Friday, April 15, 2016

“Nó đi được mình cũng đi được!”

Vụ “tàu hỏa nhường đường cho xe máy” vừa xảy ra ở Quận Hà Đông (Hà Nội) chắc trên toàn thế giới chỉ có Việt Nam có. Không cần viện dẫn Luật giao thông đường bộ ra làm gì, vì ai cũng biết từ xưa đến nay đến các điểm giao cắt thì quyền ưu tiên bao giờ cũng thuộc về tàu hỏa trên đường sắt.

Nếu như lần này ở Hà Đông, người gác chắn không báo tín hiệu dừng tàu, và tàu không dừng kịp thì hậu quả sẽ ra sao – chắc chắn là thảm khốc vì lúc đó còn kẹt hàng chục người và xe máy giữa hai rào chắn. Một khi đã đổ chồng đống lên nhau trong hoảng loạn, khó có thể nói đa số những người trong đó sẽ thoát.

Vụ việc đã qua, không thiếu những người vừa giành được đường của tàu hỏa, sẽ đọc các bài báo về… chính mình, và nhiều khả năng là họ sẽ cười xòa mà cho qua câu chuyện đó – đằng nào thì tàu hỏa cũng đã dừng và chuyện nghiêm trọng chưa xảy ra. Người Việt Nam chúng ta là thế, “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” nên coi thường tất cả.

Khi đi đường chúng ta gặp không hiếm những người cố vượt qua nơi giao cắt khi đèn mới chuyển sang đỏ được vài giây đồng hồ. Vượt qua được, họ sẽ tiết kiệm được vài phút, nên bất chấp tai nạn tiềm tàng, họ vẫn dám đánh liều tính mạng để qua nhanh hơn được một chút. Mở đầu bằng những người như vậy, khi gặp chắn tàu họ sẽ liều mà lách qua khe hẹp, chính họ chứ không phải ai khác châm ngòi cho vụ “tranh đường tàu hỏa.”

Còn lại là hiệu ứng đám đông, khi mà cái tính sốt ruột sợ mất phần của người Việt Nam trỗi dậy, “nó đi được thì mình cũng đi được,” sợ chờ tàu hỏa đi qua thì người đông lắm, lại mất thêm hàng phút đến chục phút nữa mới qua được chỗ này… cầm lòng không đậu tất cả cùng chen qua. Cái khe hẹp nếu vài người đi thì nhanh, nếu nhiều người hơn đi qua đã chậm đi đáng kể, hàng chục người lại điều khiển xe máy, luýnh quýnh trong lúc tàu đang tới vướng vào nhau, chắc chắn sẽ mắc kẹt. Và tất cả sẽ cùng mắc kẹt.

“Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” – chúng ta chỉ nghĩ tiết kiệm được vài phút là “cỗ” mà quên vượt qua mũi đoàn tàu, chính là “lội nước.” Chúng ta thấy người khác vi phạm pháp luật giao thông đường bộ “không làm sao” (không bị phạt, không bị tai nạn) chúng ta sợ thua thiệt nên bất chấp.

Giả sử tai nạn xảy ra – đương nhiên lỗi thuộc về những người đồng thời phải chịu thiệt hại về tài sản (xe máy) và có khi cả mạng sống. Tuy nhiên thực tế không hẳn lúc nào cũng như vậy, vì theo quy định của ngành đường sắt thì người gác chắn phải kéo barie trước khi tàu đến một thời gian khá lâu, có khi vì cả nể mà người này vẫn để một khe hẹp chủ yếu để xe đạp, xe máy và người đi bộ lách qua được. Cách đây khoảng 20 năm đã từng có một vụ tai nạn, hai bố con đi xe máy “được” người gác chắn “cho” lách vào đứng trong chắn ở Cầu Quay bắc qua sông Tam Bạc, Hải Phòng. Xe máy vẫn nổ máy và đứa con nhỏ ngồi trước vặn tay ga, tầu hỏa đè chết cả hai bố con. Lỗi trong trường hợp này phần lớn thuộc về người gác chắn.

Khi đất nước ngày càng văn minh hơn, mỗi khi có thiệt hại dần dần cũng phải xác định rõ ràng lỗi thuộc về ai, để có cách hành xử phù hợp, chứ không phải xe to, nhiều tiền phải đền xe bé. Gần đây đã có nhiều trường hợp hành khách đi máy bay bị phạt lên đến cả trăm triệu vì có hành vi cản trở hoạt động hàng không, uy hiếp an toàn bay như nói đùa có bom trên máy bay, mở cửa máy bay… Nếu như chỗ đường ngang ở Quận Hà Đông có camera và cơ quan chức năng tổ chức “xử phạt nguội” đối với những người “tranh đường tàu hỏa” thì cũng là một hành động cần làm, đáng được hoan nghênh và nó góp phần tái lập công bằng, kỷ cương của một xã hội văn minh.

Chúng ta nói nhiều về những chỉ tiêu phát triển kinh tế, những ước vọng về một xã hội văn minh nhưng chính chúng ta vẫn ngày ngày vi phạm pháp luật ngay từ những việc nhỏ nhất, vẫn hành xử với nhau theo kiểu tranh cướp không ai muốn nhường ai dù chỉ một bước chân, vẫn đầu độc nhau bằng thực phẩm bẩn… thì bao giờ chúng ta “hóa rồng” với “sánh vai các cường quốc” được đây?

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment