Wednesday, January 13, 2016

Chuyện “Gia Cát cầu phong” hay “Thần linh nổi giận”

Đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” có chuyện Gia Cát Khổng Minh cầu gió đông nổi trong ba ngày, đủ để Chu Du thi hành kế hỏa công phá tan trăm vạn quân Tào lập nên trận Xích Bích lịch sử, từ đó hình thành thế chân vạc Trung Quốc chia ba.

Nếu như trong bản phim truyền hình trước đây chúng ta được xem (Đường Quốc Cường đóng vai Khổng Minh) các nhà làm phim trung thành với truyện của La Quán Trung, để cho Gia Cát Lượng lên đàn cầu phong thật, thì đến thời Ngô Vũ Sâm, ông ta làm phim Xích Bích thể loại điện ảnh nên đã biến sự việc này từ thần bí thành… khoa học.

Đạo làm tướng ngày xưa có hai thể loại, loại hữu dũng vô mưu như Anh Bố, Bành Việt… hay dễ nhận ra nhất là Lã Phụng Tiên (Lã Bố, tích “Phụng Nghi Đình”) hay hữu dũng hữu mưu như Chu Du, tầm lèng mèng hơn nhiều dũng ít mưu như Quan Vân Trường, Triệu Tử Long… Nhưng có thể loại làm tướng, chính xác là tổng tham mưu trưởng kiêm tư lệnh như Khổng Minh, thì phải “trên thông thiên văn dưới tường địa lý, hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh.” Nếu như Hàn Tín chỉ là nhà chiến thuật giải quyết vấn đề cho từng trận đánh thì Gia Cát Lượng là nhà chiến lược, bậc khai quốc công thần.

Xem Xích Bích của Ngô Vũ Sâm, thấy Kim Thành Vũ vai Khổng Minh đứng lườm lườm nhìn lên giời, y như mụ bạn mình làm nghề dự báo thời tiết, mắc bệnh hâm suốt ngày ra ngửa cổ trông thiên, mồm lẩm bẩm. Nghĩa là Ngô Vũ Sâm cũng muốn tiếp cận vấn đề theo cách của “khoa học hiện đại” để cho Khổng Minh cũng chỉ là tay “dự báo viên” mà thôi. (Nhìn mây cuồn cuộn như rồng…)

Nếu theo cách hiểu của khoa học ngày nay, thì tài “thông thiên văn tường địa lý” chính là khả năng xem tướng số (như Phạm Tăng choáng váng khi nhìn tướng Lưu Bang) và khả năng dự báo các hiện tượng thời tiết; họ kết hợp với bùa chú… như của Đạo Giáo bên Tàu hay xài, lại kèm thêm vụ luyện đan của Thái Thượng Lão Quân…

Nếu dừng lại ở đó, với những tiến bộ của khoa học ngày nay, con người sẽ giải thích khả năng “cầu phong, cầu đảo” theo cách của khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học, tức là dựa vào hiểu biết của con người. Tuy nhiên…

… Khi Newton phát hiện ra quả đất và quả táo, một to một bé, rơi vào nhau, thì ông đồng thời cũng phát hiện ra lực hấp dẫn giữa các vật thể. Trường hợp lực hút của trái đất, lực hấp dẫn đó là trọng lực. Lực hấp dẫn nói chung, trọng lực nói riêng tồn tại trong một môi trường gọi là “trường hấp dẫn” và “trọng trường.” Từ thời thượng cổ người ta đã cố đặt cho những cái môi trường kiểu như vậy một khái niệm để hiểu chúng về mặt bản chất, ví dụ như “trường ête,” nhưng tiếc thay, cho đến nay con người vẫn chưa tìm ra được bản chất của chúng như thế nào. Môi trường đó là gì, mà trong nó lực hấp dẫn của vạn vật có thể tác động lên nhau, từ đó tạo nên các hiện tượng như thủy triều, hay bẻ cong không – thời gian? Rõ ràng hiểu biết của con người còn cực kỳ hạn hẹp, dù đã tiến được những bước tiến lớn về nghiên cứu khoa học.

Trong những bài viết trước, mình đã từng viết “Con người luôn luôn bị hạn chế bởi phép đo” – chính vì phép đo của con người bị hạn chế, tức là giác quan của con người cũng chỉ hạn chế vậy thôi, do đó sẽ khó có thể hiểu được những hiện tượng kỳ lạ, mà họ gọi là “siêu nhiên” hay “siêu thực.” Không hiểu được, thì gọi là siêu thực, he he he…

Trừ việc du hành ngược lại quá khứ, thì theo cái nhìn rộng mở của người học Phật, không có gì là không thể xảy ra. Những hiện tượng người bình thường không làm được, nhưng có những người “bất thường” có thể làm được, thì Phật giải thích đó là “thần thông.” Từ đó chúng ta hiểu, chuyện “hô phong hoán vũ” không phải là con người không thể làm được hay một số người đặc biệt có thể thực hiện được. Nôm na chúng ta sẽ hiểu là họ có thể tự tạo ra một năng lượng (nhiều khả năng đó là thể sóng) hoặc vừa tự tạo, vừa lợi dụng năng lượng của trái đất, một số thiên thể thông qua các hiện tượng vật lý mà tác động lên kết quả của gió mưa…

Gần đây có một số “pháp sư” cũng như “nhà khoa học phản biện,” bên thì nói rằng tôi đuổi được mưa (và tương ứng là gọi được mưa đến) còn bên kia cho rằng đó là chuyện nhảm nhí, chém gió vớ vẩn. Mình thì chỉ thấy như thế này này: chẳng cần biết ông có làm được hay chỉ là chém gió, cả hai bên cùng tham gia xây dựng đề án nghiên cứu vài trăm trường hợp, chỗ nào hạn hán thì “đấy, chú hô mưa đê!” chỗ nào lũ lụt thì đuổi mưa đi chỗ khác… Rồi làm một phép thống kê, tỷ lệ thành công bao nhiêu và mỗi trường hợp thành công đến đâu, bao nhiêu phần trăm. Gì thì gì, “thần thông” cũng phải “đọc được ra vị” như Gia Cát Lượng dư lày: “Ngày 20 tháng Một (11) là ngày Giáp Tý, bắt đầu tế gió; đến ngày 22 là ngày Bính Dần là gió im, có được không?” (Hỏi Chu Du.) Chứ như ông nào vẽ ba cái bùa chú quẻ ly quẻ tốn, ba lăng nhăng không giải thích được đuổi như thế nào, cơ chế vận hành ra sao, nhẽ ra nó đã mưa thế này tôi đuổi nó được thế kia…

… còn cái bác phản đối thì thuần túy dựa trên khoa học của con người, mà khoa học thì hạn chế vậy đấy, cũng lẩm cẩm nốt. Đã bị hạn chế, là phải dùng phương pháp thực chứng, hai ông lôi nhau đi mà làm vài trăm cái mà thống kê lại, có thế thôi mà cãi cọ.

Buồn cười nhất là có bác tự xưng là Phật tử lên Facebook xông vào bênh ông đuổi mưa, phang ông phản biện, cho rằng ông làm điều đó là có thể khiến… thần linh nổi giận. Theo Phật học thì thần linh cũng có thể có thần linh thiện và thần linh ác, nôm na mấy cái bác thần linh ác này là “quỷ thần.” Trong một số bài viết trước mình đã viết, theo mình hiểu thì có những thực thể chúng sinh mà con người không giao tiếp và nhận biết được bằng giác quan thông thường, có thể họ sống ở những chiều không gian (“cõi”) khác… và nhiều ít, họ có thể tác động lên chúng ta. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng sự tác động đó nó chắc chắn cũng phải rất đặc biệt, không phải là rình chúng ta đi trên cầu thang dẩy cho một cái ngã lộn xuống nhà gẫy cổ đâu, mà là tác động lên thần kinh tâm lý chẳng hạn, mà đưa đẩy chúng ta đến tai nạn, hoặc những quyết định sai lầm…


Khổng Tử khuyên “Với quỷ thần nên kính chứ không nên gần.” Phật pháp thì trang bị cho chúng ta con đường tu tâm, dưỡng tính… làm cho tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng dần dần, thì “tâm ma” trong chúng ta đầu tiên không “cảm ứng bắt sóng” với những thực thể sóng – hạt “quỷ thần, tà ma” bên ngoài, rồi “Tâm Phật” dần thắng thế. Cứ như vậy mà thực hiện thì sẽ không có quỷ thần tà ma nào hại chúng ta được cả.

Thần linh có thể nổi giận, hoàn toàn có thể xảy ra, và tất cả không nằm ngoài nhân quả, nghiệp báo… của chúng sinh mà tai họa có thể giáng xuống một hay nhiều người. Tu học để giảm cái nghiệp ác, tăng nghiệp thiện là điều duy nhất chúng ta làm được để hóa giải những điều đó, chứ không phải đem “thần linh nổi giận” ra để dọa người khác như bác Phật tử kia đang làm.

Mọi người thấy không, ranh giới chỉ một ly thôi – chúng ta không phủ nhận sạch trơn những gì chúng ta chưa hiểu, nhưng tuyệt đối không dùng thần thông của mình hoặc ai đó thân cận với mình để thủ lợi, ra oai… làm như vậy chính là mê tín. “Chánh tín” trong Phật pháp rất khác với chánh tính của pháp thế gian, pháp thế gian theo duy vật Mác Lê sẽ phủ định sạch trơn những hiện tượng siêu nhiên.

Thế bạn nhé, đã tu học chỉ một con đường, đó là giáo pháp chân chính của Đức Phật, đừng vì hấp dẫn bởi thần thông của người này, hay chứng được cảnh giới nọ kia của bản thân mà sa vào con đường lầm lạc. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật!


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment