Wednesday, March 30, 2016

Thứ hạnh phúc kỳ lạ

Thụy Sỹ
Từ ngày có cái Facebook của thằng cha Mark Zukerberg cái hay cũng nhiều mà cái dở lũng vô số, mà dở nhiều hơn là hay. Dở nhất là bạ cái gì cũng “lên Phây” chửi.

Năm ngoái, Liên hiệp quốc công bố Việt Nam xếp hạng hạnh phúc thứ 75/158, năm nay đâu như xếp thứ 96. Thế là vô khối bác lên Phây chửi loạn cả lên, “hạnh phúc cái gì dân Việt Nam chứ!” Liệt kê ra một đống: chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tranh nhau vắc-xin, dẩy đổ cổng trường để xin học cho con, cưa bom nổ bùm, tái chế ắc quy cả làng ung thư, công an núp gốc cây vồ người đi đường, côn đồ được chính quyền “nhờ” đánh người đối lập, chỗ nào cũng nghe chuyện bắt cóc trẻ con, cướp bóc ngày càng manh động hơn bao giờ hết, ngoài biển thì mất biển mất đảo khi Nhà nước vẫn chỉ “kịch liệt phản đối” và “cực kỳ quan ngại”…

Thậm chí có dạo ở đâu đó người ta còn xếp hạng người Việt Nam hạnh phúc bậc nhất thế giới.

Hồi đầu mình cũng thấy lạ, không hiểu tại sao lại vậy – nhưng vừa rồi nghe giảng Pháp thoại của Hòa thượng Viên Minh thì mới hiểu rõ tại sao lại như vậy.

Xem danh sách những nước hạnh phúc nhất thì toàn những Đan Mạch với Na Uy, Phần Lan với Canada… dễ hiểu luôn vì đó là những nước người dân có đời sống vật chất đầy đủ, dân thì ít mà năng suất lao động lại cao… đến mức như cái nước Thụy Sỹ đi béng lên chủ nghĩa cộng sản từ năm ngoái bằng cách phát không cho dân một mức lương 54 triệu đồng một tháng.

Càng nghĩ càng khó hiểu, nhỉ?

Ấy đừng kết luận vội – một đất nước phồn vinh bậc nhất như nước Mỹ, tại sao lại thỉnh thoảng có vụ xả súng làm chết mấy chục người một lúc? Tại sao những tên khủng bố đã trở thành công dân một nước Tây Âu rồi, sung sướng thế rồi, mà vẫn đánh bom tự sát?

Vì cái gì cũng có hai mặt của nó. Đất nước phồn vinh, con người được tạo điều kiện phát triển hết mức, nhưng đồng thời cũng được tạo điều kiện để phát triển cái tôi của mình hết mức, chuyện đó tạo nhiều hệ lụy lớn lắm.

Khi cái tôi của chúng ta to quá, chúng ta sẽ thích phán xét. Tất cả những gì mình liệt kê trên đây, là sự phán xét. Chúng ta nói tuồn tuột ra tất cả những cái đó, nhưng chính chúng ta chỉ lúc nữa thôi, vứt toẹt mẩu thuốc lá hút xong xuống vỉa hè.

Điều mình muốn nói, chúng ta thích chửi bới mọi thứ xung quanh, coi như bản thân là trong sạch nhất – chẳng qua chỉ là thấy khó chịu với những thứ mình không thích thôi, còn khi chính chúng ta không trong sạch thì lại được bỏ qua một cách dễ dãi.

Một đất nước có những con người mình ngưỡng mộ phải nói là Nhật Bản. Sau trận động đất sóng thần, người ta vẫn lặng lẽ xếp hàng để lấy nước, không hoảng loạn, không tranh cướp. Đó là ý thức tự trọng ghê gớm của người Nhật – và nó xuất phát từ đâu? Từ truyền thống hay từ giáo dục? Có lẽ cả hai. Mình đọc ở đâu đó, giáo dục của Nhật Bản họ chú trọng dạy cho con người quan tâm phát triển được đời sống nội tâm của bản thân, chứ không chỉ nhồi nhét chữ nghĩa sách vở.

Với người Nhật Bản thì tính hai mặt của vấn đề cũng rất rõ nét. Nếu tìm hiểu về phim ảnh của Nhật Bản sẽ thấy; phim khiêu dâm, bạo lực và kinh dị của Nhật Bản cũng “nặng” hơn của Phương Tây nhiều lần. Bởi vì nền giáo dục đó dạy phát triển tâm, theo hướng Thiền nhiều hơn là dựa vào một Tín ngưỡng mà đưa lên thành quốc đạo. Chính vì thế, một khi con người sa lầy, cái sự sai lầm nó còn nặng nề hơn.

Đến đây, chắc chắn sẽ có những ý kiến đổ lỗi cho sự ngu dân suốt nhiều năm dân Việt Nam phải chịu đựng – ngu cho dễ bị cai trị. Điều này có vẻ đúng, nhưng cũng có phần không đúng trong thời của thế giới phẳng. Nhưng chúng ta cũng sẽ thấy khó hiểu khi ở thời cái gì cũng có trên internet, mà có quá nhiều ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, thậm chí trái ngược nhau. Người thì yêu Putin quá thể, vác bom đi ném vào dân thường Syria cũng coi là anh hùng, người thì biện minh cho những hành động tương tự của nước Mỹ. Mà cùng biết ngoại ngữ như nhau, đọc cùng mạng cáp quang cá mập cắn với nhau.

Nhưng cái nền tảng chung, là người Việt Nam lạc quan, điều này có thể nhìn thấy được. Thực phẩm bẩn cũng ừ thôi, cho qua. Không ăn thì lấy gì ăn? Nhịn thì mai chết đói, ăn thì có khi chục năm nữa chắc gì đã chết. Phụ huynh nhà khác trèo cổng hở? Cần gì, anh mày có cửa chạy, hết mấy chục củ lại chắc ăn, khỏi trèo cổng, đỡ ngượng.

Nền tảng lạc quan và yêu đời đó của người Việt, làm cho chỉ số hạnh phúc của chúng ta lên khá cao là như thế. Thực tế, Liên hiệp quốc người ta xếp hạng có lý của họ, và khá khoa học.

Tại sao nước nghèo như Bhutan, lại là nước người dân hạnh phúc nhất? Lạ nhỉ, giàu có phồn vinh, thì không hạnh phúc bằng? Mình gặp nhiều người Ấn Độ, họ rất vui vẻ sống với cảnh không nhà cửa, vẫn đi làm lương ăn chỉ đủ sống. Nếu phải dân Phương Tây là đi biểu tình rồi. Nếu phải chúng ta chắc gì đã chịu nổi? Nhưng họ biết cách hạnh phúc với cảnh sống đó, vậy thôi.

Đến đây lại có những ì xèo, cho rằng đừng nói thế, nghèo vào viện không tiền nằm đấy mà chờ, còn khuya mới được mổ, rồi lăn ra mà chết.

Đúng, nghèo có cái khổ của nghèo. Nghèo mà rơi vào đất nước Việt Nam đầy vấn đề như của chúng ta, thì chắc chắn còn khổ hơn nữa. Nhưng mà khổ đến mức đó, mà người Việt Nam vẫn sống được một cách ngoan cường và có lẽ, cũng không quá thấy khổ sở được thể hiện trong báo cáo của Liên hiệp quốc, thì thực sự nền tảng lạc quan của người Việt là thực sự cao.

Bhutan
Nền tảng lạc quan đó của người Việt Nam chỉ còn thiếu một yếu tố cực kỳ quan trọng, là sự hiểu biết. Người dân Bhutan họ có một nền tảng là Đạo Phật là quốc đạo, điều đó làm cho người dân thấm nhuần sâu sắc những triết lý của Đạo, hiểu sâu sắc những khía cạnh của cuộc sống. Có được những hiểu biết đó, con người sẽ hiểu được những lẽ tự nhiên của sinh lão bệnh tử, của khổ đau và an lạc, hạnh phúc. Cũng có những điều đó, thì tự dưng con người cũng có ý thức hơn với những người xung quanh, với môi trường sống… cứ từ đó nâng lên mà môi trường thì giữ được trong sạch, con người sống với nhau thân thiện.

Chúng ta nghĩ ra giàu có không phải là tất cả, vì giàu có có vấn đề của giàu có – “người giàu cũng khóc.” Điều chúng ta thiếu, đương nhiên là sự giàu có – nhưng điều cần thiết hơn là sự hiểu biết để có được hạnh phúc một cách an lạc. Cần phải định nghĩa lại hạnh phúc, không nên đồng hóa nó với vật chất.

Từ nền tảng lạc quan đó của người Việt, chúng ta thấy Liên hiệp quốc có lý. Nếu từng người chúng ta hiểu biết hơn để cả nền hiểu biết chung của toàn xã hội được nâng lên như Bhutan, thì chắc chắn dân Việt Nam và dân Bhutan cứ thế xếp nhất nhì về hạnh phúc của thế giới.

Nói thêm, cả Thái Lan và Indonesia thì người dân đều hạnh phúc hơn chúng ta, không phải vì họ giàu có hơn chúng ta nhiều, mà vì họ hiền hậu hơn chúng ta nhiều lắm. Các bạn cứ tiếp xúc đi thì thấy, người Việt Nam du côn hơn nhiều so với họ. Nếu cứ sân hận thế, thì còn tụt hạng nữa.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment