Monday, May 30, 2016

Thế giới với “dấu ấn Obama”


Năm 2008 ông Obama đã trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, và đến nay ở thời điểm những tháng cuối cùng trên cương vị Tổng thống của ông, đã đủ để chúng ta nhìn lại những gì ông đem lại cho thế giới.

Từ khi nhậm chức, chính sách của ông Obama có vẻ chú trọng nhiều đến đối nội: ban hành Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư (2009), Đạo luật Giảm thuế và tạo việc làm (2010); ông cũng ký ban hành Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (“Obama Care”); Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng; Đạo luật “Don’t Ask, Don’t Tell Repeal Act” (2010); sang nhiệm kỳ sau ông quan tâm nhiều đến việc kiểm soát vũ khí cá nhân và vấn đề hôn nhân đồng giới…

Về đối ngoại chính sách của Hoa Kỳ thời Obama còn bị cho là “co lại” đến mức quá hiền lành. Với một thế giới ngày càng hỗn loạn hơn, người ta mong muốn ở Hoa Kỳ với vai trò của một siêu cường, cần tham gia tích cực hơn vào các sự kiện nghiêm trọng, có mặt thường xuyên ở các “điểm nóng” trên thế giới đặc biệt về mặt quân sự.

Nhưng chính ông Obama lại rút quân khỏi Iraq (2010) và giảm dần các hoạt động quân sự của lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan vốn được tăng cường vào nhiệm kỳ đầu của ông (2009) cho đến mức quân số còn già nửa vào năm 2014. Chính sách của Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng mạnh đến những hậu thuẫn của NATO trong vụ lật đổ chế độ Gaddafi ở Lybia cuối năm 2011. Cuối năm 2014, ông Obama làm nức lòng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới về tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba, và trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới thăm Cuba kể từ năm 1928 vào tháng 3/2016.

Đầu 2014, Nga sáp nhập Crimea và sau đó bị cáo buộc can dự vào tình hình Đông Ukrainevà vụ máy bay MH.17 và Nga phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Phương Tây.

Cuối năm ngoái Nga tiến hành chiến dịch không kích vào quân IS ở Syria. Người Việt Nam quan tâm đến Nga cũng đã nức lòng khi nghe những thông tin về “Nga không kích vài tuần bằng Mỹ ném bom IS hàng năm…” và trước những chiến công đó của Putin, ông Obama dường như “bình chân như vại,” thậm chí còn ủng hộ những hoạt động quân sự của Nga như một nhân tố tích cực trong cuộc chiến chống IS. Không được bao lâu, chiến dịch không kích của Nga ngừng “đột ngột” và kết quả của nó còn nhiều tranh cãi, cục diện chiến trường Syria chưa có thay đổi gì đặc biệt và quân Chính phủ Bassar Al Assad vẫn chưa thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Và những tuyên bố của ông Obama trước đó “Assad phải ra đi!” vẫn còn nguyên, không có gì suy suyển.

Trong suốt nhiệm kỳ đầu và nửa nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Obama đã phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong nước về những vấn đề kinh tế, xã hội như suy thoái kinh tế (2007 – 2009) hay hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc hơn… Những chính sách phục hồi kinh tế của chính quyền Obama như tăng cường đầu tư cho sản xuất trong nước; các biện pháp bảo vệ môi trường; khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các loại xe tiêu thụ ít nhiên liệu hơn (chương trình “Car Allowance Rebate System” trị giá 3 tỉ USD)… đến cuối năm 2014 đã gặt hái được thành quả. Tháng 12/2014, nền kinh tế Hoa Kỳ được ghi nhận tăng trưởng cao nhất trong 10 năm: trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2014, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng tới 5% - mạnh nhất kể từ quý III/2003 và tăng cao hơn mức ước tính 3,9% được đưa ra ban đầu.

Chính sự phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã làm ảnh hưởng lớn đến bức tranh toàn cảnh chung của thế giới, với những đặc điểm mà chính chúng ta cũng không ngờ tới. Cùng với sự phục hồi này là việc Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản 0,25% - mức tăng đầu tiên kể từ năm 2006 (17/12/2015) giúp Hoa Kỳ duy trì một đồng đôla mạnh và thu hút đầu tư từ toàn thế giới vào nội địa.

Chương trình “Car Allowance Rebate System” là một phần trong sự thay đổi chính sách năng lượng của Hoa Kỳ. Ngoài ra ông Obama cũng ủng hộ nhiệt tình các cuộc đối thoại để đi đến ký kết Hiệp ước Paris 2015 về biến đổi khí hậu toàn cầu (12/12/2015.) Năm 2014 cũng là năm rất đáng nhớ đối với toàn thế giới khi chứng kiến giá dầu mỏ “rơi” với tốc độ kinh ngạc, mất khoảng 60% chỉ trong vòng 9 tháng. Lúc đó thì dư luận mới chú ý đến công nghệ dầu và khí đá phiến sét của Hoa Kỳ.

Dầu mỏ vốn là công cụ để làm khuynh đảo thế giới từ những “ông vua dầu” vùng Trung Đông, có thể làm lao đao nước Mỹ thì nay tình thế đảo ngược. Người ta càng chú ý hơn khi giá dầu rơi được gắn với sự kiện nước Nga của V.Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hứng chịu đòn trừng phạt từ Phương Tây. Tác động kép của một giá dầu giảm thấp cùng lệnh trừng phạt, làm cho nền kinh tế Nga lao đao và túi tiền của Putin lép nhanh trông thấy.

Năm 2014 cũng là năm Mỹ soán ngôi cả Nga lẫn Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất hidro carbon lớn nhất thế giới. Nước Mỹ bắt đầu quá trình bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, và sẽ trở thành nhà xuất khẩu dầu khí “tầm cỡ.” Tương lai chi phí của bán khí hóa lỏng bằng tàu thủy sang Châu Âu sẽ rẻ hơn so với bán khí bằng đường ống. Về lĩnh vực khí đốt, thế giới đang “đơn cực” với ông vua lớn nhất là nước Nga, nay đã trở thành đa cực.

Không chỉ “kế hoạch 3 tỷ đôla” cho ô tô “ăn ít xăng,” Hoa Kỳ sẽ đẩy những nhà sản xuất dầu mỏ thế giới vào khó khăn bằng những chiếc ô tô điện Tesla của mình. Hòa cùng với xu hướng này, lâu nay Châu Âu cũng muốn giảm dần sự phụ thuộc của mình vào năng lượng Nga (xây dựng các trung tâm tiếp nhận LPG và chuyển sang sử dụng năng lượng xanh) và trở nên “nhờn đòn khí đốt của Nga.” Cách đây vài ngày, những người yêu quý môi trường sẽ vui mừng khi nghe tin năng lượng tái tạo đủ đáp ứng nhu cầu điện năng của Đức (15/5.) Dầu mỏ và khí đốt không còn là công cụ chính trị hữu hiệu để đối phó với tình hình quốc tế nữa.

Nhóm nước thứ nhất, những nước chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng hóa thạch mà không chuyển đổi kịp thời, sẽ rất khó khăn vì giá dầu mỏ thế giới còn duy trì ở mức thấp một thời gian dài nữa. Có thể kể các nước nhóm này như Saudi Arabia, Nga, Venezuela…

Lệnh cấm vận với Iran được dỡ bỏ cho phép sự góp mặt trở lại của một đại gia bị bỏ đói lâu ngày vào thị trường dầu mỏ, điều đó chỉ làm khó khăn thêm cho những thương gia lâu năm đang lao đao, đặc biệt là Nga. Đó là chúng ta còn chưa tính đến “tay chơi khát nước” Trung Quốc đang nhòm ngó công nghệ dầu khí đá phiến, mà nước này có trữ lượng lớn nhất thế giới.

Nhóm thứ hai, những nước tiếp tục phụ thuộc năng lượng hóa thạch sẽ đi vào tụt hậu. Nổi bật lên trong số này là Trung Quốc “công xưởng của thế giới” chuyên sản xuất hàng xuất khẩu nhưng với công nghệ không quá cao. Thực tế, nước này vẫn đang thèm khát công nghệ tiên tiến từ cả Nga lẫn Phương Tây ở mọi lĩnh vực. Trung Quốc cũng là nền kinh tế phụ thuộc lớn nhất vào năng lượng hóa thạch, và trong tương lai nếu không chuyển đổi kịp sang hướng thân thiện hơn với môi trường, thì những hệ lụy của nó sẽ quá lớn để khắc phục. Điều này với Trung Quốc hoàn toàn không dễ dàng trong một vài thập kỷ tới – vì hiện nay nền kinh tế Trung Quốc quá lớn. Trước mắt, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như môi trường ô nhiễm nặng nề, sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc.

Nếu như thực sự có một sự đối đầu Mỹ – Nga (Obama – Putin) hay đối đầu Mỹ – Trung thì những gì ông Obama làm trong thời gian tại vị của mình chính là “không đánh mà thắng” vậy.

Từ sự kiện ngày 11/9/2001 chúng ta hiểu, thế giới của thế kỷ 21 không phải đứng trước nguy cơ chiến tranh thế giới giữa các siêu cường, mà là cuộc đối đầu của nhân loại văn minh với chủ nghĩa khủng bố. Từ đó, Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Trung Đông, nhưng dần dần thì chiến lược này có nhiều thay đổi.

Một mỏ khai thác dầu từ đá phiến, Mỹ. 
Ảnh: Expressnews.com/TBKTSG
Nước Mỹ mất 10 năm để truy tìm trùm khủng bố bị cho là đứng sau vụ 11/9 Osama Bin Laden. Vụ tập kích tiêu diệt Bin Laden cho thấy có sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, giảm dần sự có mặt của quân đội ở nước ngoài và thay bằng tăng cường hoạt động tình báo và tập kích bằng lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh. Nhưng thế giới lại xuất hiện một thế lực khủng bố mới mang hình hài của Nhà nước, đó là IS (Nhà nước Hồi giáo) và nhiều chuyên gia đã đánh giá việc hình thành và phát triển của IS một phần do Bin Laden bị tiêu diệt. Thế giới tiếp tục bất ổn trước những cuộc tấn công khủng bố liên tiếp nhắm vào Châu Âu và nhiều nơi khác nữa. Khủng bố không thể bị tiêu diệt bằng tấn công quân sự, mà phải bằng việc xây dựng một thế giới hòa bình và phồn vinh.

Sự thay đổi trong chính sách năng lượng của Hoa Kỳ cũng cho phép nước này không cần có mặt sâu rộng tại điểm nóng “rốn dầu” Trung Đông như trước đây. Cũng chính việc giảm sự có mặt của lực lượng quân sự ở hải ngoại, kết hợp một nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, xã hội phồn vinh… sẽ làm giảm căng thẳng đối đầu giữa một bên là tư tưởng khủng bố cực đoan và một bên là “chủ nghĩa đế quốc bóc lột nguyên nhân của nghèo đói.”

Những gì mà ông Obama đã làm trong hai nhiệm kỳ của mình, dù bị cho là “yếu về đối ngoại,” nhưng chính sự “hòa dịu” đó đã đem lại cho thế giới một bộ mặt mới, rất khác và tôi tin là chính sách này của ông còn có ảnh hưởng đến tương lai: những gì nhân loại mong muốn là hòa bình và một môi trường trong sạch. Ông Obama rất xứng đáng với giải Nobel Hòa bình được trao tặng năm 2009.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây


No comments:

Post a Comment