Thursday, March 17, 2016

“Để ta khắc tên mình trên đời…”

Bữa cơm tối khi thấy ba mở lên một bài hát, con trai hỏi bài hát gì và của ai thì mẹ trả lời ngay: “Của chú Trần Lập đấy con ạ. Chú ấy vừa mất trưa nay. Chú học cùng khối với mẹ ở trường trung học đấy...”

Từ sáng sớm đã có một suy nghĩ ám ảnh, nghĩ về những người trẻ tuổi vì bạo bệnh mà từ giã quá sớm cõi đời này, những người vừa bước vào tuổi 40 – sức khỏe thì vẫn còn, mà đã bắt đầu làm được một điều gì đó cho cuộc đời. Vấn vương, áy náy mãi và viết vài dòng trên Facebook lúc 6h30 phút sáng.


2 giờ chiều nghe tin nhạc sỹ, ca sỹ Trần Lập đã qua đời trước đó một lúc. Lại một người trẻ tuổi đi quá sớm. Nhiều khi rất sợ cái linh cảm của bản thân mình.

“Chú Trần Lập là một người tài năng ba nghĩ là có hạng của Việt Nam, ở trong dòng nhạc rock, vốn là dòng nhạc hiếm hoi ở nước ta.” “Chú ấy sao mà mất hả ba?” “Chú bị ung thư. Chỉ cách đây vài tháng, chú ấy đã cố gắng hát trong một buổi biểu diễn cuối cùng tên là “Đôi bàn tay thắp lửa” và đã quyên góp được nhất nhiều tiền, chú ấy đã trao phần lớn cho Quỹ hỗ trợ các em bé bị ung thư. Chắc là chú ấy biết là chú ấy sẽ không qua khỏi.”

“Bài hát này được dùng trong các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” và có lẽ là bài hát được nhiều người thích nhất, ba cũng thích. Ba thích nghe rock-ballad nên khá thích một số bài hát của Bức Tường.”

“Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời… ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng…”

“Người Việt Nam mình bị ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Nho Giáo Trung Quốc, thích học để đỗ đạt làm quan. Ngày xưa có nhiều quan thanh liêm, có ích cho dân cho nước, nhưng càng ngày càng ít đi, làm quan chỉ để vênh vang với họ hàng, kiếm ích lợi cho bản thân và gia đình mình. Rất nhiều người sống hết cuộc đời mà không viết được tên mình trên đời, thậm chí viết nên bằng sự ô danh, như những người tội phạm. Nhưng rất nhiều người dù ít hay nhiều, đã làm được điều đó.”

Không cần thiết phải viết tên mình bằng những nhát dao khắc trên đá trên đèo Mã Pì Lèng. Càng không cần phải khắc bằng những bài báo thán phục trầm trồ “Ngắm cuộc đời xa hoa của thiếu gia…” Lại càng không cần khắc tên mình bằng đám cưới thật to với dàn xe khủng mấy chục chiếc náo loạn phố núi.


Người ta chỉ cần khắc tên mình bằng lau những giọt mồ hôi cho con khi con sốt, quạt cho con từng nhát quạt khi đêm mất điện. Người ta chỉ cần khắc tên mình bằng từng bước chân đi bán hàng rong để lo cuộc sống cho gia đình và cho con ăn học. Người ta khắc tên mình bằng những câu thơ, những câu văn, những bài hát cho cuộc đời, cho Tổ quốc, cho từng tấc đất ở biên cương, nơi đầu sóng…

Trần Lập khẳng định “ngày đó sẽ không xa xôi, và chúng ta là người chiến thắng.” Bệnh tật đã quật ngã anh, anh không thắng nổi nó, nhưng những gì cuộc đời dành cho anh trong ngày cuối cùng của cuộc đời này, anh đã là người chiến thắng.

Xin tạm biệt!

Hà Nội, 22h00, 17/3/2016

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment