qua eo biển không thu phí và thuế. Trong thời chiến, trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tham chiến thì quyền đi lại của các tàu thương mại qua eo biển vẫn được đảm bảo. Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ là bên tham chiến, việc đi lại bị cấm với tàu bè của các nước có chiến tranh với Thổ và cả những nước đồng minh với kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Công ước đã giải tán “Ủy ban eo biển” và Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tái vũ trang eo biển. Công ước có hiệu lực 20 năm, nhưng các nội dung bổ sung cho điều khoản hiệu lực về thời gian này là nếu không có nước nào có văn bản phản đối sau khi hết thời hạn 20 năm đó, Công ước tự động được gia hạn.

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ giữ trung lập, do đó các tàu chiến của Đức quốc xã vẫn tự do ra vào eo biển và những trận đánh trên biển của Hạm đội Hắc hải chống lại “Kriegsmarine”[1] cũng là những trận hải chiến khốc liệt nhất. Sau chiến tranh, Liên Xô là nước muốn ký kết lại “Công ước Montreux” cũng quyết liệt không kém. Ngày 20/3/1945 – trên thế thắng trước phát-xít Đức, Liên Xô tuyên bố rút khỏi Hiệp ước trung lập và hữu nghị Xô – Thổ được ký ngày 17/12/1935 và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rằng, để ký được một hiệp ước tương tự thì nước này phải trả lại cho Liên Xô những vùng đã chiếm là Kars và Ardahan ở Anatolie vốn bị sáp nhập về Thổ năm 1921 khi các vùng Georgia và Armenia gia nhập Liên Xô; đồng thời phải ký một Hiệp ước mới thay cho “Công ước Montreux” (nhưng lại không đưa các nội dung yêu cầu thảo luận cho Công ước mới) Ngày 2/11/1945, tổng thống Hoa Kỳ Truman cũng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ là các eo biển cần phải được mở cửa thường xuyên hơn với tàu buôn của mọi nước và tàu chiến các nước ven bờ Hắc Hải – Thổ Nhĩ Kỳ và Anh quốc đã chấp nhận nội dung này coi như cơ sở để thảo luận Công ước mới. Liên Xô đã quá cứng rắn – ngày 7/8 và 24/9/1946 họ đã gửi liền hai công hàm, trong đó nêu rõ việc quản lý và phòng thủ hai bên bờ các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ phải được do Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm. Say sưa với chiến thắng, Liên Xô đã muốn thực hiện ước mơ của các Sa hoàng là chiếm được các eo biển này. Tất nhiên đó là những yêu cầu không thể được chấp nhận. Liên Xô càng ép mạnh thì càng đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đang yếu thế, về phía phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nước không tham gia chiến tranh, mà lại trở thành nước nhận viện trợ của Hoa Kỳ và đến năm 1952, nước này chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Và như thế, Công ước mới đã không được ký kết. Thật đáng tiếc, nếu Liên Xô mềm dẻo hơn một chút, có lẽ họ đã giành được cho nước Nga sau này những điều kiện tốt hơn đối với Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Và vì không có nước nào phản đối, nên “Công ước Montreux” tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày hôm nay. Sau khi Liên Xô tan rã, NATO “đông tiến” với một thành viên mới bên bờ Hăc Hải: Bulgaria, điều này đã đem lại cho các tàu chiến của Liên minh quân sự này khả năng vào Hắc Hải và vấp phải sự khó chịu rõ ràng của người Nga.

Các thành viên NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, 
họp bàn về cuộc khủng hoảng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Nhìn lại sự kiện chiếc SU-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ tuần trước và mạch các sự kiện tiếp theo theo, thì chúng ta có hai cách tiếp cận. Cách tiếp cận thứ nhất, là “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám khóa eo biển” vì còn tồn tại “Công ước Montreux.” Nhưng cách tiếp cận thứ hai, là tại sao tổng thống Nga V.Putin lại dù rất tức giận nhưng khá nhanh chóng, ông tuyên bố sẽ không trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng hành động quân sự. Một trong những nguyên tắc của pháp luật quốc tế là “không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế” – chưa biết máy bay Nga có xâm phạm không phận Thổ hay không, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã làm “đúng quy trình” khi cảnh báo Nga vài lần, rồi mới bắn hạ thật, tức là hành động bảo vệ chủ quyền. Còn nếu đáp lại mà Nga tuyên bố dùng hành động quân sự, thì đó không khác thì lời tuyên chiến. Đó chính là “cái cớ” để Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển đối với tàu bè Nga, biến Hạm đội Hắc Hải của Nga trở thành mớ thuyền lá tre đáng thương, đồng thời lực lượng quân sự Nga ở Syria cũng bị cắt rời với “đất mẹ” chỉ còn đường hàng không.

Hóa ra, vụ “SU-24” mới chỉ là “cú mồi” cho một cái bẫy giương lên, và không chỉ có NATO đứng sau làm Thổ Nhĩ Kỳ vững tâm, họ còn chiêu khác nữa. Tỉnh táo, ông Putin đã không sập bẫy. Ông ta thừa hiểu, không có chuyện này thì hiện nay nước Nga cũng đã còn quá ít bạn bè trên trường quốc tế rồi và chắc chắn tình hình không được phép căng thẳng leo thang thêm nữa.     

[1] Hải quân Đức quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến

(Tiêu đề bài do Soha đặt.)

Bài trên Soha tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment