Tuesday, February 16, 2016

Mười bảy tháng Hai và dự cảm

Ba mươi bảy năm, tưởng như thời gian đủ xa để xóa nhòa những sự kiện trong quá khứ, nhưng đúng là “nghìn năm bia miệng,” nhân dân không quên.

Có lẽ cú “dạy cho Việt Nam một bài học” này là sự kiện không thể bị tranh cãi. Như cuộc chiến tranh 20 năm cứ một bên thì “chống Mỹ cứu nước” còn bên kia thì chống cộng, những người muốn nhìn nhận khác đi thì đó là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Từ bây giờ mình sẽ gọi nó là cuộc “Chiến tranh 20 năm.”

Hôm trước có bác nào viết bài cho rằng “không thể kỷ niệm ngày 17 tháng Hai” là ngày “nó” đánh “mình” mà phải kỷ niệm ngày quân Trung Quốc rút chạy. Không cần phải chẻ sợi tóc làm đôi làm ba như thế - nhân dân các nước Liên Xô cũ họ vẫn kỷ niệm ngày 22 tháng Sáu, ngày phát xít Đức tấn công Liên Xô bắt đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1418 ngày. Chúng ta cũng cần phải khắc cốt ghi tâm ngày 17 tháng Hai: đó, ngày Trung Quốc đánh Việt Nam, không cần loanh quanh, không cần gọi đó là một cái gì khác.

Năm 2008, chỉ 5 ngày Nga đánh Georgia, mà được gọi là “chiến tranh 5 ngày.” Năm 1967, chỉ 6 ngày đánh nhau giữa người Do Thái và dân Arab mấy nước, mà người ta gọi là cuộc “Chiến tranh 6 ngày.” Cuộc chiến tranh của chúng ta những ba tuần và còn kéo dài dai dẳng gần chục năm sau, cả hai bên chết mấy chục nghìn người, mà gọi là “xung đột biên giới” có được không? Không, không phải gì khác  – nó là CHIẾN TRANH!

Học ở Trung Quốc, chỉ cần vào hiệu sách là cơ man băng đĩa, sách vở về cuộc chiến tranh này. Bao nhiêu năm nay họ vẫn tuyên truyền nhai nhải về nó, về sự “bội bạc” của “tiểu bá Việt Nam,” về chiến thắng huy hoàng của họ trước chúng ta. Khổ cái chúng ta có quá nhiều cái vướng, nào là vướng với ca la thầu và lương khô, với từng viên đạn AK và những chiếc T-59 đã đâm đổ cổng Dinh Độc Lập trong cuộc “Chiến tranh 20 năm.” Ai đó bảo từ 1972 vũ khí Liên Xô đã không còn được dồi dào như trước mà toàn là của Trung Quốc… thì cũng phải thôi. Nên đến nay, cuộc “Chiến tranh biên giới 1979” ai nhớ thì kỷ niệm, Nhà nước không kỷ niệm.


Và mâu thuẫn cứ thế không thể giảm, giữa một bên Nhà nước muốn kỷ niệm theo kiểu của mình, ngược lại, đã chống Trung Quốc thì chống luôn cả Nhà nước. Một đất nước lành mạnh về chính trị thì người dân có thể không đồng ý với chính quyền, thậm chí muốn thay đổi chính phủ, nhưng họ có các thể chế để làm được chuyện đó. Ở ta muốn thay đổi chính quyền, dù chỉ là đụng đến cấp bé nhất là cán bộ phường xã, thì cũng đồng nghĩa với ý định muốn lật đổ chính quyền.

Thực ra đó chính là chỗ yếu của chính quyền ta vậy.

Mùng Năm Tết đi hội Gò Đống Đa, thấy cái xe cứu hỏa đỗ chình ình án ngữ ngay cổng, choán hết 2/3 lối ra vào. Phòng cháy chỉ chiếm 50%, còn lại là sợ… bạo động, chẳng phải gì khác. Chưa bao giờ thấy có sự sợ hãi đến vậy từ chính quyền. Chuẩn bị Đại hội mà cần hơn 5000 quân lính sát khí đằng đằng, vũ khí tận răng… lực lượng vũ trang là của “nhân dân,” từ dân mà ra, vì dân và Tổ quốc mà chiến đấu, sao phải sợ đến vậy?

Nhắc đến Đại hội, lại nhớ thời gian tất cả căng hết cả lên theo dõi tình hình. Dường như tất cả nằm trong một cuộc chiến duy nhất kéo dài đến phút cuối cùng: chống tham nhũng, hay đuổi bằng được con sâu chúa đi chỗ khác. Y như trước, ngày nay là “thắng tham nhũng ta sẽ xây dựng lại gấp 10 ngày nay.” Nhưng trong thời gian xây dựng bằng 10 cái “thời kỳ đồ đá” trước đây thì thế giới xung quanh đã xây dựng gấp 100 lần và mỗi người thì nợ đến 12 “vé”?

… Sâu chúa bị đuổi đi rồi, còn gì nữa?

No comments:

Post a Comment